from VOA News: VOA Tiếng Việt
Bác sĩ Phụng: Tôi là bác sĩ Phụng, công tác tại bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, hiện đang du học ở Nhật.
Y tá Minh: Tôi là Bình Minh, đang học y tá ở Nhật, qua đây được 6 năm rồi.
Huy Sài Gòn: Tôi là Huy ở Sài Gòn.
Tiến Hà Nội: Tôi là Kim Tiến từ Hà Nội.
Trà Mi: Nói về chất lượng, tiêu chuẩn của đội ngũ y tế ở Việt Nam, gần đây vấn đề y đức của người thầy thuốc là đề tài được bàn cãi và phản ảnh rất nhiều trên các phương tiện truyền thông cả trong lẫn ngoài nước. Từ kinh nghiệm bản thân hay từ ghi nhận của mình, các bạn thấy hình ảnh người thầy thuốc trong xã hội Việt Nam ngày nay như thế nào?
Huy Sài Gòn: Cách đây khoảng 2 tháng mình có mổ ruột thừa. Sáng hôm đó, Trưởng Khoa ngoại của bệnh viện 115 đi khám cho bệnh nhân ở tất cả các phòng. Ông ấy đi nhìn bệnh nhân, cứ nhìn thôi như thể có khả năng cao siêu, chỉ nhìn là biết người ta khỏi bệnh hay không. Ông cứ cho bệnh nhân về. Có một ông cụ đang đặt ống dẫn lưu cũng bị ông trưởng khoa rút ống cho về, không nhấn bụng, không coi cho người ta gì hết. Sau khi rút ống khoảng nửa tiếng sau, ông cụ la đau bụng vì dịch dẫn lưu dẫn ra chưa hết. Lúc đó, y tá, bác sĩ điều trị chạy vô đặt lại ống dẫn lưu cho cụ. Ông cụ bê nguyên bình ống dẫn lưu lên kiếm bác sĩ trưởng khoa thì ông trưởng khoa trốn mất. Đây là một trong những chuyện tôi chứng kiến tận mắt, rất hài hước. Họ coi sinh mạng con người không ra gì hết. Ghi nhận về hiện trạng đang xảy ra ở ngành y tế Việt Nam, tôi thấy họ không còn nhớ tới lời thề Hyppocrates là cái gì nữa hết.
Trà Mi: Huy vừa đưa ra nhận xét của bạn về hình ảnh người thầy thuốc Việt Nam và hai chữ y đức. Mời Tiến.
Tiến Hà Nội: Em cho rằng y đức tại Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng. Có những người bác sĩ rất thiếu y đức. Em và gia đình trong một lần bà em nằm viện đã trực tiếp chứng kiến cách cư xử vô văn hóa và thiếu y đức của bác sĩ đối với bệnh nhân. Bà em vào nằm bệnh viện Bạch Mai, khoa miễn dịch lâm sàng. Tiền viện đóng không hề ít, gần 1 triệu đồng/ngày, mà cả ngày mới có 1 người đến xem bệnh. Hôm đó, bà em bị đau bụng dữ dội, nhưng yêu cầu từ sáng mãi đến chiều cũng chỉ được câu trả lời là hiện tại không có bác sĩ nào trực trong ca đó. Em không thể hiểu tại sao trong giờ hành chính mà lại không có một bác sĩ nào trực. Gia đình em đã yêu cầu cho bà em xuất viện ngay trong đêm hôm đó để vào bệnh viện tư. Đi khám ở các bệnh viện tư, cách họ cư xử với bệnh nhân hoàn toàn khác biệt. Bác sĩ ở bệnh viện tư đối xử với bệnh nhân hết sức hòa nhã.
Trà Mi: Tiến nói có sự khác biệt giữa cung cách phục vụ giữa bệnh viện tư-công, nhưng mức tiền bệnh nhân phải chi trả để được sự khác biệt đó chênh lệch thế nào?
Tiến Hà Nội: Số tiền nằm bệnh viện tư 1-2 ngày bằng số tiền vào bệnh viện công nằm 1 tuần. Tuy nhiên, trong thời gian nằm bệnh viện công 1 tuần, bà em bệnh trạng càng nặng hơn và không được sự để ý nhiều.
Trà Mi: Mình vừa ghi nhận ý kiến của Huy và Tiến từ góc cạnh bệnh nhân, những người đã trực tiếp chứng kiến hoặc tiếp nhận sự phục vụ của đội ngũ y bác sĩ ở Việt Nam. Thế ý kiến từ phía những người trong ngành thế nào? Bác sĩ Phụng có cảm nghĩ thế nào trước sự than phiền của bệnh nhân và sự phản ảnh của xã hội đối với ngành y?
Bác sĩ Phụng: Cảnh mà các bạn nói cũng không có gì xa lạ đối với mình. Thật sự mình công tác vừa ở bệnh viện công vừa ở bệnh viện tư, nên mình hiểu được nỗi lòng của bạn. Cũng xót xa lắm chứ, nhưng có một số điều mình cũng muốn nói để bạn thông cảm. Đó là bệnh viện công chỉ chú ý tới vấn đề điều trị bệnh, chứ không chú ý tới vấn đề điều trị con người. Họ chỉ chú ý điều trị tới bệnh lý. Chính vì vậy họ bỏ quên yếu tố con người và điều đó làm bạn bức xúc. Đó là thực tế hiện tại ở Việt Nam.
Y tá Minh: Cho mình góp ý.
Trà Mi: Phụng đồng ý với những thực tế mà bệnh nhân nêu ra. Mời Minh.
Y tá Minh: Mình rất hiểu tâm trạng của bệnh nhân cũng như tâm trạng của bác sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam bây giờ điều kiện khách quan không cho phép bác sĩ quan tâm tới bệnh nhân nhiều trong bệnh viện công vì sự quá tải. Bệnh nhân cảm thấy bị bỏ rơi vì như ông bác sĩ đó có thể một buổi sáng ông phải đi xem cho cả trăm người bệnh, không thể nào ông dừng lại trao đổi với bệnh nhân. Đó là yếu tố khách quan mình muốn nói tới. Từ phần chữa bệnh cho tới phần nói chuyện với bệnh nhân sao cho phải đạo, chuyện đó làm rất khó. Nhưng còn một yếu tố khách quan nữa, đó là chúng ta chưa có hệ thống để kiểm tra chất lượng bác sĩ. Chúng ta không kiểm soát sản phẩm của mình. Cho nên, vàng thau lẫn lộn. Điều này gây ảnh hưởng tới bệnh nhân rất nhiều. Đúng là y đức đang xuống dốc thật. Nhưng Minh cũng xin nói một ý nữa là về mặt bệnh nhân. Ví dụ như chỉ bị ngã thì không cần phải lên bệnh viện Chợ Rẫy chầu chực cả ngày. Thay vì đó, có thể đọc sách hay tìm ra phương pháp thích hợp với mình hơn. Điều này lại phụ thuộc vào dân trí. Người bác sĩ có thể do hay làm việc trong môi trường đó nên thấy cái gì cũng bình thường hết. Ngược lại, đối với bệnh nhân, cả đời họ mới bị một lần nên cảm thấy chuyện đó là quá sức chịu đựng. Trong khi không có một sự giải thích nào và sự thấu hiểu giữa hai bên thì dẫn tới những chuyện đáng tiếc như vậy.
Tiến Hà Nội: Em không nói từ ví dụ riêng của bản thân mình không mà…
Huy Sài Gòn: Mình cũng biết là áp lực làm việc trong bệnh viện công rất cao, nên mình cũng thông cảm điều đó, nhưng nguyên nhân gây ra là do cả một hệ thống.
Y tá Minh: Đúng rồi.
Huy Sài Gòn: Cả hệ thống tổ chức như thế nào để gây nên sự mất lòng tin của người dân đối với các bệnh viện ở tuyến dưới. Chính điều này tạo nên áp lực đối với các bệnh viện ở tuyến trên. Khi một người làm việc trong áp lực căng thẳng như vậy, đương nhiên họ không thể nào tươi cười trao đổi vui vẻ, thoải mái với bệnh nhân được.
Tiến Hà Nội: Thật ra còn rất nhiều trường hợp khác, nhất là các trường hợp cả bà mẹ lẫn thai nhi bị chết tức tưởi rất là nhiều. Nếu không có phong bì lót tay, bệnh nhân rất ít khi được quan tâm tận tình, chu đáo. Đó là những chuyện đang diễn ra rất nhiều hiện nay ở Việt Nam. Những người nghèo đi bệnh viện bị đối xử một cách bất công. Những người có tiền lại được đối xử một cách khác.
Trà Mi: Ngoài nguyên do từ áp lực công việc, còn nguyên do nào khác khi chúng ta bàn tới vấn đề y đức đang bị xuống cấp hay không?
Y tá Minh: Mình rất khó làm được điều tốt khi không có thời gian. Rất nhiều bệnh viện hiện nay có quá nhiều bác sĩ không tốt trong một bệnh viện thì sẽ thực sự ảnh hưởng tới bệnh nhân.
Trà Mi: Minh nói 'có quá nhiều bác sĩ không tốt trong một bệnh viện'. Vì sao lại có tình trạng đó?
Y tá Minh: Vì người ta không tuyển bác sĩ dựa vào năng lực. Những bác sĩ giỏi không được vào những chỗ tốt. Ở Việt Nam giờ đào tạo rất đại trà, rất nhiều loại hình bác sĩ khác nhau, nhưng rốt cuộc không ai kiểm tra hết. Qúa trình đào tạo quá lỏng lẻo.
Trà Mi: Một ý nữa đưa ra là do khâu đào tạo. Minh nói có nhiều bác sĩ giỏi không kiếm được chỗ tốt, thế thì họ đi đâu?
Y tá Minh: Còn tùy vào hoàn cảnh của họ, ví dụ họ chọn ngay các bệnh viện tư. Thứ hai, có thể bác sĩ giỏi vẫn làm được ở bệnh viện công nhưng không có cơ hội có tiếng nói trong khoa. Ví dụ bác sĩ giỏi có thể biết điều đó là sai đối với bệnh nhân, nhưng không thể nói được.
Trà Mi: Ý kiến bác sĩ Phụng?
Bác sĩ Phụng: Yếu tố mấu chốt nhất vẫn là yếu tố tâm lý tiếp xúc. Bác sĩ không giải thích triệt để cho bệnh nhân, khiến bệnh nhân thiếu thông tin, gây ra sự mâu thuẫn giữa y bác sĩ với bệnh nhân. Điều này xảy ra ở rất nhiều bệnh viện. Đó là một sự cố tất yếu khi hệ thống y tế bị quá tải, cộng với người dân mất lòng tin vào bác sĩ. Ở Nhật tại sao không có tình trạng này? Vì Nhật không có sự quá tải ở các bệnh viện.
Y tá Minh: Thật ra nói ở Nhật không quá tải cũng không đúng. Đương nhiên nó không quá tải như Việt Nam, nhưng vẫn có những chỗ bị quá tải. Ví dụ ở Nhật, một bệnh nhân khi vào bệnh viện được phát nguyên tập tài liệu cho biết một ca mổ gồm các tiến trình thế nào, ăn uống thế nào, giảm đau thế nào, và sẽ ra viện khi nào. Họ làm cho bệnh nhân có thể hiểu được họ sắp đón nhận cái gì. Trong khi ở Việt Nam, bác sĩ vừa không có thời gian cho bệnh nhân, vừa không cung cấp cho bệnh nhân những thông tin đó, bệnh nhân hoang mang là phải thôi. Mình nghĩ phương pháp duy nhất để cải thiện hiện trạng bây giờ là phải làm tăng sự hiểu biết giữa hai bên. Truyền thông ngay trong bệnh viện, chẳng hạn. Bệnh nhân ngồi chờ trong bệnh viện cả ngày. Mình có thể đặt các kênh TV và phát cho bệnh nhân những tài liệu như vậy.
Tiến Hà Nội: Tiền và vấn nạn phong bì đang khiến cho y đức của bác sĩ bị xuống cấp.
Trà Mi: Yếu tố tiền bạc, lương bổng, và nạn tham nhũng góp phần như thế nào trong vấn nạn xuống cấp y đức tại Việt Nam? Giải pháp nào giúp chấn chỉnh y đức của người thầy thuốc, nâng cao chất lượng phục vụ xã hội? Người trẻ có đề nghị gì giúp thay đổi tình hình? Đó cũng là nội dung phần trao đổi tiếp theo trên Tạp chí Thanh Niên vào giờ này, tuần sau. Mời quý vị đón nghe.
Các bạn nghe đài có quan điểm thế nào về chất lượng phục vụ của đội ngũ y tế trong nước và y đức của người thầy thuốc trong xã hội ngày nay? Xin vui lòng gửi chia sẻ trong mục Ý Kiến ngay bên dưới bài đăng trên Tạp chí Thanh Niên của đài VOA. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần Chuyên mục-Tường trình đặc biệt, trên trang nhà voatiengviet.com. Trà Mi xin chân thành cảm ơn quý vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét