Đối chiếu các kết quả khảo sát thấy con số trên 80% số vụ việc khiếu kiện, tranh chấp trong cả nước hiện nay đều liên quan trực tiếp, gián tiếp đến đất đai là khá hiện thực.
Các vụ khiếu kiện đất đai hiện nay kéo dài và có chiều hướng tăng về số lượng bùng phát về tính chất.
Dân oan mất đất hình như vẫn hy vọng Trung ương sẽ can thiệp "cứu" họ nên dòng người kéo về thành phố nơi có trụ sở của các cơ quan quản lý Nhà nước còn kéo dài.
Những năm trước dân oan khiếu kiện chỉ vài chục nay đã đến hàng nghìn người.
Họ từ khắp mọi miền đất nước đổ về Hà Nội. Điều đó dễ hiểu, Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan quyền lực: Bộ chính trị TW đảng cộng sản, Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra các cấp.
Đơn kếu cứu của bà con dầy hàng tập, cặp hết chỗ chứa họ đóng vào bao như bao thóc. Bà con ở khắp nơi, gần thì Dương Nội Văn Giang, xa thì Đăc Nông-Tây Nguyên đều có vấn đề oan khuất quanh chuyện đất đai, nhà cửa bị cưỡng chiếm.
Việc giải quyết khiếu nại tố cáo trên thực tế tỏ ra bế tắc. Nhà cầm quyền có vẻ thiên về cách sử dụng "thanh kiếm" để giải quyết mâu thuẫn giữa dân và chính quyền.
Nhiều đoàn dân oan đã được công an, an ninh và các công cụ vận hành bằng cơm rượu, tiền thuê, dồn lên xe buýt chở đi thật xa ra ngoại thành để cách ly với Văn phòng Tiếp dân của các cơ quan TW.
Ở một góc độ nào đó, việc cưỡng bức giải tán những cuộc tụ tập ôn hòa này là biểu hiện quyền lực của một Nhà nước pháp quyền đứng trên Luật pháp. Hiến định 1992, ghi rõ: "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp"(điều 50); "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật" (điều 69). Nhưng nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định số người tập trung nơi công cộng không quá con số 5. Điều đó khống chế vô hiệu hóa điều 69 Hiến pháp.
Hiện tại, trong nền kinh tế thị trường, đất đai trở thành loại hàng hoá đặc biệt mà kẻ mua được chế độ bảo kê giành quyền tự đặt giá và sẵn sàng đàn áp người (bị ép) bán với giá rẻ mạt không khác gì như bị ăn cướp.
Cơ quan truyền thông lề đảng được giao nhiệm vụ định hướng dư luận xã hội thiên về cách giải thích mâu thuẫn giữa nông dân và chính quyền "là những bất cập về chính sách đất đai".
Nếu phân tích bối cảnh xã hội hiện nay, không thể chối cãi rằng các nhóm lợi ích đã và đang ngày càng có chiều hướng lấn át, chỉ đạo các cơ quan công quyền thực hiện nhiệm vụ làm thuê, biến công an thành công cụ đàn áp sự phản kháng của nhân dân.
Luật đất đai liên tục bị điều chỉnh theo hướng có lợi nhất cho các tập đoàn kinh tế sân sau. Các dự án vốn FDI mà bên phía Việt Nam góp vốn bằng đất trên thực tế là của các nhóm lợi ích. Như thế mâu thuẫn về Quyền lợi mới là cái lõi nằm trong cái mâu thuẫn về chính sách.
Đất đai có giới hạn trong khi dân số có ngày càng gia tăng. Chúng ta không máy móc bằng mọi cách giữ đất lúa mà không phát triển đô thị, giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội nhưng phải sử dụng một cách tiết kiệm, căn cơ và hiệu quả với quĩ đất hiện có, nhất là giữ được diện tích đất chuyên lúa 2 vụ. Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển của đất nước và an ninh lương thực cho các thế hệ tương lai.
Trong khi một số nước chỉ cần chuyển tới 0,3ha đất nông nghiệp cũng cần phải trình, thậm chí phải khai hoang để bù lại phần đất đã lấy thì ở Việt Nam, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá dễ dàng và chứa đầy các yếu tố "lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm". Những biểu hiện như thế ngày càng tỏ ra lộ liễu.
Điều đáng lên án là những quan chức cấp cao phê duyệt, hoạch định chính sách hiện nay đã không đếm xỉa gì đến tình trạng cuộc sống người dân sau cưỡng chế. Nhiều hộ dân đã không còn đất canh tác và hoàn toàn không có phương án nghề phụ thay thế để duy trì an toàn cuộc sống.
Nếu không phải nông dân, cần phải đọc "Lão Hạc" của nhà văn Nam Cao thì mới hiểu thấu đáo tình cảm thiêng liêng máu thịt của nông dân với đất. Người nông dân có thể chấp nhận chết, thậm chí chết một cách tiêu cực là tự tử để giữ đất.
Gần đây ở quận Cái Răng, TP Cần đã xảy ra vụ hai mẹ con lột hết quần áo để ngăn cản đơn vị thi công, đầu tư xây dựng khu dân cư Hưng Phú. Bà Lài, nạn nhân bị mất đất phải dành dụm tiền mồ hôi nước mắt mua đất cất nhà sinh sống, làm ruộng, trồng rau, nuôi gà mấy chục năm nay. Gia đình bà không đồng ý với giá đền bù 500.000 đồng/m2 mà muốn được thỏa thuận đền bù xứng đáng nhưng không được đáp ứng.
Nửa năm trước vì quá uất ức nên chồng bà đã uống thuốc sâu tự tử để phản đối và bây giờ hai mẹ con bà phải lột hết quần áo để phản đối, ngăn cản lực lượng cưỡng chế trong tuyệt vọng.
Đó là những phản ứng cá nhân nhen lên sự công phẫn trong dư luận. Nhưng nhà cầm quyền đang phải đối mặt với một sự thật đang lớn lên, phát triển ở tầm mức nghiêm trọng hơn nhiều đó là phong trào đối kháng đang có nguy cơ trở thành khối nổ dây chuyền đang phát triển thành một hình thái nguy hiểm cho cả người dân và nhà cầm quyền. Đó là đối kháng vũ trang, có đổ máu như thực tế cho thấy ở Tiên Lãng, Văn Giang.
Mặt khác, sự kiện nhà cầm quyền huy động một lực lượng lớn chưa từng thấy lên đến hàng nghìn công an để trấn áp nông dân, cùng với tính chất khốc liệt, man rợ trong hành động đã như một vết nhơ không thể tẩy rửa cho bộ mặt một chính thể.
Mặt khác sự dốt nát, trơ trẽn, dối trá của cả một bộ máy công quyền Hưng Yên bị bóc trần càng làm cho công luận thêm công phẫn và khinh bỉ.
Khi niềm tin trong dân sụp đổ, nhà cầm quyền sẽ hoàn toàn mất tính chính danh.
Những người phụ nữ nông thôn đã phải cởi truồng coi như một phương thức tự vệ, phản kháng hành động cưỡng chế cướp nhà cướp đất thì nhà cầm quyền chẳng lẽ cũng "cởi truồng" luôn không cần dùng đến bộ trang phục "nhà nước của dân, do dân và vì dân" ?
Một Nhà nước muốn vững mạnh phải coi trọng dân bằng hành động thực sự, coi trọng lợi ích của nhân dân một cách thỏa đáng để phương châm "điều hòa các lợi ích Nhà nước, Nhân dân, Doanh nghiệp" trở thành hiện thực chứ không phải nói suông.
Mai Xuân Dũng blog
Nông dân An Giang tập trung khiếu kiện trước UBND tỉnh
Nguồn bantinnhadat.vn
Mô hình khu đô thị cao cấp Sao Mai - An Giang do nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư & xây dựng Sao Mai. (Ảnh minh hoạ)
Mặc Lâm biên tập viên, RFA, Bangkok
2012-05-30
Sáng ngày hôm nay 30/05/2012, khoảng hơn 300 bà con nông dân nhiều nơi trong tỉnh An Giang đã tập trung tại trước cổng UBND tỉnh để khiếu kiện về đất đai của họ bị trưng thu nhưng chính quyền cấp huyện không đền bù thỏa đáng.
Những người dân này đã từng nhiều lần kêu cứu và gửi đơn kiến nghị, khiếu nại lẫn tố cáo đến nhiều cơ quan kể cả ra tận Hà Nội để kêu cứu nhưng không có kết quả. Ông Sáu, một người có đất bị cưỡng chế có mặt trong đoàn người khiếu kiện hôm nay cho biết:
Hiện nay chúng tôi ở dưới Tri Tôn tập trung trên 400 người tại Ủy Ban Tỉnh. Hiện nay chúng tôi kéo nhau về Ủy Ban Tỉnh để đấu tranh vì trên Bộ có xuống, cũng có đài VTV3 xuống nên tụi tui đấu tranh về vụ đất. Trong khi có quyết định thu hồi đất hồi năm 2009 đến nay chúng tôi không đồng ý giá vì quá rẻ, bán hai công đất mới mua được một công thành ra chúng tôi không nhận tiền. Ủy ban Huyện ra quyết định cưỡng chế chúng tôi đã ba lần rồi nhưng không thành công.
Chúng tôi có đem đơn thưa đến văn phòng Trung ương Đảng ở thành phố một lần, lần thứ hai nhờ đài VTV của Cần Thơ lên phỏng vấn nữa nhưng Ủy ban tỉnh cũng không chấp hành. Sau này chúng tôi đi đến bộ. Bộ Tài nguyên môi trường đề nghị Ủy ban Tỉnh phải giải quyết thỏa đáng cho bà con nhưng Ủy ban tỉnh cũng không chấp hành.
Trong khi có quyết định thu hồi đất hồi năm 2009 đến nay chúng tôi không đồng ý giá vì quá rẻ, bán hai công đất mới mua được một công thành ra chúng tôi không nhận tiền.Ông Sáu
Đến văn phòng Trung ương đảng của Hà Nội nhưng hiện nay đã về ba bốn văn bản của thanh tra chính phủ nữa nhưng Ủy ban tỉnh vẫn không chấp nhận.
Ông Hồng, một người dân khác cho biết bà con từ nhiều nơi tập trung về An Giang với những vụ khiếu kiện đền bù khác nhau trong đó có cả việc trả tiền xây dựng không thỏa đáng khiến người dân không thể chấp nhận ông Hồng nói:
Ở An Giang qua, dưới Mỹ An qua rồi trên Châu thành xuống. Người dân đến đây do nhu cầu ba cái đất cát nhà cửa mấy ông tỉnh thu hồi đất cát của người ta mà đền bồi không thỏa đáng. Nhà cửa người ta kêu xây lại như nhà của người ta mà mấy ổng không chịu, mấy ổng xây lại không được nửa cái nhà nữa nên người ta không chịu. Rồi cây cối giá cả mắc quá không thể theo thị trường được.
Chị Mai, một nông dân có vườn cây ăn trái trong khu đất hơn 22 héc ta có dự án xây dựng khu công nghiệp thuộc xã Mỹ An, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang cho biết đã nhiều lần người dân theo đuổi khiếu kiện nhưng không được giải quyết mặc dù khu đất đó vẫn nằm trong kế hoạch treo suốt bốn năm nay, chị kể:
Người dân đến đây do nhu cầu ba cái đất cát nhà cửa mấy ông tỉnh thu hồi đất cát của người ta mà đền bồi không thỏa đáng.Ông Hồng
Bà con đến đây khiếu nại vấn đề đất đai. Đã nhiều năm rồi dân thì sống nhờ vào chuyên canh vườn, hàng năm dân đầu tư vào việc chăm sóc vườn thì ủy ban huyện không cho. Cái dự án này kéo dài đến 4 năm rồi mà soài thì không được chăm sóc, bây giờ vườn thì cây xơ xác dân rơi vào tình trạng khốn đốn rồi cho nên nhiều lần gặp ủy ban tỉnh để yêu cầu thì ủy ban có hứa mà không giải quyết.
Chúng tôi có đến trụ sở tiếp công dân ở Hà Nội có văn bản về thì cũng nói là hứa vài hôm thì sẽ giải quyết. Dân yêu cầu nếu không làm thì UBND tỉnh ra quyết định hủy bỏ phương án này để cho dân sửa sang vườn tược lại để canh tác mà họ không trả lời, không giải quyết gì hết. Đi khiếu nại thì cũng như không có ai tiếp đâu?
Cho tới nay các vụ khiếu kiện bồi thường đất đai vẫn tiếp tục trên diện rộng. Sau Tiên Lãng, Văn Giang, Nam Định nay là An Giang cho thấy các vụ đền bù của nhà nước đang là câu hỏi rất lớn đặt ra trước chủ trương trưng thu đất đai của người dân.
Mặc Lâm, tường trình từ Bangkok Thái Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét