Cho đến khi tôi đánh những dòng này trên máy tính, năm 2010, viết về quan hệ ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc vẫn hiển nhiên được xem là động tới một chủ đề nhạy cảm. Tôi tin rằng đó là sự mặc định của tất cả các nhà báo, nhà nghiên cứu, tòa soạn báo chí và cơ quan nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Không lạ khi có rất ít các nghiên cứu một cách thật sự khoa học và bài bản của chúng ta về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc (với những tiết lộ tiêu cực về phía Trung Quốc), hay tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với (toàn thể hoặc một phần) quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Bởi vì không học giả nào đủ tâm huyết để lao vào một lĩnh vực vừa không hứa hẹn về khả năng tài chính, vừa bị coi là "chủ đề nhạy cảm".
Điều ngạc nhiên là cho đến giờ, tôi vẫn chưa được thấy tận mắt bất kỳ một văn bản nào của chính sách Nhà nước nói rằng nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa và đấu tranh giành chủ quyền, hay nói những điều tiêu cực về Trung Quốc, là không được phép. Vì thế, một mặt tôi luôn băn khoăn, có phải các nhà báo và học giả tự tước "quyền được viết" của mình; một mặt tôi thắc mắc: không có lửa, sao có khói?
Có lẽ tôi ngây thơ khi đặt những câu hỏi đó. Nhưng cũng với sự ngây thơ ấy, tôi bắt đầu tìm hiểu và viết về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc. Tôi nhận ra rằng vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa đã bị chính trị hóa ở tất cả các nước trong khu vực, từ Trung Quốc cho tới các thành viên ASEAN liên quan. Tôi đã được nghe nhiều ý kiến (không tiện nêu tên người nói, cũng lại vì lý do "nhạy cảm"), cho biết chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa là điều có thể khiến một tổng thống ở Philippines mất uy tín, thậm chí bị đe dọa mất chức, một khi người dân cho rằng vị tổng thống đó có dấu hiệu thỏa hiệp trong cuộc tranh chấp; và điều mà tôi chưa từng biết khi trước, rằng thật ra tuy nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa nhạy cảm nhưng đó lại là lĩnh vực nghiên cứu hứa hẹn mang lại cho học giả sự chú ý của dư luận, hay nói cách khác, đó là một con đường để tìm kiếm sự nổi tiếng. Nếu đây là sự thật thì đối với tôi, nó chẳng thú vị chút nào. Cá nhân tôi tin rằng, nghiên cứu nào về chủ đề được mặc định là nhạy cảm này cũng phải gắn với lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền của học giả; danh tiếng chưa đủ là một động cơ mạnh để người ta bước vào một lĩnh vực như vậy.
Tuy nhiên, trong giới truyền thông, bao gồm các tòa soạn báo chí, các nhà báo và blogger, thì tình hình có vẻ lại khác. Tôi nghĩ rằng không tránh khỏi việc một số nhà báo và blogger sử dụng chủ đề nhạy cảm như một cách để tạo sự chú ý của công luận, và sau đó là danh tiếng; nếu con số này ít, chỉ là vì có ít người "liều" mà thôi. Thẳng thắn mà nói thì tôi cũng có phần chịu ảnh hưởng của tâm lý đó – nếu không chắc gì đã có chương sách mà độc giả sẽ đọc sau đây.
Trong phong trào viết báo và viết blog này, để thu hút sự chú ý của số đông, người ta buộc phải sử dụng những cách mà, như nhà tâm lý học xã hội người pháp Gustave LeBon đã nói, tác động vào cảm tính người đọc, huy động thật nhiều ngôn ngữ, hình ảnh, đưa ra những phát biểu mang tính khẳng định cao và lặp đi lặp lại. Và nhất là, đừng dại gì đi ngược lại những quan niệm đã được bén rễ từ lâu trong đám đông. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi không khí "bài Hoa", "chống Tàu" dâng lên cao ngất trong nhiều bài viết. Người nào phản đối lập tức bị đám đông giận dữ gán cho cái mũ "gián điệp Tàu", "Việt gian", "tay sai của Bắc Kinh".
Chịu tác động của không khí ấy, người viết rất khó giữ được sự khách quan và tính khoa học – như một yêu cầu bắt buộc của nghề viết. (Mà suy cho cùng, theo Gustave LeBon, thì cũng không dại gì làm thế, bởi vì đám đông đâu cần những lập luận mang tính duy lý và logic). Người viết dễ dàng sa vào chủ nghĩa cực đoan.
Giờ đây, khi cảm xúc sau mỗi bài viết đã lắng xuống, tôi đọc lại và không khỏi thấy gợn ở những điểm mà tôi biết mình đã để tình cảm cực đoan chi phối. Tuy nhiên, mặt khác, tôi cũng mừng là có một số luận điểm được đưa ra trong lúc viết thì cho đến giờ tôi vẫn đồng ý với chúng. Nói cách khác, đó là suy nghĩ thống nhất của tôi, và cũng là điều tôi muốn "khẳng định, lặp đi lặp lại" trong suốt chương sách này như một "sợi chỉ đỏ": Trước khi lên án chủ nghĩa bá quyền, tinh thần sô-vanh, tư tưởng nước lớn, hãy nghĩ về mình. Trong quan hệ với nước lớn, nhiều khi sự thiệt thòi rơi vào chúng ta không hoàn toàn vì chúng ta là nước nhỏ, mà vì những nguyên nhân khác. Tiềm lực quân sự chỉ là một phần ưu thế, bên cạnh đó, sức mạnh ngoại giao cũng là một lực lượng đáng kể, thậm chí nước càng nhỏ thì chiến lược và chiến thuật ngoại giao càng phải khéo léo.
Trong tác phẩm có tính chất như một trường ca đất nước, "Dagestan của tôi", nhà thơ vĩ đại Rasul Gamzatov đã viết và trích dẫn nhiều câu nói bất hủ, như câu nói của viên tướng Samin vào năm 1841: "Dân tộc nhỏ cần phải có dao găm lớn".
100 năm sau, nhà thơ già Abutalip, người bạn vong niên của Rasul Gamzatov, phát biểu một câu khác cho rằng: "Dân tộc nhỏ cần phải có bạn bè lớn".
Với chúng ta ngày nay, những điều ấy vẫn còn giá trị. Dân tộc nhỏ cần những bạn bè lớn, cần vũ khí ngoại giao lớn, mà muốn vậy thì cũng cần tầm nhìn lớn, tiếng nói lớn (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) trên trường quốc tế. Nói một cách đơn giản đến mức có thể tầm thường hóa vấn đề, là: Nước càng nhỏ, càng cần "to mồm" trong ngoại giao, cần làm bạn với nhiều quốc gia trên thế giới, và không thể để mình ở vị thế một nước kín tiếng ít lời và bị cô lập.
Trung Quốc có thể có nhiều điểm khiến những láng giềng như Việt Nam phải khó chịu, nhưng cũng tồn tại những khía cạnh mà chúng ta nhìn vào đó để "trông người, ngẫm ta", mà nổi lên là một tầm nhìn dài hạn, ý chí quyết tâm của tầng lớp lãnh đạo và sự thống nhất với người dân (hay ít nhất thì truyền thông đối ngoại của phía Trung Quốc cũng tạo ra cho chúng ta cảm tưởng về sự thống nhất ấy).
Tất nhiên, với thái độ chừng mực và đúng đắn thì chúng ta đều hiểu những khó khăn của Chính phủ Việt Nam trong suốt lịch sử: Đã bao giờ Việt Nam được hưởng một thời kỳ hòa bình và ổn định thật sự lâu dài để xây dựng những chiến lược thể hiện tầm nhìn dài hạn? Suốt nửa cuối thế kỷ 20, khi Trung Quốc đã có nhiều nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa, thì chúng ta còn đang phải đương đầu với chiến tranh nóng và lạnh. Ngày nay khi hòa bình đã có vẻ là một xu thế của thế giới, thì Việt Nam đã thành chậm chân trong khu vực, nói về phương diện kinh tế. Toàn cầu hóa hút Việt Nam vào một thời kỳ hoàn toàn khác: mở cửa và hội nhập với các nước đã có lịch sử phát triển kinh tế trước chúng ta rất lâu, trong khi còn chưa kịp hoàn thiện cơ chế thị trường trong nước.
Xét cho cùng, Việt Nam khó tránh khỏi bỡ ngỡ trong thời đại mới, bối cảnh mới của thế giới, và ở cạnh một nước lớn thì cũng chẳng phải điều gì thú vị.
Nhưng chúng tôi mong mỏi lắm thay, rằng Chính phủ sẽ không lấy những khó khăn đó để biện minh cho sự thiển cận và thiếu tầm nhìn. Trung Quốc sẽ không thể ngăn trở việc Nhà nước của chúng ta cũng có một tầm nhìn dài hạn, một chiến lược phát triển kinh tế – xã hội lâu dài, những chính sách nhất quán trong mọi phương diện của đời sống. Không thể gọi là "nhất quán" và "toàn diện" khi cùng một chủ đề Hoàng Sa – Trường Sa vẫn bị những người này người khác, lúc này lúc khác, coi là lĩnh vực nhạy cảm.
***Vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa cần một nỗ lực tổng hợp
Khoảng 50 năm qua, Trung Quốc có chừng 60 công trình nghiên cứu quy mô nhằm chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền của mình. Hiện công cuộc tuyên truyền của Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục cả trong nước lẫn quốc tế. Trong khi đó, các nghiên cứu của phía Việt Nam vừa ít hơn vừa không được công bố rộng khắp, mặc dù chúng ta có đủ bằng chứng để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Hiện tại, cả Malaysia, Philippines và Brunei cũng đều có ý muốn xác lập chủ quyền đối với ít nhất là một phần của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, những lý lẽ họ đưa ra chủ yếu là từ khía cạnh địa lý (khoảng cách địa lý giữa Trường Sa và lãnh thổ các nước này), thay vì có bằng chứng trên bình diện lịch sử.
Theo pháp lý quốc tế, sự gần kề về địa lý không có giá trị, (trừ phi hòn đảo/ quần đảo đang xét nằm trong lãnh hải của một quốc gia; theo quy định hiện nay là 12 hải lý tính từ đất liền) (4). Không thiếu trường hợp đảo/ quần đảo nằm gần nước này nhưng lại thuộc chủ quyền nước khác, ví dụ Greenland gần Canada nhưng lại thuộc Đan Mạch.
Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 quy định các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý (1 hải lý = 1,852 km) tính từ đường cơ sở. Đường cơ sở là đường tiếp giáp thực tế của đất và nước, hay đường thẳng nối hai điểm thuộc đất liền, được chọn khi chúng nổi lên trên mặt nước và xa bờ nhất khi mực nước thủy triều là thấp nhất.
Do đó, về căn bản, Malaysia, Philippines và Brunei không có nhiều cơ sở để sở hữu Hoàng Sa – Trường Sa. Chỉ hai nước có sử liệu liên quan tới Hoàng Sa – Trường Sa, là Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, trong việc xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa, Việt Nam và Trung Quốc là hai bên tham gia chính với nhiều luận cứ hơn cả, và cả hai đều dựa vào tư liệu lịch sử.
Những bằng chứng trong sử cũ: hoàn toàn vững chắc
Căn cứ trên sử liệu, đặc biệt là cổ sử (tức những ghi chép từ khi Việt Nam độc lập – năm 1945 – trở về trước), thì Hoàng Sa – Trường Sa chắc chắn thuộc về Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân – người đã tìm đọc khá nhiều cổ sử Trung Quốc cũng như phần nửa trong số các tài liệu của Trung Quốc từ giữa thập kỷ 1950 đến nay – khẳng định: "Sử liệu của Việt Nam chắc chắn và liên tục hơn sử liệu Trung Quốc, mặc dù xuất hiện trễ hơn. Các học giả Trung Quốc cho rằng từ thời Đông Hán, Trung Quốc đã có những biên chép về chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa. Tuy nhiên, sử liệu của họ về vấn đề này không rõ ràng và thuyết phục như của Việt Nam".
Ông Quân nói rõ hơn rằng từ đời Hán đến cuối đời Thanh, Trung Hoa có khoảng 120 tựa sách có đề cập đến Hoàng Sa – Trường Sa. Nhưng nói chung, những tư liệu cổ sử này là biên chép dạng "du ký" của các nhà hàng hải theo kiểu "trông thấy thì ghi lại", chứ không phải chính sử và không nhằm mục đích xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa. Trong khi đó, mặc dù sử liệu ở Việt Nam muộn hơn nhưng hầu hết các biên chép đều nằm trong các bộ sử chính thống do Quốc sử quán biên soạn, như Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục…
Từng nghiên cứu sâu về Hoàng Sa – Trường Sa từ trước năm 1975, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã cũng cho rằng, căn cứ trên cổ sử, "chỉ Việt Nam mới có cơ sở vững chắc để khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của mình". Chính vì thế mà, khi tranh chấp Hoàng Sa – Trường Sa với Trung Quốc, vào hai năm 1932 và 1947 chính quyền thực dân pháp đã đề nghị đưa vấn đề ra một trọng tài quốc tế để phân xử mà Trung Quốc đều từ chối.
Ông Nguyễn Nhã khẳng định trong một tham luận tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học, Hà Nội, tháng 12 năm 2008: "Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục từ đầu thời Chúa Nguyễn sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn… Việt Nam còn có cả châu bản, hội điển chép những hành động của nhà nước chiếm hữu, thực thi chủ quyền như vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia, xây miếu thờ, trồng cây, đào giếng… của thủy quân triều Nguyễn".
Sau năm 1945: vẫn đủ cơ sở
So với cổ sử thì sử liệu của nước ta trong thời kỳ cận và hiện đại có một ít sơ hở bị Trung Quốc lợi dụng, chủ yếu do hoàn cảnh chiến tranh khiến sự quan tâm và việc xác lập, duy trì chủ quyền trên Hoàng Sa – Trường Sa gặp khó khăn.
Lý lẽ mà phía Trung Quốc thường đưa ra để xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa là một công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 "tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc".
Tuy nhiên, như những phân tích của một số nhà luật học của Việt Nam, chẳng hạn Tiến sĩ luật Đại học Sorbonne Từ Đặng Minh Thu, hay ông Lưu Văn Lợi – nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới – thì công hàm này không có giá trị pháp lý vì nhiều lý do, trong đó có lý do hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thời gian đó thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn cũ (Việt Nam Cộng hòa) chứ không thuộc miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Ngoài ra, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc không hề có ý định nói đến chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Tóm lại, căn cứ sử liệu và những công trình nghiên cứu cá nhân của các học giả, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.
Hiện nay: kém quy mô
Điều đáng nói là trong khi sử liệu của Trung Quốc yếu lý hơn sử liệu Việt Nam, thì sự chuẩn bị của họ cho việc xác lập chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa lại rất quy mô, bài bản và đã bắt đầu từ lâu. Ngay từ sau khi thống nhất và ổn định đất nước (năm 1949), chính quyền Trung Quốc đã huy động các học giả tiến hành các nghiên cứu mới và hệ thống hóa sử liệu cũ với mục đích chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa thuộc về Trung Quốc.
Nhiều trung tâm nghiên cứu về Biển Đông và Hoàng Sa – Trường Sa được thành lập. Và khoảng 60 công trình của cả cá nhân và tập thể ra đời, dày dặn, bề thế, chẳng hạn Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên (Trần Sử Kiên chủ biên, 1987), Trung Quốc Nam Đảo chư đảo địa lý – lịch sử – chủ quyền (tập thể tác giả, Lữ Nhất Nhiên chủ biên, 1992), hay Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo (Lưu Nam uy, 1996). Nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng anh để đưa ra thế giới.
So với khối lượng đồ sộ đó, các công trình nghiên cứu của giới học giả Việt Nam vừa ít, không được phổ biến sâu rộng ngay cả trong nước, vừa là những nỗ lực cá nhân rời rạc. Có thể kể ra một vài tác phẩm gần đây như Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (tác giả Lưu Văn Lợi, năm 1995), hay cuốn Hoàng Sa, Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế (Nguyễn Q. Thắng, 2008). Trước đó, vào các năm 1974 và 1975 cũng có một số nghiên cứu độc lập của các học giả Việt kiều như của các ông Võ Long Tê, Trần Minh Tiết.
Trong khi nhiều công trình của phía Việt Nam được Trung Quốc tổ chức dịch để giới học giả tham khảo và phản biện (tập san Sử Địa, chuyên đề về Hoàng Sa – Trường Sa, ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung), thì không một tác phẩm nào của phía Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt.
Dường như các nhà nghiên cứu Việt Nam đang phải làm việc trong tình trạng cô độc, lẻ loi, thiếu hẳn sự hỗ trợ từ một cơ quan phối hợp chung, cũng như thiếu sự trao đổi, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này nguy hiểm, bởi không có gì đảm bảo giữa các công trình nghiên cứu sẽ không chứa đựng những mâu thuẫn, sơ hở, gây bất lợi cho chúng ta.
Một trong số rất hiếm nhà nghiên cứu đã đọc tài liệu của phía Trung Quốc (tự tìm đọc), ông Phạm Hoàng Quân, cho biết: "Do dựa vào nguồn sử liệu không chắc chắn, các học giả Trung Quốc dễ bị mâu thuẫn, kiểu như người nói không thật lúc trước thì lúc sau dễ quên mất điều mình nói".
Ông Quân cũng dẫn ra một vài ví dụ cho thấy tư liệu của phía Trung Quốc đã "hớ" như thế nào khi nói về Hoàng Sa – Trường Sa. Chẳng hạn, Từ điển Anh – Hán năm 1968 của Khải Minh Thư Cục, Trung Quốc, định nghĩa Hoàng Sa: "Paracel Islands, Group of islands and reefs in South China Sea, Annam, Federation of Indochina", nghĩa là "Hoàng Sa là một nhóm đảo và dải san hô ở Nam Hải Trung Hoa, An Nam, Liên bang Đông Dương".
" Còn Việt Nam" – ông Quân nói – "với sử liệu đầy đủ căn cứ, chúng ta không được để có sơ hở, mâu thuẫn nào. Nhưng, cần phải hệ thống hóa lại sử liệu cho thật chặt chẽ, thống nhất, và có một cơ quan phối hợp chung để đảm bảo các công trình nghiên cứu đã (hoặc sẽ) công bố không có những lý luận đối nghịch nhau".
Trong ngoại giao
Hiện tại, trong dư luận quốc tế, chưa quốc gia nào có tuyên bố chính thức ủng hộ Việt Nam hay Trung Quốc trong vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa.
Có một sự thực là, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, lãnh hải là chuyện thường xảy ra trong quan hệ quốc tế. Nhưng với việc nhân loại ngày càng văn minh hơn, chủ nghĩa vô chính phủ đã suy giảm, và việc tấn công quân sự ít khả năng xảy ra.
Như trên đã nói, mặc dù có ý thức xây dựng tư liệu và diễn giải lịch sử theo hướng chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa của mình, Trung Quốc vẫn không tránh khỏi mắc phải nhiều sơ suất. Ngoài ra, việc sử dụng vũ lực để chiếm hữu là trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc (ra đời từ năm 1945). Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nhấn mạnh: "Bất cứ giải pháp nào chỉ dựa vào sức mạnh quân sự cũng không có giá trị pháp lý".
Tiến sĩ luật Từ Đặng Minh Thu cũng từng viết trong một tham luận năm 1998: "Việt Nam phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa – Trường Sa. Việt Nam cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa ra trước Tòa án Quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, thì Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý".
Việc đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế không đơn giản, vì nó đòi hỏi sự đồng thuận của cả hai bên. (Tòa không chấp nhận một nước đơn phương kiện một nước khác). Dù vậy, ngay cả khi không làm được điều đó, chúng ta vẫn có thể thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm tuyên truyền, vận động thế giới công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa – Trường Sa.
Tất cả đều phải tham gia
Nhìn vào những gì phía Trung Quốc đã và đang làm, có thể thấy việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đòi hỏi không chỉ những nỗ lực ngoại giao hay các nghiên cứu trên giấy, mà cần sự phối hợp đồng bộ các lĩnh vực. phải có sự tham gia của các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu (lịch sử, địa lý, thậm chí sinh học, khí tượng học), giới luật gia, truyền thông báo chí… Tóm lại, chúng ta cần một chương trình hành động bền bỉ trong cả nước, dưới sự điều hành và điều phối thống nhất của Nhà nước.
Cuối cùng, cũng vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải là chuyện không hiếm gặp trong quan hệ quốc tế, nên chính phủ nào cũng cần trang bị cho nhân dân thông tin và kiến thức cơ bản về lãnh thổ, lãnh hải của nước mình, để người dân có ý thức bảo vệ Tổ quốc. Điều này sẽ tạo nên một "mặt trận" nữa bên cạnh các "mặt trận" ngoại giao hay nghiên cứu.
Hoàng Sa – Trường Sa đã là của Việt Nam từ trong lịch sử, và mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ sự thật lịch sử đó.
***Cuộc chiến không cân sức giữa học giả Việt Nam và Trung Quốc
Trong đàm phán lãnh hải với Trung Quốc, nếu coi việc nghiên cứu và đưa ra các bằng chứng để xác lập chủ quyền là một mặt trận, thì đã và đang có một cuộc chiến không cân sức giữa giới nghiên cứu của hai nước, với phần thua thiệt thuộc về các học giả Việt Nam. Sự thua thiệt thể hiện rõ trên các mặt: số lượng học giả, số lượng và diện phổ biến của công trình nghiên cứu, sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, sự tham gia của tư nhân…
Để cất lên tiếng nói khẳng định chủ quyền
Ngày nay, tất cả các học giả về quan hệ quốc tế đều khẳng định rằng: Thời hiện đại, để chiến thắng trong những cuộc đấu tranh phức tạp như tranh chấp chủ quyền, điều kiện cốt yếu là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chứ không đơn thuần là ưu thế về quân sự. Việc quốc tế hóa vấn đề lãnh thổ, lãnh hải và Hoàng Sa – Trường Sa, do đó, là điều Việt Nam không thể không làm. Việc này mở đầu bằng quá trình đưa các quan điểm của phía Việt Nam ra trường quốc tế.
Có ba kênh chính để đưa quan điểm của Việt Nam ra quốc tế. Thứ nhất là thông qua các tuyên bố ngoại giao, như chúng ta vẫn thường thấy phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao trả lời báo giới: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Thứ hai là thông qua các tạp chí khoa học quốc tế, các diễn đàn thế giới. Sự xuất hiện những bài viết khoa học, công trình nghiên cứu của phía Việt Nam trên các tạp chí khoa học đầu ngành của thế giới về lịch sử, địa lý, hàng hải, công pháp quốc tế… sẽ cực kỳ có sức nặng trong việc tranh biện.
Thứ ba là thông qua các nỗ lực ngoại giao và truyền thông như ra sách trắng, tổ chức hội thảo quốc tế, giảng bài tại các trường đại học ở nước ngoài, v.v…
Trung Quốc "chiếm sóng"
Trên kênh thứ hai, có thể thấy phía Việt Nam đang yếu thế so với Trung Quốc. Dù không nhiều, nhưng đã có những bài viết khoa học của học giả Trung Quốc về vấn đề lãnh hải đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới và khu vực như: Marine policy, Marine Custom Management, Marine and Coastal Law Journal (các tạp chí về hàng hải và luật biển), American Journal for International Law (tạp chí nghiên cứu luật pháp, của Mỹ), Southeast Asia Studies (tạp chí nghiên cứu Đông Nam á, của Singapore).
Đây là các tạp chí khoa học đầu ngành của thế giới, nghĩa là uy tín của chúng được thừa nhận trên phạm vi quốc tế. Một bài viết được đăng trên những tạp chí loại này mang lại danh tiếng cho sự nghiệp cá nhân của nhà khoa học – tại một số nước, bậc lương và số lần tăng lương của giáo sư tỷ lệ thuận với số bài viết khoa học được đăng ở tạp chí đầu ngành.
Quan trọng hơn nữa, nó gây ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng. Trong ngắn hạn và trung hạn, nó là tiếng nói có sức nặng với giới khoa học quốc tế. Trong dài hạn, nó là nguồn tài liệu tham khảo có tác động đáng sợ. Một nhà khoa học trẻ Việt Nam từng đặt vấn đề: "Giả sử 10-20 năm nữa, có nhà nghiên cứu phương Tây muốn tìm hiểu về tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Hoàng Sa – Trường Sa: Cái mà ông ta tìm thấy sẽ là hàng chục bài viết của học giả Trung Quốc trên các tạp chí quốc tế nhằm chứng minh Hoàng Sa – Trường Sa là của họ. Lúc đó, ông ta có muốn khách quan khoa học cũng khó. Tích tiểu thành đại, hàng loạt bài viết như vậy sẽ làm cán cân sức mạnh nghiêng thêm về phía Trung Quốc, gây ảnh hưởng rất bất lợi cho Việt Nam".
Về phía các học giả Việt Nam ở trong nước, cũng đã có những bài viết khoa học liên quan tới vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa – Trường Sa. Tuy nhiên, các bài này chỉ được đăng tải bằng tiếng Việt trên các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam (Tạp chí Hán Nôm, Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử Quân sự, Nghiên cứu phát triển – tạp chí của Thừa Thiên – Huế) . Số lượng bản in hạn chế – chừng 1.000 bản, phát hành trên diện rất hẹp, tới mức gần như "lưu hành nội bộ".
Việt Nam yếu thế
Trung Quốc cũng đã có khoảng 60 cuốn sách về Hoàng Sa – Trường Sa, bằng tiếng Trung và tiếng anh, như Trung Quốc dữ Trung Quốc Nam Hải vấn đề (Trung Quốc và vấn đề biển Nam Trung Quốc, phó Côn Thành – Thủy Bỉnh Hòa, 2007), Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo (Lưu Nam uy, 1996), Nam Hải chư đảo địa lý – lịch sử – chủ quyền (Lữ Nhất Nhiên chủ biên, 1992)… Chưa kể, còn hàng chục công trình của các nhà nghiên cứu gốc Trung Quốc ở Đài Loan, Hong Kong, Singapore, Anh, Mỹ.
Việt Nam có vài đầu sách, như Cuộc tranh chấp Việt – Trung về hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa (Lưu Văn Lợi, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 1995), Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 (Nguyễn Hồng Thao chủ biên, Nhà xuất bản Sự thật, 11/2008)… Nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, các sách đều bằng tiếng Việt, phát hành rất ít. Đa số là "tài liệu tham khảo nội bộ" hoặc cũng gần như "lưu hành nội bộ" bởi không được quảng bá và phát hành rộng.
Gần đây, Nhà xuất bản Tri thức bắt đầu tham gia giới thiệu rộng rãi tới công chúng các cuốn sách nghiên cứu về chủ quyền biển, với mục tiêu giới thiệu được khoảng 5 đầu sách/ năm. Tuy nhiên, theo ông Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản, khó khăn lớn nhất là nguồn kết quả nghiên cứu của giới học giả Việt Nam còn hạn chế.
Hiện tại, Việt Nam chỉ có ba cơ quan nhà nước từng đặt vấn đề nghiên cứu chính thức về lãnh hải và luật biển, là Vụ Biển thuộc ủy ban Biên giới Quốc gia, Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Tổng cục Quản lý Biển và Hải đảo. Đếm số lượng các nhà nghiên cứu chuyên sâu vào vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa – Trường Sa, tính cả người đã mất, thì "vét" trong cả nước được gần một chục người.
Còn Trung Quốc đã có hàng chục cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về tranh chấp lãnh hải và Hoàng Sa – Trường Sa từ hơn nửa thế kỷ qua. ít nhất, có thể kể tới trung tâm nghiên cứu trực thuộc các trường đại học Bắc Kinh, Hạ Môn, phúc Kiến, Trung Sơn, hoặc trực thuộc ủy ban Nghiên cứu Biên cương, Viện Nghiên cứu Đông Nam á, v.v…
Với kênh thứ ba – thông qua việc tổ chức hội thảo quốc tế, đưa các học giả đi giảng bài tại các trường đại học ở nước ngoài v.v. – thì sự tham gia của giới khoa học gia Việt Nam càng yếu ớt hơn.
Cộng đồng các nhà khoa học người Việt tại nước ngoài đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu để đưa ra các bằng chứng giúp Việt Nam tranh biện trong vấn đề lãnh hải. Chẳng hạn, Tiến sĩ Từ Đặng Minh Thu (Đại học Luật Sorbonne), luật gia Đào Văn Thụy từng đọc bài tham luận tại Hội thảo hè "Vấn đề tranh chấp Biển Đông" (New York, 1998), phân tích lập luận của Việt Nam và Trung Quốc với nhiều lý lẽ khoa học xác đáng. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà các công trình như vậy lại chưa được phổ biến chính thức tại Việt Nam.
Vì đâu giới nghiên cứu Việt Nam yếu thế?
Tiến sĩ Nguyễn xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) nhận xét: "So tương quan lực lượng với Trung Quốc trong chuyện nghiên cứu về lãnh hải, thì các công trình của học giả Việt Nam vừa ít ỏi, manh mún về số lượng, lại vừa không được sự quan tâm, hỗ trợ của xã hội".
Ai cũng biết rằng điều kiện cần để có bài viết khoa học là một quá trình nghiên cứu tập trung cao và kéo dài. Nghiên cứu về vấn đề lãnh hải và Hoàng Sa – Trường Sa lại càng khó khăn hơn, nó đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian, kinh phí. Người nghiên cứu phải có khả năng tiếp cận với các tài liệu cổ bằng nhiều thứ tiếng khó (Hán, Nôm, pháp, anh, thậm chí tiếng Latin), phải bỏ chi phí mua tài liệu, đi thực địa, trao đổi tìm kiếm thông tin, v.v… Đổi lại, mỗi bài viết trên các tạp chí của Việt Nam được nhận vài trăm nghìn đồng nhuận bút.
Còn việc đưa bài viết ra tạp chí quốc tế thì gần như không tưởng, bởi thật khó để các nhà khoa học dồn sự nghiệp cho cả một công trình nghiên cứu để rồi không biết… đi về đâu, có được đăng tải hay không. Thiếu kinh phí, khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu "nhạy cảm" là những vật cản lớn. Chỉ riêng việc dịch bài viết sang một thứ tiếng quốc tế, như tiếng anh hay tiếng Trung, cũng đã là vấn đề.
Một nhà nghiên cứu độc lập, ông Phạm Hoàng Quân, cho biết: "ở Trung Quốc, việc tuyên truyền về Hoàng Sa – Trường Sa và lãnh hải được phân chia thành ba cấp. Cấp thấp nhất là cấp phổ thông, cho quần chúng. Cấp hai và cấp ba là cho các độc giả có trình độ cao hơn và các nhà nghiên cứu chuyên sâu. Như ở Việt Nam thì chẳng cấp nào phát triển cả".
Không có văn bản quy định chính thức, nhưng tài liệu liên quan tới lãnh hải, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc mặc nhiên được coi là "nhạy cảm", "mật", và một cá nhân khó mà có đủ tư cách để "xin" được nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa hay chủ quyền đất nước. ông Quân, với tư cách nhà nghiên cứu độc lập, gặp khó khăn tương đối trong việc tiếp cận các tài liệu khoa học phục vụ cho công việc. Dĩ nhiên là chẳng bao giờ ông được mời tham dự những hội thảo chuyên đề về lĩnh vực mình nghiên cứu – thường chỉ dành cho những nhà khoa học đã có biên chế chính thức ở một cơ quan nhà nước nào đó.
Với một cá nhân là như vậy. Với các viện nghiên cứu trực thuộc Nhà nước, tình hình cũng không khả quan hơn. Tiến sĩ Nguyễn xuân Diện nhận xét: "Về nguyên tắc, phải là cấp trên đặt hàng, cấp dưới đề đạt lên. Nếu Nhà nước không đặt hàng, các cơ quan chuyên môn có khả năng làm cũng e dè không muốn đề xuất. Các cá nhân nghiên cứu độc lập thì không thể có điều kiện thuận lợi về sưu tập tư liệu, điền dã thực địa, công bố kết quả của đề tài".
Không tiếp cận được với các công trình nghiên cứu chuyên sâu đã đành, người dân còn không được giới truyền thông cung cấp thông tin và kiến thức về chủ quyền đất nước. Trong khi, trên thực tế, "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" – như khẳng định của Bộ Ngoại giao. (Các tuyên bố ngoại giao theo thông lệ này lại không kéo theo việc công bố một bằng chứng cụ thể nào, khiến cho người nghe ngay cả khi muốn tham gia vào một nỗ lực chung để xác lập chủ quyền cho Hoàng Sa – Trường Sa cũng bớt phần tự tin).
Chúng ta có thể làm gì?
Về bản chất, nghiên cứu khoa học là các nỗ lực cá nhân, tuy nhiên, với những vấn đề thuộc diện "công ích" như tranh chấp chủ quyền, thì Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng.
Nhà nước phải đặt hàng giới nghiên cứu, tạo thành một chiến lược lâu dài và bài bản, đồng thời để cho giới truyền thông diễn giải và phổ biến những công trình nghiên cứu chuyên sâu tới quần chúng sao cho tất cả mọi người đều có ý thức về chủ quyền đất nước. Một số học giả người Việt Nam ở nước ngoài gợi ý rằng, cách tốt nhất là Nhà nước "xã hội hóa" công việc nghiên cứu khoa học, bằng cách tạo điều kiện để xã hội dân sự (tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội, quỹ…) tài trợ cho các dự án khoa học, tạo điều kiện, thậm chí "luật hóa", để người nghiên cứu được tiếp xúc với thông tin khi cần.
Một điểm cần lưu ý là hoạt động nghiên cứu phải mang tính liên ngành, toàn diện, trên mọi lĩnh vực: văn bản học, khảo cổ, địa chất lịch sử, thổ nhưỡng, công pháp quốc tế…
Theo quy luật số lớn, số lượng nghiên cứu càng nhiều thì khả năng có những công trình chất lượng càng cao.
Sau hết, không thể thiếu nỗ lực công bố các công trình nghiên cứu đó ra diễn đàn quốc tế, nỗ lực diễn giải và phổ cập chúng tới người dân trong nước, cũng như, thông qua chính sách "ngoại giao nhân dân", tới được dư luận quốc tế và cộng đồng Việt Nam tại nước ngoài.
***Từ tinh thần Trung Hoa tới chủ nghĩa bá quyền
Không người dân nước nào không có tinh thần dân tộc. Nhưng để trở thành chất keo gắn kết một khối hơn 1,3 tỷ con người trên khắp thế giới, khiến họ cùng tin và luôn tin vào hình ảnh một đất nước rộng mở, thân thiện, phải là một thứ chủ nghĩa dân tộc đặc biệt, chỉ người Trung Hoa mới có.
Hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Trung Quốc đã dựa vào tinh thần dân tộc để tồn tại như một thể thống nhất suốt từ thời Tần Thủy Hoàng (259 – 210 trước Công nguyên) đến nay. Bắc Kinh ngày nay cũng đang sử dụng lòng yêu nước, tự hào dân tộc như một loại "thuốc kích thích" cho sự đoàn kết và phát triển đất nước, để từ đó duy trì sự bền vững của chính thể.
Tự hào để phát triển, phát triển để tự hào
Kể từ khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng công cuộc cải cách mở cửa nền kinh tế, chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng nhận thấy sự cần thiết phải sử dụng chủ nghĩa dân tộc làm công cụ đoàn kết và thúc đẩy sức mạnh toàn dân. Điều này càng trở nên bức thiết sau vụ Thiên an Môn năm 1989 và sau sự sụp đổ của Liên xô năm 1991 – hai sự cố khiến nhiều người tưởng rằng ngày tàn của chế độ đã gần kề. Tuy nhiên, sau hai thập niên, dự đoán về sự sụp đổ đã sai và chính thể vẫn ổn định. Trung Quốc có thể đối diện hàng chục vấn đề, nhưng nó có một thứ mà chính phủ của mọi nước đang phát triển đều thèm muốn, đó là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới: 8-9% trong 30 năm liên tục.
Suy cho cùng, nhờ thế, người dân Trung Quốc càng có lý do để tự hào. Họ chỉ mất 30 năm công nghiệp hóa để chứng kiến những gì châu âu phải mất 200 năm trải qua. Cứ sau 8 năm, quy mô nền kinh tế Trung Quốc lại tăng gấp đôi. Trong cuốn "The post-American World" (Thế giới hậu Mỹ), tác giả Fareed Zakaria viết: "Một chiếc bánh phình to có thể làm cho mọi vấn đề, dù là đáng bi quan nhất, trở nên ít nhiều dễ xử trí hơn".
"Ý thức hệ mới của người Trung Quốc"
"Chính phủ ở Trung Quốc hiện nay là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc hơn là sản phẩm của ý thức hệ mác-xít hay cộng sản" – Giáo sư Liu Kang, một nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, thuộc Đại học Duke, nhận định. Theo ông, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành "ý thức hệ chính đáng và mạnh mẽ nhất" tại đất nước hơn một tỷ dân này. Nếu bóc đi ánh sáng dẫn đường của tư tưởng Mao Trạch Đông, thì chỉ còn lại chủ nghĩa dân tộc như chất keo kết dính toàn xã hội.
Phương Mai, một nghiên cứu sinh Việt Nam tại Bắc Kinh, cho hay, Trung Quốc tổ chức phát triển đảng rất mạnh mẽ trong giới trẻ. Thanh niên được kết nạp đảng sớm, nhanh chóng, dễ dàng. ở trường, họ được học ba môn quan trọng là Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.
Cô đã gặp không ít người Trung Hoa trẻ tuổi thể hiện một niềm tin tưởng sâu sắc vào chế độ. "Đừng ngạc nhiên nếu họ vui vẻ nói với bạn rằng "ôi, chủ nghĩa xã hội thật là ưu việt!", và "sự kiện Thiên an Môn là cách xử lý không thể tốt hơn của chính phủ trong hoàn cảnh đó" – Mai nói. "Theo tôi, cái mà họ ủng hộ mang màu sắc của một thứ "chủ nghĩa Trung Hoa", thực chất là "chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc", chứ không hẳn là chủ nghĩa xã hội".
"Thuốc kích thích"
Năm 2002, Trịnh Tất Kiên – phó hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc – đã sáng tạo ra thuật ngữ "trỗi dậy hòa bình" (peaceful rise) nhằm diễn tả mục đích âm thầm vươn tới địa vị quyền lực trên thế giới. Từ này bây giờ được sử dụng thường xuyên để mô tả nguyện vọng và phần nào là học thuyết ngoại giao (chưa bao giờ được công bố) của Bắc Kinh.
Chính quyền đại lục cũng đang thực hiện nhiều cách để đảm bảo rằng nhân dân Trung Quốc nắm rõ chiến lược "trỗi dậy hòa bình" của đất nước mình. Năm 2006 – 2007, Truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng loạt phim 20 tập – "Sự trỗi dậy của những dân tộc vĩ đại". Thông điệp mà Chính phủ mong muốn bộ phim truyền tải đến cho người dân là: đoàn kết dân tộc, thành công về kinh tế và công nghệ, ổn định chính trị, sức mạnh quân sự, một nền văn hóa sáng tạo và quyến rũ, đó là những chìa khóa để một dân tộc vươn thành vĩ đại. Cũng qua đây, Trung Quốc vẽ nên trong mắt người dân hình ảnh một đất nước yêu hòa bình và sẽ chỉ vươn lên địa vị bá chủ một cách hòa bình và hấp dẫn.
Thử hỏi người Trung Quốc có ai lại không tự hào làm dân một đất nước như thế?
Lòng ái quốc, tinh thần dân tộc luôn phát huy hiệu quả rất tốt nếu được đặt đúng vị trí. Cho đến giờ, Bắc Kinh vẫn tỏ ra khéo léo trong việc huy động "chủ nghĩa Trung Hoa" vào công cuộc phát triển kinh tế và giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc. Các chính phủ hay các công ty nước ngoài tới Trung Quốc làm ăn cũng nên học tập tấm gương đó.
Một ví dụ (được nhà báo Fareed Zakaria nêu trong cuốn "The post-American World"): Trong bao nhiêu năm trời, Microsoft không tài nào bắt Trung Quốc thi hành luật bản quyền. Tình hình chỉ thay đổi khi tập đoàn này bỏ ra rất nhiều nỗ lực phát triển quan hệ với chính quyền, khiến họ thấy rõ là Microsoft muốn góp phần thúc đẩy kinh tế và hệ thống giáo dục Trung Quốc. Đến lúc đó, những quy định pháp luật tương tự mới bắt đầu có hiệu lực.
Còn một khi chính quyền trung ương Trung Quốc đã nổi giận thì hậu quả thật khó lường. Sau khi Nhật Bản cho lưu hành sách giáo khoa với nội dung "nói giảm, nói tránh" về những tội ác mà phát xít Nhật gây ra tại Trung Quốc trong quá khứ, phong trào bài Nhật đã bùng nổ ở đại lục. Người dân tẩy chay hàng Nhật, thậm chí tấn công cả vào đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh.
Cũng với tinh thần dân tộc được đẩy tới mức cao nhất này mà ở Trung Quốc lâu nay có một phong trào "Trung Hoa hóa" những nhân vật nước ngoài nổi tiếng. Chẳng hạn, một bộ phận khá đông dân chúng tin rằng Thành Cát Tư Hãn là người Trung Quốc.
Vụ việc mới đây và có liên quan đến Việt Nam là cuốn "Hồ Chí Minh sinh bình khảo" của Giáo sư Đài Loan Hồ Tuấn Hùng, phát hành tháng 11 năm 2008. Trong cuốn sách, tác giả cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính danh là Hồ Tập Chương, nguyên là một người Khách Gia (5), tức thuộc Hán tộc.
Còn khi phía nước ngoài có các phát hiện theo hướng "ngoại quốc hóa" các nhân vật ưu tú của Trung Quốc, thì dĩ nhiên là sóng gió đùng đùng nổi lên. Học giả Hàn Quốc từng lưu truyền một tài liệu chứng minh Khổng phu Tử là người Hàn, hay nghề in khắc – một trong "tứ đại phát minh" của Trung Hoa – té ra lại xuất xứ từ… Hàn Quốc. Kết quả là theo một khảo sát không chính thức, người Hàn Quốc bị dân chúng Trung Quốc ghét ngang Nhật Bản. (6)
Tác hại của thuốc kích thích
Điều đặc biệt là, thứ chủ nghĩa dân tộc mà Đảng Cộng sản Trung Quốc theo đuổi không chỉ gắn kết dân chúng ở lục địa, mà còn kết nối người Hoa trên toàn cầu. Đó là nhờ sự bùng nổ của mạng Internet. Chính Internet đã tạo ra một dòng chảy thông tin giữa người Trung Quốc ở trong nước với cộng đồng người Hoa ở Đông Nam á, châu âu và Bắc Mỹ.
Nhưng Internet cũng là môi trường cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển. Tháng 5 năm 1999, máy bay Mỹ ném bom trúng đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade. phong trào phản đối dâng khắp đại lục. Chính phủ Trung Quốc đòi Mỹ phải xin lỗi, tuyên bố: "Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa vĩ đại không dễ bị bắt nạt". Cùng lúc đó, làn sóng phẫn nộ lan tràn trên không gian mạng. Ngập lụt trong hàng nghìn e-mail chửi rủa từ Trung Quốc, website của Nhà Trắng bị sập một thời gian. Hacker còn tấn công website của đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, chèn dòng chữ "Đả đảo bọn man rợ" lên trang chủ.
Tinh thần dân tộc Trung Hoa cũng được đẩy tới mức cực đoan trong cuốn best-seller của họ năm 1996 là "China Can Say No" (Trung Quốc có thể nói Không). Sách tràn ngập tư tưởng chống phương Tây và Nhật Bản. Có đoạn: "Trung Quốc phải mong muốn chiếm chỗ ngồi của cường quốc thế giới chứ có đâu tự bằng lòng bắt chước xã hội Tây phương một cách thảm hại như Nhật Bản trước đây!"
Theo các chuyên gia, mặc dù chủ nghĩa dân tộc là một công cụ hiệu quả cho chính quyền Trung Quốc gây thiện cảm với người dân và đoàn kết họ vì một mục tiêu phát triển chung, nhưng nó lại đe dọa khao khát "trỗi dậy hòa bình" của Trung Quốc. Nó làm các nước khác lo ngại, và là một trở ngại cho việc Trung Quốc xây dựng hình ảnh như một người anh lớn đầy trách nhiệm.
Và thuốc kích thích sẽ tăng liều!
Trung Quốc tự coi mình là một dân tộc chỉ mong muốn trỗi dậy hòa bình. Nhưng lịch sử cho thấy rất nhiều nước lớn cũng đã tự vẽ mình như thế – cho đến khi tinh thần dân tộc của họ biến thành cực đoan, và họ bắt đầu bành trướng tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế, quân sự, an ninh.
Khi một nước lớn gia tăng lợi ích, tất yếu họ sẽ thấy sự cần thiết phải hành động bảo vệ lợi ích của mình. Nhất là nếu lợi ích ấy sinh ra từ thứ thuốc kích thích mang tên chủ nghĩa dân tộc, thì họ không có lý do gì để dừng lại. Nói cách khác, thứ thuốc kích thích mang tên chủ nghĩa dân tộc này sẽ không ngừng buộc người dùng phải tăng liều. Từ tinh thần dân tộc tới chủ nghĩa cực đoan, bành trướng và bá quyền chỉ là một bước ngắn so với lịch sử.
5. Khách Gia (tiếng anh: Hakka, tiếng Việt gọi là người Khách hay người Hẹ) là một tộc Hán từ miền bắc Trung Hoa di cư xuống miền Nam nước này. Ngoài ra, họ cũng di tản đến nhiều nước khác ở Đông Nam á. Tôn Trung Sơn, Đặng Tiểu Bình, Lý Quang Diệu, Thaksin Shinawatra… là những người Khách Gia nổi tiếng.
6. Trong một bài viết trên BBC Việt ngữ ngày 20 tháng 2 năm 2009, Tiến sĩ alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm) viết rằng: "Các cuộc thăm dò dư luận ở Trung Quốc cho thấy Việt Nam cùng với Mỹ và Nhật Bản là ba nước bị người Trung Quốc ghét nhất trên thế giới". Có thể đó là kết quả của nhiều cuộc khảo sát khác, xin nhắc lại ở đây để bạn đọc tham khảo.
***Chủ nghĩa bá quyền và cách cư xử của Việt Nam
Người ta thường nói về "tham vọng bá quyền" của Trung Quốc như một lời cảnh báo đối với thế giới, nhất là với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. ít người nói với chúng ta rằng tham vọng đó không phải là nguy cơ mà là một thực tế; và ở vị trí nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam cần có sự chuẩn bị và thái độ ứng xử thích hợp.
Bá quyền, theo nghĩa chung, được định nghĩa là quốc gia siêu cường duy nhất, mạnh tới mức chi phối tất cả các nước khác trong hệ thống – khu vực nếu là bá quyền khu vực, và thế giới nếu là bá quyền toàn cầu.
Từ trước đến nay, chưa một quốc gia nào trở thành bá quyền toàn cầu. Theo học giả người Mỹ John Mearsheimer, trở ngại chính là "khó khăn trong việc áp đặt quyền lực của mình lên một nước đối thủ nằm ngoài khu vực của mình". Ví dụ, Mỹ tuy là nước mạnh nhưng không thể khống chế châu âu theo cách mà Mỹ áp dụng ở châu Mỹ.
Ngoài ra, nếu bị đại dương ngăn cách, các nước thường không có khả năng tấn công chống lại nhau: "Biển rộng là trở ngại lớn, phát sinh ra nhiều vấn đề triển khai lực lượng cho bên tấn công" – Mearsheimer viết. ông lấy anh và Mỹ làm ví dụ. Hai nước này chưa bao giờ bị một quốc gia lớn khác xâm lược. Cũng vì bị đại dương cản bước, mà Mỹ chưa bao giờ xâm lược châu âu và Đông Bắc á, còn anh không cố gắng tấn công quân sự vào Châu Âu lục địa.
Từ đây, Mearsheimer đưa ra một khẳng định: Cách tốt nhất mà một nước lớn có thể trông đợi là trở thành bá quyền khu vực và kiếm soát các quốc gia kề cận nó, có chung đường biên giới với nó, các quốc gia mà nó có thể tiếp cận dễ dàng bằng đường bộ.
Địa vị của Trung Quốc hiện nay ở châu á cho thấy đất nước hơn một tỷ dân này đã và đang ở tâm thế trở thành bá quyền khu vực, và sẽ là một thực tế dễ hiểu, dễ lý giải nếu họ muốn chi phối, kiểm soát các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam. Hơn thế nữa, với những đặc thù về địa chính trị, địa kinh tế của mình, Việt Nam không tránh khỏi là đối tượng đặc biệt đáng lưu ý trước mắt bá quyền khu vực.
Trở thành bá quyền – ham muốn cố hữu và tất yếu trong quan hệ quốc tế
Thế giới đã có nhiều ví dụ về nỗ lực trở thành bá quyền khu vực. Mỹ là bá quyền khu vực ở Tây bán cầu suốt hơn một thế kỷ qua. Liên xô chi phối các quốc gia xô Viết cũ – và cả những nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa Đông âu – mãi cho tới khi tan rã. Trước đó nữa là Nhật Bản trước Thế chiến II, Đức dưới thời Quốc xã, pháp dưới thời Napoleon…
Cần phải khẳng định ngay rằng, xu hướng trở thành bá quyền không phải là tham vọng của riêng Trung Quốc. Nó là ham muốn của bất kỳ một nước nào có vai trò nhất định khi tham gia vào quan hệ quốc tế (Nga, pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v…).
Từ năm 1933, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Frederick Schuman đã viết rằng, do không có một cơ quan quyền lực trung ương đứng trên lập ra và thực thi các quy tắc ứng xử trên toàn cầu, nên mỗi quốc gia đều đơn độc, dễ bị tổn thương và do đó buộc phải ích kỷ. Nước nào cũng phải tự cứu lấy mình. Điều này luôn đúng, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn, bởi vì nếu một quốc gia bị thua thiệt trước mắt thì rất có thể họ sẽ không tồn tại được lâu dài.
Cách tốt nhất để tự cứu là phải trở nên hùng mạnh hơn các nước khác trên nhiều phương diện, không chỉ là quân sự hay kinh tế. Kịch bản lý tưởng là trở thành bá quyền trong hệ thống, nếu không đạt tới phạm vi toàn cầu thì cũng phải là khu vực.
Thế nên, không có gì lạ nếu Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng bá quyền ở châu á ngày nay. Và, lợi ích của họ càng bành trướng, thì họ càng có xu hướng vươn tới địa vị bá quyền hơn nữa, để bảo vệ bằng được lợi ích đó. Không nên đặt câu hỏi tại sao Bắc Kinh luôn muốn mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế – chính trị – quân sự tại khu vực châu á Thái Bình Dương. Bởi vì dù có an toàn đến đâu thì một nước lớn cũng không cảm thấy đủ về an ninh; và càng lớn mạnh, họ càng cần tăng cường an ninh để duy trì địa vị của mình.
Nước lớn kìm chân nhau, nước nhỏ tận dụng
Cùng với xu hướng khao khát trở thành bá quyền, mỗi nước lớn đều có xu hướng ngăn cản nước lớn khác xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của mình. Ví dụ, Mỹ – bá quyền khu vực Tây bán cầu – tất yếu phải tìm cách kiểm soát Trung Quốc - nước đang có tham vọng bá quyền ở châu á – bởi sợ Trung Quốc xâm phạm vào sân sau của Mỹ.
Hơn nữa, theo John Mearsheimer, "nếu một nước có khả năng làm bá quyền xuất hiện, các nước lớn khác trong khu vực đó sẽ tìm cách kiềm chế". Từ nhận định đó, ta có thể thấy rằng hai nước lớn khác ở Đông á là Nhật Bản và Hàn Quốc không dễ chấp nhận để Trung Quốc vươn lên địa vị bá quyền khu vực.
Áp dụng lý thuyết này, Việt Nam có thể tận dụng quan hệ với các nước lớn trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc) và thế giới (Mỹ, Anh, pháp) để gây rào cản đối với Trung Quốc.
Tất nhiên, điểm cốt yếu là, để chống lại bá quyền, các nước đối tượng của bá quyền không còn cách nào khác là phải liên tục nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế.
Một điều mà những quốc gia "nạn nhân" cần đặc biệt lưu ý, là không có sự mặc cả giữa bá quyền và đối tượng của bá quyền. Nói cách khác, tham vọng bá quyền của một nước lớn sẽ không bao giờ dừng lại, chính bởi cái nguyên tắc "tự cứu" nói trên. Nước nhỏ không thể thỏa thuận với nước lớn rằng sự bành trướng của nước lớn sẽ chỉ giới hạn ở một mức độ nào đó để không ảnh hưởng tới nước nhỏ.
Bá quyền luôn không đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần, một phần hoặc toàn thể, của những kẻ bị bá quyền.
Và cách ứng xử của Việt Nam
Frederick Schuman viết: Trong chính trị quốc tế, Chúa chỉ cứu những ai biết cách tự cứu mình, và để tự cứu, không loại trừ khả năng các nước lập liên minh với nhau.
Nước càng yếu thế về kinh tế – quân sự, thì càng phải phát triển sức mạnh ngoại giao và sự liên kết với các nước khác. Điều tối kỵ là một quốc gia vừa nhỏ yếu vừa bị cô lập trên thế giới. Như Tiến sĩ quan hệ quốc tế Vũ Hồng Lâm nhận định, nếu những sức ép mà Trung Quốc gây cho Việt Nam được dư luận quốc tế quan tâm thì điều đó sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc hơn trong quan hệ với Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc lại luôn muốn tự vẽ mình như một nước lớn thân thiện.
" Trỗi dậy hòa bình", không gây hấn với các quốc gia khác, dồn mọi nỗ lực vào tăng trưởng kinh tế – đó là hình ảnh mà Bắc Kinh ra sức tạo dựng trước thế giới. Trong một bài diễn văn kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ tại Đại hội Đảng lần thứ 17, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu chi tiết về các vấn đề kinh tế, tài chính, công nghiệp, xã hội và môi trường, tuy nhiên hoàn toàn bỏ qua lĩnh vực ngoại giao.
Nhưng trên thực tế, các chính sách kinh tế – đầu tư – thương mại mà Bắc Kinh thi hành tại Đông Nam á, những đòi hỏi vô lý về chủ quyền ở Biển Đông, cùng những tranh cãi liên miên về đường biên giới với Nga và ấn Độ, đã khiến Trung Quốc mang hình ảnh của một láng giềng nước lớn, bành trướng và khó chịu.
Việt Nam và các nước trong khu vực không thể trông đợi Trung Quốc sẽ "trỗi dậy hòa bình" như chủ thuyết ngoại giao (chưa bao giờ được công bố) của họ. Cũng vậy, Trung Quốc "khó lòng tơ tưởng đến việc họ có thể lặng lẽ bước lên vũ đài thế giới mà không gây ra mảy may chú ý nào". Đó là nhận định của Fareed Zakaria trong cuốn "The post-American World", có lẽ cũng là điểm mà Việt Nam – nước láng giềng liền kề biên giới Trung Quốc – không nên bỏ qua.
***Bá quyền văn hóa đe dọa Việt Nam
Nhìn vào độ chiếm sóng của phim Trung Quốc trên các đài truyền hình ở Việt Nam, nhiều người lo ngại về khả năng Việt Nam bị "đồng hóa" bởi anh bạn láng giềng. Khả năng đó có thật, và nó là biểu hiện của một hình thức bá quyền tinh vi: bá quyền văn hóa – một phần quan trọng trong chính sách bá quyền của nước lớn, một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ.
"Giai điệu chủ"
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1987…
Tháng 3-1987, Bộ phát thanh – Truyền hình Trung Quốc triệu tập một hội nghị gồm đại diện của tất cả các đơn vị sản xuất truyền hình khắp cả nước. Tại đây, Bộ cảnh báo về xu hướng "giải trí hóa" phim ảnh trên sóng truyền hình, đồng thời đưa ra chính sách mới: tích cực, chủ động dồn lực sản xuất những bộ phim "giai điệu chủ" nhằm mục đích truyền bá lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thẩm mỹ của Trung Hoa tới mỗi người dân Trung Quốc và thế giới.
Chính sách này phân loại phim truyền hình thành một số thể loại chính, nằm trong một khái niệm chung gọi là "giai điệu chủ":
• Dòng phim về những đề tài mang tính thực tiễn, ca ngợi người tốt việc tốt – gọi chung là phim "thần tượng tuổi trẻ";
• Dòng phim cổ trang, gồm phim lịch sử ("Tam Quốc Diễn Nghĩa", "Vương triều ung Chính", "Khang Hy", "Thái Bình Thiên Quốc"…), dã sử ("Tể tướng Lưu Gù", "Hoàn Châu Cách Cách"…)
• Dòng phim gia tộc luân lý ("Mùa quít chín", "Gia tộc
Kim phần"…)
• Dòng phim cách mạng, dựng lại ngữ cảnh thời xưa ("Khát vọng", "Câu chuyện Thượng Hải"…) hoặc tái hiện chân dung những nhân vật nổi tiếng (Tôn Trung Sơn, Chu ân Lai, Đặng Tiểu Bình…)
• Dòng phim hình sự, chống tham nhũng ("xứng danh anh hùng", "Khống chế tuyệt đối"…)
Những phim này được Nhà nước hỗ trợ nhiều mặt, chẳng hạn ưu tiên chiếu ở các đài địa phương lớn vào giờ vàng. Đặc biệt, chúng nằm trong kế hoạch tuyên truyền của Nhà nước: Tất cả các phim, chỉ trừ dòng hình sự, chống tham nhũng, đều được hỗ trợ xuất khẩu, nhằm mục đích cao nhất là phổ biến "giá trị Trung Hoa" tới các quốc gia trong khu vực.
Trong số những nước mà Trung Quốc hướng tới, Việt Nam nổi lên như một tiền đồn, bởi "đây là nước Đông Nam á duy nhất chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thay vì văn hóa ấn Độ", như lời tác giả Hạo Kiện viết trong cuốn "phim truyền hình Trung Quốc – nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu loại hình" (Nhà xuất bản Điện ảnh Trung Quốc, 2008).
Phần lớn các phim "giai điệu chủ" đã được giới thiệu ở Việt Nam, khán giả nước ta chẳng xa lạ gì với chúng. Các phim đều được xuất khấu với giá hết sức ưu đãi sang Việt Nam, thậm chí một số phim cho không (như "Khát vọng", "Tây du ký", "Vương triều ung Chính") theo thỏa thuận hợp tác giữa các đài truyền hình hai nước.
Ồ ạt "xâm lăng văn hóa"
Song song với việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, nhất là phim truyền hình, sang các nước trong khu vực mà đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc cũng tiến hành "Trung Hoa hóa" các sản phẩm của những nước này.
Bất chấp việc giới truyền thông Việt Nam đưa tin đậm về những phim hợp tác giữa hai nước như "Hà Nội Hà Nội" hay "Nguyễn ái Quốc ở Hong Kong", các bộ phim này chưa bao giờ được ưu tiên chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình của bất cứ đài nào ở Trung Quốc. Ví dụ, "Hà Nội Hà Nội" chỉ được phát trên đài tỉnh Quảng Tây, Nam Ninh vào lúc… đêm khuya thanh vắng.
Với nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình nổi tiếng đến từ các nước khác, Trung Quốc thực hiện làm mờ tính nước ngoài của chúng. "Vua Kungfu" (Forbidden Kingdom) dù là phim của Mỹ và từ đạo diễn đến quay phim, phục trang đều là người Mỹ, nhưng khi đến đại lục, phim mặc nhiên được giới truyền thông nhào nặn thành sản phẩm Trung Hoa.
Các ngôi sao châu á của Hollywood cũng bị "Trung Hoa hóa" tương tự. Khán giả Trung Quốc nói riêng và châu á nói chung dễ lầm tưởng rằng Dương Tử Quỳnh, Maggie Q. (Lý Mỹ Kỳ – mẹ là người Việt Nam) là người đại lục.
Trung Quốc cũng khéo léo lờ đi chuyện quốc tịch của nhiều diễn viên nổi tiếng trong nước họ: Hầu như rất ít người biết rằng ngôi sao Trương Thiết Lâm mang quốc tịch anh, Tư Cầm Cao oa là người Thụy Sĩ, Ninh Tĩnh là người pháp, còn mỹ nhân Chương Tử Di gốc gác Hong Kong.
Điều gì nằm sau chiến lược xuất khẩu văn hóa của Trung Quốc?
Một nước lớn với dân số hùng hậu như Trung Quốc khó mà chấp nhận tầm ảnh hưởng ít ỏi ở thế giới. Và trên con đường "trỗi dậy hòa bình" để trở thành bá quyền ít nhất là trong khu vực, Trung Quốc mau chóng nhận thấy sức mạnh của văn hóa – thứ "quyền lực mềm" đầy quyến rũ.
Chẳng riêng Trung Quốc biết điều đó. Như một nhà nghiên cứu người Hungary, Márkus Péter, đã viết: Trong lịch sử quan hệ quốc tế, thoạt tiên, khi không có sự khác biệt đáng kể trong kỹ thuật, sức mạnh chân tay – quân sự thô kệch còn chiếm vai trò chế ngự. Thế kỷ 16-19, những mối quan hệ kỹ thuật – kinh tế từng bước chiếm ưu thế. Từ thế kỷ 20, văn hóa và truyền thông bắt đầu lên ngôi.
Bên cạnh kinh tế và quân sự, các quốc gia sẽ thực hiện cả tham vọng gây ảnh hưởng và lấn át các nước khác trên bình diện văn hóa, tư tưởng. Sau Chiến tranh Lạnh, ở châu âu, bên cạnh ngoại giao về chính trị và kinh tế, thì ngoại giao văn hóa ngày càng nở rộ, và dần dần sẽ trở thành hình thức bá quyền chủ yếu.
Bá quyền văn hóa (cultural hegemony) cũng không phải cái gì mới mẻ. Khái niệm này do Antonio Gramsci (1891-1937) - triết gia chính trị, sáng lập viên Đảng Cộng sản ý – đưa ra từ những năm 30 của thế kỷ trước. Gramsci cho rằng, để có được và duy trì quyền lực chính trị, giai cấp vô sản phải thực hiện bá quyền văn hóa, phải có tiếng nói thống trị trong truyền thông đại chúng và giáo dục, cũng như phải tiến hành kiểm soát toàn diện trên bình diện tư tưởng và tín ngưỡng. P
háp và Đức là hai quốc gia rất chú trọng tới vấn đề "bá quyền văn hóa" này. Các hoạt động "xuất khẩu văn hóa" của họ được tiến hành mạnh mẽ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều đó ngay tại Việt Nam: Chương trình hoạt động thường niên của Trung tâm Văn hóa pháp (L'espace) và Viện Goethe sôi nổi hơn hẳn so với Hội đồng anh (British Council) hay Viện Cervantes của Tây Ban Nha.
Và đến đây thì chúng ta cũng có thể nhận thấy những hình thức ngoại giao văn hóa mà Trung Quốc đang tiến hành đối với Việt Nam, trong nhiều ví dụ thực tế. phim truyền hình Trung Quốc chiếm sóng các đài ở Việt Nam, cả trung ương lẫn địa phương. Khán giả thuộc sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam. Các ca sĩ thời thượng rành rẽ về trang phục của đời Thanh và chắc chắn là sẽ không trả lời được câu hỏi vua chúa nhà Nguyễn ngày xưa ăn mặc như thế nào.
Ngay trong giới trí thức, tâm lý sùng bái văn hóa Trung Hoa đã rất nặng. Một số đông trí thức Việt Nam có thể dễ dàng trích dẫn các điển tích, điển cố của Trung Hoa thay vì của phương Tây hay thậm chí của chính nước mình. Nói tới văn hóa Trung Hoa là nói tới một nền văn học với những tác phẩm vĩ đại, tới triết học thâm sâu, tới sân khấu kinh kịch có sức sống trường tồn, tới điện ảnh với những nhân tài mà ngay cả Hollywood cũng phải kiêng nể.
Điều này không sai, tuy nhiên, cái đáng nói ở đây là nhiều trí thức Việt Nam luôn vị nể quá mức thay vì đặt văn hóa Trung Hoa vào tương quan đúng mực với các nền văn hóa khác trên thế giới – cũng rực rỡ và vĩ đại như thế.
Khái niệm bá quyền văn hóa – tư tưởng mãi tới thập niên 30 của thế kỷ 20 mới ra đời. Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện bá quyền văn hóa – tư tưởng với láng giềng Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua. Ngày nay, với sự phát triển của truyền thông, dường như cuộc "xâm lăng văn hóa" này diễn ra một cách mạnh mẽ và rõ ràng hơn bao giờ hết.
Đầu tháng 4 năm 2009, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 1992/VpCp-QHQT gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thí điểm một học viện Khổng Tử tại Việt Nam. Học viện này có chức năng đào tạo tiếng Trung, tư vấn du học, tổ chức các hoạt động văn hóa. Trung Quốc có kế hoạch thiết lập khoảng 100 học viện Khổng Tử tại nhiều nước nhằm mục đích phổ biến văn hóa Trung Hoa ra thế giới.
Truyền bá văn hóa của đất nước mình là điều bất kỳ chính phủ nào cũng nên làm. Vấn đề chỉ là làm sao để có sự trao đổi văn hóa song phương và mọi quan hệ đều là hợp tác tương hỗ.
Vấn đề đến từ phía những kẻ "bị xâm lăng"
Bá quyền không đơn thuần là sức mạnh bạo lực, vì vậy, để có được bá quyền, không thể thiếu được cách cư xử mang tính đồng thuận, chấp nhận và góp phần của những kẻ bị bá quyền. riêng trên địa hạt văn hóa – tư tưởng, các học giả nghiên cứu về bá quyền văn hóa đều cho rằng bá quyền văn hóa, nếu được thực hiện, không thể thiếu sự đồng thuận một phần hoặc toàn thể của kẻ bị bá quyền. Như thế, việc Trung Quốc tiến hành bá quyền văn hóa thành công còn phụ thuộc cả vào cách cư xử của nước bị bá quyền, ở đây là Việt Nam.
Điều đó nghĩa là Việt Nam cần có thái độ và ứng xử phù hợp. Chẳng hạn, nên có sự trao đổi văn hóa song phương với Trung Quốc một cách tương xứng.
Việt Nam có thể thỏa thuận các chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, theo đó, đồng thời với việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của nước láng giềng, Việt Nam sẽ xuất khẩu văn hóa theo hướng ngược lại, xuất bản sách, tổ chức những ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam… tại Trung Quốc.
Theo một thống kê (7) được công bố trên tờ "China Daily", năm 2004, Trung Quốc nhập khẩu 4.000 đầu sách từ Mỹ, nhưng chỉ xuất khẩu 14 đầu sách sang nước này; nhập 2.000 đầu sách từ anh, nhưng chỉ xuất sang đây 16 đầu sách.
Từ năm 1999 đến năm 2002, hơn 280 đoàn nghệ thuật Nga biểu diễn ở Trung Quốc, trong khi chỉ có 30 đoàn nghệ thuật Trung Quốc sang biểu diễn tại Nga. Giai đoạn 2000-2004, Trung Quốc nhập khẩu trên 4.000 phim và chương trình truyền hình, nhưng xuất khẩu không đáng kể. Dòng phim "giai điệu chủ" hầu hết chỉ tiêu thụ được ở khu vực Đông Nam á mà trong đó Việt Nam là "tiền đồn".
Đã đành Nga, Mỹ và anh là ba nước lớn nên Trung Quốc không dễ tiến hành bá quyền văn hóa như với Việt Nam. Nhưng ngay cả một quốc gia nhỏ bé ở Đông âu là Hungary - diện tích chỉ bằng một phần ba Việt Nam, dân số 10 triệu – thì cũng từng tổ chức Năm Văn hóa Hungary tại Trung Quốc (2007-2008), và dựng tượng đại thi hào dân tộc Petőfi Sándor ở Thượng Hải.
Những thông tin này có gợi cho chúng ta một suy nghĩ gì chăng?
7. Số liệu lấy từ bài "Trung Quốc tăng cường trao đổi văn hóa" trên China Daily – Báo Người đại biểu nhân dân dịch và đăng lại, 26-12-2006.
***Cải cách ở Trung Quốc và Đổi mới ở Việt Nam
Nhân 60 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, báo chí Trung Quốc có những bài viết về thành tựu phát triển đất nước, trong đó nhắc tới sự thành công của mô hình kinh tế kiểu Trung Quốc.
Chưa có một định nghĩa cuối cùng, nhưng các học giả Trung Hoa cũng như phương Tây đã bàn nhiều về mô hình phát triển Trung Quốc. Những từ thường được dùng để mô tả nó là: cải cách, mở cửa, thử nghiệm, chuyển đổi từ bên trong, tiến bộ từng bước, Nhà nước định hướng mạnh, tăng trưởng kinh tế, và ổn định chính trị.
Sự so sánh để tìm những tương đồng và khác biệt giữa mô hình Trung Quốc và Việt Nam không phải vấn đề bây giờ mới được nhắc tới. ít nhất thì các nhà khoa học của cả hai nước đã từng tiến hành nhiều hội thảo và thực hiện các công trình nghiên cứu so sánh công cuộc cải cách ở Trung Quốc và đổi mới ở Việt Nam.
Trung Quốc bắt đầu cải cách từ năm 1978, còn Việt Nam từ năm 1986. So với phần còn lại của thế giới cũng tiến hành chuyển đổi (Liên xô, các nước Đông âu, châu á, châu phi, châu Mỹ Latin), hai nước chia sẻ nhiều điểm chung hơn, chẳng hạn cả hai đều kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản. Điều này khác xa Đông âu và Liên xô – là nơi mà, theo chuyên gia lịch sử kinh tế Đặng phong, "đảng Cộng sản chỉ dẫn dắt quá trình chuyển đổi chưa được một nửa con đường, sau đó thì những khủng hoảng chính trị đã làm cho đảng Cộng sản ở các nước đó không còn là người điều hành cuộc chuyển đổi nữa".
Bên cạnh đó, nội dung đổi mới ở Việt Nam và cải cách ở Trung Quốc còn giống nhau ở một số điểm lớn, như: đa dạng hóa cơ cấu sở hữu (chuyển sang kinh tế nhiều thành phần); mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh sản xuất hướng về xuất khẩu, v.v.
Chính sự tương đồng đó, cùng với việc Việt Nam tiến hành đổi mới sau Trung Quốc 8 năm, đã làm nảy sinh nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam sao chép mô hình phát triển của Trung Quốc. Gần đây, khi nhìn lại sự thành công của mô hình này, tờ Nhân Dân Nhật Báo số ra ngày 18 tháng 9 có bài viết nhận định Việt Nam là trường hợp "sao chép toàn diện và thành công nhất mô hình Trung Quốc".
Sự thực thì có tương đồng gì giữa mô hình Trung Quốc và phát triển kiểu Việt Nam?
Cùng một thứ thuốc trị bệnh…
Nói cho đúng thì trong những năm đầu của công cuộc chuyển đổi, Việt Nam và Trung Quốc không ai sao chép ai, mà cả hai đều thực hiện những "phương thuốc" nhãn tiền phải dùng để chữa trị "căn bệnh" chung. Căn bệnh đó, với các triệu chứng như tập trung bao cấp, sở hữu toàn dân và tập thể, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…, xuất phát từ việc sao chép mô hình của Liên xô.
Ông Đặng phong có một so sánh hài hước: "Tóm lại là cả hai đều ăn ổi xanh, ăn ổi xanh thì đều táo bón, tức là đời sống khó khăn, kinh tế đi xuống, bế tắc, khủng hoảng. Cả hai táo bón thì đều cùng phải uống thuốc".
Thế rồi, trong quá trình chữa bệnh, cả hai cùng có các phản ứng giống nhau. Ví dụ như nạn vỡ bong bóng tín dụng. ở Việt Nam giai đoạn đầu đổi mới có tình trạng bể hụi, vỡ quỹ tín dụng. ở Trung Quốc những năm 1992-1993 cũng xảy ra việc hàng loạt ngân hàng phá sản.
Sau này, hai nước lại tiếp tục chứng kiến bong bóng chứng khoán, méo mó trên thị trường bất động sản, sự phình to và hoạt động không hiệu quả của khối quốc doanh… Về mặt xã hội, cả hai đều phải đương đầu với các vấn đề gay gắt như tham nhũng tràn lan, bất bình đẳng xã hội mở rộng, bần cùng hóa ở một bộ phận dân cư nông thôn miền núi. (8)
Như vậy, có thể thấy là hai "bệnh nhân" mắc bệnh giống nhau, dùng thuốc giống nhau và cùng trải qua các phản ứng tương tự. Tuy nhiên, do mức độ bệnh và thời gian phát bệnh khác nhau nên liều dùng và thời điểm dùng thuốc của hai "bệnh nhân" lại khác nhau.
Mỗi người dùng một khác…
Nói về mức độ của căn bệnh, thì Trung Quốc "bị" nặng hơn Việt Nam, do nền sản xuất bị tàn phá nghiêm trọng trong thời kỳ Đại nhảy vọt, Công xã nhân dân và Đại cách mạng Văn hóa. Cạnh đó, ở Trung Quốc kỷ cương rất chặt, Nhà nước quản lý tập trung cao độ, thị trường tự do bị xóa sổ.
Trong khi ở Việt Nam, nông dân vẫn còn được 5% đất để kinh doanh sản phẩm phụ, và chợ đen vẫn tồn tại với sức sống rất mãnh liệt, dai dẳng. Trung Quốc cũng bị đẩy vào tình thế phải cải cách sớm hơn Việt Nam, do không có được "bầu sữa viện trợ" kéo dài như Việt Nam.
"Bệnh" nặng hơn và thời gian "phát bệnh" diễn ra trước nên Trung Quốc dùng "thuốc cải cách" trước và có những khác biệt so với Việt Nam. Ngoài ra, thời kỳ 1978-1986 cũng là khoảng thời gian dài quan hệ hai nước căng thẳng nên sự sao chép, học tập về mô hình cải cách là không thể có.
Sự khác biệt lớn nhất được nhà nghiên cứu Đặng phong đúc kết trong một câu: "Ta phá rào từ dưới lên, còn Trung Quốc phá rào từ trên xuống". Trung Quốc đã đi theo con đường từ lý luận tới thực tiễn, từ chỉ đạo của Trung ương tới hành động của địa phương. Sau khi đã có những đột phá về lý luận nhằm giải quyết các bế tắc, Trung Quốc mới cho thực hành. Trong khi đó, Đổi Mới của Việt Nam lại bắt đầu từ những vụ "phá rào" ở cơ sở, sau đó được Trung ương chấp nhận và cuối cùng trở thành chính sách. Ví dụ, chính sách khoán bắt đầu từ những hiện tượng tự phát và làm chui của nông dân, mà lãnh đạo địa phương hoặc đồng ý cho làm và "bao che" trước Trung ương, hoặc lờ đi. Có thể kể tới các vụ phá rào "ngoạn mục" như khoán chui ở Hải phòng, xóa tem phiếu ở Long an, cơ chế mua cao bán cao ở an Giang, mua lương thực với giá thị trường để bán "cứu đói" cho Thành phố Hồ Chí Minh… ông Đặng phong nhận xét: "Thật ra người Việt Nam đã "phá rào" suốt từ… thời chống Mỹ.
Đặc tính của dân mình là vậy, linh hoạt, có khả năng xoay xở cao và rất khó đi vào kỷ cương. ở Trung Quốc, Nhà nước nghiên cứu bài bản rồi mới quyết định dỡ bỏ hàng rào cũ, lập hàng rào mới. Còn ở Việt Nam ta là dân chúng, địa phương chủ động dỡ bỏ quách hàng rào, chẳng theo lý thuyết nào cả".
Đổi mới, vì thế, mang phong cách rất Việt Nam.
8. Tư liệu trong cuốn "Nghiên cứu so sánh Đổi mới kinh tế ở Việt Nam và cải cách kinh tế ở Trung Quốc" – công trình hợp tác giữa Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (Việt Nam) và Viện Khoa học xã hội Quảng Tây (Trung Quốc), Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Tầng và Giáo sư Lưu Hàm Nhạc chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 2002.
Có hay không sự sao chép?
Đổi mới ở Việt Nam không phải là sự sao chép mô hình cải cách của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào những năm về sau trong công cuộc chuyển đổi, có những quyết sách kinh tế – xã hội của Việt Nam được tiến hành sau và mang nhiều nét tương tự như Trung Quốc. Chẳng hạn như chính sách trao quyền xuất nhập khẩu trực tiếp cho khối doanh nghiệp tư nhân, thành lập thị trường chứng khoán, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… đều được tiến hành ở Việt Nam sau Trung Quốc vài năm. Việt Nam và Trung Quốc cũng là hai nền kinh tế duy trì vai trò chủ đạo, định hướng phát triển của Nhà nước. Cả hai quốc gia đều thực hiện sở hữu Nhà nước về đất đai, chế độ quản lý chặt chẽ của Nhà nước về tỷ giá hối đoái.
Không thể khẳng định có sự sao chép với chủ ý hay không, nhưng điều chắc chắn là, như trên đã nói, có những phương thuốc chung để hai nước trị các căn bệnh chung. Thêm vào đó, việc một nền kinh tế đi sau tham khảo, học tập hoặc chịu ảnh hưởng từ mô hình của nền kinh tế đi trước là chuyện thường gặp trên thế giới.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Đức Thành, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (Vepr), giải thích điều này bằng một ví dụ thú vị: "Trong khoa học về chiến lược, có khái niệm gọi là "hiệu ứng con ngỗng con". Khi con ngỗng ra đời mà bị cách ly với mẹ, nó có thể tưởng nhà bác học chăm nuôi nó chính là mẹ, và nó sẽ đi theo nhà bác học đó như thể đó là ngỗng mẹ vậy. (9)
Hiện tượng tương tự xảy ra trong kinh doanh và xây dựng chiến lược phát triển: Các nền kinh tế nhỏ, chậm phát triển, đi sau, rất dễ bị ảnh hưởng, thậm chí sao chép một cách có chủ ý từ nền kinh tế có quy mô lớn hơn, gần gũi mình và đi trước mình, vì nghĩ rằng như thế là tốt, là ưu việt. Việt Nam hiện đại chịu ảnh hưởng nhiều từ pháp, ví dụ như luật dân sự của Việt Nam áp dụng nhiều điều của pháp. Trong kiến trúc, chúng ta cũng có xu hướng cho rằng kiến trúc pháp là đẹp, là sang trọng, tóm lại là ưu việt. Trung Quốc ở gần và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về thể chế, dễ học, nên Việt Nam có tiếp thu mô hình Trung Quốc cũng không lạ".
Một học giả gốc Hoa ở Mỹ, Li Tan, cũng từng khái quát hóa mô hình phát triển của tất cả các nền kinh tế đi sau, bao gồm cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, thành sự phát triển dưới định hướng của nhà nước. Li Tan viết: "Mô hình phát triển dựa vào nhà nước sẽ tiếp tục có sức hấp dẫn đối với các nền kinh tế phát triển sau… vì nó cho phép các nước nghèo phát triển nhanh hơn để thoát khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế".
9. Tác giả của thí nghiệm về "hiệu ứng con ngỗng con" là nhà tâm lý học động vật hàng đầu Konrad Lorenz, Nobel về y học năm 1973.
"Chiến lược đuổi kịp"
"Copy, sao chép không bao giờ là tiêu cực, trừ trường hợp copy một cách mù quáng, nông cạn" – Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành khẳng định. Còn nhà nghiên cứu Đặng phong nhận xét: "Tôi nghĩ Trung Quốc có những đặc điểm, những chính sách mà nếu Việt Nam học tập được thì tốt quá! Ví dụ như trong chiến lược phát triển, cả hai nước cùng hướng về xuất khẩu, nhưng Trung Quốc đi xa hơn Việt Nam ở chỗ họ lấy nguyên liệu của toàn thế giới để sản xuất hàng hóa bán cho thế giới.
Còn Việt Nam ta xúc nguyên liệu của mình đi bán để mua hàng hóa bên ngoài về tiêu xài".
Nhiều người cũng đánh giá cao quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc, sự nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương trật tự, hoặc cơ chế sử dụng nhân sự. ông Đặng phong nói: "phải thừa nhận rằng Trung Quốc đào tạo, sàng lọc và tuyển dụng cán bộ ngày càng tốt hơn. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của họ thật sự rất cao".
Một nhà kinh tế khác cũng nói về một số chính sách của Trung Quốc mà Việt Nam nên xem xét tham khảo. Ví dụ chủ trương cho các công ty quốc doanh thuê chuyên gia nước ngoài làm quản lý, trả lương rất hậu hĩnh. Hoặc chủ trương trao quyền tự chủ cho hệ thống trường đại học, khuyến khích việc đầu tư của tư nhân ra nước ngoài…
Cho đến nay, có thể nói Trung Quốc thực sự đã đi theo một mô hình kinh tế thể hiện rất rõ quyết tâm của Nhà nước: tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với sự tương đồng về thể chế chính trị, hoàn cảnh xã hội, nếu Việt Nam có thể áp dụng điều gì từ Trung Quốc, như sự nghiêm minh của hệ thống pháp luật hay cơ chế sử dụng nhân sự cấp cao hiệu quả, thì đó chẳng phải là điều tốt hay sao?
***Thiếu văn hóa biển, người Việt "chậm tiến"
Lý giải về sự giàu và nghèo của mỗi quốc gia, sự phát triển của mỗi dân tộc, luôn là một câu chuyện dài, hấp dẫn và phức tạp. Cho đến nay, nó đã thu hút rất nhiều học giả với những giả thuyết, luận thuyết khác nhau về việc tại sao một xứ sở nào đó lại phát triển rực rỡ về kinh tế, văn hóa… trong khi nhiều nơi khác thì trì trệ, thậm chí tàn lụi.
Riêng về Việt Nam, có quan điểm cho rằng Việt Nam, tuy sở hữu bề dày 2000 năm lịch sử nhưng lại rơi vào số những nước chậm phát triển của thế giới; ấy là do tâm lý người dân Việt từ ngàn xưa đã thiếu một thứ quan trọng. Đó là khát vọng và tinh thần vươn ra biển, gọi nôm na là "tư duy biển". Là quốc gia ven biển, nhưng mãi tới gần đây, Việt Nam vẫn chưa có tư duy biển cả, thậm chí sợ biển, quay lưng ra biển. phải chăng đó là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trì trệ về kinh tế của nước ta qua bao thế kỷ?(10)
10. Bài viết chỉ thể hiện một quan điểm. Việc đi tìm căn nguyên của sự lạc hậu, chậm phát triển của Việt Nam cần nhiều góc nhìn khác cũng như những nghiên cứu sâu hơn.
"Tư duy đất liền", "tư duy biển"
Từ lâu người ta đã cho rằng, những xứ sở phát triển nhất trong mỗi thời kỳ của lịch sử văn minh nhân loại đều là những quốc gia ven biển, quốc đảo, hay nói cách khác, đều là xứ sở của những dân tộc sinh sống gắn bó với biển, có "tư duy biển". Đó là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha thế kỷ 14-15, anh quốc thế kỷ 17-18, Nhật Bản thế kỷ 19-20. Hàng thế kỷ trước đó, từ rất xa xưa trong quá khứ, là các nước vùng Địa Trung Hải, với sự phát triển rực rỡ của nền văn minh Hy Lạp – La Mã. Còn gần đây nhất, ngay nửa cuối thế kỷ 20, chúng ta chứng kiến sự nổi lên của quốc đảo Singapore.
Vậy, "tư duy biển" là gì? ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên phó TGĐ Khu chế xuất Tân Thuận, một chuyên gia về kinh tế biển, từng giải thích rằng những dân tộc có tư duy biển có rất nhiều con người dũng cảm, mạo hiểm vươn ra đại dương để khám phá, chinh phục: "Khát vọng và tinh thần vươn lên đó từng bước hình thành một thứ văn hóa, gọi nôm na là văn hóa biển, hay gọi là văn hóa hải dương".
Còn Việt Nam, tuy là một quốc gia có vùng biển hơn 1 triệu km2, rộng gấp ba lần đất liền, nhưng tiếc thay chưa bao giờ có văn hóa biển, và tư duy của chúng ta thuần túy là "tư duy đất liền". Thậm chí, nói một cách gay gắt, người Việt còn có tâm lý sợ biển – điều rất đáng tiếc với một đất nước sinh sống ngay bên một "kho vàng" là Biển Đông.
Hãi biển từ trong tiềm thức!
Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định rằng người Việt Nam nói chung sợ biển, nỗi sợ này thể hiện ngay trong rất nhiều ca dao, tục ngữ, truyền thuyết. Ví dụ, bà nói: "Hơn 3.200 km bờ biển và hàng chục ngàn km2 thềm lục địa, hàng trăm đảo, quần đảo lớn nhỏ từ Móng Cái tới Kiên Giang, sao nói về Việt Nam lại chỉ nói về văn minh trồng lúa nước? Người ta cũng nói "xa rừng nhạt biển", "tấc đất tấc vàng"… với hàm ý đất đai trồng trọt có giá trị cao nhất. "rừng vàng" đấy, nhưng "biển bạc" thôi, và nói "rừng vàng biển bạc" là vì khi lên rừng người ta còn cố gắng tìm hoặc làm ra đất trồng trọt từ rừng (khai hoang hay phá rừng), chứ ngoài biển ngoài đảo thì… có đất đâu mà quý?".
Ở trong những truyền thuyết – sản phẩm tinh thần thể hiện tâm lý dân tộc – ta cũng thấy nỗi sợ biển, sợ nước của người Việt (Kinh). Ví dụ rõ nhất là truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh với "sự phân biệt đối xử" nhằm vào vị đại diện của nước, kiểu Sơn Tinh thì cao thượng, tài giỏi, còn Thủy Tinh xấu xa, độc ác. Bà Hậu nói vui, tinh thần "kỳ thị" đối với biển rõ nhất chính là việc Vua Hùng đã thách cưới bằng những đặc sản núi rừng, tạo điều kiện cho Sơn Tinh thắng trong cuộc đua với Thủy Tinh vốn từ biển vào.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng bên cạnh tâm lý sợ hãi biển, người Việt xưa kia với tư tưởng trọng nông còn có phần xem thường biển, coi ngư dân và xã hội ngư dân như phường "hạ đẳng". Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết, ngư dân ngày trước, nhất là những người "không một tấc đất cắm dùi" như cư dân thủy cư, luôn luôn bị khinh miệt: "ở Quảng Ninh, hoặc ở Ninh Thuận, Bình Thuận, dân địa phương gọi người thủy cư là người Hạ với nghĩa "hạ đẳng". ở Thừa Thiên-Huế, họ bị gọi là "mọi" theo nghĩa "man di mọi rợ"… xã hội theo những tôn ti đã được sắp đặt sẵn… cư dân vạn chài không được coi là dân gốc, chính cư, mà họ bị coi là dân ngụ cư, ở đợ".
Ngay trong truyền thuyết, cổ tích, những nhân vật làm nghề đánh bắt cá hay cư dân sống trên sông nước như Chử Đồng Tử, Trương Chi, luôn có vị thế xã hội thấp kém hơn, may mắn (hoặc bất hạnh) mà rơi vào mối tình với tầng lớp trên là công chúa con vua, tiểu thư con quan…
Bám lấy đất liền, và trì trệ
Nói cho đúng, không phải người Việt Nam không có ý thức khai thác biển. Người Việt ven biển cũng đã đóng thuyền từ sớm, nhưng sự khai thác chỉ dừng lại ở đánh cá gần bờ, ven bờ, hay là phương thức khai thác "mò cua bắt ốc" như cách nói của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam. Điều ấy do hạn chế về khoa học kỹ thuật, cụ thể là về kỹ nghệ đóng tàu của người Việt. Ngoài ra, cũng còn do dân ta khi xưa quá ỷ vào đất liền mà ít nghĩ tới biển; số ngư dân sống gần biển thì không có nhu cầu đóng thuyền lớn, ra khơi xa.
Để chứng minh điều này, một nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, ông Phạm Hoàng Quân, cho biết: "Sách Đường Hội yếu của thời Đường có ghi, đầu thế kỷ thứ 9, bên an Nam đóng được loại thuyền 32 người chèo, dài 25-30 m, rộng 3-4 m. Cũng là sử sách Trung Quốc chép lại, vào đời nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê, an Nam đều có đóng thuyền. Ví dụ thời Hồ, sau khi triều đình ta thất trận, quân Minh thu được chiến lợi phẩm gần 9.000 chiếc thuyền của nhà Hồ".
Chỉ có điều, ông Quân nói, cho tới tận thế kỷ 16, thời Lê ở Đàng Ngoài, thuyền của ta vẫn cứ là thuyền buồm dài 25-30 m, rộng quãng 3-5m, vẫn cần hơn ba chục tay chèo, vẫn phải dựa vào sức gió mới khởi hành được. Vậy là sau 7 thế kỷ, kỹ nghệ đóng thuyền vẫn không có cải tiến gì! Mãi tới thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng, triều đình mới mua được một tàu chạy hơi nước của Bồ Đào Nha, từ đó bắt đầu mày mò cách đóng tàu máy.
Sợ biển, nặng tư duy đất liền, nên không lạ khi người Việt Nam trong các thế kỷ trước không có ý thức "đổi mới công nghệ" để làm tàu to hơn, tốt hơn, đồng thời chưa bao giờ "dám" ra khơi xa. Cho tới thời nhà Nguyễn, tuyến đường hàng hải chính vẫn chỉ là ven bờ biển nối Việt Nam – Trung Quốc, đi xa lắm cũng chỉ là "sang sứ" tới Trung Quốc. Tàu thuyền sử dụng chủ yếu trong giao thông vận tải của triều đình. Trong khi đó, những đội thương thuyền ở các vương quốc láng giềng phù Nam, Champa, xa hơn nữa là các nước Nam Đảo (Indonesia, Malaysia ngày nay), và tàu buôn phương Tây, Nhật Bản đã dập dìu qua lại trên Biển Đông.
Ông Quân bảo, người Việt Nam xưa không có truyền thống đi xa, đi buôn bán đường dài: "Chỉ có làm cảng chờ người ta mang hàng đến thôi chứ không bao giờ chủ động đóng tàu đưa hàng ra nước ngoài. Nhìn chung, dân Việt mình đối phó với biển một cách thụ động. Tới thế kỷ 19, bị tàu chiến pháp nổ súng tấn công, lúc ấy mới thấy cái lợi hại của tàu to".
Cũng tương tự suy nghĩ ấy của ông Phạm Hoàng Quân là phát biểu của Tiến sĩ Trần Đình Thiên: "Về xu hướng lịch sử, người Việt luôn tiến về phía biển, mở ra hướng biển. Nhưng về thực chất, tổ tiên ta lại luôn dừng lại ở ven bờ… Biển không là đối tượng của những nỗ lực khám phá và chinh phục để phát triển. Khát vọng biển không phải là "vượt đại dương" tìm những bờ bến mới như Magellan hay Columbus đã làm, mà chỉ là mong ước "tôm cá đầy ghe".
Xét về đặc điểm tâm lý, nhìn chung cư dân nông nghiệp có tính bảo thủ, trì trệ, cầu an, tác phong đủng đỉnh trong khi cư dân biển cởi mở, dễ tiếp nhận cái mới và nhờ thế, năng động trong các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội – khoa học kỹ thuật. Sự phát triển bắt đầu từ đó.
Thay đổi tư duy để tiến ra biển
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đặt câu hỏi: "Bao giờ mới thực sự coi tấc biển cũng là tấc vàng? Bởi tài nguyên biển chính là nguồn sống quan trọng trong tương lai bên cạnh nguồn tài nguyên đất đai đang ngày càng cạn kiệt". Có thể nói không ngoa rằng cho tới những năm đầu thế kỷ 21, chúng ta mới bắt đầu nhắc nhiều tới biển như một kho vàng trời phú cho Việt Nam mà đã bao lâu nay ta bỏ phí.
Chiến lược biển đến năm 2020 là minh chứng cho một bước thay đổi lớn về tư duy, bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo. Bên cạnh đó là sự quan tâm, ý thức bảo vệ của đông đảo người dân tới Biển Đông nói riêng và tài nguyên của đất nước nói chung.
Để Việt Nam trở thành một cường quốc về biển, con đường còn rất xa, nhưng ít nhất nó đã mở đầu bằng sự thay đổi tư duy. Với những cách nhìn mới, như lấy con người làm trung tâm của kinh tế biển, phát triển kinh tế biển trên cơ sở bảo đảm môi trường bền vững, có thể hy vọng dần dần chúng ta sẽ hình thành "văn hóa biển" và tư duy vươn ra biển lớn.
"Phải có đủ ý chí để vượt qua cái ao nhà "dù trong dù đục". phải có một tư duy mới về phát triển" – ông Trần Đình Thiên khẳng định.
***Hải chiến Trường Sa 1988 trong hồi ức một người lính
Xoa đầu cậu con trai đang xúng xính trong bộ đồng phục học sinh xanh – trắng chuẩn bị đến trường, anh cười nheo mắt: "Sắp tới sinh nhật nó rồi đây. Thằng cu này sinh đúng 14 tháng 3 năm 1998, tròn 10 năm ngày bố nó thoát chết ở Trường Sa. ai cũng bảo tôi khéo chọn ngày sinh cháu". anh là Nguyễn Duy Dương, một người lính hải quân đã may mắn sống sót và trở về an toàn trong chiến dịch CQ 88 ngày 14/3/1988 ở Trường Sa.
Đến bây giờ, đã 23 năm trôi qua, anh Dương vẫn không nguôi nỗi nhớ về những ngày tháng tuổi trẻ của mình trên những hòn đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Sinh năm 1964, đi bộ đội khi 18 tuổi, tới năm 1985 anh trở thành Đội phó Đội Kiểm soát Bộ Tư lệnh vùng 4 ở Cam ranh. Đầu năm 1987, đúng dịp Tết Đinh Mão, anh nhận lệnh vào đoàn quân đi tăng cường cho Trường Sa. Và anh đã ở đó gần hai năm trời, trong cái giai đoạn được xem là khó khăn, vất vả nhất cho các chiến sĩ Trường Sa kể từ ngày giải phóng (năm 1975) đến nay.
Câu chuyện trong khói thuốc
Anh Dương, cũng như nhiều đồng đội của anh sau này, đều cho rằng lính Trường Sa thời nào mà chẳng gian lao, nhưng càng về sau này càng đỡ cực khổ hơn. Hồi ấy, hải quân ta có ít tàu, một năm chỉ vài ba chuyến tàu ra đảo tiếp tế. Theo đại tá Đỗ Đình Đề, nguyên cụm trưởng Cụm 2 đảo Nam yết, người từng ở Trường Sa từ năm 1996 tới năm 2002, thì: "Trong năm, chỉ giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 5 là có thể đi tàu ra, lúc ấy biển cứ gọi là trong vắt như bát nước, nhìn thấu cả đáy. Chỉ từ tháng 6 trở đi là bắt đầu có gió Tây Nam, rồi sang đông là gió Đông Bắc rồi, biển động. Cho nên lính mong ngóng tin đất liền, thấy tàu ra đảo thì mừng rỡ như mẹ về chợ, lúc tàu rời đảo về đất liền thì khóc lóc bịn rịn lắm".
Đi lại khó khăn như thế cho nên người lính Trường Sa thiếu thốn mọi bề, mà khổ sở nhất là thiếu nước ngọt, rau xanh. anh Dương nhớ lại, nước ngọt ở đảo thiếu triền miên, mỗi ngày chỉ được dùng tối đa 5 lít một ngày cho mọi sinh hoạt. anh em đành phải rửa mặt, tắm đều bằng nước biển, sang lắm mới tráng lại bằng nước ngọt. Lúc đầu chưa quen, ai nấy nóng rát cả lưng, tóc tai cứng quèo, rất khó chịu. Từ chuyện ấy, dẫn đến tình trạng "sư cọ mốc" mà nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tả lại: "Nước ngọt hiếm, không lẽ dành gội tóc. Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau". Thiếu nước ngọt thật sự là tình trạng khủng khiếp đối với lính đảo những năm ấy. Mấy tháng tàu mới chở nước ra một lần, bơm thẳng nước từ khoang vào xuồng nhôm, rồi anh em đẩy xuồng về lại đảo. Lần nào trước khi ra "đón nước" như thế, anh em cũng phải tắm trước cho sạch. Nước mang về đảo được đổ vào những chiếc phi lớn để dự trữ, không thau được nên phi bị nhiễm bẩn, nước đục ngầu, đánh phèn tới 7-8 lần vẫn không hết bẩn. Thì cũng phải cố mà dùng. Gạo trữ lâu sinh mốc, hỏng.
Thiếu rau quá, người ai cũng bị phù, sưng lên nhưng ấn vào da thịt thì lại lõm cả xuống…
Khí hậu Trường Sa vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng cháy da quanh năm suốt tháng. Đây lại là nơi "rốn bão", thường xuyên phải hứng chịu bão biển. Đại tá Đỗ Đình Đề bảo: "Nói đến Trường Sa là nói đến bão tố phong ba, đến nắng nóng thiêu đốt, đến san hô nhọn hoắt đâm chảy máu chân, đến thiếu rau xanh, nước ngọt…". " Bây giờ mình xem tivi, thấy anh em ngoài đó "đủ tóc" rồi, không còn phải cạo trọc nữa" – anh Nguyễn Duy Dương cười. anh hiện là phó ban liên lạc bộ đội Trường Sa tỉnh Nam Định. Tất cả những người lính từng phục vụ ở Trường Sa bao năm qua đều coi nhau là đồng đội, và họ cũng dành tình cảm thân thiết quý mến đó cho cả những chiến sĩ trẻ không quen biết, đang đóng quân ở Trường Sa ngày nay. "Bây giờ ở ngoài đó, lính đỡ cực khổ hơn, không còn quá thiếu thốn. Trồng được rau xanh rồi – đất thịt, chở từ đất liền ra. Có hầm dự trữ nước rồi. Điện thoại di động phủ sóng tới tận đó, có thể gọi vào bờ được. Nhưng mình vẫn thương các em ấy chứ, tất nhiên. Đồng đội mà".
… Nửa cuối năm 1987, tình hình ngoài khơi trở nên căng thẳng, phía Trung Quốc bắt đầu có những hoạt động bất bình thường trên biển. Từ tháng 10/1987, tàu chiến đi lại ngày một nhiều hơn. Tháng 3/1988, ta quyết định đưa bộ binh ra đảo Cô Lin, Gạc Ma xây dựng, trong chiến dịch CQ 88 (CQ là viết tắt của "chủ quyền"). Cô Lin và Gạc Ma là đảo chìm, nghĩa là khi thủy triều dâng, nó chìm sâu tới 1,5-2m dưới đáy biển, nước rút đảo mới lại nổi lên. Ngày 13/3/1988, ba con tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 cùng rời đảo Đá Lớn để tiến sang bãi Cô Lin, Gạc Ma. Thiếu tá Nguyễn Duy Dương ở trên tàu HQ 604. Đây là con tàu mà từ chiều 13/3/1988, đã vận chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo Gạc Ma, và cắm cờ Tổ quốc tại đó vào lúc 21h.
Buổi sáng sớm ngày 14/3/1988, HQ 505 và HQ 604 đang neo giữ đảo Gạc Ma thì tàu Trung Quốc kéo đến. anh Dương kể lại một cách lõm bõm: "Họ gọi loa bằng tiếng Việt: "K2 (mật danh của tàu HQ 604) rời đảo ngay. Đây là lãnh thổ của CHND Trung Hoa". Tôi mới ngủ dậy, mặc độc cái quần đùi. Lúc đầu tôi còn trêu chọc họ cơ. Mình cầm bánh lương khô dứ dứ, họ cũng dứ lại, lương khô của họ còn to hơn! Thế rồi tàu Trung Quốc lùi lại cách đảo chừng hơn 1 hải lý (khoảng 1,8 km) rồi dùng tất cả hỏa lực bắn xối xả vào cả tàu và đảo. anh Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng của HQ 505, bèn lệnh cho tàu lao vào Cô Lin. Đối phương bắn như vãi đạn, đúng khi tàu ta đang đổ bộ…". Cùng lúc đó ở hướng đảo Len Đao, hải quân Trung Quốc bắn rát vào chiếc tàu thứ ba, HQ 605.
HQ 505 cháy một mảng lớn. HQ 604 chìm dần. (Còn HQ 605 chìm vào ngày hôm sau, 15/3). anh Dương cùng đồng đội nhảy xuống biển, bơi về phía đảo Gạc Ma. 9 người bị phía Trung Quốc dùng câu liêm kéo lên, bắt được. riêng anh bị trúng một nhát câu liêm vào đầu, máu chảy loang đỏ nước, choáng tới mức chìm xuống rất sâu nhưng rồi bị sặc, lại cố ngoi lên, bơi vào bờ. Tới nơi thì do kiệt sức, mất máu, anh ngất đi, được đồng đội sơ cứu rồi dùng xuồng nhôm rút khỏi đảo.
Trận chiến chỉ kéo dài chừng một giờ. Trung Quốc chiếm được Gạc Ma, Việt Nam giữ được hai đảo Cô Lin và Len Đao.
Nhớ biển
Nguyễn Duy Dương may mắn chỉ bị thương nhẹ. Khi tỉnh dậy, anh mới biết không còn đồng đội nào trên tàu HQ 604 ở bên mình nữa. Người tử thương vì đạn, người chìm theo tàu, người bị bắt.
Đã là lính hải quân nơi đầu sóng thì không thể sợ chết. Vết thương bình phục, anh tiếp tục ở lại Trường Sa, bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc, đồng cam cộng khổ cùng những chiến sĩ hải quân khác. Tới tháng 7/1989, anh mới ra quân, làm đủ nghề, từ hàng xay hàng xáo, tới đổ kẹo, buôn đế dép, vừa đi làm vừa ôn thi vào Đại học Sư phạm, ngành ngữ văn. Năm 1994 anh tốt nghiệp và trở thành một thầy giáo dạy văn ở Nam Định. Năm 1998, cậu con trai Nguyễn Khánh ra đời đúng vào cái ngày 14/3 không thể nào quên.
Đến giờ vết sẹo vẫn còn trên đầu người thầy giáo dạy văn của trường THPT Ngô Quyền, cựu binh ở Trường Sa. Sẹo không gây đau đớn, chỉ có những tình cảm của anh đối với những hòn đảo đá khắc nghiệt năm xưa thì cứ thỉnh thoảng lại bùng lên. anh dồn nó vào những trang viết: Trường Sa – mùa này biển động, Nhớ lắm Trường Sa ơi, Ký ức Trường Sa…
Nguyễn Duy Dương cũng không thể quên người thuyền trưởng can trường đã hy sinh Vũ phi Trừ, hay đồng đội thân thiết của anh là Nguyễn xuân Thủy, quê Thái Bình, máy trưởng trên tàu 604, chết vì một viên đạn xuyên qua đầu, ngay trước mắt anh. anh nhớ những gương mặt đồng đội trong trận hải chiến năm xưa: "Giờ này họ đang ở đâu, đang làm gì?".
Nghĩ lại về ngày 14/3 cách đây 23 năm, anh Dương trầm ngâm: "Nói rằng chúng tôi hồi đó hơi chủ quan thì không biết có đúng không, nhưng chẳng ai nghĩ là bên kia sẽ nổ súng, nã pháo, tấn công trên biển cả, cứ tưởng chỉ gây hấn thế thôi. Mỗi người được trang bị một khẩu AK nhưng lúc đó không ai mang súng theo người, để hết ở khoang hàng. Cuối cùng khi chiến sự xảy ra, bên tàu mình tay không, không một tấc sắt. Mà kể cả có vũ khí thì nói chung cũng không tốt, sự phòng bị về căn bản không đáng kể. Trang thiết bị của ta lúc đó đã quá cũ rồi. Tàu ta là tàu 400 tấn, nhập của Trung Quốc từ thời chiến tranh. Tàu đối phương khi ấy lớn gấp cả chục lần ta".
Anh Dương thổ lộ: "anh em chúng tôi mong bằng cách nào đó, Việt Nam phát triển tiềm lực quân sự, hải quân, chứ chiều dài đất nước hơn 3.200 km bờ biển mà lực lượng mỏng, trang thiết bị cũ kỹ thì nếu chẳng may có sự cố gì, sẽ ứng phó rất chậm".
Giờ đây, cùng với những người lính Trường Sa cũ, anh Dương vẫn theo dõi tình hình Trường Sa hiện nay, qua báo đài, tivi, và qua những đồng đội đóng ở Cam ranh hay đang trên đảo. Các anh đều bảo, nhớ lắm, nhớ da diết, bồi hồi những ngày tháng Trường Sa năm xưa. Nhớ mùa gió chướng. Nhớ khi biển động, "bọt tung trắng bờ". Nhớ những ngày biển lặng, mặt nước phẳng, trong như gương. Nhớ vô vàn kỷ niệm với đồng đội thân thương: trực chiến, tập luyện, đi đâm cá, chơi thể thao, đọc thư nhà, sinh hoạt văn nghệ, và chiến đấu. Nhớ những gương mặt đồng đội đến từ mọi miền đất nước – các anh vẫn hay đùa, có khi lên tới 19 tỉnh thành trên một hòn đảo. ai cũng gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.
Và người thầy giáo dạy văn đã viết một câu rất hình ảnh, rất nên thơ, rằng: "Có con sóng nào cứ dập dềnh dâng trong mắt tôi".
***Những bài ca biên giới không thể nào quên
(bài viết nhân 20 năm Chiến tranh biên giới)
Do hoàn cảnh lịch sử, tình yêu quê hương đất nước đã luôn là một chủ đề lớn trong âm nhạc Việt Nam suốt hơn 60 năm qua. Và trong muôn sắc màu của các vùng miền khắp đất nước, từ ngôi làng sau lũy tre mờ xa tới thành phố trẻ, từ Hà Nội trái tim hồng tới Cà Mau cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát… thì biên giới chiếm một vị trí đặc biệt, đã khắc ghi vẻ đẹp của nó trong hàng chục bài hát của một thời.
Không biết trên thế giới, có nền âm nhạc của quốc gia nào có nhiều tác phẩm viết về biên giới như chúng ta chăng? Trong tâm thức người Việt, biên giới dường như là một khái niệm vừa đẹp đẽ vừa thiêng liêng. Nó đã là nguồn cảm hứng cho hàng chục sáng tác của các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ, đến mức sẽ là không quá nếu nói rằng chúng ta có cả một dòng "nhạc biên giới".
"Có nơi nào đẹp hơn?"
Hẳn nhiên là không phải nhạc sĩ nào cũng từng đặt chân tới miền địa đầu của Tổ quốc, thậm chí có người chưa một lần đến nơi đó để lấy "thực tế". Nhưng tất cả các sáng tác về chủ đề này đều làm toát lên hình ảnh biên cương với một nét chung: đẹp.
Đẹp nên thơ:
Em ơi, có nơi nào đẹp hơn chiều biên giớikhi mùa đào hoa nở khi mùa sở ra câylúa lượn bậc thang mây mùi tỏa ngát hương bay…(Chiều biên giới – nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn, 1980)Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất ViệtỞ nơi ấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ…(Gửi em ở cuối sông Hồng – nhạc: Thuận Yến, thơ: Dương Soái, 1979-1980)
Đẹp hùng vĩ và dữ dội:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳmHeo hút cồn mây súng ngửi trời(Tây Tiến – nhạc: Phạm Duy, thơ: Quang Dũng)
Cũng như một số nhạc sĩ lấy biên giới làm nguồn cảm hứng sáng tác mà chưa hề thực sự tới "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt", người nghe có thể chưa một lần đến biên giới. Nhưng đâu có sao, âm nhạc sẽ đưa chúng ta tới vùng đất ấy, để ta đứng trên đỉnh núi cao thăm thẳm, nhìn khoảng không bao la, mây chiều và khói lam nhà ai bảng lảng dưới bản làng… Hay những đồi đầy nắng gió, bạt ngàn hoa sim tím. Hay nơi rừng âm u, mây núi mênh mông, ngày nắng cháy và đêm giá lạnh… Nghệ thuật là thế, là sức tưởng tượng và khái quát của các nghệ sĩ, là sự cảm nhận đồng điệu của người thưởng thức.
Không rõ bài hát Việt Nam đầu tiên viết về biên giới là bài nào, nhưng ngay từ năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống pháp đang vào giai đoạn căng thẳng, khốc liệt nhất, nhạc sĩ phạm Duy – một trong những gương mặt đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại (tân nhạc) – đã có một sáng tác rất nổi tiếng, bên cầu biên giới, viết tại thị xã Lào Cai, đúng ở nơi có chiếc cầu phân chia biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Nổi tiếng vì lẽ, ngoài chuyện hay, đó còn là một trong những bản nhạc tình hiếm hoi của thời ấy. Tuy nhiên, biên giới trong bài hát này hiện lên đẹp thì vẫn đẹp, mà mang nỗi buồn của một người trẻ tuổi nhìn quê hương bị giặc tàn phá, nhìn những mộng ước tuổi xuân xưa đổ vỡ.
Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũCầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâuSầu vương theo sóng xuôi về cuối trờiMột vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa…Sau này khi về lại Việt Nam định cư (năm 2005), nhạc sĩ phạm Duy có công bố thêm một ca khúc khác nhắc tới biên giới. "rải rác biên cương mồ viễn xứ"… Đó là bài Tây Tiến, ông phổ nhạc thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng.
Hành khúc viễn chinh
Tuy nhiên, thời kỳ mà các bài ca biên giới ra đời nhiều hơn cả, có lẽ là giai đoạn cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Ngay trong đêm 17 tháng 2 năm 1979, khi nghe tin chiến sự bùng nổ ở biên giới Việt – Trung, nhạc sĩ phạm Tuyên đã viết ca khúc mở màn cho dòng nhạc "biên giới phía Bắc" thời kỳ này. Đó là bài Chiến đấu vì độc lập tự do, được dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên chỉ vài ngày sau đó. Ca từ rất hào hùng:
Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…Nhạc sĩ phạm Tuyên cho biết thời gian đó, bài hát được phổ biến rất nhanh chóng. ông còn nhớ như in: "Ngày 20 tháng 2 năm 1979, thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày mồng 9 tháng 3, được đăng trên báo Nhân Dân… Sau đó được nghệ sĩ Tuyết Thanh đơn ca. Tháng 4, được đoàn Quân nhạc biểu diễn. Tháng 5, được dạy trên sóng đài phát thanh".
Ông kể thêm, về sau này, khi không khí chính trị và tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đổi khác, một cách không chính thức, bài hát không còn được phổ biến nữa. Cách đây mấy năm, có nhà xuất bản muốn in nó trong một tuyển tập ca khúc của thời kỳ ấy, với điều kiện nhạc sĩ sửa lại một số từ. ông gạt đi: "Bài hát nào ra đời cũng có giá trị lịch sử của nó. Lúc đó tôi sáng tác hoàn toàn từ cảm xúc của mình. Tình cảm chân thật thì làm sao chối bỏ được?". Thế là biên tập viên đành bỏ bài hát ra khỏi tuyển tập.
Cùng thể loại hùng ca với Chiến đấu vì độc lập tự do là bài Lời tạm biệt lúc lên đường của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, thật sự là một bản hành khúc viễn chinh đầy bi tráng:
Ngày ra đi, hướng biên cương,gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt.Nòng súng đen dán câu thơ,Ý thơ thiệt hay là thơ Lý Thường Kiệt.Lòng người Việt Nam nào đâu thích gì đạn bomNgọn nguồn đau thương trải qua đã nhiều rồi Việt Nam ơi, Việt Nam ơi,trái tim Việt Nam, tình yêu cuộc sống…Và không thể không nhắc tới bản hùng ca bốn mươi thế kỷ cùng ra trận (1979) của nhạc sĩ Hồng Đăng. Không trong sáng, thiết tha như "tiếng ve trên đường vắng, hát theo bước hành quân, mãi xa vẫn còn ngân, tiễn tôi ra mặt trận" (kỷ niệm thành phố tuổi thơ) năm nào, bốn mươi thế kỷ cùng ra trận hừng hực khí thế cả nước lên đường chiến đấu, một lần nữa.
Lịch sử gọi ta xông lên phía trướcSẽ viết trọn bài ca anh hùng cứu nước.Nhạc sĩ Trần Tiến góp vào không khí của thời kỳ đó với bài Những đôi mắt mang hình viên đạn. Ca từ gợi hình ảnh siêu thực: đôi mắt của những người già và trẻ em đang khóc than nơi biên giới. (11)
Nhạc sĩ Thế Hiển thì có bài Hát về anh, đề cập trực tiếp tới những hy sinh thầm lặng của người lính biên phòng.
Cho tôi ca bài ca về người chiến sĩ nơi tuyến đầu.Nơi biên cương rừng sâu, anh âm thầm chịu đựng gió sương.Dẫu có những gian lao, dẫu có những nhọc nhằn mang trongtrái tim anh trọn niềm tin…11. Ý của Jason Gibbs trong cuốn "rock Hà Nội và rumba Cửu Long", Nguyễn Trương Quý dịch, Nhà xuất bản Trẻ, 2008
Tình ca biên giới
Tuy vậy, có sức sống mãnh liệt nhất trong dòng nhạc biên giới vẫn là các bản tình ca. Đậm chất trữ tình, chan chứa tình cảm đôi lứa, đó là điều làm nên sự khác biệt giữa dòng nhạc biên giới với dòng ca khúc trong hai cuộc chiến chống pháp và nhất là chống Mỹ.
Nếu như nhạc thời chiến tranh chống Mỹ (kể cả tình ca) có phần hào hùng, mang tính cổ vũ chiến đấu cao hơn, thì những khúc tình ca biên giới giờ đây nhiều tình cảm với nỗi nhớ nhung được tô đậm hơn. ở đây, tình yêu đôi lứa hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với tình yêu quê hương đất nước, không hề có sự "lên gân", "hô khẩu hiệu". Nói cách khác, nếu nhạc chống Mỹ còn nhiều bài "cứng" thì các ca khúc thời kỳ này mềm mại hơn hẳn, trữ tình hơn hẳn.
Chính vì thế, những bản ballad cách mạng này dễ đi vào lòng người và có sức sống bền lâu. Không ai quên được những nét nhạc và lời ca tha thiết tình cảm của Hoa sim biên giới (Minh Quang), Thư gửi cho nhau (Phan Huấn)…
Nếu em lên biên giới,Em sẽ gặp bạt ngàn hoa -- hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong…Như một lời thủ thỉ với người thương. Hoa sim biên giới rất được những người lính biên cương yêu thích. Cũng giống như Nơi đảo xa, Chút thư tình của người lính biển là hai ca khúc mà bất cứ chàng lính hải quân nào cũng biết tới và có thể nghêu ngao.
Một điều thú vị là có tới ba bài hát cùng được người yêu nhạc gọi tên là Chiều biên giới.
Chiều biên giới em ơiCó nơi nào xanh hơnNhư chồi non cỏ biếcNhư rừng cây của lá,như tình yêu đôi ta…(Chiều biên giới – nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn)
Chiều biên giới anh thầm nhớ về, nơi em đó bộn bề,bao nỗi nhớ tha thiếtHỡi anh có biết những lời em thươngbao ngày qua, tuy rằng xa em để trong lòng…(Lời thương ta ngỏ cùng nhau – Đức Miêng)
Do thói quen của nhiều khán thính giả Việt Nam là lấy luôn những từ đầu tiên của ca khúc làm tên bài hát, nên bài "quan họ mới" Lời thương ta ngỏ cùng nhau của nhạc sĩ Đức Miêng đã bị nhiều người gọi nhầm là Chiều biên giới.
Bài Chiều biên giới thứ ba là của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, sáng tác khi ông đang tham gia chiến đấu ở vùng biên giới phía tây nam của Tổ quốc, năm 1978.
Sinh thời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có một tác phẩm về biên giới – bài em ở nông trường, em ra biên giới (1981), ông viết như một cách tưởng nhớ 20 cô gái thanh niên xung phong tình cờ gặp mặt, và họ đều đã hy sinh ở biên giới Tây Nam.
Từ biên giới xa chốn em sương mùRừng sâu tìm những lối mòn qua…Anh hùng, lãng mạn và bình dị
Chất trữ tình nhiều hơn – đó là nét khác biệt; còn điểm chung giữa dòng nhạc biên giới thời này và nhạc chống Mỹ, chống pháp thời trước vẫn là lòng yêu nước, tinh thần lạc quan và can đảm của người lính. Không một chút bi lụy hay lùi bước trước hiểm nguy.
Mọi thế hệ người yêu nhạc đều sẽ luôn cảm thấy sức trẻ, tình yêu cuộc sống và ý chí của tuổi thanh xuân trong các ca khúc như: Ngày mai anh lên đường (Thanh Trúc, khoảng 1978), Gửi lại em (Vũ Hoàng, 1978, sáng tác trong thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam), Nơi đảo xa (Thế Song, 1979), Tình ca mùa xuân (nhạc Trần Hoàn, thơ Nguyễn Loan, 1979), Chút thư tình người lính biển (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Trần Đăng Khoa, 1981), Cánh hoa lưu ly (Diệp Minh Tuyền), Mùa xuân bên cửa sổ (xuân Hồng)…
Một vài ca khúc của dòng nhạc biên giới hiện giờ đã "biến mất", nghĩa là không còn được biểu diễn trên các sân khấu lớn, trên sóng truyền hình, hay ghi âm, in ra sách… Việc không lưu hành những bài này là theo một thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.
Ngoài ra, theo tác giả của bài hát đầu tiên trong dòng "biên giới phía Bắc" – nhạc sĩ phạm Tuyên với Chiến đấu vì độc lập tự do – thì một ca khúc có thể mang tính lịch sử, nghĩa là chỉ thích hợp với một giai đoạn nào đó. Dĩ nhiên, với tư cách một nhạc sĩ, ông luôn trân trọng các bài hát của mình và của đồng nghiệp, và mong mọi tác phẩm âm nhạc đều được phổ biến.
Nhiều bản tình ca biên giới khác thì đã được thế hệ ca sĩ trẻ thể hiện lại. Chẳng hạn, Gửi em ở cuối sông Hồng, một thời gắn với tên tuổi Tiến Thành – Thanh Hoa, nay đã đến lớp ca sĩ mới Việt Hoàn – anh Thơ song ca.
Tình ca mùa xuân do Bảo yến "ngự trị" năm nào giờ đến lượt Quang Dũng cover. Trọng Tấn cũng đã thể hiện Chiều biên giới, Hoa sim biên giới, Nơi đảo xa (từng gắn với giọng ca bất hủ của ca sĩ Tiến Thành – đã mất vì tai nạn giao thông trong một chuyến lưu diễn phục vụ bộ đội biên phòng, năm 1984) v.v.
Nơi địa đầu đã là nguồn cảm hứng sáng tác như thế đối với các nghệ sĩ. Nó gắn với Tổ quốc, gắn với hình ảnh người lính cầm súng gác cho bình yên miền biên thùy, với mối tình của họ vừa lãng mạn vừa bình dị.
Đẹp và lãng mạn thay là hình ảnh:
Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt… Em ở phương xa, cách mười sông ba núi bốn đèo.Bình dị và cảm động thay là hình ảnh:
Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu tự độ ấyEm đi vào xưởng máy, khi trời còn hơi sươngVà anh lại ra đi, vui như ngày hộiMùa xuân biên giới, súng anh gác trời xa.Tiếp theo: HAI NHÁNH QUYỀN LỰC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét