Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Đoang Trang : VÀ QUYỀN LỰC THỨ TƯ (phần 4): LẶN LỘI THƯƠNG TRƯỜNG

Nguồn haydanhthoigian

Nói về doanh nghiệp Việt Nam, lâu nay vẫn có hai luồng ý kiến, với đầy những sáo ngữ: Một bên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam "làm ăn cẩu thả", "chụp giật", "chạy theo lợi nhuận bất chấp chữ tín và đạo đức kinh doanh", thêm một sáo ngữ khá phổ biến là "tư duy ngắn hạn". Bên kia, trái lại, quy hết tất cả những thất bại của doanh nghiệp Việt Nam cho hai chữ "thể chế" hay "cơ chế", nói ngắn gọn là đổ lỗi cho Nhà nước với tư cách các cơ quan quản lý.

Với tôi thì cả hai nhận định trên đều có phần thiên lệch. riêng những sáo ngữ đi kèm thì thật là… quá sáo, nhàm chán đến mức không còn gây được ấn tượng gì tới người đọc, người nghe. Một trong những mẫu câu sáo mòn mà tôi không ưa nhất là: "Thôi, thời buổi kinh tế thị trường mà, kinh tế thị trường nó thế. Đạo đức xuống cấp, lợi nhuận lên ngôi". Đây là thứ quan niệm không đổ tội cho doanh nghiệp, cũng không đổ cho Nhà nước, thay vì thế, quy lỗi cho một khái niệm trừu tượng mà chắc chắn người phát ngôn ra câu ấy không hiểu gì về bản chất của nó: kinh tế thị trường.

Lối kinh doanh chụp giật vốn đặc thù ở những xã hội chậm phát triển, nơi mọi người đều bị dồn vào thế "đói đầu gối phải bò", hoặc trong những nền kinh tế đang thời kỳ chuyển đổi, ở đó ai nấy đều đang khao khát thoát khỏi nghèo đói, làm giàu cho mau, mà hệ thống pháp luật thì còn nhiều điều bất cập.

Nói như vậy để khẳng định rằng cách hành xử không đàng hoàng, lừa đảo, gian lận không phải là "độc quyền" hay "tố chất bẩm sinh" của người làm kinh doanh xứ ta. Mọi nền kinh tế chuyển đổi, như nước Nga giai đoạn cải cách, Đông âu thời kỳ mới mở cửa, đều từng chứng kiến sự hỗn loạn khi người người, nhà nhà bung ra làm kinh doanh, mà các yếu tố cần thiết cho một nền kinh tế thị trường đều chưa có.

Giai đoạn tranh tối tranh sáng quả là thời điểm lý tưởng để những phần tử cơ hội "cướp bóc" của dân chúng và xã hội. Một ví dụ phổ biến ở nhiều nước thời kỳ chuyển đổi, dĩ nhiên kể cả Việt Nam, là việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo cái cách chuyển toàn bộ tài sản của Nhà nước (xuất phát từ tiền thuế của dân) vào túi riêng của một số cá nhân. Hành động đó là gì nếu không phải là sự cướp đoạt trên quy mô lớn? Doanh nghiệp lớn ăn lớn thì doanh nghiệp nhỏ cũng ăn nhỏ: làm hàng giả hàng nhái, bán thực phẩm kém chất lượng, rút ruột công trình, trốn thuế, quịt nợ v.v.

Khi đất nước còn trong chế độ kế hoạch hóa tập trung, thương mại, thị trường, khối kinh tế tư nhân bị triệt tiêu. Dễ hiểu là sau một thời gian dài bị kìm kẹp như thế, khi được tự do hóa, các cá nhân, tập thể làm kinh doanh khó tránh khỏi tâm lý "vơ vét", cốt sao kiếm thật nhiều lợi nhuận mà bất chấp tất cả, nhất là khi không có sự kiểm soát hữu hiệu của luật pháp.

Ngoài nguyên nhân "lịch sử", cũng còn yếu tố khác khiến doanh nhân Việt trở thành "xấu xí", mà yếu tố này chỉ đến nay mới bộc lộ rõ. Đó là môi trường chính sách không thuận lợi, không ủng hộ, nâng đỡ cho người làm kinh doanh. Cụ thể, những chính sách thay đổi liên tục và giật cục, thậm chí nhiều khi mâu thuẫn nhau, khiến doanh nghiệp, doanh nhân trở tay không kịp. Đơn cử như chuyện giá năng lượng tăng không có lộ trình, hay chuyện đột ngột cấm mặt hàng này, hạn chế lĩnh vực kinh doanh kia, làm doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân, rất khó có cái nhìn dài hạn. Tính cơ hội của doanh nghiệp nảy sinh từ đó, nó chẳng qua là cách nói khác của sự chụp giật, tham lam, ngắn hạn.

Thế nên, nói cho đúng, theo tôi phải là trách nhiệm thuộc về cả hai bên: Nhà nước và doanh nghiệp.

 ***

Hoa kiều với nền kinh tế Việt Nam

Khi nói về những khả năng đặc biệt của người Hoa trong kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng đặc điểm nổi bật ở người Hoa là tinh thần trọng thương mại, họ không chê một ngành nghề nào là nhỏ hay thấp kém. Họ chỉ coi việc kinh doanh là quan trọng, và trong kinh doanh thì sẵn sàng làm bất cứ việc gì ra lợi nhuận, rất cần cù và thực dụng. Về vai trò của cộng đồng gốc Hoa với nền kinh tế Việt Nam thì còn nhiều điều để ngỏ vì chưa được nghiên cứu, nhưng cũng có ý kiến nhận định rằng đó là những người đã khai sinh ra khái niệm "chợ trời".

Thời điểm Trung Quốc bắt đầu cải cách kinh tế (năm 1978) cũng là thời điểm quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng, và điều đó ảnh hưởng xấu tới cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. Thay vì được hưởng một cơ hội, lợi ích nào đó từ công cuộc mở cửa của quê hương, họ lại gặp nhiều vấn đề với chính quyền sở tại, chẳng hạn sa vào cuộc cải tạo tư sản mại bản, vốn đã bắt đầu từ sau khi thống nhất đất nước, năm 1975. Như tác giả Đặng phong viết trong cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam: chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 – 1989", 92 người cả Việt và Hoa bị coi là "tư sản mại bản đầu sỏ" đã bị bắt và tịch thu tài sản trong đợt một của chiến dịch cải tạo, bắt đầu vào đêm mồng 9 tháng 9 năm 1975. Trong số này, có những thương nhân gốc Hoa nổi tiếng giàu có, thế lực ở miền Nam trước năm 1975 như "vua lúa gạo" Mã Hỷ, "vua vải vóc" Lưu Tú Dân…

Công cuộc cải tạo công thương nghiệp cùng với các chính sách kinh tế đóng cửa, kế hoạch hóa tập trung đã đẩy lùi sản xuất, ngăn chặn thị trường phát triển. Kinh tế Việt Nam sa vào khủng hoảng, đời sống nhân dân rất khó khăn. Thế mà, trong hoàn cảnh ấy, người Hoa vẫn làm ăn được, mặc dù cũng như người Việt, họ bị buộc phải kinh doanh lén lút. Họ vừa sản xuất, vừa kinh doanh, buôn bán giấm giúi đủ thứ từ lương thực thực phẩm, hàng gia dụng tới đồ quốc cấm. Chính họ đã "khai sinh" ra khái niệm chợ trời, chợ đen, và đó lại là nơi cung ứng đủ sản phẩm mà người tiêu dùng "khát".

Ông Phong Quang, 42 tuổi, một người sống gần khu Chợ Lớn suốt từ nhỏ đến giờ và đặc biệt thích tìm hiểu về tài kinh doanh của người Hoa, kể lại: "Người Hoa quá năng động. Trước năm 1975, họ đã nắm cả nền kinh tế ở miền Nam. Bao nhiêu ông trùm khét tiếng giàu có, như "vua dệt" Lý Long Thân, "vua bột ngọt" Trần Thành, "vua tín dụng" Lâm Huê Hồ…

Sau năm 1975, nhất là từ khi quan hệ hai nước căng thẳng vào năm 1979, người Hoa thu nhỏ lại, làm ăn theo lối thủ công, đủ ăn thôi. Nhưng lúc nào họ cũng nắm được những ngành hàng thiết yếu mà thị trường quanh năm không thể thiếu. Thế nên lúc nào họ cũng sung túc. Hồi đó, nói họ "dạy" kinh doanh cho dân Việt thì hơi quá, nhưng noi gương họ, bà con mình cũng ra vỉa hè làm ăn buôn bán. Cả nước bung ra, thị trường tự do phát triển hơn cả quốc doanh".

Mạo hiểm đầu tư thời mở cửa

Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện đổi mới. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất được đổi mới là quan hệ kinh tế đối ngoại: kêu gọi đầu tư nước ngoài, bày tỏ thiện ý làm bạn với tất cả các nước…

Nhưng từ tuyên bố mở cửa đến việc đón nhận những nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đầu tư từ phương Tây, là con đường quá dài. Lệnh cấm vận của Mỹ với Việt Nam vẫn còn đó. Trước mắt các doanh nghiệp phương Tây, Việt Nam vẫn là một đất nước vừa ra khỏi hai cuộc chiến tranh, thị trường nhỏ, khép kín và đầy bất trắc.

Lúc này, lại cũng chính các doanh nhân gốc Hoa ở Đông Nam Á (Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan…) đi tiên phong đầu tư vào Việt Nam. Nguyên nhân có thể là do sự có mặt của cộng đồng đông đảo người Hoa – đồng hương của họ – ở Việt Nam.

Năm 1987 (năm Việt Nam ban hành Luật Đầu tư), 55% hộ người Hoa ở Sài Gòn có thân nhân cư ngụ tại 20 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, làm nên một lực lượng gửi vốn ngoại tệ, máy móc thiết bị, kinh nghiệm kinh doanh, cũng như mở thị trường tiêu thụ sản phẩm, môi giới đầu tư vào Việt Nam.

Theo một thống kê không chính thức, cuối những năm 80 của thế kỷ 20, số chuyến bay từ các nước và lãnh thổ ở Đông Nam á tới Việt Nam gia tăng, trong đó 80% hành khách là người Hoa. phải thừa nhận, thời gian này, chỉ có doanh nhân Hoa kiều sẵn sàng "mạo hiểm" đầu tư vào Việt Nam, mở đường cho các nhà đầu tư phương Tây đến đây về sau.

Trong cuốn "Người Hoa Việt Nam và Đông Nam Á – hình ảnh hôm qua và vị thế hôm nay" (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2006), Tiến sĩ Châu Thị Hải viết: "Cộng đồng Hoa kiều, người Hoa ở các nước khác nhau trên thế giới, tuy không có quan hệ mật thiết với Việt Nam như họ vốn có đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, nhưng thông qua các mối quan hệ họ hàng, thân tộc, cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, đặc biệt là Hoa thương ở Thành phố Hồ Chí Minh, có thể liên kết với cộng đồng người Hoa thế giới để bắc cầu cho họ đầu tư vào Việt Nam. Lực lượng "người Việt gốc Hoa" và cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiện nay cũng là một thế lực kinh tế đầy tiềm năng đối với quá trình hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam một khi thu hút được lực lượng này quay về nước đầu tư".

Đóng góp của người Hoa ở Đông Nam á nói chung và ở Việt Nam nói riêng đối với nền kinh tế Việt Nam, do đó, là không thể phủ nhận.

Ở khía cạnh ngược lại, dĩ nhiên không thể không nhắc tới những thiệt hại kinh tế mà dân buôn lậu gây ra. Trong một cuốn sách viết năm 1992 về người Hoa tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Huy nhận xét: "Dân buôn lậu Trung Quốc thích mua những sản phẩm mà sau khi bán người Việt phải mất vài năm, có khi hàng chục năm mới gây dựng lại được, như dây điện đồng, dây điện thoại, nòng đại bác, xích xe tăng, móng trâu, rơm thân lúa non, đọt dây khoai lang, heo sữa, rễ cây quế… Sự kiện này khiến đàn heo, bò, trâu, rừng quế chi, gỗ quý của Việt Nam biến mất quanh các khu vực biên giới".

Đó là hậu quả của sự căng thẳng một thời giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Dù vậy, vai trò kinh tế của những người Hoa đối với Việt Nam vẫn rất lớn. Khi sản xuất suy thoái, hàng hóa thiếu thốn, họ là lực lượng cung ứng. Khi phương Tây còn chưa đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam, họ bỏ hàng chục triệu USD đầu tư mở đường. Và, ở mức độ thấp nhất thì họ cũng mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm về làm giàu.

Doanh nhân Hoa kiều: Gắn kết, cần cù và thực dụng

Một trong những điều làm nên sức mạnh của cộng đồng người Hoa là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. ông Nghị Đoàn, nguyên Trưởng ban công tác người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa VI, cho rằng người Hoa ở Việt Nam vừa có vốn tự tích lũy, vừa có nguồn vốn rất lớn từ người thân, bạn bè, đồng hương, đối tác làm ăn trong khu vực và trên thế giới. Họ có thể huy động cấp tốc hàng chục tỷ đồng chỉ trong tích tắc (tất nhiên với chữ Tín), mà không phải trải qua đủ thứ thủ tục phiền hà.

Nhờ mạnh về vốn, thương nhân gốc Hoa có thể nhanh chóng vươn từ "ông chủ nhỏ" thành "ông chủ lớn". Tất nhiên, vốn chỉ là một phần. Cái chính, theo ông Nghị Đoàn, là người Hoa rất kiên trì, không ngại khó. Nếu gặp thất bại, họ sẽ làm lại, bền bỉ và nhẫn nại, làm đến khi nào thành công thì thôi. Điểm này tạo nên một tính cách Hoa không thể trộn lẫn.

Một đặc điểm nổi bật nữa ở người Hoa trong kinh doanh là tinh thần trọng thương mại. Họ không chê một ngành nghề nào là nhỏ hay thấp kém, dù là đẩy xe rong đi bán tào phớ hay mua đầu chợ bán cuối chợ. Họ chỉ coi việc kinh doanh là quan trọng, và trong kinh doanh thì sẵn sàng làm bất cứ việc gì ra lợi nhuận, rất cần cù, thực tế và căn cơ.

Ông Phong Quang nhận xét: "Tôi để ý, đồ hàn tiện, đồ sắt, ví dụ đinh búa dao kìm, là những mặt hàng bà con người Việt hay chê vì… nó dơ, nhưng người Hoa không nghĩ thế. Họ sẵn sàng bán những mặt hàng "vặt vãnh", không cần sang trọng, sạch sẽ, miễn là có lãi. Họ cũng rất nhạy cảm với nhu cầu của thị trường, rất biết phát hiện và kinh doanh những sản phẩm cần thiết quanh năm chứ không chạy theo mùa theo mốt, ví dụ vàng mã, cây nhang (hương)… Đó là những sản phẩm thị trường luôn cần, cho thu nhập ổn định, thỉnh thoảng có bị ế một chút cũng không ảnh hưởng nhiều".

Giới tư thương, doanh nhân Việt Nam thường mắc một căn bệnh nặng là ham làm lớn, ham mở rộng kinh doanh, mặc dù nhiều khi họ thích hợp hơn với mô hình tập trung, vừa và nhỏ. Đây là điều khác biệt lớn với quan điểm "lời ít nhưng lời lâu" của người Hoa – lãi ít, bán nhiều, quay vòng vốn nhanh, tập trung vào một ngành hàng để làm thật tốt, giữ chữ Tín.

Người Việt ngược lại với người Hoa. Một cửa hàng, một công ty khi mới thành lập có thể nhỏ mấy thì nhỏ, nhưng hễ làm ăn phát đạt, tích lũy được chút vốn là ngay lập tức nghĩ tới chuyện mở rộng, vươn tới mô hình lớn. Một giảng viên Đông phương học ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nói vui: "Người Hoa có thể bán hủ tiếu hoặc xe nhang suốt đời, người Việt thì đừng hòng. Một anh Hoa kiều có thể làm nghề bán lẻ hàng chục năm, có vốn thì sẽ mở thêm cơ sở khác ở nơi khác cho người quen cai quản, chứ bản thân anh ta không tự mở rộng thêm. Trong trường hợp đó, nếu là một người Việt thì nhất định anh ta sẽ tiến lên xây siêu thị!".

Làm ăn lớn dường như là mong muốn, là thói quen khó cưỡng lại, trong khi người Việt nói chung vẫn là một dân tộc chưa thạo việc kinh doanh buôn bán, và thích hợp với mô hình nhỏ, tự do, linh hoạt hơn, như Hong Kong ở châu á và Italy ở Châu Âu. Ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch tập đoàn InvestConsult, từng nhận xét: "Trên phương diện kinh doanh thì tôi thấy Việt Nam cần phải hình thành văn hóa kinh doanh vừa và nhỏ. Có những nền kinh tế không có công ty lớn, ví dụ như nền kinh tế Ý".

Trong lần sang Việt Nam hồi đầu tháng 12 năm 2008, Giáo sư Michael Porter – "cha đẻ" của chiến lược cạnh tranh – cũng chia sẻ ý kiến tương tự: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là nền tảng của "công ty Việt Nam", là yếu tố thúc đẩy kinh tế…".

Hơn 30 năm đã qua kể từ khi chính quyền trung ương Trung Quốc tiến hành mở cửa. Mặc dù không trực tiếp nhận được những cơ hội và lợi ích mà công cuộc cải cách ở lục địa mang lại, nhưng bù lại, người Hoa ở Việt Nam đã duy trì và củng cố vai trò kinh tế của họ trên quê hương mới, trở thành một bộ phận không tách rời khỏi nền kinh tế Việt Nam.

Ngày nay, cộng đồng người Hoa ở Việt Nam không còn những cá nhân thế lực mạnh như những "vua xăng dầu" (Lý Hoa), "vua sắt" (Trương Đông Lương), "vua cine" (Trương Vĩ Nhiên)… thời trước nữa, nhưng sự thịnh vượng và sức ảnh hưởng về kinh tế của họ vẫn rất lớn. Nhiều mặt hàng tại các chợ đầu mối đều do họ chi phối giá cả, như đồ nhựa, đồ nhôm, hàng tiểu thủ công nghiệp v.v. Nhiều doanh nhân Việt Nam thành đạt không giấu giếm gốc gác là người Hoa.

Hiện tại và tương lai của đất nước thời hội nhập đặt ra yêu cầu về việc xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam và tận dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, trong đó có nguồn lực do cộng đồng người Hoa tạo ra – về tài chính, về cơ sở vật chất và cả về những giá trị vô hình như tinh thần trọng thương và tài kinh doanh nữa.'

 ***

Marketing xã hội: Hãy nói "OK!"

Vứt rác, khạc nhổ và đi bậy nơi công cộng, phóng nhanh giành đường vượt ẩu, chen lấn xô đẩy mỗi chỗ xếp hàng… ai ai cũng có thể kể ra hàng chục thói xấu của người Việt. Nhưng đâu phải có những dân tộc sinh ra đã thích nhổ bậy và chen hàng. Vấn đề nằm ở ý thức, và ý thức lại là cái có thể thay đổi. Đây chính là khi marketing xã hội ra tay.

Marketing không phải khái niệm mới ở Việt Nam, nhưng marketing xã hội (social marketing) thì vẫn còn rất mới mẻ. Nó được định nghĩa là việc ứng dụng marketing hướng vào và nhằm thay đổi hành vi của một nhóm người hoặc toàn xã hội, để đạt được lợi ích chung cho nhóm người hoặc toàn xã hội đó.

Marketing xã hội chính thức được coi là một lĩnh vực marketing kể từ năm 1971, khi huyền thoại marketing thế giới Philip Kotler và Gerald Zaltman cùng xuất bản cuốn "Social Marketing: an approach to planned Social Change" (tạm dịch: Marketing xã hội: một cách tiếp cận những thay đổi xã hội theo kế hoạch). Khác với marketing thương mại (commercial marketing), marketing xã hội được thực hiện không phải bởi các công ty nhằm mục đích lợi nhuận, mà bởi chính phủ hoặc các tổ chức xã hội, vì lợi ích chung và phi lợi nhuận.

Trong khi còn mới với Việt Nam thì ở trên thế giới, marketing xã hội đã phát triển rất mạnh. Hàng trăm chương trình marketing xã hội đã và đang được áp dụng tại rất nhiều nước nhằm thay đổi hành vi của các công dân: không hút thuốc lá nơi công cộng, chống vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, ngừng tiêu diệt tê giác sừng đen v.v. Các chương trình thường được thực hiện một cách cực kỳ ấn tượng và sáng tạo nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Một tổ chức chống thuốc lá ở Mỹ từng thiết kế một chương trình marketing xã hội lớn, sử dụng phương tiện quảng cáo trên ấn phẩm (printed ad.). Hình ảnh nổi tiếng gắn với chương trình này là bức ảnh (ghép kỹ xảo) chụp một người đàn ông hút thuốc, đứng cách anh ta không xa là cả một lũ kền kền đang chờ đợi; chúng sẽ không phải chờ lâu vì điếu thuốc sẽ rút ngắn tuổi thọ của anh ta.

Để chống thói xấu phóng nhanh vượt ẩu của các "ma tốc độ", cơ quan giao thông tại bang New South Wales (Australia) cũng thực hiện marketing xã hội. Thông điệp được truyền tải qua một đoạn phim vui, trong đó mỗi khi thấy một anh lái xe phóng ẩu, cánh phụ nữ bên đường lại cười bảo nhau: "Chắc gã này "có vấn đề", thiếu tự tin nên phải làm thế để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông".

Marketing xã hội ở Việt Nam

Điều có thể khiến nhiều người ngạc nhiên là tuy chưa bao giờ được đề cập một cách chính thức ở Việt Nam (và do đó còn mới mẻ), nhưng marketing xã hội thật ra đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu. Đó chính là các chương trình tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, chống "ma túy và mại dâm – con đường dẫn tới HIV/AIDS", hoặc vận động toàn dân đi bầu cử.

Hình thành đã từ lâu, nhưng những chiến dịch ấy không được chú trọng với tư cách marketing xã hội. Chúng được coi là các chương trình tuyên truyền, vận động của các cơ quan chính phủ. Cách thể hiện cũng ở mức khá đơn giản, kiểu "marketing thô sơ": kẻ chữ, trương áp phích, băng rôn khẩu hiệu, và đơn giản nhất là… sử dụng hệ thống loa phường, loa xã với âm thanh vang dội hang cùng ngõ hẻm.

Nếu không tính đến yếu tố "chuyên nghiệp, sáng tạo, ấn tượng", chỉ xét về hiệu quả, thì các chương trình marketing xã hội đã thực hiện ở Việt Nam không phải là không thành công. Tác dụng của marketing xã hội trong việc làm thay đổi hành vi của người dân là không thể phủ nhận.

Và chuyện bây giờ mới kể

DKT International là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, có trụ sở ở Washington DC. Họ là tổ chức tiên phong về marketing xã hội trong nhiều lĩnh vực, như: tránh thai bằng các phương pháp khoa học, chống HIV/AIDS. Năm 1993, DKT International vào Việt Nam (văn phòng của họ hiện đóng tại Trung Hòa Nhân Chính – Hà Nội).

Những năm đầu thập niên 90 đó, Việt Nam mở cửa chưa lâu, đã phải đối mặt với nguy cơ bùng nổ dân số, sự gia tăng tệ nạn xã hội và đại dịch HIV/AIDS. Công việc của DKT là hỗ trợ Việt Nam thực hiện một chương trình phân phối bao cao su trên toàn quốc. Sản phẩm được trợ giá, bán rất rẻ để tạo ra một mạng lưới an toàn cho người dân trước căn bệnh thế kỷ AIDS.

Vấn đề vấp phải là khi ấy, người dân hãy còn thiếu thông tin về các biện pháp an toàn tình dục. Người ta không ý thức được mức độ quan trọng của việc sử dụng bao cao su trong phòng chống AIDS. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất chính là tâm lý ngượng ngùng của người á Đông. Kể cả khi được cấp phát miễn phí, người ta vẫn ngại, nói gì tới việc chủ động hỏi mua bao cao su.

Hiểu được "cái khó" đó, DKT Việt Nam đã có một chiến lược marketing xã hội có thể nói là rất khôn ngoan.

Hãy nói "OK"!

Nếu không có một chiến dịch marketing xã hội hiệu quả, sản phẩm này sẽ không bao giờ trở thành "người bạn đồng hành" của xã hội trong cuộc chiến chống AIDS. Vì cụm từ "bao cao su" với người Việt Nam thật khó nói, các nhà marketing xã hội có sáng kiến thay nó bằng một từ rất ngắn gọn, phổ biến, dễ đọc: OK. Họ hiểu rằng, phải làm sao để người đi mua bao cao su có thể nói tránh cụm từ "nhạy cảm" ấy. Thay vì hỏi mua bao cao su, anh ta chỉ cần bảo người bán hàng: "Tôi muốn mua mấy cái OK".

Chiến dịch quảng cáo cho bao cao su OK tập trung vào khẩu hiệu "Nhà vô địch". DKT Việt Nam phát triển khẩu hiệu này dựa vào một cuộc điều tra về nhận thức thương hiệu. Họ nhận thấy, đối với sản phẩm bao cao su, người tiêu dùng thích sức bền và độ mỏng hơn tất cả các tiêu chí khác. Khẩu hiệu "Nhà vô địch" thể hiện hai tiêu chí chất lượng này.

Chương trình marketing xã hội của DKT Việt Nam diễn ra rầm rộ: Tháng 11 năm 1994, bao cao su OK được giới thiệu ở Việt Nam như một sản phẩm hữu ích và tiện lợi. Một hệ thống biển tấm lớn (quảng cáo ngoài trời), những slogan trên xe buýt (quảng cáo di động) thu hút sự chú ý của người dân. Quảng cáo trên truyền hình, báo giấy cũng vào cuộc mà không vấp phải rào cản "liệu có vi phạm thuần phong mỹ tục?". Logo OK với chữ OK màu trắng như bông hoa giữa hai chiếc lá xanh, nổi bật trên nền đỏ tươi, tạo cảm giác vui nhộn, gần gũi. (12)

Chiến dịch marketing xã hội của DKT Việt Nam thành công lớn: Gần 100 triệu bao cao su đã được tiêu thụ hết thay vì phân phát miễn phí khó khăn như trước đó.

Ngày nay, với người Việt Nam, OK có nghĩa là bao cao su. Nó chắc chắn sẽ luôn là "người bạn đồng hành" của xã hội trong cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ.

Cần lắm những chương trình marketing xã hội

Câu chuyện trên đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ cho thấy sự quan trọng, cần thiết, và cả sự thú vị của marketing xã hội ở Việt Nam.

Chúng ta đã nói nhiều về những thói hư tật xấu của "người Việt xấu xí": nói tục chửi bậy, xả rác bừa bãi, chen lấn xô đẩy nơi công cộng… Có cả những thói xấu nhẹ nhàng hơn, như chăm hút thuốc uống rượu, lười tập thể dục! Nhưng nói không thôi chưa đủ, phải hành động. Hành động để thay đổi hành vi của cộng đồng. Và đây chính là lúc cần đến marketing xã hội.
Vì hành vi xấu còn nhiều, nên đất để marketing xã hội phát huy hiệu quả cũng còn rất rộng. Chúng ta cần lắm những nhà marketing xã hội, những chương trình marketing xã hội đi vào lòng người và làm thay đổi lòng người.

12. Tác giả của logo này là nhà thiết kế phạm Huyền Kiêu, Giám đốc Công ty quảng cáo Haki.

 ***

Đương đầu với cuộc "tổng tấn công" của hàng Trung Quốc

Êm như mưa dầm, ồ ạt như lũ, hàng Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam, "quét" sạch hàng nội, moi túi người tiêu dùng. Con số nhập siêu hơn 11 tỷ USD/năm đủ cho thấy các doanh nghiệp ta đang "thua trắng bụng". Để không bị làn sóng này dìm chết, không một ai – từ Chính phủ tới doanh nghiệp và người tiêu dùng – có thể đứng ngoài cuộc.

Anh Đào Xuân Anh là giám đốc một công ty kinh doanh hóa mỹ phẩm ở Hà Nội. Đăng ký chức năng hoạt động là sản xuất và phân phối (bán lẻ) các loại hóa mỹ phẩm chăm sóc tóc, nhưng 4-5 năm nay, công ty của anh chỉ tập trung nguồn lực vào nhập hàng từ Trung Quốc về bán. Lý do rất đơn giản: Nhập hàng Trung Quốc có lợi hơn.

Cái lợi ở đây, anh giải thích, gồm nhiều mặt: Chi phí nhập khẩu (tính cả mua hàng lẫn vận chuyển) rẻ hơn là tự sản xuất, quy trình làm việc đơn giản và ít phải suy nghĩ hơn. "Nếu tôi mở xưởng chẳng hạn, sẽ có muôn vàn thứ phải tính: địa điểm, nhân lực, thuế má, và vô số loại chi phí không tiện nêu tên nữa. Trong các ngành khác thì không biết thế nào, chứ trong ngành này, tất cả các sản phẩm – từ thuốc nhuộm, tới dầu xả, dầu dưỡng v.v. – nhập từ Trung Quốc về đều rẻ hơn và giản tiện hơn tự sản xuất. Danh mục này chỉ trừ dầu gội đầu, nhưng ngay cả sản xuất dầu gội thì cũng có một số nguyên liệu phải nhập từ Trung Quốc".

Anh nói thêm: "Đấy là tôi còn chưa kể, làm việc với phía Trung Quốc cũng khá thoải mái. Sản phẩm của họ chất lượng tốt, giá lại rẻ, mua càng nhiều càng rẻ. Họ giữ chữ tín và chiều chuộng đối tác – ít ra cho đến lúc này tôi vẫn thấy như vậy. ở ta thì làm giám đốc doanh nghiệp nhỏ, như tôi, phải đương đầu với quá nhiều chuyện: thuế vụ, đại lý o ép, đối tác không đáng tin cậy v.v.".

Chiến lược kinh doanh của anh Đào Xuân Anh tỏ ra hoàn toàn đúng đắn, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, giá hàng Trung Quốc vẫn được duy trì ở mức thấp, chất lượng vẫn đảm bảo (hoặc nếu không đảm bảo thì cũng chẳng ai biết). Và như vậy, với một công ty quy mô nhỏ, không đầy một chục người, giải pháp khôn ngoan nhất là: Cả sếp và nhân viên cùng kéo nhau sang Trung Quốc xách hàng về bán.

Con số nhập siêu kỷ lục của nền kinh tế

10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng 23 lần, đạt tới con số 15,652 tỷ USD vào năm ngoái. Cùng trong thời gian đó, kim ngạch xuất khẩu của ta theo chiều ngược lại tăng vỏn vẹn 6 lần, chỉ đạt 4,536 tỷ USD năm 2008.

Kết quả là con số thâm hụt thương mại kỷ lục của Việt Nam trước Trung Quốc: hơn 11 tỷ đô-la. Điều đáng sợ là không có dấu hiệu nào cho thấy con số này sẽ giảm đi.

Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Thương mại, Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội vô cùng to lớn tại đất nước hơn 1 tỷ dân này. Từ năm 2004, lãnh đạo hai nước đã xác định: Với lợi thế địa lý số 1 – có chung đường biên giới trên bộ dài đến hàng trăm km – với hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy tương đối thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa, hoạt động buôn bán qua biên giới giữa hai nước là một bộ phận cấu thành của quan hệ kinh tế.

Trên thực tế, có cơ sở để tin rằng thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc là một mảnh đất màu mỡ, luôn "khát hàng"; và trên thực tế, Trung Quốc đã "qua mặt Mỹ để trở thành người tiêu dùng lớn nhất thế giới ở một số mặt hàng then chốt" (13).

Riêng trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Trung Quốc có nhu cầu cao đối với nhiều mặt hàng mà chúng ta có thế mạnh như: rau quả, thủy sản, cao su, đồ gỗ, than đá…

Với tất cả những "lợi thế" đã chỉ ra đó, Việt Nam vẫn phải gánh chịu thâm hụt thương mại khổng lồ trước Trung Quốc, doanh nghiệp ta vẫn lép vế thảm hại ngay trên sân nhà, và khủng hoảng kinh tế càng kéo dài thì ta càng "thua trắng bụng". Vì đâu?

Tầm nhìn chiến lược của người Trung Quốc

Nhìn vào những chính sách và quy định pháp luật của Trung Quốc về mậu dịch với các nước có chung đường biên giới, trong đó có Việt Nam, mới thấy không khỏi giật mình.

Theo Tiến sĩ Phạm Trí Hùng (Viện Marketing và Quản trị Việt Nam), từ năm 1978, Trung Quốc bắt đầu cải cách mở cửa nền kinh tế, đã xác định "mở cửa toàn diện, nhiều hình thức, nhiều tầng", trong đó có mở cửa ven biên giới đất liền: "phương châm của chiến lược mở cửa ven biên giới là: lấy mậu dịch biên giới dẫn đường, coi hợp tác kinh tế – kỹ thuật là trọng điểm, lấy khu vực lục địa làm chỗ dựa, coi việc khai thác thị trường các nước xung quanh là mục tiêu".

Tiến sĩ Hùng cho biết, riêng trong cơ cấu thị trường, ngay từ cuối những năm 80, Trung Quốc đã coi mậu dịch biên giới là "đột phá khẩu" và có những chính sách quản lý rất rõ ràng, thống nhất, hướng vào việc đẩy mạnh mậu dịch biên giới, nhằm cải thiện đời sống của cư dân vùng biên giới, phát triển kinh tế vùng biên. Chẳng hạn, Trung Quốc thực hiện những chính sách ưu đãi như: xóa bỏ mọi sự hạn chế về hình thức sở hữu đối với các thành phần tham gia mậu dịch biên giới; xóa bỏ mọi sự hạn chế, ràng buộc của chính quyền địa phương sở tại đối với mậu dịch biên giới; xóa bỏ sự hạn chế về kim ngạch, đảm bảo các giao dịch của mậu dịch biên giới qua một cửa; thực hiện việc miễn thuế, giấy phép xuất nhập khẩu đối với những hàng hóa bình thường… Bắc Kinh còn giao quyền cho chính quyền địa phương tự định ra các mức thuế suất phải thu theo nguyên tắc: mức thuế mặt hàng cùng chủng loại cấp tỉnh quy định phải thấp hơn mức thuế của Trung ương; cấp huyện, thị quy định phải thấp hơn mức thuế của cấp tỉnh và chỉ được thu ở các cửa khẩu địa phương, còn các cửa khẩu quốc tế do hải quan thu và nộp về ngân sách Trung ương.

Trung Quốc cũng đầu tư làm tốt công tác kiểm nghiệm và kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu vào nước mình, bởi họ xác định đó là "vấn đề quan trọng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhân dân, trực tiếp liên quan đến khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước".

Những gì Bắc Kinh thực hiện cho thấy một chiến lược lâu dài, bài bản của chính phủ nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp lớn nhỏ, thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó đặc biệt ưu tiên mậu dịch biên giới. Nó cũng chứng tỏ rằng, trong việc xuất khẩu hàng hóa, chiếm lĩnh thị trường nước khác, doanh nghiệp không thể đơn lẻ.

Đừng để doanh nghiệp Việt Nam đơn độc

Ở đây phải nhấn mạnh, Nhà nước không thể đứng ngoài công cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp ("hỗ trợ" chứ không phải "quản lý"). Một khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quá trực tiếp, "lộ liễu" không còn được chấp nhận nữa vì có thể vi phạm điều lệ. Nhưng vẫn có những việc Chính phủ có thể làm – và làm tốt – để giúp doanh nghiệp nội đương đầu với hàng ngoại. Ví dụ như cung cấp thông tin về thị trường Trung Quốc và các chính sách của Bắc Kinh đối với các thị trường láng giềng, đặc biệt là với Việt Nam, sao cho không còn những vụ như vụ dưa hấu Việt Nam bị ách ở cửa khẩu Tân Thanh vì doanh nghiệp không cập nhật được những thay đổi trong luật kiểm dịch của Trung Quốc.

Bên cạnh đó là việc thực thi pháp luật để tiêu diệt vấn nạn hàng lậu. Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh "than" hộ doanh nghiệp: "Đã đành là tự do cạnh tranh, doanh nghiệp làm ăn yếu kém, không hiệu quả, thì phải chịu, Chính phủ không cứu được. Nhưng buôn lậu là cái có thể ngăn chặn được chứ đâu phải vô phương chống đỡ? Vấn đề là hình như chúng ta không làm gì cả".

Về ý kiến cho rằng vì cơ cấu xuất khẩu của ta có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc nên khó xác định được những ngành có lợi thế cạnh tranh, ông Bùi Trinh nhận xét: "Thực ra từ trước đến giờ Việt Nam chưa có chính sách xác định cụ thể một ngành nào là cần ưu tiên. Đúng hơn là ta có xác định, nhưng đều chỉ một thời gian lại thay đổi: nào dệt may, nào mía đường, nào thép… Tôi thấy cứ như thể chúng ta chưa thực sự quan tâm tới ngành nào cả".

Doanh nghiệp Việt Nam: phải tự cứu mình

Trước làn sóng hàng Trung Quốc, không còn thời gian để mỗi doanh nghiệp Việt Nam trong ngành có liên quan bình tâm chờ đợi một chiến lược hay vài chính sách "hỗ trợ" từ phía Nhà nước. Cải tiến thiết kế, đẩy mạnh hoạt động marketing, chủ động tìm kiếm khách hàng, là những việc doanh nghiệp ta có thể thực hiện ngay trên thị trường nội địa.

"Rõ ràng là thị trường trong nước không cung cấp đủ hàng hóa, dân có nhu cầu thì họ mua của Trung Quốc là phải" – chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.

Sự chủ động, xông pha thị trường với tinh thần sáng tạo, "sẵn sàng tự do cạnh tranh", xem ra không phải tố chất có thừa ở các doanh nghiệp Việt Nam. Cũng ông Bùi Trinh cho biết, từ ngày có chủ trương kích cầu, "nhiều công ty đang dồn nỗ lực vào việc kiếm được một khoản tiền hỗ trợ Nhà nước rót. Có công ty còn đem tiền ấy cho vay lại, kiếm lãi, thay vì tập trung vào đầu tư, sản xuất".

Còn trong việc xuất khẩu hàng theo hướng… ngược lại, sang Trung Quốc, hơn ai hết, doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên thông tin về thị trường nhập khẩu, chủ động xúc tiến thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh. Một số chuyên gia khuyến cáo: rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi nhẹ vấn đề kiểm dịch, nên hay bị phía đối tác Trung Quốc lợi dụng ép giá. Đây cũng là điều các nhà xuất khẩu phải lưu tâm.

Trong sự thảm bại của hàng Việt Nam trên sân nhà, có lẽ người tiêu dùng là ít đáng trách nhất. Bởi ở Việt Nam, thu nhập đầu người thấp, hàng hóa nội địa yếu cả về số lượng và chất lượng, người tiêu dùng quay sang hàng Trung Quốc là điều dễ hiểu. Chúng ta có thể hô hào kêu gọi tinh thần dân tộc và lòng yêu nước ở mỗi con người. Tuy nhiên, điều đó lại thuộc về một câu chuyện khác rồi.

13. Tư liệu trong cuốn Thế giới hậu Mỹ của Fareed Zakaria, Nhà xuất bản Tri Thức, 2009

 ***

Bài thuốc giảm cơn hăng hái đầu tư sai chỗ

Từ chủ trương phân cấp đầu tư đúng đắn của trung ương, cuối cùng lại đẩy đến tình trạng đầu tư ồ ạt vào bất động sản, sân golf… và phản ứng gay gắt của địa phương khi bị chất vấn. Có cách nào để trung ương không phải "siết lại", mà các dự án đầu tư do địa phương tự quyết vẫn đi vào hiệu quả và đem lại lợi ích cho người dân, cho quốc gia?

Không quá khi nói rằng kể từ thời điểm Nghị định 108 cho các địa phương thêm quyền tự quyết đối với các dự án đầu tư, chúng ta đã chứng kiến một cơn sốt mang tên "hăng hái quá mức". Vấn đề đáng báo động là sự hăng hái đi nhầm chỗ: đầu tư không mang lại hiệu quả!

Nói riêng về hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, theo một chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 100% dự án FDI tại các địa phương Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và một số nơi khác, một thời gian dài qua, đều báo lỗ (?). "Khi doanh nghiệp FDI lỗ, hiển nhiên Nhà nước chịu thiệt hại lớn vì thất thu thuế: Thuế giá trị gia tăng thì đã ưu đãi cho họ rồi, thuế thu nhập doanh nghiệp thì Nhà nước chẳng thu được gì" – chuyên gia này cho biết.

Tạm loại bỏ khả năng doanh nghiệp "báo cáo láo" để trốn thuế, thì chúng ta có thể đặt câu hỏi: Các dự án FDI, các doanh nghiệp FDI làm ăn kiểu gì mà lạ vậy? Về hiệu quả của các dự án đầu tư trong vòng ba năm qua nói chung, thì với việc hàng loạt sân golf, khu nghỉ mát, biệt thự cao cấp mọc lên trên đất nông nghiệp, từ năm 2001 đến năm 2005, diện tích đất nông nghiệp của chúng ta bị thu hẹp gần 60%. Lãng phí thật khủng khiếp khi Việt Nam có tới 166 dự án làm sân golf trên đất nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ bác 50 dự án), trong khi mỗi nước trên thế giới chỉ có trung bình 14 sân golf (con số do Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đăng Vang đưa ra).

Tất cả những yếu tố đó phải chăng là hậu quả của chính sách phân cấp đầu tư? Đó có phải là một chủ trương đúng đắn, hay phải chăng Nhà nước nên thực hiện "siết lại"?

"Bung ra" là một xu thế

Phân cấp (decentralize) không phải là khái niệm mới đối với một nền kinh tế ở quy mô như Việt Nam. Tháng 9 năm 2006, Thủ tướng đã ký Nghị định 108 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, theo đó, chính quyền địa phương được quyền cấp phép cho các dự án đầu tư từ mức 800 tỷ đồng trở xuống. Từ việc phân cấp này, các địa phương có toàn quyền quyết định trong thẩm quyền của mình.

Việc phân cấp có những ưu điểm rõ rệt. Thứ nhất, nó giảm bớt đáng kể gánh nặng đối với bộ máy chính quyền trung ương vốn đã cồng kềnh quá tải. Một tác dụng phụ là nó sẽ làm giảm số lượng ôtô, xe con từ các tỉnh đổ về đậu trước cổng các Bộ, ban, ngành để "đi cửa sau", xin duyệt và cấp phép dự án đầu tư.

Thứ hai, trên nguyên tắc, địa phương hiểu rõ hơn Trung ương về những đặc thù kinh tế – văn hóa – xã hội, về những lợi thế và hạn chế của mình. Tóm lại, theo lý thuyết, họ sẽ biết kỹ hơn về những gì nên làm và không nên làm.

Thứ ba, như chính Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng phúc đã nói, sự tự chủ do quyền tự quyết được gia tăng sẽ khiến "các địa phương sẽ phải cạnh tranh nhau quyết liệt" và "sẽ có làn sóng đầu tư".

Đó là những ưu điểm thấy rõ của việc phân cấp, và vì thế mà cho đến nay, phân cấp vẫn là một xu hướng của thế giới trong quản lý kinh tế.

Mặt trái của sự "bung ra"

Bất kỳ chính sách nào cũng có nhược điểm. Việc phân cấp đầu tư đồng nghĩa với sự nới lỏng quản lý, giám sát từ trung ương. Điều này, cộng với năng lực quản lý còn rất hạn chế của chính quyền tại nhiều địa phương, sẽ dẫn tới việc để lọt nhiều dự án đầu tư rất ít hoặc không có hiệu quả. Bên cạnh đó, không thể không tính đến sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích ở địa phương với nhà đầu tư để trục lợi cho mình và gây thiệt hại đến lợi ích chung.

Nếu Nhà nước tiến hành "siết lại", có thể vấp phải phản ứng từ phía địa phương. Bộ trưởng Võ Hồng phúc cho biết, bác bỏ các dự án sân golf "là cuộc đấu tranh gay gắt với địa phương vì các nơi đã cấp dự án đều muốn giữ lại". Dư luận còn nhớ phản ứng của đại diện chính quyền hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng khi câu hỏi về hiệu quả của dự án khai thác bauxite Tây Nguyên được đặt ra. ông Hoàng Sĩ Sơn – phó Chủ tịch thường trực ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng – khẳng định: "Tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn ủng hộ việc đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, bauxite, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương" (phát biểu tại Hội thảo về khai thác bauxite Tây Nguyên, ngày 9 tháng 4 năm 2009 tại Hà Nội).

Còn ông Võ Văn Đủ – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Đăk Nông – thì phát biểu bên lề kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII: "Tỉnh ủy, địa phương, Hội đồng Nhân dân đều đã thống nhất về chủ trương, đều hy vọng kéo theo dịch vụ phát triển, có thêm công ăn việc làm. Nhưng bà con thì không có ý kiến. Người dân tại chỗ không hề thắc mắc, mà tại sao cử tri các nơi cứ thắc mắc".

Thậm chí từ hai địa phương còn có ý kiến cho rằng bà con dân tộc ở Tây Nguyên đã nhiều năm nay đói khổ, nay địa phương có thế mạnh là tài nguyên bauxite, tại sao lại không được tận dụng để giúp dân thoát nghèo?

Như vậy, vấn đề đặt ra là: phải làm sao để mỗi dự án đầu tư phản ánh đúng lợi thế và năng lực của địa phương, đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương và không đi ngược lại lợi ích chung, dài hạn, được phản ánh trong quy hoạch tổng thể.

"Kim chỉ nam" là quy hoạch tổng thể

Để hạn chế những mặt trái của sự phân cấp, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Nhà nước có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng thật rõ ràng, với tầm nhìn dài hạn, trong đó đảm bảo một số yếu tố như:

• Cân bằng về tỷ lệ phát triển công nghiệp – nông nghiệp (có liên quan tới việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, tỷ lệ như thế nào là hợp lý…);

• Cân bằng về sinh thái, môi trường (sử dụng rừng, mặt nước, tài nguyên khoáng sản…);

• Cân bằng về tương quan phát triển thành thị – nông thôn;

• Cân bằng về văn hóa, bản sắc;

• Đặc biệt lưu ý đến những yếu tố xã hội, truyền thống và an ninh; v.v..

Địa phương, mặc dù được phân quyền cấp phép đầu tư khá rộng, nhưng vẫn phải giải trình cụ thể, minh bạch và chịu sự giám sát chặt chẽ của Trung ương đối với các dự án ảnh hưởng tới quy hoạch tổng thể này. Dự án khai thác bauxite, liên quan tới việc sử dụng nguồn nước, đất nông nghiệp, điện, bản sắc văn hóa vùng… là một dự án thuộc loại như vậy.

Trên thực tế, từ vài năm trở lại đây, Chính phủ đã có những chương trình phát triển kinh tế vùng. Tuy vậy, những quy hoạch này thường không được địa phương tôn trọng, do một số nguyên nhân: sự lơi lỏng của pháp luật trong việc đối phó với các nhóm lợi ích, chống tham nhũng; bản thân các quy hoạch vẫn thiếu những tiêu chí rõ ràng, liên quan tới các yếu tố cân bằng nêu trên. Chẳng hạn, rất khó biết khu vực Hà Nội mở rộng cần đảm bảo tỷ lệ đất nông nghiệp và phi nông nghiệp như thế nào. Hoặc vùng Tây Nguyên cần giữ bao nhiêu phần trăm đất đai cho lâm nghiệp.

Ở đâu, tiếng nói từ người dân?

Đất nông nghiệp bị thu hẹp để nhường chỗ cho sân golf, trong khi nông thôn vẫn lạc hậu và nông dân tiếp tục bị gạt ra ngoài sự phát triển kinh tế; miền ngược tụt hậu ngày càng xa so với miền xuôi… Tất cả đều tiềm ẩn những yếu tố gây mâu thuẫn xã hội mà nếu không được giải quyết sẽ đẩy tới xung đột. Nhưng làm sao để không còn tình trạng chính quyền địa phương thì cứ nói "đã thống nhất về chủ trương", mà quyền lợi của người dân vẫn chẳng biết có được đảm bảo?

Có lẽ cách tốt nhất là tạo cơ chế để người dân có tiếng nói mạnh mẽ hơn, thông qua các tổ chức dân sự và hội ngành nghề mang tính độc lập (Hội Nông dân, Hội Nghề cá, các làng nghề thủ công…). Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh khuyến nghị: "Các dự án lớn, chẳng hạn liên quan đến việc sử dụng đáng kể diện tích đất nông nghiệp, theo tôi, đều cần có sự tham gia của các tổ chức dân sự thật sự gắn bó với người dân".

Nếu điều này được thực hiện thì rất có thể, chúng ta sẽ bớt được những tranh luận theo kiểu "địa phương không có ý kiến, sao các nơi khác cứ thắc mắc".

 ***

Thử cố "giải oan" cho EVN

Ngành điện bị lên án dữ dội sau những nguyện vọng như đòi tăng giá điện, xin tiền thưởng, cùng cách hành xử đầy tính độc quyền. Một cái nhìn công bằng hơn từ các chuyên gia có thể "giải oan" phần nào cho ngành điện (tuy có những biểu hiện cho thấy họ chưa biết tận dụng cơ hội này để "phục thiện"). Trước hết, có lẽ công luận sẽ không bức xúc với đòi hỏi tăng giá điện đến thế nếu biết rằng giá điện tăng là xu hướng tất yếu.

Phương án tăng giá điện đã được trình Chính phủ xem xét. Tuần cuối tháng 10 năm 2008, một nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Cepr), Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (14) có công bố một bản đánh giá ảnh hưởng của việc tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế. Bản đánh giá được báo chí đăng tải và lập tức gây sự chú ý từ phía dư luận: chống tăng giá điện để cắt thêm vào túi tiền của người tiêu dùng, chống cách hành xử quá quắt (cắt điện tùy tiện, không chịu đầu tư), nhất là chống nhà độc quyền – Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Nhưng giữa làn sóng phản đối, vẫn có những lập luận ủng hộ việc tăng giá điện. Ngay cả bản đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Cepr cũng chỉ dừng lại ở việc khảo sát và đưa ra những đánh giá, thay vì kết luận "tăng hay không tăng giá điện". Nếu tinh ý sẽ nhận thấy bản thân Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cũng tránh có những kết luận mang tính định hướng dư luận. Trong phần kết của bản đánh giá, ông Thành và đồng sự viết: "rút kinh nghiệm từ những bài học như tăng giá xăng, các cơ quan chính sách có thể đẩy mạnh tuyên truyền trước khi tăng giá, để người dân ước tính được mức ảnh hưởng dây chuyền của việc tăng giá". Đây là một cách hàm ý rằng việc tăng giá điện là không tránh khỏi và có thể chấp nhận được.

Trong một lần trả lời chất vấn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, với lợi nhuận 5%, là mức thấp với EVN. Với giá thành và giá bán hiện nay trong khi ngân sách không bù lỗ mà bù chéo, bán cao bù cho bán thấp, ngành điện đang gặp nhiều khó khăn. Và khả năng tăng giá điện là khó tránh khỏi.

Rắc rối và tranh cãi chỉ có thể giải quyết nếu chúng ta trả lời được "bảy câu hỏi căn bản" sau đây.

1. EVN có độc quyền không?

Thật ra, nếu so với một số ngành khác thì giá điện ở Việt Nam hiện giờ là khá rẻ và đa số người tiêu dùng cũng thừa nhận điều đó. Ngoài ra, điểm quan trọng là giá điện do Nhà nước điều tiết (trên cơ sở thỏa thuận với EVN), chứ EVN không tự đặt giá.

Một chuyên gia kinh tế năng lượng thuộc Bộ Tài chính khẳng định: EVN thực sự không độc quyền. Theo ông, báo chí cũng như công chúng lên án EVN độc quyền là sai về khái niệm. "Ngành điện ở Việt Nam hiện nay đang bị EVN độc quyền, nhưng bản thân EVN không có hành vi độc quyền vì họ đâu có tự động đẩy giá thị trường lên để hưởng lợi nhuận độc quyền" – chuyên gia này nhấn mạnh.

Hiện nay, giá điện ở Việt Nam đang thấp hơn khu vực, và điều này không kích thích các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài tham gia sản xuất điện. Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, có nhiều nhà đầu tư nước ngoài xin được đầu tư vào các dự án điện phải dừng lại vì họ đòi giá bán cao, Chính phủ không thể mua được.

Một mình EVN nắm cả sản xuất (74% thị trường) lẫn truyền tải (100%) và phân phối điện (95%) (nguồn: EVN, 2008). Họ không ngăn cản việc mở rộng thị trường cho các nhà sản xuất và cung cấp khác, nếu không họ đã chẳng lấy lý do "khuyến khích đầu tư" để tăng giá điện.

2. EVN có lãi nhiều không?

Câu trả lời chắc chắn là EVN luôn luôn có lãi.

Giá điện ở Việt Nam được tính dựa trên chi phí bình quân dài hạn (long-term average cost). Chi phí này hình thành không từ thị trường tự do cạnh tranh mà từ kế toán nội bộ ngành, có sự kiểm soát và điều tiết của Nhà nước. Nó bao gồm bốn yếu tố: chi phí vốn, chi phí nguyên nhiên vật liệu, chi phí thường xuyên (lương cán bộ công nhân viên ngành điện), và lợi nhuận dự kiến của nhà sản xuất – ở đây là EVN.

Trong giá đã có tính đến lợi nhuận dự kiến của EVN. "Vì vậy, kiểu gì EVN cũng có lãi" – cũng chuyên gia kinh tế năng lượng nói trên khẳng định. Tuy nhiên, EVN lãi nhiều không thì câu trả lời chỉ họ và cơ quan quản lý Nhà nước mới nắm được.

3. Lập luận nào ủng hộ tăng giá điện?

Các chuyên gia cho biết, phần lớn nhất trong cấu thành giá điện là chi phí vốn, tức chi phí đầu tư, khai thác các nguồn sản xuất: thủy điện, khí, than, dầu, sắp tới có thể là điện nguyên tử. phần lớn thứ nhì là chi phí nguyên nhiên vật liệu: nước, khí đốt, than, dầu mỏ. Còn chi phí thường xuyên, ví dụ lương nhân công, chỉ chiếm một thành phần nhỏ.

Giá điện bán lẻ bình quân ở Việt Nam khoảng 3 cent/kWh, so với Trung Quốc 8-9 cent/kWh, Campuchia 13 cent/kWh. Giá điện của chúng ta ở mức thấp nhất khu vực, nhưng điều đó không phải chỉ do lương nhân công Việt Nam thấp hơn lương trong khu vực. Thay vì thế, giá thấp chủ yếu là do nguồn sản xuất điện (nước, khí đốt, than, dầu) của chúng ta ban đầu còn dồi dào. Theo thời gian, các nguồn dễ khai thác sẽ cạn kiệt dần, chi phí vốn và chi phí nguyên nhiên vật liệu sẽ phải tăng lên. Và như thế, giá điện tăng là xu hướng tất yếu (cũng như giá dầu mỏ). Điều đó đúng cho toàn thế giới. Chẳng hạn, tại Mỹ (quốc gia có thị trường điện tương đối tự do cạnh tranh), trong 10 năm từ 1996 đến 2006, mức giá điện bán lẻ trung bình đã tăng từ 6,8 cent/kWh lên 10 cent/kWh.

Theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành, "khuynh hướng chung về dài hạn là giá năng lượng sẽ tăng, nếu không có cải tiến đột xuất trong lĩnh vực công nghệ sản xuất năng lượng". Tuy nhiên, ông Thành cho biết: "Trong đề án tăng giá điện, vấn đề năng suất không hề được EVN đề cập đến. Họ không muốn thừa nhận, bởi năng suất phụ thuộc nhiều vào khả năng quản lý".

Cũng có chuyên gia cho rằng, trong ngành điện, tăng năng suất đến mấy cũng không bù đắp nổi sự khan hiếm về nguồn. Vì thế, trước sau, giá điện cũng sẽ phải lên để thu hút đầu tư khai thác. Nhưng dù sao thì trong một thị trường cạnh tranh, giá sẽ tăng chậm hơn và động lực cải thiện năng suất cũng như tìm ra các phương thức khai thác nguồn năng lượng mới sẽ nhiều hơn.

4. Tại sao EVN không đầu tư?

EVN kêu thiếu vốn, nhưng đó là vốn để đầu tư vào chính ngành điện. Còn trên thực tế, tập đoàn vẫn có lãi để đổ vào các lĩnh vực "phi điện" như ngân hàng, bất động sản, resort, viễn thông… Lý do đơn giản bởi EVN là một doanh nghiệp, và họ có quyền lựa chọn đầu tư vào những lĩnh vực ra lợi nhuận nhanh hơn, "ngon" hơn.

Trong bối cảnh lạm phát, lạm chi ngân sách, Nhà nước cũng không thể dồn vốn ngân sách hoặc tài trợ của Ngân hàng phát triển châu á (ADB) hay Ngân hàng Thế giới (WB)… cho việc đầu tư vào ngành điện. Đã đến lúc cần có sự đầu tư từ các nhà sản xuất và cung cấp khác (cả trong và ngoài nước), như các công ty trong lĩnh vực than, dầu khí, thủy nông v.v. Nhưng các đơn vị khác cũng là doanh nghiệp nên họ cũng đòi hỏi thị trường phải hấp dẫn thì mới đầu tư.

5. Thiếu điện, ai chịu trách nhiệm?

Kẻ chịu trách nhiệm ở đây là cơ chế và người tuân theo nó là EVN – nhà sản xuất, truyền tải và phân phối gần như duy nhất trên thị trường Việt Nam.

Bài toán đặt ra cho ngành điện giờ đây là phải làm sao để thu hút đầu tư khai thác nguồn (muốn vậy cần một mức giá hấp dẫn), khuyến khích tăng năng suất trong ngành. Tiến sĩ Nguyễn Quang A gợi ý việc ưu tiên tự do hóa thị trường sản xuất điện. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Cepr cho rằng "nên tạo một môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện, trên cơ sở tách một số công ty từ EVN, để chúng trở nên độc lập với nhau".

Song song với đó là việc chuyển từ cơ chế tính giá dựa trên chi phí bình quân dài hạn – hoạch định nội bộ, do Nhà nước điều tiết – như hiện nay sang một hệ thống giá cả có yếu tố cạnh tranh giữa nhiều nhà sản xuất và cung cấp độc lập. Trước những năm 80 của thế kỷ trước, thị trường điện của tất cả các nước đều do Nhà nước điều tiết toàn bộ (như Việt Nam hiện tại). Quá trình giải điều tiết, tự do hóa đang diễn ra ở nhiều nơi.

6. Tăng giá điện có gây lạm phát không?

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành đưa ra ba kịch bản tăng giá điện:

1. Giá điện sinh hoạt tăng 20%, giá điện cho sản xuất không tăng: GDP giảm 0,04% và CPI tăng 0,13%;

2. Giá điện sinh hoạt tăng 20%, điện cho sản xuất tăng 10%: GDP giảm 0,15% và CPI tăng 0,73%;

3. Giá điện cả hai khu vực đều tăng 20%: GDP giảm 0,16% và CPI tăng 1,25%.

Như thế là trong cả ba trường hợp, tăng giá điện đều gây lạm phát và làm giảm GDP (trong ngắn hạn: 1 năm).

Dù vậy, trong dài hạn, việc tăng giá điện (đi đôi với tự do hóa thị trường trên cả ba khâu sản xuất, truyền tải, phân phối) sẽ kích thích đầu tư tăng năng suất, cạnh tranh, đi tới kìm lại tốc độ tăng giá. Thêm vào đó, việc tăng giá điện sẽ không gây sốc cho thị trường như đợt tăng giá xăng dầu hồi tháng 7 năm 2008, nếu có lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp và người dân chuẩn bị tinh thần, cùng "thắt lưng buộc bụng", tự điều tiết.

Ở nhiều nước trên thế giới, dù thị trường do Nhà nước điều tiết hay là tự do hoàn toàn, thì giá năng lượng cũng không thể tăng giảm tùy tiện, mà luôn phải theo một lộ trình đã vạch rõ và được công bố từ trước. Ví dụ, nếu giá điện từ ngày 1/7 năm nay tăng 3%, thì người dân đã phải được thông báo từ tháng 11 – 12 năm ngoái. Không thể viện lý do "năm nay thiếu nước nên thiếu điện" để tăng giá, đồng thời hô hào, bắt ép người tiêu dùng… tiết kiệm!

7. EVN có thể làm gì?

Để không còn những tranh cãi và phản đối hiện nay, EVN hoàn toàn có thể công khai cơ chế tính giá, lợi nhuận của họ, cùng những lý do giải thích sự cần thiết phải tăng giá điện (khan hiếm nguồn nguyên nhiên vật liệu, thiếu vốn đầu tư v.v.). Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc EVN phải đưa ra được một lộ trình vừa tăng giá vừa cải cách ngành điện hợp lý nhất.

Một chuyên gia trong ngành nhận xét: "EVN không minh bạch đã đành, hoạt động tuyên truyền của bản thân họ cũng kém. Người dân đến nay vẫn không hề biết là nguồn tài nguyên để sản xuất điện của chúng ta hiện giờ đang khan hiếm đến mức báo động, nhất là các nguồn giá rẻ như than, khí đốt".

Bản đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Cepr cũng viết: "Nếu ngành điện có thể công bố được mức tăng năng suất của ngành, thì sức thuyết phục của việc tăng giá sẽ cao hơn rất nhiều. (Mức tăng giá = mức trượt giá – mức tăng năng suất)".

Trong tình hình hiện nay, sự lảng tránh báo chí và công chúng của EVN chỉ càng làm người ta thêm nghi ngờ và phẫn nộ. Trước đó, EVN còn xin tiền thưởng từ ngân sách, rồi không chịu đầu tư, rồi đổ trách nhiệm "tiết kiệm" lên đầu người tiêu dùng…

Có người nói vui rằng, thời bao cấp, điện là ngành được hoan hô nhiều nhất, vì cứ mỗi lần không gian bừng sáng lên sau lúc mất điện là cả làng cả tổng lại reo: "Có điện rồi!". Còn bây giờ, thời hội nhập, hình như điện đang trở thành (một trong những) ngành bị chê trách nhiều nhất. Trong khi trên thực tế, EVN cũng có "nỗi oan không chịu tỏ cùng ai".

14. Nay là Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam, Vepr.

Tiếp theo: NHÌN LẠI LỊCH SỬ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét