Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Nguyễn Xuân Nghĩa : Khủng Hoảng Âu Châu và Hy Lạp Rũ Áo

Nguồn dainamax

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA Ngày 120530

Không giải quyết nổi thì Âu Châu lụn bại - hoặc tan rã



 
* AFP photo - Lãnh đạo của Đảng xã hội Hy Lạp Evangelos Venizelos 
phát biểu trước cuộc bầu cử tại quảng trường Syntagma ở Athens ngày 04 tháng 5 năm 2012 *


Từ mấy tuần nay, các thị trường tài chính thế giới đều điên đảo vì những gì xảy ra tại Âu Châu với kịch bản ngày càng hiện thực là Hy Lạp ra khỏi khối tiền tệ thống nhất của 17 quốc gia cùng dùng chung đồng tiền Euro. Vì sao tình hình lại nghiêm trọng đến vậy và hậu quả sẽ là những gì cho kinh tế toàn cầu? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu vụ khủng hoảng này qua phần trao đổi cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Kết quả cứu nguy Hy Lạp  

 

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Đài Á châu Tự do có mục tiêu chính là phục vụ thính giả Á châu, nhưng vụ khủng hoảng Âu châu và nhất là viễn ảnh Hy Lạp có thể sẽ ra khỏi khối Euro đang gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới, kể cả Á châu. Vì vậy, chúng ta sẽ đặc biệt phân tích cho thính giả của chúng ta sự kiện kỳ lạ và đáng ngại này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một hồ sơ rất phức tạp và có nhiều nguyên nhân sâu xa mà vì thời lượng có hạn của chương trình, tôi xin phép chỉ tóm lược vào vài điểm chính thôi, để giành thời giờ phân tích hậu quả. Một hậu quả đếm được là sau cuộc bầu cử mùng sáu tháng Năm tại Hy Lạp với kết quả là một vụ khủng hoảng chính trị thì các thị trường cổ phiếu của cả thế giới đã mất toi ba ngàn tỷ Mỹ kim trong có ba tuần. Mà đây mới chỉ là bước đầu của vụ "Grexit" là cách người ta chơi chữ với tên nước Hy Lạp là "Greece" và "Exit" là đi ra.

Vũ Hoàng: Ông theo dõi chuyện Âu Châu từ lâu và hình như trên diễn đàn này đúng bảy năm về trước ông đề cập tới những khó khăn của việc thống nhất Âu Châu về kinh tế lẫn tiền tệ khi mà qua một cuộc trưng cầu dân ý, dân Pháp và Hà Lan đã bác bỏ dự thảo Hiến pháp Âu châu do một cựu Tổng thống Pháp là trưởng ban soạn thảo vì không muốn bị ràng buộc quá chặt chẽ. Trên nhiều diễn đàn khác ông cũng tỏ vẻ hoài nghi kết quả cứu nguy của các nước Âu Châu. Thưa ông vì sao lại như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ ba năm nay, chúng ta có thể thấy ra một hiện tượng mà tôi xin phép được gọi là "luân vũ trong cõi ảo".

- Bước đầu là sự báo động của thị trường tài chính qua phân lời trái phiếu tăng vọt và cổ phiếu sụt giá làm lãnh đạo Âu châu họp hành khẩn cấp và đạt một thỏa ước tạm khiến các thị trường hứng khởi lên giá.

- Chỉ vài ngày đến vài tuần sau, người ta mới phát giác là những thoả thuận đó với trăm tỷ Euro của cơ chế này hay hai trăm tỷ của cơ chế kia vẫn chẳng giải quyết được vấn đề và một nguy cơ khủng hoảng khác lại ló dạng. Thế là lãnh đạo các nước Âu châu cùng các định chế hữu trách lại họp khẩn với một thoả thuận khác, để lại gây hy vọng rồi tuyệt vọng. Sau ba năm dập dìu nhảy múa nhịp ba như vậy, ngày nay các nước Âu châu bỗng như hết nhạc. Họ chờ đợi trong sự im ắng của viên đạn đại bác vừa bay khỏi nòng trước khi gây ra một tiếng nổ lớn!

Vũ Hoàng: Ông có lối ví von một vụ khủng hoảng như một hoạt cảnh ca nhạc cũ vậy! Nhưng vì sao ông lại chờ đợi một tiếng nổ lớn? Phải chăng vì Hy Lạp có thể ra khỏi khối Euro với hậu quả là những chấn động kinh tế và tài chính toàn cầu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng cái nhân của thảm kịch Âu châu, trong đó có bi kịch Hy Lạp, là sự chủ quan duy ý chí của các nước Âu châu. Họ muốn thống nhất giao dịch thương mại giữa 27 quốc gia, bên trong là thống nhất tiền tệ giữa 17 nước, mà không có cơ chế thống nhất về tài chính công, tức là ngân sách và thuế vụ, của các nước thành viên. Trên cùng là không có cơ chế chính trị với quyền cưỡng hành, là quyền kiểm soát kỷ luật ngân sách của từng nước.

- Đã thế các thành viên còn gây ra nhiều ảo tưởng hai chiều. Thứ nhất là ảo tưởng rằng Liên hiệp Âu châu có cơ chế thống nhất về Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp như một chế độ liên bang mà thật ra mấy cơ chế đỏ chỉ có thế chứ chẳng có quyền. Vì, thứ hai, quốc gia nào cũng vẫn giữ lại cho mình chủ quyền quyết định về chính sách kinh tế tài chính riêng và tìm mối lợi riêng trong sự thống nhất ảo đó mà chẳng sợ bị chế tài. Kết quả là họ vỡ mộng vì đã hết giải pháp, như nhạc đã tắt và hết nhảy múa được nữa khi phải đối diện với thực tế là không thể cứu được Hy Lạp và rằng xứ này sẽ, tự nguyện hay không, rũ áo ra khỏi khối Euro với những hậu quả vô lường.

 

Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro? 


000_Par7116447-250.jpg 


Vũ Hoàng: Ông cho là Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là tuần qua nhiều trung tâm nghiên cứu của các tổ hợp đầu tư đã tính xác suất của kịch bản kinh hãi này là đến 75% chứ không còn là 50-50 như tháng trước. Một hy vọng là từ vụ khủng hoảng hôm mùng sáu, Hy Lạp tổ chức bầu cử bất thường vào ngày 17 tháng tới. Nếu cử tri bầu lên một chính quyền dám lấy quyết định thực tiễn và phần nào chấp hành cam kết giảm chi trong hiệp ước ngân sách Âu châu vào đầu Tháng Ba thì may ra họ có thể đẩy lui kịch bản đó, được ít lâu. Thật ra, câu chuyện còn rắc rối gấp bội và tôi xin giải thích:

- Các nước đều biết tai họa của việc Hy Lạp rũ áo ra đi, tức là sẽ cho đổi tiền để dân chúng dùng lại đồng Drachma cũ thay vì dùng đồng Euro, với những chấn động thê thảm cho người dân. Tai họa ở đây là tương lai của đồng Euro sau đó, vì nước nào sẽ đi hay sẽ ở?

- Nếu muốn tránh kịch bản đó mà các nước lại bảo nhau nhượng bộ và cấp cứu Hy Lạp, tức là hy sinh nữa, thì mấy quốc gia đang mấp mé khủng hoảng ở cái vành ngoài của Âu châu, đa số là các nước miền Nam quanh Địa Trung Hải, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hay Ý... sẽ lại noi gương Hy Lạp, là lại đòi được xoá nợ, chuộc nợ hay đắp vốn để duy trì hệ thống Euro.

- Các nước cốt lõi ở phía Bắc, nhất là Đức, đầu tầu kinh tế của Âu châu và cũng là thành viên đã tung tiền cấp cứu nhiều nhất từ mấy năm qua, có thể chịu đựng được gánh nặng đó không? Nói vắn tắt, Âu châu đang đụng vào bức vách phũ phàng đằng sau ảo tưởng và điều ấy còn kinh hoàng hơn chuyện Hy Lạp đi hay ở.

Vũ Hoàng: Ông trình bày như vậy thì xin hỏi rằng chẳng lẽ ngần ấy nước công nghiệp hoá đã từng chi phối cả thế giới trong nhiều thế kỷ lại bó tay hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi lạc quan nghĩ là trong dài hạn, tức là sau năm bảy năm nữa, thì các nước Âu châu phải tìm ra giải pháp thực tế hơn. Vì nếu không, Âu châu sẽ lụn bại, hoặc tan rã.

- Lụn bại là khi các nước nghèo hoặc mắc nợ nhất sẽ ngả theo hướng giải quyết của Tổng thống Pháp. Đó là tập thể Âu châu cùng nhau bảo đảm gánh nợ của các thành viên trong tình liên đới để nhắm vào mục tiêu tăng trưởng như họ nói. Giải pháp đó duy trì nguyên do của khủng hoảng vì lại dẫn đến việc đẩy lui cải cách và lại vay tiền tăng chi khiến các nước giàu và giữ gìn kỷ luật ngân sách phải lãnh nợ cho các nước cứ bị bội chi mà mắc nợ trong khi tập thể Âu châu lại chẳng có khả năng cưỡng chế về pháp lý và rốt cuộc thì gánh công trái cứ tăng.

- Tan rã là kịch bản còn đáng sợ hơn. Đó là khi các nước ngả theo hướng giải quyết khắt khe của Thủ tướng Đức. Đó là các nước phải chấp nhận khắc khổ và giảm chi trong tinh thần kỷ luật. Khi ấy, người dân của nhiều nước càng bất mãn với dự án thống nhất và dồn phiếu cho các đảng cực hữu đề cao tinh thần quốc gia quá khích. Gần đây, ta thấy tái xuất hiện tinh thần phát xít, chủ trương bài ngoại và kỳ thị di dân ở nhiều nước Âu châu. Trào lưu này có thể làm tan rã cả nền móng của Liên hiệp Âu châu khiến lục địa này sẽ gặp lại quá khứ của xung đột.

- Chúng ta có vài ba năm để xem Âu châu sẽ ngả theo hướng nào hoặc có thể nhân khủng hoảng mà tìm ra một giải pháp hội nhập rốt ráo và thực tế hơn hay không. Trong khi chờ đợi thì mình hãy xét về hậu quả ngắn hạn của vụ Hy Lạp rũ áo hoặc xé chiếu ngồi riêng....

Vũ Hoàng: Thưa vâng, vì dù kinh tế Hy Lạp chỉ có sản lượng bằng 0,4% sản lượng toàn cầu, việc xứ này ra khỏi đồng Euro cũng có những hậu quả lan rộng như ông vừa trình bày. Khi thấy Hy Lạp bị khủng hoảng chính trị sau bầu cử vì không tìm ra giải pháp tài chính, các thị trường chứng khoán toàn cầu đã hãi sợ, tuột giá và mất luôn ba ngàn tỷ đô la trong có ba tuần. Đó là mới chỉ e sợ kịch bản Hy Lạp ra đi, nếu chuyện này trở thành hiện thực thì tình hình sẽ ra sao? Trước tiên, thưa ông là về tình hình Hy Lạp?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:  - Tôi nghĩ là người ta lại nói đến phạm trù hay thành ngữ "Bi kịch Hy Lạp".

- Trên nguyên tắc, khi trở về đồng bạc độc lập thì xứ này có thể phá giá, xoá được một khối nợ và chấp nhận lạm phát cao nhưng nhờ đồng Drachma mất giá mà sẽ có sức cạnh tranh cao hơn. Trong thực tế, cơ chế kinh tế và luật lệ lao động gò bó để duy trì chế độ bao cấp đã khiến xứ này mất sức cạnh tranh từ đầu. Hy Lạp chỉ sản xuất nông nghiệp, có hệ thống hàng hải và nền du lịch hấp dẫn mà vẫn không đủ sống, còn lại là làm gia công là nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu để chế biến và bán ra ngoài.

- Khi kinh tế bị lạm phát và đồng bạc mất giá so với các ngoại tệ khác thì nhập lượng mua vào sẽ tốn hơn nên triệt tiêu lợi thế cạnh tranh. Vì thế, trong ngắn hạn thì Hy Lạp bị lạm phát, thất nghiệp, tư bản tẩu tán ra ngoài, dân chúng biểu tình mà kinh tế thì thiếu nguyên nhiên vật liệu.  Đáng lẽ, khi gia nhập khối Euro 11 năm trước, Hy Lạp có cơ hội cải tổ để nâng sức cạnh tranh mà họ không làm và cứ tiêu thụ quá khả năng rồi trả bằng giấy nợ. Bây giờ họ sẽ mất nhiều năm khắc khổ để ra khỏi khó khăn và đổ lỗi cho xứ khác thì chẳng là giải pháp.

 

Châu Âu ứng phó ra sao

 

000_Par6858938-250.jpg 


Vũ Hoàng: Thưa ông, ngoài Hy Lạp thì các nước khác sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trên đại thể, khi Hy Lạp bước ra thì niềm tin vào lợi thế của thống nhất tiền tệ sẽ sụp đổ và nhiều nước có thể cũng ra đi. Khi nghĩ vậy thì ai cũng phải thủ thân và rút tiền khỏi ngân hàng thậm chí ra khỏi lãnh thổ như ta đã thấy tại Hy Lạp từ tháng trước. Vài xứ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Ireland có thể vỡ nợ, ngân hàng phá sản và dòng tín dụng bị cạn. Âu châu sẽ bị khủng hoảng ngân hàng, đồng Euro mất giá và kinh tế Âu châu bị suy trầm.

- Khi kinh tế Âu châu suy trầm, các quốc gia bạn hàng của 500 triệu dân Âu châu mất thị trường và kinh tế xứ khác bị vạ lây, có thể với tỷ lệ bảy phần mười. Giả dụ như nếu sản lượng Âu châu mà sụt 1% thì các nước khác sụt theo 0,7%. Tổ hợp ngân hàng ING tính rằng vụ Hy Lạp ra đi sẽ làm sản lượng khối Euro sụt mất hai điểm bách phân, giả dụ như đáng lẽ tăng 4% thì chỉ còn 2%. Nhưng nếu khối Euro tan rã thì hậu quả sẽ là mất 12 điểm trong hai năm tới. Còn tổ hợp BofA Merrill Lynch dự báo là khối Euro mất 4% của Tổng sản lượng và kinh tế bị suy thoái.

- Quốc gia nào mà xuất khẩu nhiều vào Âu châu như Trung Quốc hay Việt Nam thì dù có ở xa và chẳng giao dịch bằng đồng Euro vẫn bị hiệu ứng tai hại. Lý do là Euro sẽ càng mất giá làm đồng tiền của họ lên giá và khó bán hơn vào một thị trường đã co cụm. Trong khi ấy, ta đều thấy là các nước này hiện tăng trưởng thấp hơn trước. Khi nạn suy trầm lại lan rộng ra toàn cầu thì hậu quả là dầu thô sẽ sụt giá nặng làm các nước bán dầu lại bị thiệt vì thất thâu, thí dụ  như Liên bang Nga cũng bị ngược gió. Nói chung là hậu quả sẽ lây lan rất xa và tai hại rất sâu.

Vũ Hoàng: Đó là bức tranh toàn cảnh của kịch bản Hy Lạp ra đi. Các chính quyền Âu châu ở giữa mắt bão thì sẽ phải ứng phó thế nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Người ta dự đoán là các ngân hàng trung ương và chính quyền Âu châu phải khoanh vùng cách ly để mối họa Hy Lạp khỏi lan qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, thậm chí các nước buôn bán, đầu tư hoặc tài trợ quá nhiều vào Hy Lạp. Đó là các nước Đông Âu như Bulgari, Rumani, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Tiệp.... Sau hiệp ước ngân sách hồi Tháng Ba, các nước Âu châu cùng Ngân hàng Trung ương Âu châu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chuẩn bị một ngàn tỷ Euro để cấp cứu. Bây giờ, họ cần thêm một ngàn tỷ nữa để riêng đối phó với vụ Hy Lạp ra đi và có khi một ngân khoản tương đương để cấp cứu các nước khác. Tình hình sẽ là hãi hùng.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối, thưa ông là về phương pháp, làm sao người ta có thể ước đoán ra những hậu quả này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chỉ có thể giản lược hoá bằng một thí dụ. Đó là giới kinh tế, tài chính và ngân hàng phải vẽ được một đồ biểu về "lưu trình giao dịch hàng hóa và tiền bạc", trong đó họ xác định là ai mua ai bán của ai, ai vay của ai hoặc đầu tư vào đâu. Như một mạng lưới có cả trăm nút kết, với từng thông số là các thống kê về ngoại thương, tài chính, đầu tư hay tín dụng tức là vay mượn. Khi một nước này bị sút giảm như một nút kết bị bung thì người ta tính ra hậu quả lan rộng cho cả mạng lưới, với xác suất cao hay thấp nhờ các yếu tố gia trọng.

- Cái khó là phải có thông tin và thống kê trung thực thì mới dự đoán được cho chính xác. Mà đấy cũng là một vấn đề của Âu châu và riêng Hy Lạp khi họ đưa ra thống kê sai lạc ngay từ đầu để hưởng lợi thế thống nhất tiền tệ mà chẳng chịu trách nhiệm về kỷ luật chi thu.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét