Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Đoan Trang : VÀ QUYỀN LỰC THỨ TƯ (phần 3): HAI NHÁNH QUYỀN LỰC

Nguồn haydanhthoigian

Đảng 3K (Ku Klux Klan, còn gọi là Klan) ở Mỹ là một tập hợp các nhóm phái theo đuổi "sứ mệnh" bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người da trắng bằng bạo lực và khủng bố. Từ khi nhóm 3K đầu tiên ra đời năm 1865 (sau thời kỳ Nội chiến), phong trào này đã lan khắp nước Mỹ, gieo rắc tội ác, tấn công và giết chóc người da đen và những người da trắng ủng hộ bình quyền. Khi hành sự, thành viên 3K đeo mặt nạ và mặc áo choàng để che giấu nhân dạng. Một đặc điểm nữa của 3K là họ thực hiện các vụ tấn công vào ban đêm, nên tính ma quỷ và huyền bí càng tăng thêm, như một cách khủng bố tinh thần cộng đồng.

Dân chúng và các lực lượng chính trị tiến bộ ở Mỹ tất nhiên không ủng hộ phong trào cực đoan này, tuy nhiên, cho đến thập niên 50 của thế kỷ trước, 3K vẫn tồn tại trong một lớp màn thần bí. Không rõ điều này có phải là nguyên nhân khiến nó duy trì được sức sống dai dẳng không, nhưng đúng là chỉ từ khi một nhà báo, nhà nghiên cứu người Mỹ tên là Stetson Kennedy minh bạch hóa những thông tin nội bộ của 3K, nói cách khác là "giải thiêng" nó, thì đảng 3K mới thật sự mất hết hình ảnh và thoái trào.

Stetson Kennedy đã làm gì? ông làm cái việc mà nhiều nhà báo xưa nay vẫn làm: cải trang và thâm nhập vào hàng ngũ đối tượng để lấy thông tin, hay nói như cách báo chí ta vẫn viết là, "trong vai một thành viên của đảng 3K, Stetson Kennedy đã lọt được vào tận sào huyệt của chúng". Từ đó, ông chuyển thông tin – những mật mã của 3K, các nghi thức tâm linh của họ – ra bên ngoài cho báo chí và các cơ quan luật pháp. Thậm chí ông còn gửi chúng cho các nhà viết kịch bản của một chương trình phát thanh về Siêu nhân, để họ sản xuất ra những tập Siêu nhân chiến đấu với 3K. Bằng cách này, lớp màn huyền bí của 3K bị xé toang, nhiều việc họ bí mật làm trở thành tầm thường, thậm chí chỉ như trò chơi con trẻ. Người ta nói rằng có thể điều đó là một nguyên nhân làm 3K thất bại trong việc tuyển mộ thành viên mới và mở rộng mạng lưới.

Khi đọc câu chuyện về nhà báo Stetson Kennedy chống đảng 3K, tôi nhận thấy một cách rõ ràng hơn bao giờ hết sức mạnh của thông tin và sự bạch hóa. Tôi cũng chú ý tới điều mà Stetson Kennedy kể lại về 3K thời kỳ trước khi họ bị ông "giải thiêng". ông nói rằng: "Gần như tất cả những gì được viết về chủ đề này đều là những bài bình luận, xã luận (editorial), chứ không phải các bài viết có tính phát hiện, vạch trần (exposés). Các cây viết đều chống lại Klan, tốt thôi, nhưng họ có rất ít thông tin bên trong về nó".

Và đây cũng là cái mà bạn đọc chắc hẳn đã thấy ở các bài viết của nhiều phóng viên, trong đó có tôi: Hầu như đều là những bài bình luận, chứ không phải các bài có tính phát hiện hay thậm chí vạch trần. Đó là vì chúng tôi không có thông tin về các doanh nghiệp, tổ chức dân sự, cơ quan Nhà nước, và nói chung là toàn bộ nền kinh tế và hệ thống chính trị của chúng ta, cũng như các nhà báo Mỹ không có thông tin về đảng 3K. So sánh hệ thống doanh nghiệp và kinh tế – chính trị Việt Nam như đảng 3K thần bí bên Mỹ thì thật không đúng đắn chút nào, nhưng xin độc giả thứ lỗi cho sự láo xược đó. Nhiều khi những người làm báo nhỏ nhoi như chúng tôi chỉ muốn kêu lên: Giá như việc tiếp cận với thông tin doanh nghiệp, thông tin chính sách, được dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, với tôi, các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp Nhà nước, gần như luôn là một thành trì bảo mật thông tin. Việc liên hệ luôn gặp khó khăn. Nhiều khi doanh nghiệp hết sức hòa nhã, không từ chối tiếp phóng viên, chỉ đặt ra yêu cầu đơn giản là "cho chúng tôi xin cái công văn hay giấy giới thiệu của tòa soạn, phòng Tuyên truyền bên này sẽ tiếp nhận và xử lý". Nhưng từ lúc làm công văn, gửi sang, đến lúc công văn được xử lý, cũng mất ít nhất một ngày, mà thông tin thời sự thì có bao giờ đợi được, nhất là khi sự kiện đang "hot" (nóng)?

Vậy là thể loại "bình luận" lên ngôi, như thế đó.

 ***

Quốc hội ta hiền thật

Dường như, trong lịch sử hoạt động của Quốc hội từ năm 1946 tới nay, không nhiều kỳ họp Quốc hội thu hút sự chú ý của dân chúng như khóa XII này: suốt từ chủ trương sát nhập Hà Nội – Hà Tây tới chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, mỗi chủ trương được đưa ra trước Quốc hội đều là một lần được người dân nơi nơi quan tâm đặc biệt, từ quán nước tới công sở.

Chỉ mới tuần đầu tiên, kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XII đã đặt lên bàn nghị sự nóng bỏng nhiều vấn đề, mà nổi lên là chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên của Chính phủ. Với việc vấn đề này được bàn thảo "nóng sốt" ngay trong tuần đầu, có thể thấy Quốc hội đã và đang "gãi trúng chỗ ngứa" của người dân và vì thế, đang ngày càng tỏ ra có vai trò trong đời sống chính trị của đất nước ít nhất, Quốc hội cũng khiến người dân bớt đi cảm giác chủ trương đã được quyết, Chính phủ chỉ báo cáo, Quốc hội quyết những việc đã rồi.

Không chỉ với dân chúng trong nước, Quốc hội còn thể hiện sự quan tâm đến cộng đồng mấy triệu người Việt Nam ở nước ngoài, qua việc đưa lên bàn nghị sự hai vấn đề quan trọng: nhà ở cho Việt kiều và bảo vệ quyền lợi công dân Việt Nam sống ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thấy rõ đó, Quốc hội cũng để "lộ" ra một vài khía cạnh cần được chuyên nghiệp hóa.

Về chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên, công luận hài lòng khi thấy có những đại biểu Quốc hội tỏ ra quyết liệt: Quốc hội muốn chính phủ gửi báo cáo riêng về bauxite ngay trong tuần này (tức là tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp). Ví dụ, đại biểu Đặng Huyền Thái, phó Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, đề nghị: "Chính phủ và Quốc hội phải cung cấp đầy đủ thông tin cho đại biểu nắm được tình hình, nếu cần thì phải chất vấn cho rõ chuyện".

Và quả thực là ngày 23 tháng 5 năm 2009 (ba ngày sau khi khai mạc kỳ họp), Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về việc triển khai các dự án bauxite. Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu như các đại dự án bauxite không thuộc về một chủ trương lớn của đất nước, rất phức tạp về chuyên môn trên tất cả các mặt khoa học, kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng. Như vậy, một cách khoa học thì đại biểu Quốc hội cần được báo cáo kỹ từ trước khi kỳ họp khai mạc, thay vì ngồi vào họp rồi mới quyết liệt đề nghị Chính phủ gửi báo cáo. Người dân có thể lo lắng: Trong một vài ngày họp (tất nhiên không kéo dài câu chuyện bauxite suốt một tháng Quốc hội họp được), các đại biểu Quốc hội, với tầm hiểu biết chuyên môn hạn chế trong một lĩnh vực đặc biệt phức tạp là công nghiệp khai thác khoáng sản, sẽ xử trí ra sao với một bản báo cáo dài dằng dặc, đòi hỏi thời gian đọc, hiểu, nghiền ngẫm, suy xét?

Trước đó, bên cạnh những đại biểu bày tỏ "mong muốn" Chính phủ chuẩn bị một báo cáo chuyên đề để đệ trình, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Quang Bình cũng đã "nhắn" Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng phúc, "nhắc" Chính phủ "ngay trong tuần này phải có báo cáo riêng về bauxite gửi tới các đại biểu". "Việc này Chính phủ đã giao Bộ Công thương rồi" – ông Võ Hồng phúc đáp.

Thật ra thì, một Quốc hội "nghiêm khắc" sẽ không "mong muốn", "nhắn nhủ" gì Chính phủ cả, mà là yêu cầu giải trình trước một thời hạn cụ thể, và Chính phủ phải gửi báo cáo từ trước khi họp, cũng như phải chỉ định rõ ràng ngay từ đầu rằng Bộ nào sẽ thực hiện công việc này. Cách làm đó xem chừng hợp lý hơn là việc Chính phủ để Quốc hội ngồi vào bàn họp rồi mới đệ trình báo cáo, đẩy các đại biểu vào thế "nước đến chân mới nhảy", việc đến cổ mới quyết, rồi Bộ này kính chuyển nhiệm vụ cho Bộ kia, v.v…

Từ vài chuyện nho nhỏ như vậy, có thể rút ra một nhận xét cũng nho nhỏ như thế, là: Quốc hội ta hiền thật!

Vẫn còn tính xuề xòa

"Cơ quan đại diện ngoại giao phải bảo vệ công dân Việt Nam". Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ mạnh mẽ khi bàn về dự luật cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Điều này quan trọng và kể ra cũng là một nội dung thu hút quan tâm, ngoài chuyện nó là một việc tưởng chừng như hiển nhiên: Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, không bảo vệ công dân Việt Nam thì còn bảo vệ ai?

Sự việc gợi nhớ lại một chuyện phiếm ngày trước, khi có đại biểu nêu vấn đề "người bị án tù phải vào tù". Bởi lẽ, đại biểu này quá bức xúc trước tình trạng nhiều kẻ bị tòa kết luận phải ngồi tù rồi vẫn tung tăng ở ngoài.

Dù sao, đây cũng không phải là "lỗi" của Quốc hội. Chỉ có điều, vấn đề này cho thấy Quốc hội của chúng ta đang phải dành quá nhiều thời gian cho những việc lẽ ra không cần bàn mà mặc nhiên là phải được thực hiện từ rất lâu. Các đại sứ quán cố nhiên là có chức năng đại diện cho Nhà nước và bảo vệ quyền lợi của công dân nước mình. Thế nhưng, từ trước đến nay, nhiều đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài dường như chỉ có nhiệm vụ cấp hộ chiếu, làm giấy tờ đăng ký kết hôn, hoặc đứng ra vận động các phong trào, hô hào các dịp kỷ niệm, lễ lạt, chứ chức năng "bảo vệ" kia không thấy có, hoặc rất nhạt nhòa. Về chuyện này, chính phó Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, ông Trần Đình Nhã, kể có lần đi công tác nước ngoài, ông đã chứng kiến công dân Việt Nam bị giam tới 2-3 năm nhưng sứ quán Việt Nam vẫn không hay biết (!). Điều đáng nói ở đây là công dân Việt Nam có khi cũng không biết mình được hưởng quyền "kêu cứu tới sứ quán". Vậy, nếu họ bị bắt mà không kêu thì cơ quan đại diện cũng có lý do để không làm gì cả. Hòa cả làng!

Giá như Quốc hội ta bớt được thời gian dành cho những việc hiển nhiên như thế (nêu vấn đề "cơ quan đại diện ngoại giao phải bảo vệ công dân Việt Nam"), thì đã có thể dồn thì giờ ra quyết định, kiểm tra và giám sát trong nhiều lĩnh vực khác. Mà muốn bớt thời gian cho những chuyện hiển nhiên phải được thực hiện như vậy, đã hẳn là Quốc hội cần "nghiêm khắc" hơn.

Để Quốc hội nghiêm khắc hơn…

Trong những vấn đề cụ thể như chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên, sẽ rất khó khăn cho các đại biểu Quốc hội trong việc chất vấn, tranh luận về chuyên môn (với nhà đầu tư TKV và những người ủng hộ chủ trương này). Như chính đại biểu Dương Trung Quốc đã phát biểu: "Tôi là đại biểu Quốc hội mà còn chẳng biết mô tê ra làm sao. Ngay tại hội thảo do phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, trong khi báo cáo phản biện được thực hiện bằng một cuộc điều tra tại thực địa của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đưa ra con số lao động nước ngoài sử dụng visa du lịch khá cao, thì ông phó Chủ tịch tỉnh sở tại chỉ đưa ra con số không bằng 1/10".

Trong điều kiện thiếu thông tin và kiến thức chuyên môn, Quốc hội hoàn toàn có thể đặt hàng một nhóm nghiên cứu độc lập để kiểm tra toàn bộ thông tin về đại dự án khai thác bauxite, và tất nhiên, điều này sẽ đòi hỏi Quốc hội phải hoãn ra quyết định một thời gian. Có kiểm tra thì mới có thể ra quyết định và tiến tới giám sát (nếu dự án được thực hiện).

Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi một quan hệ "rạch ròi" hơn, "dứt khoát" hơn giữa Lập pháp và Hành pháp. Sẽ khó có chuyện như ông Chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Lê Quang Bình cho biết, rằng "ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã họp bàn và thống nhất báo cáo chung của Chính phủ về các vấn đề kinh tế – xã hội sẽ nêu một đoạn về bauxite Tây Nguyên". Bởi lẽ, trên nguyên tắc (và theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001), Quốc hội và ủy ban Thường vụ Quốc hội không cần họp với Chính phủ để thống nhất báo cáo chung. Thay vì thế, Chính phủ có nghĩa vụ đệ trình báo cáo sớm, đúng hạn, để Quốc hội phán xét, kiểm tra và biểu quyết.

Ngoài ra, hoạt động hiệu quả của Quốc hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp: đặt hàng cơ quan giám sát độc lập, nâng cao chất lượng đại biểu. Nếu ngay cả đến đại biểu cũng chưa ý thức rõ ràng về vai trò tối cao của Quốc hội (một quan chức Quốc hội chưa họp đã tuyên bố "chắc chắn hoàn toàn ủng hộ chủ trương khai thác bauxite"), thì e rằng chúng ta chưa thể có một quốc hội hội thật sự đại diện cho nhân dân.

Như thế, một quan hệ độc lập, không còn mang nặng tính "người nhà", giữa Chính phủ và Quốc hội, là điều kiện tiên quyết cho việc nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của Quốc hội.

 ***

Đại biểu Quốc hội với tư tưởng "về căn bản nhất trí"

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tại hội trường, ngày 26 tháng 5 năm 2009, có thể thấy một số nét chung, như quan điểm của các đại biểu về gói kích cầu, bội chi ngân sách v.v. Đặc biệt, một câu nói được nhiều đại biểu nhắc lại: "Tôi nhất trí về căn bản với Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội năm 2008 và triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2009".

Thực hiện gói kích cầu, điều chỉnh bội chi ngân sách, xem xét thuế thu nhập, đó là những nội dung điều hành vĩ mô của Chính phủ được các đại biểu Quốc hội nhắc tới nhiều nhất trong phiên thảo luận tại hội trường. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến đề cập đến chủ trương khai thác bauxite Tây Nguyên và vấn đề biển đảo.

Cần cái mới…

Ngay từ phát biểu khai mạc, phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã nhấn mạnh: "Do quỹ thời gian và theo quy chế, cho phép mỗi vị đại biểu phát biểu không quá 7 phút, ngắn hơn thì càng tốt, đi thẳng vào vấn đề và bớt thưa gửi, những thủ tục không cần thiết".

Các đại biểu Quốc hội đã quán triệt tinh thần này tương đối sâu sắc, ít nhất là về hình thức: Ngoại trừ một trường hợp còn thưa gửi đầy đủ, các đại biểu đều nhanh chóng đọc tham luận ngay sau câu "Kính thưa Quốc hội" và kết thúc với lời cám ơn gọn ghẽ. Việc bớt được phần "danh mục kính thưa" này hẳn là một điểm mới so với nhiều cuộc họp, giúp Quốc hội dành thêm được thời gian cho các vấn đề hệ trọng hơn.

Tiếc là, bên cạnh ưu điểm đó, nhiều đại biểu cũng tạo một cảm giác "về căn bản giống nhau". Chẳng hạn, đa số đại biểu đều nói về gói kích cầu, nhưng không nhiều ý mới ngoài những điều báo chí và giới kinh tế đã nêu từ lâu: đề nghị Chính phủ tăng cường giám sát, thực hiện minh bạch hóa… Có đại biểu dùng cả nửa bài phát biểu để nói về một chuyện "khổ lắm, biết rồi…": vấn đề ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với nền kinh tế nước ta và các doanh nghiệp Việt Nam. Dành tới một nửa thời gian cho phép (7 phút) để phân tích tình hình thị trường, dựa trên tư liệu do báo chí cung cấp, e là việc chưa đúng vai đối với một đại biểu và không cần thiết đối với một phiên họp Quốc hội.

Trên thực tế, và về nguyên tắc, đại biểu Quốc hội không có nghĩa vụ phải "hiến kế" cho Nhà nước và cho hành pháp. Nhưng quả thật, cũng cần thảo luận với nhiều ý mới hơn, vì thời gian thảo luận có hạn. Thêm vào đó, đại biểu có thể tiến xa hơn một bước so với báo chí, bằng cách nêu cụ thể vấn đề và gợi ý, đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục.

Có lẽ đó cũng là ý của phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khi ông nói, sau phát biểu của 13 đại biểu đầu tiên: "Tuy nhiên, nếu các đại biểu sau phát biểu ý kiến cũng nên tập trung vào có những biện pháp gì hay, hiến kế với Đảng và Nhà nước để thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 thì rất là tốt".

Cần có lửa hơn

"Trước tiên với tư cách là người đại diện cho cử tri…, xin phép Quốc hội cho phép chúng tôi được chuyển lời cảm ơn chân thành nhất của cử tri đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong thời gian qua đã đặc biệt quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, động viên…".

" Cử tri… cũng như đại biểu Quốc hội tỉnh… đánh giá rất cao vai trò điều hành của Chính phủ bằng nhiều các giải pháp năng động, kịp thời, linh hoạt và quyết liệt, đồng thời cùng các ngành, các cấp và sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân cũng như của cộng đồng các doanh nghiệp cả nước đã nỗ lực vượt qua khó khăn và kiềm chế được lạm phát, ngăn chặn suy giảm và ổn định về kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bảo đảm được an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là một kết quả cực kỳ quan trọng và rất đáng khích lệ…".

" Qua tiếp xúc cử tri cán bộ và nhân dân trong tỉnh, chúng tôi chưa phát hiện những ý kiến phản ảnh hoặc phản bác không đồng tình việc triển khai dự án, quan điểm của lãnh đạo tỉnh và nhân dân tỉnh Lâm Đồng luôn chấp hành và hoàn toàn ủng hộ dự án đầu tư lớn do Chính phủ quyết định tại địa bàn tỉnh trong đó có dự án khai thác bauxite-alumin của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam đang triển khai hiện nay…".

Chưa nói tới việc mỗi lời cảm ơn và đánh giá cao này đều "xém" vào thời gian 7 phút cho phép đối với mỗi đại biểu, nó còn cho thấy dường như còn có đại biểu của chúng ta vẫn chưa hoàn toàn ý thức được vai trò "cơ quan của quyền lực cao nhất", đại diện cho quyền lợi và ý nguyện người dân của Quốc hội. Thường thì dân chúng cần đại biểu Quốc hội để nói lên sự "không nhất trí" với các chính sách của Nhà nước, chứ không phải để bày tỏ sự "nhất trí". Nhất là khi thời gian phát biểu có hạn, các đại biểu càng chỉ nên nhấn mạnh vào những bức xúc của người dân. Còn chuyện biểu dương, khen ngợi và tỏ nỗ lực chấp hành, ủng hộ Chính phủ, có lẽ nên để vào dịp khác.

Hãy hiểu nỗi lòng của nhân dân

Thay vì những câu "không vì a mà không thực hiện B, nhưng cũng không vì thực hiện B mà bỏ quên a", Quốc hội cần lắm những ý kiến mang tính chất vấn, quyết liệt và cụ thể: có, hay không?

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết gây ấn tượng với cử tọa bằng các ý kiến như vậy: "Tôi rất phấn khởi nghe một đại biểu Quốc hội ở tỉnh Tây Nguyên nói là dự án sẽ nộp 500 tỷ vào cho địa phương và 1.000 công nhân sẽ được đi đào tạo. Chúng tôi xin đề nghị Quốc hội ghi nhận lại tất cả những con số đó, vài năm nữa chúng ta kiểm tra lại xem có đúng như thế không". Cũng ông Thuyết gọi hành động không đưa dự án bauxite ra Quốc hội bằng một từ nảy lửa: lách luật!

Thẳng thắn không kém ông Thuyết, đại biểu Dương Trung Quốc nhận xét: "Chúng ta đang đứng trước những thách đố cho một sự nghiệp lâu dài và chiến lược là phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia… Báo cáo của Chính phủ chưa tương xứng với độ nóng của tình hình thực tiễn… Quốc hội cần được Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin để thực hiện sự giám sát cũng như tạo sự đồng thuận của nhân dân trên lĩnh vực sống còn này".

Nếu các đại biểu Quốc hội đứng từ góc độ của nhân dân, bám lấy nỗi lòng và những bức xúc của người dân, mà bày tỏ quan điểm như vậy… Thì các cuộc thảo luận ở hội trường thậm chí sẽ còn là dịp để đại biểu Quốc hội nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị để tiến tới xây dựng một Quốc hội hiệu quả hơn.

 ***

Đại biểu Quốc hội "mất lửa", do đâu?

Báo cáo Kinh tế – xã hội năm nay lại trình Quốc hội muộn, báo cáo về dự án bauxite cũng phải chờ đến khi đại biểu "nhắc" mới có. Việc Quốc hội tỏ ra thiếu "uy" trước hành pháp như vậy thực ra xuất phát từ những cái khó riêng của đại biểu, và chuyện không dễ giải quyết trong một sớm một chiều.

Khó khăn đầu tiên là quỹ thời gian hạn hẹp. Quốc hội hiện có 491 đại biểu, trong đó tới 75% là đại biểu kiêm nhiệm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn phú Trọng từng nhận xét: "Thực tiễn cho thấy, các đại biểu kiêm nhiệm do bận công tác nên không bố trí được đầy đủ thời gian tham gia các hoạt động. Nhiều cuộc họp của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban không đủ 2/3 số lượng thành viên tham dự". Không chỉ thiếu thời gian tham gia hoạt động của Quốc hội, do công việc chính đã bề bộn, đại biểu kiêm nhiệm chỉ còn rất ít thì giờ để tập trung tìm hiểu về các vấn đề kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng của đất nước và các chính sách liên quan.

" Trước và trong mỗi kỳ họp của Quốc hội, tôi đều căng thẳng vì phải đọc số lượng tài liệu rất lớn" – đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho biết. "riêng với dự án bauxite, tôi đã phải tìm đọc tất cả các tài liệu có liên quan, trên mạng trong và ngoài nước. Có những vấn đề kỹ thuật, tôi phải hỏi ý kiến chuyên gia".

Ông Thuyết là đại biểu chuyên trách nên mới có thời gian đọc "số lượng tài liệu rất lớn" như vậy. Còn với các đại biểu kiêm nhiệm, gần như chẳng đại biểu nào có thì giờ theo dõi, nghiên cứu. Trong khi các vấn đề nghị sự đều phức tạp, đa phần đòi hỏi chuyên môn cao.

Đói thông tin do thiếu thực tế

Quan trọng hơn, các đại biểu thiếu một điều kiện thiết yếu cho công việc làm người đại diện của cử tri: thông tin. Thiếu thông tin đã trở thành một "căn bệnh" của các đại biểu, nhất là những người không ở trong bộ máy hành pháp hay giữ một vị trí lãnh đạo nào đó. Hậu quả của căn bệnh này là mỗi đại biểu riêng lẻ không có cách nào kiểm tra, thẩm định lại các số liệu, kết quả báo cáo, dự báo (nhiều khi rất vênh nhau) của cơ quan hành pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho biết: "Như vấn đề liên quan đến kinh tế – xã hội, gói kích cầu… những con số đưa ra, làm thế nào để phân tích, đánh giá một cách xác thực? Có khi con số Chính phủ khác, báo cáo thẩm tra ủy ban khác. Vậy có tìm ra được con số thực và biểu quyết trên cơ sở đó không? Như khai thác bauxite, nhiều đại biểu nói thiếu thông tin là vậy".

Không có thông tin, đại biểu nào có thể mạnh dạn bày tỏ chính kiến?

Sự thiếu thông tin xuất phát từ vài nguyên nhân. Thông thường các đại biểu Quốc hội có một số kênh để tiếp nhận thông tin: qua giám sát thực tế, tiếp xúc cử tri, và qua báo chí. Giám sát thực tế thì không phải đại biểu nào cũng có điều kiện lăn lộn với cơ sở. Tiếp xúc cử tri, trên thực tế, còn khá hình thức. ở nhiều nước, việc tiếp xúc cử tri diễn ra đều đặn tại văn phòng (tại đơn vị mà đại biểu đó làm việc), bất cứ ai cũng đến trực tiếp được hoặc có thể thông qua đăng ký trên điện thoại, không có kiểu "đại diện cử tri" đến làm việc thay cử tri. ở ta, việc tiếp xúc diễn ra định kỳ 4 buổi/năm, và đó là những buổi gặp gỡ giữa đại biểu Quốc hội và đại diện cử tri khu vực – tức tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, chi hội trưởng phụ nữ v.v. ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc này một phần bắt nguồn từ tâm lý "bảo vệ uy tín" cho đại biểu Quốc hội và địa phương: "Người ta sợ nếu tổ chức tiếp xúc cử tri, cử tri mà đến ít thì đại biểu mang tiếng". Cũng có thể, nó xuất phát từ tâm lý sợ cử tri sẽ kéo đến tranh thủ khiếu nại, tố cáo, làm sai lệch mục đích hội nghị.

Báo chí cuối cùng đã trở thành một kênh thông tin quan trọng cho các đại biểu Quốc hội. Nên tham luận của một vài đại biểu có phần giống như "tổng hợp thông tin từ các báo" là vì vậy.

Làm sao giữ lửa

Trước đây, Quốc hội khóa XI được coi là một khóa thành công, với nhiều đại biểu có đóng góp nổi bật như các đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, Đỗ Trọng Ngoạn, Tôn Nữ Thị Ninh v.v. Sang khóa XII, nhiều đại biểu nghỉ, dư luận sợ chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế cho thấy, ban đầu các đại biểu khóa XII đã vào cuộc rất mau chóng, sôi nổi. Tuy vậy, kể từ kỳ họp thứ tư, không khí có vẻ chùng xuống. Các đại biểu dường như đang kém hào hứng, tranh luận ít sôi động hơn.

Làm sao giữ "lửa" cho đại biểu Quốc hội? Câu trả lời là, muốn tăng chất "lửa", phải tăng cái "uy" của Quốc hội. Kỳ họp này, cũng như nhiều lần khác, báo cáo kinh tế – xã hội được trình Quốc hội khá muộn, mặc dù theo Nội quy kỳ họp Quốc hội, các cơ quan Chính phủ phải cung cấp thông tin kịp thời cho đại biểu, gửi báo cáo, tài liệu trước 20 ngày chứ không phải tới sát kỳ họp. Báo cáo về dự án bauxite cũng phải tới ngày 23 tháng 5 mới được chuyển cho Quốc hội, trong khi đã có Quyết định 167 của Bộ Chính trị "chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong phần báo cáo về kinh tế – xã hội năm 2009" từ ngày 25 tháng 4.

Nhưng "Quốc hội cũng chỉ có thể nhắc nhở, lưu ý các cơ quan Chính phủ "rút kinh nghiệm" thôi" – đại biểu Nguyễn Minh Thuyết mỉm cười. "Tôi đã từng viết rằng, ở nước ngoài, mỗi đại biểu là đại diện cho một đơn vị bầu cử, nếu không làm tốt vai trò đại diện cho cử tri là bị cử tri bãi nhiệm ngay. ở ta thì không thế, nên đại biểu không thực sự có động cơ để gắn bó với cử tri. Ngược lại, vì thấy cái "uy" của đại biểu không cao, cử tri cũng không thiết tha với đại biểu. 6 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi chỉ giúp 2-3 cử tri giải quyết được khiếu nại của các vị ấy, trong khi mỗi năm nhận tới 60-70 đơn".

" Đại biểu nào nhiệt tình, cử tri gửi thắc mắc gì cũng hứa giải quyết hết, thì phải coi chừng không thực hiện được, lại mang tiếng là "đại biểu họ Hứa" – ông Thuyết cho biết thêm.

Về hoạt động của đại biểu ở các địa phương, gần đây, trong một hội thảo về chất lượng tiếp xúc cử tri, ông Trần Hoàng Thám, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cũng đã thừa nhận một thực tế là, nếu đại biểu Quốc hội đồng thời giữ chức vụ cao trong chính quyền thì nói gì địa phương giải quyết ngay, còn những đại biểu không chức vụ thì tiếng nói hạn chế hơn nhiều. Tất nhiên, ông Thám vẫn khẳng định: "phải thấy rằng dù là đại biểu Quốc hội có chức vụ cao hay chưa cao thì vẫn bình đẳng về quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với chính quyền địa phương".

Cần thêm cơ chế "bật đèn xanh" cho đại biểu

Theo quy định, để một vấn đề được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội, cần một trong bốn điều kiện sau:

1. Có đề nghị của Chính phủ;

2. Có đề nghị của ủy ban Thường vụ Quốc hội;

3. Có đề nghị của một ủy ban chuyên trách liên quan trong Quốc hội;

4. Có đề nghị của tối thiểu 20% số đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn, do trong chương trình nghị sự của Quốc hội kỳ này (đã được thông qua tại phiên họp trù bị sáng 20 tháng

5. Không có nội dung thảo luận dành riêng cho dự án bauxite, nên về nguyên tắc Quốc hội sẽ không tiến hành bỏ phiếu về vấn đề này, nếu một trong bốn điều kiện trên không được đáp ứng. Với yêu cầu có đề xuất của tối thiểu 20% đại biểu Quốc hội, thì lại gặp một khó khăn: ai sẽ đứng ra vận động các đại biểu khác, khi mà đó có thể là một trong những điều đảng viên không được phép làm?

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai, phó đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh, nhận xét: "Nhiều đại biểu muốn áp dụng quy định về đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng cơ chế không cho phép, vì để cần đủ 20% đại biểu đồng ý thì ai là người khởi xướng? Luật không hướng dẫn cách làm, không bật đèn xanh nên khó thành hiện thực".

Và không chỉ cơ chế…

Nhìn sang các nước, đại biểu Quốc hội nói chung được đảm bảo về đời sống; các chi phí để làm việc như văn phòng (ở nhà Quốc hội và địa phương), thư ký, bưu điện, điện thoại, Internet, tiếp xúc cử tri tại địa phương, nghiên cứu… đều được thanh toán. Một số đại biểu Quốc hội Việt Nam có điều kiện tìm hiểu cho biết, xét trong khu vực, một dân biểu Campuchia có thể hưởng mức lương 2.000 USD/tháng, dân biểu Indonesia: 4.000 USD/tháng, nghĩa là họ có thu nhập ổn định để toàn tâm toàn ý với công việc. Trong khi ở ta, có người còn đang… thất nghiệp khi được bố trí làm đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, điều tối quan trọng là đại biểu Quốc hội phải có cái "uy" thật lớn: Một khi dân biểu phát biểu là được báo chí chú trọng đăng tải, và báo chí cũng sẽ chủ động gặp những cơ quan hay nhân vật liên quan để cật vấn, xem họ dự định giải quyết thế nào về vấn đề được đại biểu nêu ra.

Từ đây, có thể thấy rằng, ngoài những cơ chế "bật đèn xanh", tiếp sức, đại biểu Quốc hội Việt Nam còn cần được tạo thêm nhiều điều kiện để có thể nâng cao chất lượng công việc làm người đại diện cho nhân dân.

 ***

Đo chất lượng hoạt động của Quốc hội

Những năm gần đây, gần như trước kỳ họp Quốc hội nào, câu chuyện nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội… cũng được nêu ra. Có lẽ đã tới lúc cần đặt vấn đề một cách "sát sườn" hơn: Làm thế nào để cân, đong, đo, đếm được chất lượng ấy?

Hiệu quả hoạt động của cơ quan lập pháp phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu Quốc hội và mức độ thực quyền của Quốc hội đối với cơ quan hành pháp. Nếu nói hiện nay năng lực lập pháp ở ta còn yếu, thì cứ phải tiên trách đại biểu, hậu trách cái cơ chế quyết định thực quyền của Quốc hội.

Tiên trách đại biểu…

Điểm chung dễ nhận thấy ở đa số đại biểu Quốc hội của ta là tính hiền, hiểu theo nghĩa ít nói, ít phát biểu trong phiên họp toàn thể, và ít tiếp xúc báo chí. Có lẽ vì thế mà mỗi khóa, có vài trăm đại biểu Quốc hội nhưng chỉ vài gương mặt "nổi": Nguyễn Ngọc Trân, Tôn Nữ Thị Ninh (khóa XI), Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Nguyễn Đình xuân (khóa XII)… Các đại biểu này nổi bật giữa hàng trăm đại biểu là bởi họ thường xuyên có ý kiến chất vấn trong mỗi kỳ họp Quốc hội, luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, được công luận (báo chí và dân chúng) nhắc tới nhiều.

Tình trạng này, quả thật, hơi bất bình thường, vì đúng ra việc thay mặt cử tri chất vấn và giám sát hoạt động của Chính phủ, cũng như duy trì tiếp xúc với các kênh báo chí để truyền tải thông tin tới công luận, phải là một phần việc đương nhiên của các đại biểu. Đại biểu Quốc hội chẳng nên nổi tiếng vì đã làm những nhiệm vụ đương nhiên của mình. Tương tự, đã chất vấn thì dễ phải quyết liệt, cho nên khi dư luận trầm trồ thấy một số ít đại biểu nêu trên hay đưa ra các câu hỏi gai góc, ta chẳng biết nên buồn hay vui: Hỏi vậy mà đã là "mạnh bạo quá", "đụng chạm quá" hay sao?

Vì đa số các đại biểu "hiền" như thế, nên những người quan tâm theo dõi các kỳ họp Quốc hội khó mà hài lòng. Cử tri Trần Trinh Mạnh (phường yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét: "Người dân đã bầu các đại biểu để đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của họ, trong khi dân có rất nhiều bức xúc mà đại diện của mình lại thường im lặng trên diễn đàn Quốc hội. Đây là điều khó chấp nhận".

Im lặng ngồi dự họp đã đành, còn có những đại biểu im lặng không dự. Cử tri Nguyễn phi Long (phường Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội) đã bày tỏ sự bức xúc trước hiện tượng nhiều phiên làm việc của Quốc hội trống rất nhiều ghế: "Đại biểu nào vắng mặt nhiều thì không nên tham gia Quốc hội".

Hiện tượng này được phỏng đoán là do các đại biểu đó bận việc khác, bởi lẽ tới 70% đại biểu Quốc hội của ta hiện nay là kiêm nhiệm. Nhiều đại biểu còn làm Bộ trưởng, Thứ trưởng trong cơ quan hành pháp, nên quỹ thời gian tất nhiên phải san sẻ cho cả hai việc "đá bóng" và "thổi còi".

Còn sự "im lặng khó hiểu" của số đông đại biểu trước Hội trường thực ra cũng không quá khó hiểu. Một gương mặt kỳ cựu trong số các đại biểu Quốc hội khóa XII, ông Nguyễn Minh Thuyết, từng giải thích rằng có những đại biểu là người địa phương, ít có điều kiện tham dự thường xuyên những sự kiện chính trị lớn như họp Quốc hội: "Đã vậy, mà lại phải tham gia ý kiến về các vấn đề kinh tế – xã hội phức tạp thuộc những lĩnh vực không phải chuyên môn của mình, thì họ dễ cảm thấy e ngại" – ông Thuyết cho biết.

Có những đại biểu còn rất trẻ. Có đại biểu là người dân tộc thiểu số. Khóa XII, lại có người còn đang đi tìm việc khi được bầu làm đại biểu Quốc hội. Đặc biệt hơn nữa, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn phú Trọng từng "tiết lộ": "Không loại trừ cả trường hợp nhiều người không thích làm đại biểu đâu nhưng vì công việc nên phải làm". Những đại biểu như vậy, nếu im lặng ngồi dự phiên họp toàn thể của Quốc hội, cũng là điều dễ hiểu.

… hậu trách cơ chế

Tuy nhiên, sẽ là không thỏa đáng nếu quy hoàn toàn chất lượng hoạt động của cơ quan lập pháp cho năng lực của đại biểu Quốc hội. Nhìn vào danh sách đại biểu Quốc hội các khóa từ khóa Ix tới khóa XII, có thể thấy mặt bằng trình độ của đại biểu Quốc hội đã tăng lên đáng kể (tạm theo một tiêu chí là bằng cấp):

  • § Khóa Ix (1992-1997): 395 đại biểu, trong đó 222 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, chiếm tỷ lệ 56,2%;
  • § Khóa x (1997-2002): 450 đại biểu, trong đó 411 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, chiếm tỷ lệ 91,33%;
  • § Khóa XI (2002-2007): 498 đại biểu, trong đó 465 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, chiếm tỷ lệ 93,37%;
  • § Khóa XII (2007-2011): 493 đại biểu, trong đó 473 người tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học, chiếm tỷ lệ 95,94%

(nguồn: Văn phòng Quốc hội)

Bên cạnh đó, có một thực tế là vào những kỳ họp đầu tiên của mỗi khóa Quốc hội, các đại biểu thường vào cuộc rất sôi nổi. Càng các kỳ họp về sau, không khí càng bớt "nóng", và rồi đến khi nhiều vấn đề không được giải quyết triệt để như mong đợi của một bộ phận cử tri, thì câu hỏi về chất lượng hoạt động của Quốc hội lại tiếp tục được đặt ra.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII vừa qua, báo cáo kinh tế – xã hội được trình Quốc hội khá muộn, báo cáo về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên phải được "nhắc" đôi lần, Chính phủ mới gửi Quốc hội. Chương trình nghị sự cũng không có nội dung thảo luận nào riêng về đại dự án này. Trong khi một trong các chức năng hiến định của lập pháp là "quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước". Tương tự, mặc dù ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng thấy rõ, trong gói kích cầu của Chính phủ có những khoản thuộc thẩm quyền Quốc hội và phải có ý kiến Quốc hội, nhưng chủ trương kích cầu đã được Chính phủ quyết định nhanh gọn, và ủy ban thì đã nhất trí cao, tán thành nhanh.

Gói kích cầu chiếm gần 10% GDP mà được thông qua mau chóng như vậy, chứng tỏ công tác quản lý vĩ mô ở ta nhiều khi cũng khá… thuận lợi, nhất là nếu so sánh với một số quốc gia khác. ở khía cạnh ngược lại, điều này cho thấy vai trò của Quốc hội trong các vấn đề quan trọng của đất nước hãy còn nặng tính hình thức.

Nhìn vào hoạt động của cơ quan lập pháp, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách, pháp luật và phát triển đặt câu hỏi: "Liệu dự án bauxite, một dự án nằm trên địa bàn hết sức quan trọng không chỉ về văn hóa, môi trường mà còn với an ninh, quốc phòng; việc mở bể than ở châu thổ sông Hồng, hay việc tung ra các gói kích cầu của Chính phủ, có phải là những vấn đề trọng đại của đất nước hay không? Nếu phải, quyền của Quốc hội, quyền thật sự ấy, trong những vấn đề đó là gì, tới đâu?".

Câu trả lời nằm ở cơ chế cho sự vận hành của Quốc hội, cơ chế đảm bảo quyền lực thực sự của Quốc hội.

Quốc hội cần tự "làm luật"

Cứ như hiện nay thì ngay trong quy chế hoạt động của Quốc hội, cũng đã có những điểm hạn chế năng lực chất vấn, kiểm tra và giám sát của đại biểu. Một ví dụ đã được báo chí nhắc tới nhiều là quy định về đề xuất bỏ phiếu. Để một vấn đề được đưa ra biểu quyết tại Quốc hội, cần một trong bốn điều kiện:

1. Có đề nghị của Chính phủ;

2. Có đề nghị của ủy ban Thường vụ Quốc hội;

3. Có đề nghị của một ủy ban chuyên trách liên quan trong Quốc hội;

4. Có đề nghị của tối thiểu 20% số đại biểu Quốc hội. Trong số này, điều kiện "tối thiểu 20% số đại biểu Quốc hội" rất có thể mâu thuẫn với Điều lệ Đảng và bất khả thi trên thực tế. Như đại biểu Dương Trung Quốc nhận định: "Quốc hội có tới 92% là đảng viên, mà đã là đảng viên thì khi quyết định các vấn đề, phải tuân thủ theo định hướng của tổ chức". Nghĩa là, trên thực tế, khó mà đạt được tỷ lệ 20% số đại biểu Quốc hội nhất trí đưa một vấn đề ra biểu quyết, bởi làm như thế có thể vi phạm Điều lệ Đảng.

Do vậy, để tăng tính hiệu quả, cơ quan lập pháp cần xây dựng cơ chế cho sự vận hành của chính mình. Nói cách khác, trước hết, các nhà làm luật cần tự… cởi trói.

Đổi mới phương thức lãnh đạo

Bên cạnh việc Quốc hội hoàn thiện cơ chế và bản thân mỗi đại biểu tự nâng cao năng lực bản thân, rất cần có sự đổi mới phương thức lãnh đạo để đảm bảo Quốc hội có thực quyền.

" Nhiều khi, trong suy nghĩ thì mình bất bình đấy, nhưng khi chất vấn mình không được thể hiện thái độ quá. Chất vấn xong, đưa ý kiến của mình xong, Chính phủ không làm theo thì mình cũng phải chấp nhận, vì thực ra ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng chỉ là một ý kiến thôi" – ông Thuyết nhấn mạnh. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri, cho nhân dân. Nếu ý kiến của đại biểu Quốc hội "cũng chỉ là một ý kiến", thì nghĩa là tiếng nói của nhân dân cũng chỉ… như vậy mà thôi.

Cuối cùng, mặc dù Chủ tịch Quốc hội Nguyễn phú Trọng cho rằng thời gian qua Quốc hội đã phát huy khá tốt vai trò giám sát hành pháp, nhưng thực tế là những phản ứng của Quốc hội lại chỉ đến sau khi Chính phủ đã có quyết định (các dự án bauxite, gói kích cầu, mở bể than sông Hồng), và về căn bản là đồng thuận.

Cách đo chuẩn xác về hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đó là trả lời câu hỏi: Mỗi đại biểu Quốc hội, mỗi cử tri, đã cảm thấy tiếng nói của mình có khả năng thay đổi chính sách Nhà nước hay chưa? Một khi đại biểu chưa cảm thấy "sức mạnh" của mình, thì chứng tỏ Quốc hội vẫn chưa thực hiện tốt vai trò "cơ quan quyền lực cao nhất" được cử tri đặt niềm tin và có bổn phận thực hiện niềm tin ấy.

***

Quốc hội nên đồng hành cùng ai?

Trong khi có ý kiến chỉ trích một số đại biểu Quốc hội vẫn chưa thoát khỏi tên gọi "nghị gật", thì lại cũng có quan điểm cho rằng chân lý là Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội và Chính phủ có đồng thuận thì mới hoạt động hiệu quả được. Câu trả lời có lẽ nằm ở cách hiểu thế nào là "bất đồng" và "đồng hành".

Từ mấy năm nay, mọi phiên chất vấn đều thu hút sự chú ý của công luận, bởi đó là dịp người dân được xem truyền hình trực tiếp cảnh tranh luận mặt đối mặt giữa đại biểu Quốc hội với thành viên nội các. Có những người xem chẳng hiểu gì lắm nhưng vẫn thích, vì mấy khi được chứng kiến quan chức "đôi co", "đốp chát" với nhau như thế.

Ai đã chứng kiến, chắc sẽ không quên vụ "căng thẳng" cách đây 6 năm giữa đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng (nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum) với Bộ trưởng Giáo dục lúc đó là ông Nguyễn Minh Hiển. ông Hiển gay gắt: "Nếu được, tôi đã khước từ trả lời đồng chí Nguyễn Đức Dũng". Còn ông Dũng tỏ ra bực bội không kém: "Tôi thật sự cảm thấy thất vọng".

Và cả phiên chất vấn nóng bỏng giữa các đại biểu Quốc hội và đại diện "nhánh" tư pháp – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Văn Hiện – tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI (năm 2006):

- Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Sinh: Các giải pháp khắc phục tình hình mà Chánh án đưa ra đều cũ lắm rồi, thời gian qua đều đã làm nhưng án oan sai vẫn nhiều?

- Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Văn Hiện (hỏi vặn): Về các biện pháp thì chúng tôi cũng nghĩ chán rồi. Đại biểu Sinh có biện pháp nào khác tốt hơn?

- Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Sinh (bực bội): Đồng chí hỏi lại tôi về giải pháp thì rất khó. Tôi có phải Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đâu.

Phải thừa nhận rằng, từ rất lâu ở Việt Nam, dân chúng đã quen với suy nghĩ "chính quyền luôn đúng, đương nhiên đúng, bao giờ cũng đúng", thay vì có tư tưởng "chính quyền cũng chỉ là một thể chế do nhân dân tạo ra, gồm những cá nhân chọn từ dân mà ra, nên hoàn toàn có thể mắc sai lầm". Có lẽ bởi nếp nghĩ đã thành quen thuộc ấy, mà quan hệ giữa quan chức và thường dân luôn là thứ quan hệ giữa "trên" và "dưới", trong đó "trên" có việc của "trên", có cách làm của "trên", và luôn đúng; "dưới" dù thắc mắc cũng phải chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đúng quy trình.

Do đó, việc các thành viên chính phủ phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội – những người trên danh nghĩa là đại diện cho ý nguyện nhân dân – công khai tại Hội trường, trước ống kính truyền hình, rất dễ được dân chúng thích thú, hoan nghênh (nếu có cãi vã thì càng hay). Nó tạo cho người dân cảm giác họ được quan tâm, được có tiếng nói, được tôn trọng, thậm chí được thấy những lỗi, sai lầm của "trên" bị vạch ra không thương tiếc.

Đó là dấu hiệu của một xã hội có những sinh hoạt dân chủ. Và như vậy, đứng từ góc độ của một thường dân mà xét, thì chuyện đại biểu Quốc hội "cãi nhau tay đôi" với Bộ trưởng, hay nói rộng ra, việc Quốc hội và Chính phủ không nhất trí với nhau về một vấn đề nào đó, có khi cũng thú vị đấy chứ!

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bất đồng đến mức nào thì vừa? Có cần giải quyết bất đồng không – nếu có thì như thế nào, nếu không thì sẽ ra sao?

Mặt trái của sự bất đồng

Nhìn chung, dân chúng, nhất là ở những nước như Việt Nam, có thể thích việc đại biểu Quốc hội và quan chức Chính phủ bất đồng và tranh luận kịch liệt với nhau. Nhưng bất đồng chỉ nên dừng lại ở tranh luận một cách hòa bình, có văn hóa. Nếu bất đồng đến mức các chính trị gia "choảng" nhau ngay tại hội trường như ở một vài nước (điều chắc chẳng bao giờ xảy ra ở Việt Nam) thì cũng hơi thái quá và có phần thiếu văn minh. Ngoài ra, như đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình xuân (Tây Ninh) nhận xét, "Quốc hội các nước đó nhiều đảng, và có khi người ta đánh nhau là do họ đấu tranh vì đảng mình, chứ không chắc đã vì nhân dân". Nói cách khác, mâu thuẫn, thậm chí xô xát, giữa các thành phần khác nhau trong chính thể có thể dẫn đến sự chia rẽ của hệ thống chính trị, mà lại không vì quyền lợi của nhân dân.

Xét từ góc độ quản lý vĩ mô, nếu Quốc hội và Chính phủ không sao đồng thuận được, thì điều đó không phải không có nhược điểm: tạo nên sự thiếu gắn kết giữa các cơ quan quyền lực nhà nước, cản trở Chính phủ hành động kịp thời trong việc ban hành và thực thi chính sách trên cơ sở những luật định do Quốc hội phê chuẩn.

Do đó, đã có ý kiến cho rằng Chính phủ và Quốc hội phải luôn đồng hành, phải "nhất trí cao" trong mọi việc; Quốc hội nhất định không được đứng ngoài để phán xét Chính phủ, đặc biệt là vào các thời điểm nhạy cảm – chẳng hạn, như vào thời buổi kinh tế khó khăn, quan hệ quốc tế phức tạp, v.v…

Bất đồng là cần thiết

Nhưng nếu nói rằng Chính phủ và Quốc hội phải luôn đồng thuận, "nhất trí cao", thì khác nào triệt tiêu vai trò giám sát và phản biện của Quốc hội, tiếp tục nếp nghĩ muôn thuở "chính quyền luôn đúng, đương nhiên đúng, bao giờ cũng đúng". Mà nếu vậy thì… dẹp bỏ các phiên chất vấn cho rồi!

Về tác dụng của chất vấn, chắc không ai còn phải bàn cãi. Đại biểu Nguyễn Đình xuân cho biết: "ở nước mình, chưa từng có bộ trưởng nào bị bãi miễn trực tiếp vì nguyên nhân trả lời chất vấn không đạt. Tuy nhiên, cũng đã có những trường hợp bộ trưởng trả lời không thỏa đáng, bị ảnh hưởng rất lớn về uy tín, trước Chính phủ, trước Quốc hội, trước cử tri (nhân dân), và không được tái bổ nhiệm".

Chất vấn là một trong các cách để Quốc hội thực hiện quyền giám sát và phản biện của mình, buộc Chính phủ phải hoạt động hiệu quả hơn. Mà đã chất vấn thì sẽ phải có tranh luận, bất đồng, chứ không thể "đồng hành" được. Do đó, về nguyên tắc, Chính phủ và Quốc hội không thể "đồng hành" theo kiểu "dĩ hòa vi quý", mà phải thường xuyên gặp bất đồng để cùng có phương hướng giải quyết. Hơn ai hết, đại biểu Quốc hội phải là người chấp nhận bất đồng, để dám chất vấn. Điều quan trọng chỉ là làm sao hạn chế mặt xấu của sự bất đồng, nghĩa là phải tìm cách giải quyết bất đồng cho hợp lý, vì lợi ích của nhân dân.

Giải quyết bất đồng ra sao?

Việc đầu tiên cần làm để giải quyết bất đồng, là nó phải được nói ra thay vì "bảo lưu" trong bụng. Hiện tượng nhiều đại biểu giữ im lặng, không chất vấn vẫn khá phổ biến ở Quốc hội bấy lâu nay. Thực trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, đại biểu không đủ trình độ, không nắm vững vấn đề, hoặc sợ phát biểu động chạm. ông Nguyễn Đình xuân – một đại biểu có tiếng là thẳng thắn – cho biết: "phát biểu gì cũng có thể đúng với người này mà sai với người khác, đúng vào lúc này mà sai vào lúc khác. Đại biểu Quốc hội chất vấn mà chẳng may để một số vị lãnh đạo không vừa lòng thì sẽ gặp rắc rối, cho dù được lòng cử tri".

Chưa nói tới một khả năng khác cũng rất cao là đại biểu đã có tư duy cảm thông, đồng thuận với Chính phủ ngay từ đầu, bởi đại biểu cũng kiêm nhiệm cán bộ, quan chức trong chính quyền hành pháp. Mà như vậy thì không thể có bất đồng để giải quyết.

Việc cần làm thứ hai là chấm dứt tình trạng đại biểu chất vấn không được thỏa mãn nhưng cũng đành im lặng, "nuôi" sự bất đồng. Điều này thường xuyên xảy ra, bởi lẽ, tuy trên nguyên tắc Quốc hội có thể truy vấn Chính phủ đến cùng, nhưng thời gian có hạn, mỗi đại biểu hỏi ba lần đã là nhiều lắm, không thể "đôi co" được mãi. Một đại biểu Quốc hội, nếu thấy vấn đề nào đó được giải đáp chưa thỏa đáng, muốn đưa ra Quốc hội để có nghị quyết riêng hoặc đề nghị Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm bộ trưởng, cũng gặp khó khăn vì chưa có cơ chế cho việc vận động hành lang để các đại biểu khác cùng lên tiếng ủng hộ. Đại biểu đó chỉ có thể tận dụng vài phút ngắn ngủi phát biểu công khai trên Hội trường để thuyết phục Quốc hội cũng như Chính phủ quan tâm đến vấn đề mình muốn đưa ra.

Để các đại biểu Quốc hội có thể mạnh dạn phát biểu ý kiến, tranh luận đến cùng, chất vấn có hiệu quả (nghĩa là tác động được tới Chính phủ), chẳng còn cách nào khác là phải tăng cường tính độc lập giữa Quốc hội và Chính phủ, sửa đổi và cụ thể hóa cơ chế để chúng ta có nhiều đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp, có trình độ, có thực quyền, để không sợ động chạm, không né tránh bất đồng. Mọi sự bất đồng đều không đáng ngại nếu Quốc hội giữ vững sự độc lập của mình để thực hiện đúng chức năng giám sát, phản biện Chính phủ. Thậm chí, càng vào thời kỳ khó khăn về kinh tế, phức tạp về chính trị, Quốc hội càng cần chuyên nghiệp hơn, nghĩa là độc lập hơn với Chính phủ và có phản biện xác đáng, kịp thời hơn cho Chính phủ trong mọi vấn đề lớn của đất nước. Điều đó, với một quốc gia như Việt Nam hiện nay, sẽ chỉ giúp người dân thêm phần tin tưởng vào Quốc hội – cơ quan đại diện cho họ – và hệ thống chính trị.

Tóm lại, Quốc hội lý tưởng là một Quốc hội luôn đồng hành cùng nhân dân và dân tộc.

 ***

Lão tướng trên nghị trường

Quốc hội khóa 12 để lại một loạt "ngôi sao nghị trường" mà người dân dễ dàng nhớ tên: Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Thị Loan, Nguyễn Đình Xuân, Lê Văn Cuông… Thế nhưng cách đây 20 năm, vào thời kỳ vai trò của Quốc hội trong đời sống chính trị nước ta còn là cái gì đó hết sức xa lạ, rất khó có một đại biểu can đảm như ông, người "dám" lớn tiếng với một bộ trưởng ngay giữa Hội trường: "anh nói như thế với ai thì được, anh nói với tôi vậy là không xong đâu. Tôi có tư liệu. anh lôi thôi, tôi cho anh chết đứng ngay!".

Vị đại biểu có cách chất vấn đanh thép, nảy lửa, với ngôn từ dân dã đó là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Ông Nguyễn Quốc Thước là đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ an ba khóa 8, 9 và 10 (từ năm 1987 đến năm 2002), trong một giai đoạn mà sinh hoạt Quốc hội ở Việt Nam còn rất mới mẻ và do đó, đầy chuyện phải kiêng dè. Bây giờ, đại biểu Quốc hội có thể đứng lên chất vấn chính phủ công khai giữa Hội trường, lại có truyền hình trực tiếp cho dân xem, chứ ngày ấy làm gì có chuyện đó. ông Thước bảo: "Khóa 8 thì đã bắt đầu Đổi Mới rồi nhưng mọi sự vẫn chưa vào guồng, bàn trên nghị quyết thế thôi chứ thực tế chưa có gì. Nhất là hoạt động của cơ quan lập pháp thì lúc bấy giờ chỉ là để hợp thức hóa nghị quyết của Đảng. Không bàn cãi gì cả. Đảng quyết rồi thì cứ thế mà giơ tay. Đại biểu nhiều lúc băn khoăn lắm nhưng không giơ tay không được".

Sinh năm 1926, tham gia cách mạng khi mới 19-20 tuổi, gần như cả đời ông Thước đấu tranh: thời chiến, ông là anh "bộ đội Cụ Hồ" đánh pháp, đuổi Nhật, chống Mỹ; tới thời bình, ông lại làm đại biểu Quốc hội, chiến đấu không khoan nhượng với thói quan liêu, xa rời dân, kém năng lực và dối trá. ông nói to và dõng dạc, chất giọng sang sảng, phong cách quyết liệt, thậm chí nảy lửa. Có lẽ vì trực tính như thế, nên ông va chạm với không ít người.

Người "bạo miệng"

"15 năm, tôi về quê Nghệ an, đi đâu dân người ta cũng đồng tình với tôi. Nhưng tôi biết lãnh đạo tỉnh không ưng tôi. Có lần Thường vụ Tỉnh ủy nhắc tôi phải phát biểu theo nghị quyết, theo Đảng. Tôi bảo thẳng: "Đúng, tôi theo Đảng, nhưng tôi là đại biểu của dân, thì tôi cũng phải nói lên ý kiến dân chứ. Có những cái Đảng quyết chưa đúng mà dân nói, thì tôi phải lên tiếng để dân còn bàn chứ"".

Ông Thước bảo, thực sự chuyện đứng về phía lãnh đạo để gò ép đại biểu Quốc hội trước kia nặng nề lắm. ép, có thể chỉ đơn giản là vận động, "bỏ nhỏ" từ trong mỗi đoàn đại biểu Quốc hội, tới trưởng đoàn, tới bản thân đại biểu, rồi đưa ra cuộc họp đảng đoàn, nhắc đi nhắc lại đến mấy lần. Như Khóa 9, có vụ việc về giao thông, tỷ lệ lúc đầu chỉ là 60% ủng hộ chủ trương, thế là "trên" thực hiện "ép" trong các đoàn, ép trưởng đoàn, dần dần tỷ lệ được nâng lên 70%, rồi 80%.

Hỏi ông Thước có bị "gò" bao giờ chưa, và như thế nào, ông cười khà khà: "Tôi ở bên quân đội. xét cương vị của tôi thì "các ông ở tỉnh" chưa dám vỗ vai nhắc nhở. Nhưng dặn dò tôi thì nhiều lắm, kiểu như là "Thôi, cái gì là chủ trương của Đảng, của Bộ Chính trị rồi thì bác đừng bàn nữa".

Có lần ông Thước đã nói một câu nổi tiếng với ông Đỗ Mười. Tại một phiên họp Quốc hội, ông Đỗ Mười có ý than: "Tôi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đấy, nhưng không điều khiển được các bộ trưởng nữa. Cứ như thể họ làm loạn!". Ngay lập tức ông Thước lên tiếng: "Thưa anh Mười, thưa Quốc hội, tôi xin đề nghị thế này: Nếu anh Mười làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tương đương Thủ tướng bây giờ – NV) mà không điều khiển nổi các bộ trưởng thì anh từ chức đi. Như tôi làm Tư lệnh Quân khu IV, tôi đã ra lệnh, thì người dưới phải chấp hành. Nếu không chấp hành, thì hoặc anh ta đúng tôi sai, tôi phải nghỉ; hoặc anh ta sai, tôi đúng, anh ta phải nghỉ". ông Thước nói xong, đến khi ra khỏi Hội trường, mấy nhà báo quen thân ghé tai ông, nửa đùa nửa thật: "Bác ơi, bác chết đến nơi rồi". ông cười ầm: "Chết thế nào được. Tôi chả sợ ai cả. Tôi chỉ sợ tôi nói sai thôi".

Nhiều người không dặn dò, tỉ tê với ông sau hậu trường, thì lại tỏ ra bực bội, khó chịu ra mặt mỗi khi thấy ông. Có người cáu kỉnh nói: "Bác nhiều lời quá đi!", ông đáp ngay: "Tôi mới nói được 1% ý kiến của dân thôi đấy, chứ dân còn nhiều ý kiến lắm. Những vấn đề gai góc, gay cấn, nóng bỏng… còn rất nhiều. Bao nhiêu tiếng nói của dân mà tôi phát biểu trong có 15 phút, hết thế nào được".

"Còn nợ dân nhiều lắm"

Lần Quốc hội bàn về dự án mở rộng cảng Cái Lân, ông Thước được biết các nhà khoa học đã phản đối việc đánh mìn dưới nước để mở cảng. Tuy nhiên một vị bộ trưởng lại phản hồi rằng khoa học công nghệ giờ đã tiến bộ, có thể đánh mìn mà không làm ảnh hưởng gì tới môi trường sinh thái. Lão tướng Nguyễn Quốc Thước đứng dậy, gay gắt: "Thời chiến, chúng tôi ném có một quả lựu đạn mà cá chết nổi đầy sông, cả trung đoàn bộ đội ăn không hết. Cá chết một ít thì sau đó cả đàn sẽ không vào vùng nước ấy nữa đâu – con vật nó biết chỗ nào nguy hiểm để nó tránh chứ. Thế mà nay anh lại nói đánh mìn hàng tấn không làm chết cá, không ảnh hưởng môi trường. anh qua mặt ai chứ không qua mặt tôi được đâu". Người bị chất vấn lúng túng, câu trả lời thường chỉ là "bác thông cảm, cái này là chủ trương đã duyệt rồi…".

Câu chuyện đánh mìn mở rộng cảng Cái Lân đó, sau này không được nhắc lại nữa. Mọi chuyện vẫn diễn ra. Cũng không ai tiến hành đo đạc xem cá có chết hay không, chết nhiều hay ít, môi trường bị ảnh hưởng thế nào. ông Thước có phần cay đắng: "Gần 10 năm qua rồi, Quốc hội khóa ấy cũng xong rồi. Bao nhiêu vụ việc đã trôi qua là xong hết"

Mở rộng Hà Nội, khai thác bauxite Tây Nguyên, xây đường sắt cao tốc Bắc-Nam, sản xuất điện hạt nhân… Nhiều vấn đề nóng bỏng như thế đã được đặt ra trước Quốc hội. Có dự án như đường sắt cao tốc, Quốc hội vừa bác ở kỳ họp trước, đã lại thấy cơ quan đầu tư chuẩn bị đưa ra kỳ họp sau. ông Thước không nén nổi bức xúc. Nhưng ông phải thừa nhận, có nhiều việc Quốc hội không thay đổi được, đại biểu còn nợ dân nhiều lắm.

"Tướng về hưu" mà không hưu

Sau Khóa 10, ông Thước nghỉ hưu ở một ngôi nhà trên đường Bưởi (Hà Nội). Ngôi nhà này từng là nơi chứng kiến rất nhiều lần cử tri đến gặp ông, cung cấp thông tin, trao đổi, gửi gắm. Họ tin ông, bởi vì họ biết, không bao giờ lão tướng Nguyễn Quốc Thước quay lưng lại với người dân. Ngay cả bây giờ, về hưu đã gần 10 năm, ngày ngày chăm sóc người vợ đau ốm, ông vẫn không ngừng đọc báo, xem tivi, theo dõi thời sự, thỉnh thoảng lại bảo cháu in bài vở trên mạng ra cho ông đọc. Và cùng với nhiều tướng lĩnh, cựu chiến binh, ông thường xuyên gửi thư, kiến nghị, đóng góp ý kiến cho Đảng và Nhà nước, dù rằng như ông nói, "chưa bao giờ được trả lời".

Hỏi ông làm đại biểu Quốc hội bây giờ khó hơn hay dễ hơn ngày trước, ông bảo dễ hơn nhiều vì dân chủ mở rộng rồi, đại biểu không còn phải chịu đủ loại sức ép, không bị áp đặt như xưa nữa. Trầm ngâm một lát rồi ông giải thích, cũng phải hiểu cho chính quyền địa phương và đại biểu Quốc hội các khóa trước. Thời bao cấp, cơ chế tập trung, xin-cho rất nặng nề, mọi chương trình ngân sách tỉnh đều do Trung ương duyệt. Địa phương nào nói khác với Đảng, với Chính phủ là… hết tiền. ông kể, trong tỉnh ủy từng có vị giám đốc sở công nghiệp, trẻ và có năng lực. Khi ông khuyên vị này có ý kiến về một vấn đề mà "ai cũng thấy nhưng không ai dám lên tiếng", anh ta trần tình: "Bác ơi, bác nói thế thì được, chứ em mà mở miệng ra thì ngày mai, "trên" không cho chương trình, dự án, không cấp ngân sách nữa là tỉnh… chết luôn". Tóm lại thời đó, chính quyền tỉnh mà dám nói điều gì ngược với Trung ương là tỉnh ấy gặp khó khăn.

Cái khó ấy bây giờ vẫn tồn tại, dù cơ chế phi tập trung hóa đã cho phép địa phương được tự chủ nhiều hơn. Vì ngoài chuyện kinh tế, lãnh đạo tỉnh còn cần tạo dựng uy tín, cần lấy phiếu "trên Trung ương". Và kể cả không có những ràng buộc về lợi ích, thì theo ông Thước, người ta vẫn phải sợ một cái gì đấy, ít nhất cũng là mối quan hệ tình cảm trên dưới. Từ đây dẫn đến việc "làm gì có ông chủ tịch, ông bí thư kiêm đại biểu Quốc hội nào chất vấn Thủ tướng Chính phủ cho ra trò đâu?". Cho nên, phải tăng cường đại biểu chuyên trách là vì thế. ông Thước cũng cho rằng, số đại biểu không dám phát biểu vì không hiểu biết về một vấn đề nào đó thật ra không nhiều; số biết nhiều mà im lặng không nói mới thật sự đông đảo.

Với tấm lòng tha thiết vì đất nước như ngày nào, vị đại biểu lão thành nhắn nhủ các dân biểu tương lai: "Có nhiều đại biểu hỏi tôi: "Bác ở quân đội mà sao lĩnh vực nào bác cũng biết cả?". Tôi nói thế này, gần suốt cả đời tôi chỉ có đi đánh giặc, thời bình mới làm đại biểu. Dân người ta thấy tôi có trách nhiệm đối với họ nên có việc gì họ cũng tìm đến tôi, cung cấp thông tin cho tôi để tôi nghiên cứu mà phát biểu. Cho nên, làm đại biểu Quốc hội là phải có bản lĩnh và tính chiến đấu, mà cái quan trọng nhất là phải xuất phát từ lợi ích của dân. Có thế thì mới đứng vững được".

 ***

"Tôi chất vấn gai góc, nhưng tôi hiền"

Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết sinh năm 1948, tại Gia Lâm, Hà Nội, hiện là phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. ông là đại biểu Quốc hội các khoá XI, XII.

Dễ gần, đó là ấn tượng mà Nguyễn Minh Thuyết tạo ra cho người tiếp xúc. Có lẽ đó là "dấu ấn" của nghề sư phạm trong ông: Trước khi trở thành một vị đại biểu Quốc hội nổi tiếng với các câu hỏi chất vấn đi vào toàn vấn đề "động chạm", ông đã là một giáo sư đại học.

- Ông có nghĩ làm đại biểu Quốc hội là làm chính trị không?

- Tôi nghĩ đúng như vậy, bởi làm đại biểu Quốc hội tức là mình tham gia hoạch định chính sách của Nhà nước mà.

- Đang là giáo sư, tiến sĩ ngôn ngữ học, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ông đã trở thành đại biểu Quốc hội và bước vào con đường "làm chính trị" như thế nào?

- Năm 2002 khi Quốc hội bắt đầu chuẩn bị bầu cử khóa XI, ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có ý định tìm một đại biểu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, vì theo ông Vũ Đình Cự – Chủ nhiệm ủy ban lúc đó – thì ủy ban chỉ toàn các nhà khoa học tự nhiên, mất cân đối quá. Cần một nhà khoa học xã hội có chức vụ từ cấp viện phó, hiệu phó trở lên.

Thế cho nên là ủy ban cứ "chiếu" vào Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn mà "bắt lính" thôi. (cười)

Khi ấy tôi đang là phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Tôi và nhà trường nhận được giấy do ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu tham gia Quốc hội khóa XI. Đó là một công văn do ông Mai Thúc Lân ký.

Có thể coi nó như giấy điều động của Quốc hội cũng được. Trường liền tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để đánh giá và giới thiệu cán bộ, tỷ lệ nhất trí dành cho tôi cao tới 100%. Sau đó đến khâu xem xét và giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc. Cuối cùng là vòng bầu cử của cử tri. Đó là khoảng tháng 5 năm 2002.

- Ông có cảm xúc như thế nào khi trúng cử và trở thành đại biểu Quốc hội khóa XI?

- Lúc đó thật ra tôi chưa hiểu làm đại biểu Quốc hội phải như thế nào đâu, nên lo lắng lắm. Lo, không biết có đáp ứng được yêu cầu công việc không. Mà tôi đang làm việc trong môi trường giáo dục, ở trường thì vui. Tôi nghĩ làm đại biểu Quốc hội chắc khô khan hơn nhiều. Nhưng rồi cứ phải vào cuộc, vừa làm việc vừa học thôi. Cũng được sự giúp đỡ của anh em nữa, cho nên sau một khóa Quốc hội, tôi đã học được rất nhiều, thấy mình trưởng thành rất nhiều. Mình được tiếp xúc với thông tin về kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng, được nghe người khác thảo luận phát biểu, nên tầm nhận thức của mình nâng lên, mình có cái nhìn bao quát hơn. Người ta bảo, làm đại biểu Quốc hội một khóa giống như qua một trường đại học nữa, là như vậy.

- Bắt đầu trở thành đại biểu Quốc hội, ông nhận thấy làm đại biểu có những khó khăn gì?

- Thời gian đầu thì có nhiều điều phải tìm hiểu, về thủ tục, về quy trình làm việc của đại biểu Quốc hội… chẳng hạn phải làm quen dần với cách thức phát biểu xây dựng luật. Nhưng việc này không khó lắm. Theo tôi, một cái khó lớn của đại biểu Quốc hội là phải làm sao đóng góp ý kiến tốt, nêu được vấn đề, để thúc đẩy công việc chung. Ví dụ phải đóng góp được ý kiến cho việc xây dựng các luật. Điều đó tất nhiên rất khó vì nhiều lĩnh vực đâu phải chuyên môn của mình.

- Vâng, tôi cũng thấy vậy. Việc cho ý kiến về Luật Chứng khoán chẳng hạn, có vẻ khó đối với một đại biểu thuộc lĩnh vực khác, làm sao họ làm được…?

- Khó thì phải tìm hiểu. phải nghiên cứu thật nhiều thông tin, tư liệu, hỏi ý kiến chuyên gia. Ví dụ như kỳ họp Quốc hội vừa rồi, từ khi có ý định chất vấn Chính phủ về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên, tôi đã phải đọc tất cả các tài liệu có thể có về bauxite, và tự liên hệ hỏi các chuyên gia để hiểu cho kỹ vấn đề. Trước ngày chất vấn, tôi có điện thoại hỏi chuyện một chuyên gia đầu ngành về khoáng sản mà tôi quen biết. ông ấy cho là dự án này, về mặt kinh tế thì lãng phí (phải xây dựng tới 270 km đường sắt mà hiệu quả chưa được bao nhiêu) mà về môi trường thì chưa chắc đảm bảo an toàn.

Ngoài việc các đại biểu Quốc hội cần chủ động học hỏi từ các chuyên gia, thì ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thường hay có các hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về một lĩnh vực nào đó. Những hội nghị như vậy hết sức bổ ích, tôi luôn tham dự. Đại biểu Quốc hội còn phải học từ thực tiễn nữa. Một trong những công việc quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội là tham gia tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại từ cử tri. Đó là công việc khó nhất mà lại ít hiệu quả nhất đấy, theo tôi.

- Giải quyết đơn thư khiếu nại… Tôi có một câu hỏi có lẽ hơi ngớ ngẩn, rằng tôi tưởng đó là việc của tòa án?

- Không, đại biểu Quốc hội chỉ đóng vai trò chuyển đơn thôi. Cử tri thường trực tiếp làm việc với cấp có thẩm quyền, nhưng nhiều khi bị trả lại đơn hoặc công việc tắc thì họ lại gọi mình. Lúc đó, mình sẽ chuyển đơn đi đúng cơ quan giúp họ, hoặc cũng có khi phải giải thích cho họ rằng bị trả lại đơn là đúng. Ví dụ có trường hợp người dân đòi lại ruộng đất bị xung vào hợp tác xã từ đời nào rồi, như thế làm sao mà giải quyết được?

Tôi thấy rất nhiều trường hợp người dân gửi đơn, một số cơ quan hoặc im lặng, hoặc trả lời vắn tắt một cách hình thức. Chuyển đơn hộ người dân, tôi lại phải vào sổ theo dõi, rồi gửi thư giục, nhắc nhở, có trường hợp phải 4-5 lần.

"Rất dễ va chạm"

- Cái khó lớn đối với các đại biểu Quốc hội, như ông nói, là phải tìm hiểu, nghiên cứu từ sách vở, từ thực tiễn, ý kiến chuyên gia. Nhưng người làm việc trong một số ngành khác cũng phải như vậy. Vậy, đâu là cái khó đặc thù của công việc làm người đại biểu Quốc hội?

- Đó là tính "dễ va chạm" của công việc. Thực ra, đóng góp về luật là còn ít va chạm đấy, nên theo tôi tất cả các đại biểu Quốc hội đều nên "rèn" qua công việc này. Đóng góp ý kiến về chính sách kinh tế – xã hội thì khó hơn vì cần có cái nhìn bao quát hơn và phải hợp lòng dân.

Chất vấn về chính sách kinh tế – xã hội là việc rất dễ va chạm, nên kinh nghiệm là đại biểu Quốc hội phải nói trúng vấn đề, nêu được hạn chế của chính sách nhưng lại phải có tinh thần xây dựng, nếu không việc phản biện sẽ thành mất tác dụng. phát biểu ý kiến về vấn đề ngân sách là việc nhiều đại biểu Quốc hội cũng ngại vì nó quá đi sâu vào chuyên môn.

- Ông nổi tiếng là một đại biểu có nhiều câu hỏi chất vấn sắc sảo, đi vào các vấn đề gai góc. Ông thấy phản ứng của những người bị chất vấn thế nào? Đã bao giờ ông bị "va chạm" chưa?

- Đại biểu Quốc hội phải chấp nhận rằng không thể được lòng tất cả mọi người, nhất là người đã bị mình chất vấn. Tức là có thể va chạm với lãnh đạo Bộ này Bộ kia, hoặc với lãnh đạo ở cấp cao hơn nữa. Nhưng, qua các kỳ họp của hai khóa Quốc hội, tôi thấy nhìn chung các bộ trưởng tỏ ra là những chính khách có bản lĩnh. Chúng tôi có thể chất vấn "tóe lửa" trên hội trường nhưng khi gặp nhau ở bên ngoài vẫn trò chuyện.

Hồi Khóa XI, cũng có một lần tôi bị phản ứng. Tại kỳ họp đó, tôi có nêu ý kiến rằng thị trường sách tham khảo đang loạn quá, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Văn hóa – Thông tin nên phối hợp xử lý. Tôi chất vấn hôm trước thì hôm sau một vị lãnh đạo đã tỏ ra bực dọc: "Có những vị phát biểu thế thôi nhưng đứng tên viết sách tham khảo đầy ra đấy, nếu cần tôi công bố danh sách…". Tất nhiên là có sự hiểu nhầm đâu đây, vì thực tình tôi có viết sách tham khảo bao giờ đâu.

- Lúc đó, ông có ý kiến sao?

- Không có ý kiến gì được vì đã qua phần chất vấn của tôi rồi. Lúc đó tôi cũng buồn, phiền lòng, vì mình lên tiếng vì chuyện chung thôi chứ có phải vì việc riêng đâu mà ông ấy làm như vậy. Nhưng cũng chỉ bị phản ứng tới mức đó thôi chứ chưa bao giờ chúng tôi đi đến mức căng thẳng, không nhìn mặt nhau được nữa. Tới mức đó thì tức là công việc chất vấn của đại biểu Quốc hội không đạt yêu cầu rồi. (cười)

- Chất vấn như thế nào thì là đạt yêu cầu, theo ông?

- Như tôi đã nói, chất vấn là phải nói trúng vấn đề đáng quan tâm. Chẳng hạn, không nên chỉ nêu cái khó của địa phương ra rồi xin Chính phủ giúp, mà phải chất vấn trách nhiệm thuộc về cơ quan nào – Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân, hay Chính phủ – rồi đưa ra giải pháp nếu có thể. Mà không phải cái gì cũng đem ra chất vấn được, dù cử tri có thể có rất nhiều bức xúc. Bởi vì đại biểu chỉ có thể chất vấn người được ĐB bầu và phê chuẩn thôi. Do vậy, sẽ có những vấn đề thuộc trách nhiệm chất vấn của Hội đồng Nhân dân chứ không phải đại biểu Quốc hội.

Một điểm nữa, tôi cũng đã nói, là chất vấn phải trên tinh thần xây dựng. Chất vấn như thế nào là khá quan trọng. Nhiều khi, trong suy nghĩ thì mình bất bình đấy, nhưng khi chất vấn mình không được thể hiện thái độ quá. Chất vấn xong, đưa ý kiến của mình xong, Chính phủ không làm theo thì mình cũng phải chấp nhận, vì thực ra ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng chỉ là một ý kiến thôi.

Nhiều người thắc mắc hỏi tôi rằng, tôi hay nêu vấn đề gai góc như vậy thì có bị làm phiền gì không? Tôi trả lời là không. Vấn đề gai góc nhưng tôi hiền. (cười)

Câu chuyện cơ chế

- Tôi có thắc mắc, có lẽ cũng là thắc mắc của nhiều thường dân, là gia đình ông ở Hà Nội, vì sao ông lại là đại biểu Quốc hội của Lạng Sơn?

- Khi bầu cử, tôi thuộc đơn vị bầu cử số 1 ở Lạng Sơn. Cơ cấu ứng viên của mỗi địa phương do Hội nghị hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc làm.

- Làm đại biểu Quốc hội ở Lạng Sơn thì có hạn chế gì không, thưa ông?

- Tất nhiên là phải đi xa hơn so với làm đại biểu Quốc hội ở Hà Nội là nơi tôi cùng gia đình sinh sống. Nhưng tôi sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tôi gần như chẳng bao giờ bỏ một cuộc họp cử tri nào, dù là vùng sâu vùng xa mấy đi chăng nữa. Có lần đi tiếp xúc cử tri, gặp một cụ già, cụ nói một câu làm tôi nhớ mãi: "Tôi đi bầu cử Quốc hội từ hồi khóa I (năm 1946), mà đây là lần đầu tiên được thấy một đại biểu Quốc hội bằng xương bằng thịt đấy!". (cười)

- Theo ông, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách và kiêm nhiệm nên như thế nào là hợp lý, đối với Quốc hội của chúng ta?

- Để đảm bảo tính khách quan hơn và nhất là để các đại biểu có nhiều thời gian tập trung cho công việc hơn, thì tốt nhất nên giảm sự tham gia của đại biểu Quốc hội vào hành pháp, tư pháp. Tốt nhất là một quốc hội chuyên trách. Tuy nhiên, ở nước mình hiện nay, xây dựng một quốc hội hoàn toàn chuyên trách là khó.

- Vì sao lại khó, thưa ông?

- Tôi lấy ví dụ, ở một số nước, người ta bầu 1/3-2/3 số lượng đại biểu Quốc hội thôi, không bầu hết, để đảm bảo luôn có người mới và người cũ cùng hoạt động trong Quốc hội. Như thế, Quốc hội luôn vừa có nhân sự mới lại vừa có nhân sự nhiều kinh nghiệm. ở ta thì không thể bầu 100% đại biểu Quốc hội là chuyên trách được, nhỡ các ông bà ấy làm đại biểu suốt đời, đến tận khi về hưu mới nghỉ, thì thành công chức à? Đó là chưa kể nếu đại biểu Quốc hội qua một khóa, sang khóa sau không được bầu lại, thì biết sắp xếp họ làm công việc gì? Tất nhiên là họ có thể về nhà, mở công ty riêng, kinh doanh…

- Đại biểu Quốc hội mở công ty sau khi miễn nhiệm? Nghe cứ thế nào…

- (cười to) Thì đúng vậy mà, ai cũng bảo "nghe cứ thế nào". Nhưng biết đâu đấy, xã hội sau này sẽ như thế. Cách đây hơn 20 năm, tôi không thể nghĩ có người nào có thể tách ra khỏi biên chế Nhà nước mà sống tốt được.

- Để nâng cao trình độ thì ông hay đọc loại tài liệu gì?

- Tôi làm ở mảng văn hóa – giáo dục của Quốc hội, nên trước hết là phải tìm đọc tài liệu về văn hóa – giáo dục. Bên cạnh đó, tôi đọc các sách kinh tế – xã hội, ví dụ gần đây tôi đọc cuốn Chiến tranh tiền tệ và một số tài liệu luật quốc tế về sở hữu trí tuệ. Tất nhiên tôi không bỏ quên những sách chuyên môn của tôi, đó là văn học, ngôn ngữ. Nhưng thường tôi chỉ có thể đọc sách văn học như một cách giải trí vào những lúc đang ngồi tàu xe đi công tác thôi.

- Làm đại biểu Quốc hội khó thì khó nhưng cũng nhiều cái vui, phải không ạ?

- Cái lợi lớn nhất đối với tôi là hiểu biết thêm bao nhiêu điều. Sau khóa XI, tôi trưởng thành rất nhiều trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, rèn luyện được kỹ năng lập pháp, giám sát và tranh luận thảo luận. Làm đại biểu Quốc hội vui chứ, nhất là nếu làm tròn nhiệm vụ thì vui lắm. à, nhưng cũng phải nói thêm rằng nếu không làm tròn thì cũng chẳng ai kỷ luật anh cả. Có ai bắt đại biểu Quốc hội phải phát biểu chất vấn trước hội trường đâu, phải không? (cười)

Tiếp theo: LẶN LỘI THƯƠNG TRƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét