Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Bùi Văn Bồng : PHẢN PHÁO - TẤT NHIÊN LÀ VẬY (!?)

Nguồn nguoilotgach


          Sách binh pháp xưa đã dạy: "Vào trận cần biết chịu trận mới thắng được đối trận". Đối trận ở đây chính là phản pháo, từ chuyên môn quân sự đặt cho một loại chiến thuật khi mặt trận có sự xuất hiện của pháo binh. Nay, theo thuật ngữ chuyên dùng quân sự, ngưới ta nói đến "phản pháo" là ám chỉ sự chống trả của "đối phương" khi có người khác phê bình, chống lại, tấn công. Phê bình và tự phê bình hiện nay cũng có sự "phản pháo"- đó là quy luật. Làm việc gì bất chính, sợ lộ, sợ bị đưa ra ánh sáng, khi có ai đó mới nhắc đến, hoặc dính dáng liên quan, có tật giật mình, đều có sự phản pháo. Phản pháo như cái lò xo thường trực, đụng đến là nhảy bật trở lại, phản ứng bật lò xo.
            Tôi có một người quen. Chỉ là dừng lại ở quen thôi, không thân nổi. Khi anh ta nghỉ hưu được hơn hai năm, tôi hỏi: "Này, khi đó ông đương chức đương quyền, ông biết rất rõ sai phạm của ông X. Tham nhũng mười mươi ra đó, sao ông không phê bình?". Ông cán bộ hưu trí ấy đã trả lời rất tỉnh queo: "Chỗ trung thực và tin cẩn như ông, tôi nói thật, mình cũng có sai, thằng cha X. cũng biết cái sai của mình, nếu như phê nó, nó sẽ phản pháo, cả hai cùng "chết". Cho nên, tốt hơn hết là "án binh bất động", nó sai hơn mình nhiều lắm, nhưng đụng đến nó, nó phản pháo, làm sao mà hạ cánh an toàn được!".
          Tôi cho đó là lời tâm sự rất thật, khi ông người quen đã biết vào thời điểm này, dù có công khai những sai sót cũng chẳng sao. Một là đã hạ cánh an toàn. Hai là chuyện đó hầu như ai cũng biết cả rồi. Ba là hiện trạng vụ việc rộ lên ầm ĩ một thới, nay coi như đã xong, cứt trâu hóa bùn, bùn khô thành đất rồi. Cho nên, ông người quen nọ mới thổ lộ cái ổ tò vò trên đây với tôi.
            Phản pháo cũng là phản ứng tự nhiên. Anh đánh tôi, tôi đánh lại. Ông bắn tôi, tôi xem cái "trận địa" của ông ở đâu, lập tức phản pháo ngay. Phản pháo, trước hết là bảo vệ mình, và phải buộc "địch" (đối phương) phải câm họng.
Bình thường thì không sao (chuẩn úy), nhưng khi có ai đó nói đến cái kim bọc nhiều lần trong giẻ, nói đến những điều đang cố giấu kín, thì bật lò xo ngay. Thế nên không lạ gì mấy ông quan tham, mấy nhóm lợi ích, cả cái lũ lâu la xà bần chầu rìa theo đuôi hít hơi, đi bên dựa bóng, theo đóm ăn tàn cũng vào cuộc phản pháo.
          Có một ông Thường vụ Thành ủy ở một thành phố phía Nam nói với tôi: "Mình không dính, nhưng đụng vào là chúng nó quây lại quật mình luôn. Cho nên, tốt hơn hết đừng vội choảng thẳng cánh, cứ từ từ xem sao cái đã. Thành ủy chả là cái gì, nhưng cũng là 'bát ăn' của cả nhà. Con gái mình đang làm ở thành ủy, con trai sắp vào đại học. Họ hy sinh đời bố, củng cố đời con, mình cũng vì con mà ráng mà ngậm miệng".
 Sự vận dụng chiến thuật gọi là "từ từ" đó, cái tâm lý ngại lên tiếng, không xuất đầu lộ diện cũng có 1001 lý do. Có người không dính dáng (như ông Thường vụ nọ), nhưng an toàn vẫn là thượng sách, vi ông ta còn nghĩ đến những rơ-móoc phía sau. Hơn nữa, "chúng nó", cả "một bộ phận không nhỏ…", chiếm đa số, có thế lực, mình- "thấp cổ bé họng". Thứ nữa là một số đối tượng cũng ở diện "ông ăn chả, bà ăn nem", dính vào tham nhũng, lại còn mua bằng, mưa chức, còn yếu chỗ chỗ này, khuyết nơi kia, tiêu cực này khác, cũng chẳng trong sạch gì. Vậy thượng sách là "ta không đụng đến ngươi, người cũng đừng đụng đến ta". Một nhóm khác là sống nhờ ân huệ, không nên "phản trắc", nghĩa là đã nghĩ khá chín: "Ông ấy biết sắp xếp, có quyền bố trí cán bộ, đã lôi mình vào cái chức này, cũng êm rồi, thôi kệ!". Những người thuộc diện này rõ là cuộc sống "kêu gọi" họ phải biết "ngậm miệng ăn tiền, gây phiền hại mình trước".
         Vậy nên, từ trong chính cuộc sống thường nhật, tự phê bình đã khó. Kê khai tài sản cũng khó mà biết đích xác. Các vị cho con, cháu, kể cả người dưng cũng bị kéo vào "ký hợp đồng đứng tên, rồi ăn hoa hồng, được trả công". Tên người khác đấy, "án tại hồ sơ",  không phải của Chí Phèo, đâu dễ gì đưa Chí Phèo ra pháp luật? Làm gì nhau?
Rất nhiều vụ đi theo bàn cờ đô-mi-nô kiểu này. Đang hiện hữu sờ sờ như cậu ấm Bùi Thanh Tùng, làm ở khâu quản lý lao động của Sở Lao động-TB và XH, nhưng có tiền xây dựng khu Công viên sinh thái tư gia như hàng trăm tỉ như thế đấy, còn nói là tiền "mồ hôi, nước mắt". Có cái đặc sản "mồ hôi nước mắt" gì mà có giá đến vậy? Không khéo bởi vụ này, sắp tới đơn xin việc ở Sở LĐ-TB&XH cứ tơi tới. 

 
Biệt thự trăm tỷ  của con trai ông Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương

Nhưng đứng tên là Bùi Thanh Tùng, đâu phải là tài sản của đương nhiệm Bùi Thanh Quyến, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương? Kê khai tài sản ư, chuyện nhỏ. Nhưng sẽ không bao giờ có một thằng ăn cắp chuyên nghiệp khùng điên lại bỗng dưng vào nhà mở két, mở tủ lấy đồ ăn cắp đem trả cho người bị mất. Còn phê bình và tự phê bình, nói nhiều, xưa rồi, mà cũng nhẹ hều đâu có nhằm nhò gì. Cứ tổ chức ít nhất một tuần chỉ có việc ăn với ngồi phê bình nhau, cho dù lâu hơn cả tháng đi nữa, nhưng rồi chẳng đi đến đâu: Hô hào ai đó vẫn hô hào / Ông cứ lặng thinh cũng chẳng sao...
Vì thế, cho nên, do đó, và còn bởi vậy - cuộc chỉnh đốn Đảng theo NQ Trung ương 4 lần này, mới rung chà các đã nhảy, mới gãi ngứa đã phải nhận được rất nhiều, và đa chiều, với đủ mọi cung bậc, nhiều cách thức phản pháo. Không đủ bản lĩnh, không kiên quyết, không dám chịu đau như mổ xẻ ung nhọt, thêm vào đó là trình độ chiến thuật, kỹ thuật yếu, và nếu như người đứng ra cầm cân nảy mực cũng là "có dính", rồi ai cũng hiểu là cho dù có hô to "quyết liệt", là phải quyết tâm cao, nhưng xem ra với sự chần chừ, từ từ kiểu này thì kết quả sẽ không đi đến đâu! Chờ hồi sau sẽ rõ. 


Bùi Văn Bồng
5/2012 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét