HDTG blog xin giới thiệu cuốn sách "VÀ QUYỀN LỰC THỨ TƯ" của nhà báo Đoan Trang, cuốn sách này có một số phần đã đăng trên các báo, tạp chí và HDTG cũng đã đăng lại rất nhiều. Đây là bản tổng hợp của tác giả, HDTG blog sẽ đăng lại từng chương cho tiện theo dõi.
ĐOAN TRANG
Nhà xuất bản Giấy Vụn
LỜI NGƯỜI VIẾT
Mở đầu một cuốn sách mà phát biểu như sau thì có thể gây rối cho người đọc, nhưng tôi tin rằng phần lớn những điều tôi nghĩ và viết trong cuốn sách này không có gì mới với một số đông độc giả – những trí thức mà ngoài khối lượng tri thức và thông tin rộng lớn, họ còn có vốn sống, có trải nghiệm thực tế ở nhiều xã hội khác, trong nhiều thời kỳ khác. Ngay trong thế hệ của tôi thôi, có rất nhiều bạn sở hữu trí tuệ sâu sắc và hiểu biết xã hội, hiểu biết thế giới ở một mức độ khiến tôi phải vô cùng khâm phục. Tôi tin những gì tôi viết, họ đều đã biết cả, có điều họ chưa nói ra (trên báo) mà thôi, bởi vì xét cho cùng việc đó cũng giống như thắp một ngọn nến giữa ban ngày.
Nói cách khác, tôi không nghĩ mình có thể mang lại phát hiện hay tư duy gì mới mẻ cho bạn đọc qua những bài viết này, trong cuốn sách này. Tôi không phải học giả, không phải nhà tư tưởng. Mặc dù các bài báo tôi viết liên quan tới nhiều lĩnh vực như lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế, nhưng tôi không phải sử gia, kinh tế gia, nghệ sĩ hay nhà nghiên cứu về chính trị học. Thậm chí tôi cũng không dám nhận mình là nhà báo hay một cây bút chuyên mục bình luận (như Thomas Friedman, Fareed Zakaria, Simon Singh, Stephen J.Debner, Naomi Klein, hoặc từ thời chiến tranh Việt Nam là Stanley Karnow, những cây viết mà tôi quan tâm và ngưỡng mộ). Tôi chỉ là một người viết báo, hay nói chính xác nhất, một phóng viên. Với tư cách ấy, tôi viết các bài mà tôi tập hợp lại bản gốc trong cuốn sách này. phần nhiều các bài đã được đăng tải trên một số báo và tạp chí như Nhịp Cầu Thế Giới, pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên trang Tuần Việt Nam của báo điện tử VietNamNet.
"Và quyền lực thứ tư" là một tựa đề hơi có vẻ khiêu khích (có lẽ nhiều người sẽ nghĩ như vậy), nhưng nó phản ánh một cách tổng quát những gì tôi muốn mang tới cho bạn đọc qua cuốn sách: một góc nhìn vào nghề báo, và góc nhìn của một phóng viên vào đời sống chính trị – kinh tế – xã hội ở Việt Nam.
Cuốn sách có bảy chương, trong đó ở đầu mỗi chương, tôi đều có một vài lời "đề dẫn" với mục đích diễn giải thêm chút ít về nghề báo với độc giả. Có rất nhiều điều để nói về nghề báo, nhất là ở Việt Nam, nơi mà báo chí cũng như rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội vẫn còn đang trên con đường chuyên nghiệp hóa. Những người đọc nghiêm khắc có thể cho rằng câu "nhà văn nói láo, nhà báo nói phét" cho đến giờ vẫn còn giá trị, báo chí Việt Nam đầy sai và lỗi, nhà báo Việt Nam cẩu thả, lười biếng, vô trách nhiệm, thậm chí nói nặng nhất là dốt. Với cuốn sách mang một tựa đề khiêu khích này, tôi không định thanh minh, bao biện gì. Tôi chỉ muốn trình bày vài quan điểm cá nhân, đồng thời, qua phần đề dẫn ở đầu mỗi chương và qua một số bài viết, cung cấp thêm tới độc giả ít nhiều thông tin có tính chất "hậu trường" về nghề báo. Đó là một nghề đầy vất vả, khó khăn, đặc biệt với những ai muốn lý tưởng hóa nó, trong một môi trường rõ ràng là còn rất nhiều điều kiện không thể lý tưởng. Nhưng đó cũng là một nghề mang lại niềm hạnh phúc rất lớn, không thể diễn tả hết bằng lời, cho những người yêu nó và muốn sống hết mình vì nó. Có một ý mà tôi đã viết trong một bài báo, và tôi vẫn còn muốn nhắc đi nhắc lại ý đó, nhiều lần nữa: "Nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt".
Một điều nữa tôi rất muốn nói là: Tôi mong muốn vô cùng, rằng tới một lúc nào đó, việc một phóng viên viết những bài báo như tôi đã tập hợp trong cuốn sách này, là hoàn toàn bình thường. Bình thường như thể đó là một phần trong những câu chuyện chúng ta vẫn nói với nhau hàng ngày. Thật vậy, vì sao trong những trao đổi thường nhật, chúng ta lại không thể nói về các chủ đề "vĩ mô" như kinh tế và chính trị? Như là sự sai lầm hoặc bất hợp lý của một chính sách nào đó, tình hình quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN, lịch sử kinh tế Việt Nam, những rủi ro của việc tăng hoặc giảm giá điện đột ngột, v.v.? Đó đâu phải là chuyện trên trời, chuyện chỉ của các lãnh đạo, học giả hay các nhà báo thích "nói phét"?
MỤC LỤC
Phần 1: QUYỀN LỰC THỨ TƯ
Phần 2: QUAN HỆ VIỆT-TRUNG
Phần 3: HAI NHÁNH QUYỀN LỰC
Phần 4: LẶN LỘI THƯƠNG TRƯỜNG
Phần 5: NHÌN LẠI LỊCH SỬ
Phần 6: NGƯỜI HÀ NỘI
Phần 7: NHỮNG GƯƠNG MẶT
Phần 8: NHẢM VĂN
Mời xem:
Phần 1: QUYỀN LỰC THỨ TƯ
Nhà khoa học chính trị người Mỹ Robert M. Entman chia báo chí thành bốn loại: báo chí truyền thống (traditional media), báo chí lá cải (tabloid), báo chí cổ súy (advocacy media), và giải trí (entertainment). Tiêu chí phân loại mà ông sử dụng là căn cứ vào việc loại hình báo chí đó có tuân thủ 5 nguyên tắc căn bản của nghề báo không? 5 nguyên tắc ấy là:
1. chính xác; 2. công bằng; 3. giám sát chính phủ; 4. phân biệt rạch ròi giữa đưa tin và bình luận, đưa tin và quảng cáo; 5. không đặt tối đa hóa lợi nhuận làm mục đích cao nhất.
Báo chí truyền thống là loại báo hướng tới việc tuân thủ cả 5 nguyên tắc làm báo nêu trên. Theo đó, một nhà báo mẫu mực trước hết phải là người đưa tin chính xác, trung thực, chẳng hạn phải sử dụng những nguồn tin đáng tin cậy, trích dẫn ý kiến và tư liệu của những cơ quan có trách nhiệm. Thứ hai, nhà báo phải công bằng, mà theo định nghĩa của Entman là "có cách đối xử tương đương đối với các bên" và giữ cho các quan điểm cá nhân được độc lập, khách quan. Thứ ba, nhà báo phải can đảm thực hiện chức năng giám sát chính phủ: buộc chính phủ thực hiện trách nhiệm giải trình. Và không chỉ nhằm vào chính phủ, báo chí còn có chức năng giám sát cả các cơ quan quyền lực khác, các giới khác (ví dụ giới kinh doanh, giới y bác sĩ…) – những người có khả năng tận dụng, lạm dụng lợi thế của họ trước xã hội để trục lợi bất chính. Còn "phân biệt rạch ròi giữa đưa tin và bình luận", nghĩa là một bài báo chỉ nên thực hiện hoặc là đưa tin và không lồng ghép ý kiến cá nhân, hoặc là có sự đánh giá và phân tích chủ quan tức bình luận. Tương tự, và hết sức rõ ràng, việc đưa tin phải độc lập với hoạt động quảng cáo.
Những đặc điểm ấy đưa tới nguyên tắc thứ năm của báo chí truyền thống: không coi lợi nhuận là mục đích cao nhất.
Báo lá cải cũng có thể hướng tới việc đưa tin chính xác và công bằng, tuy nhiên nó không chú trọng tới chức năng giám sát chính phủ. Và đặc điểm nổi bật của nó là: Đó là loại báo nhằm vào việc tối đa hóa lợi nhuận. Về điểm này, báo lá cải tương tự với truyền thông giải trí, thể loại mà tiêu chí số một là sinh lợi nhuận, số hai là phải vui vẻ, giúp người hưởng thụ thư giãn và đương nhiên là bất cần các yếu tố chính xác, công bằng, trung thực (trừ phi vì mục tiêu lợi nhuận).
Còn báo chí cổ súy lại là một khái niệm tương đối mới mẻ. Theo Robert M. Entman, loại báo chí này xem giám sát xã hội là ưu tiên hàng đầu. Nó không quân tâm tới lợi nhuận (thậm chí trong rất nhiều trường hợp, còn chấp nhận thua lỗ), mà chỉ hướng tới làm sao mở rộng ảnh hưởng xã hội của mình, thể hiện ở khả năng tác động đến chính sách Nhà nước và thái độ của dư luận. Lẽ dĩ nhiên là những tòa soạn theo kiểu báo này đều có chủ kiến. Việc nhà báo đưa tin và bình luận phụ thuộc rất nhiều vào lập trường mà tờ báo ủng hộ. Tin tức, dù là sự thật nhưng nếu đi ngược lại quan điểm của tòa soạn, thì sẽ bị loại bỏ. yếu tố chính xác có thể vẫn còn, nhưng sự khách quan và công bằng thì không nhất thiết. Với những đặc điểm đó, cụm từ "advocacy media" có thể được hiểu theo nghĩa "báo tuyên truyền", nhưng không phải tuyên truyền cho chủ trương chính sách của chính phủ, mà ngược lại, cho những lập trường phản biện chính phủ (đúng hoặc sai).
Căn cứ vào cách phân loại của Robert M. Entman, tôi đã thử đối chiếu vào thị trường Việt Nam và thấy chúng ta có các tờ báo theo kiểu truyền thống như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh… Có các kênh truyền hình giải trí như VTV3 (thuộc Đài Truyền hình Việt Nam), iMusic (Truyền hình Kỹ thuật số VTC)… Một ví dụ rõ nét về báo cổ súy là VietNamNet.
Có lẽ với nhiều nhà báo Việt Nam, ngày nay, những nguyên tắc của báo chí truyền thống mà ông Entman nêu ra không còn là điều mới mẻ. Tôi tin là nếu được hỏi, đa số các nhà báo có thể nói vanh vách rằng báo chí đúng nghĩa là phải thực hiện được các chức năng đưa tin và giám sát chính phủ, phản biện xã hội, với các yêu cầu về tính chính xác, công bằng và khách quan.
Những đặc điểm ấy đã là các cột trụ để báo chí phương Tây dựa vào, từ lâu. Nhưng, trong khoảng hai thập kỷ qua, sự bùng nổ của Internet và các loại hình giải trí đã khiến chiếc ngai của báo chí truyền thống bị lung lay. Trong cuốn Losing the News – the Future of the News That Feeds Democracy, tác giả Alex Jones viết rằng: "Khi nào các tin tức nhằm mục đích giám sát chính phủ trở nên quá chán, và người ta phải lựa chọn đưa tin gì trên cơ sở cái gì thu hút khán giả nhiều nhất, thay vì dựa vào tầm quan trọng của tin tức, thì khi đó các tiêu chuẩn dành cho tin lá cải được áp dụng. Các tòa soạn báo chí truyền thống dần biến thành tòa soạn tin lá cải, và điều này đang diễn ra ở tốc độ nhanh chóng mặt… Khuynh hướng hiện tại là lá cải hóa – nghĩa là hình thành một nền báo chí mà ưu tiên duy nhất là lợi nhuận chứ không phải là lợi ích công kết hợp với lợi nhuận".
Xu hướng đó đang là mối nguy nan cho báo chí Mỹ, và cũng không hề xa lạ với Việt Nam, mặc dù nền báo chí Việt
Nam mới đang trong giai đoạn chuyên nghiệp hóa, nghĩa là tách dần khỏi hoạt động tuyên truyền và đáp ứng năm tiêu chuẩn vừa nêu trên. Cùng một lúc, báo chí Việt Nam vừa phải chuyên nghiệp hóa vừa phải lá cải hóa.
Đôi khi tôi thấy những phóng viên, nhà báo ở thế hệ mình vừa may mắn, vừa không may mắn. May vì chúng tôi làm báo trong một đất nước đang chuyển đổi, nơi xã hội có rất nhiều điều chưa biết, muốn biết và cần được biết, nơi nhu cầu thông tin của công chúng là rất cao. Các tờ báo luôn có nhiều khoảng trống thị trường để lấp. Các nhà báo luôn có nhiều chủ đề để viết.
Nhưng không may mắn, bởi vì cùng một lúc, chúng tôi bị áp lực phải cuốn theo cả cái đà chuyên nghiệp hóa lẫn lá cải hóa của báo chí. Những gì truyền thông phương Tây trải qua dần dần trong nhiều năm, thì chúng tôi đã và đang phải chịu trong thời gian ngắn: xu hướng lá cải hóa đã đến quá sớm trong khi báo chí Việt Nam còn chưa kịp trưởng thành để đóng đầy đủ vai trò "quyền lực thứ tư".
***Chuyện làm báo ở Sài Gòn trước năm 1975
Mỗi tháng khoảng một tuần, ông Y ( 1) chạy xe máy tới nhà in Quân Đội 2 và ngồi đó cả ngày để kiểm tra, soát lỗi bản bông của mấy tờ tạp chí do tòa soạn ngoài Hà Nội gửi vào in rất thường xuyên, ông dùng bút khoanh tròn những từ tiếng anh xen lẫn trong bài, chi chít như xôi đỗ. Từ "golfer" này phải thay bằng "tay gôn", "gôn thủ" mới là tiếng Việt. Từ "super star" này thay bằng "siêu sao". Từ "computer" này nữa, sao không viết là "máy vi tính"?
"Nhiều nhà báo trẻ bây giờ sính dùng tiếng anh, tiếng Mỹ trong bài quá, mặc dù nhiều từ có tiếng Việt tương ứng. Có khi lại dùng từ nước ngoài kèm theo tiếng Việt, kiểu như: fan hâm mộ, nắp ca-pô…" – ông y. nói. "Tôi nhớ báo chí Sài Gòn thời trước 75 không ai viết tiếng Việt theo kiểu "ba rọi" như vậy, mà phóng viên có lỡ viết thì biên tập viên cũng sẽ sửa ngay".
Ông Y. sống cả tuổi trẻ của mình ở Sài Gòn cũ. ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, ban anh văn, vừa học vừa đi viết nhật báo rồi chuyển qua làm cho một tạp chí văn nghệ. Còn bây giờ, ông làm biên tập viên "kiêm" sửa morat cho mấy tờ tạp chí tiêu dùng của một tòa soạn ngoài Hà Nội.
" Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều từ mà độc giả ngày nay đọc thì thấy rất cổ, "xe nhà binh", "tư thất", "tư gia"… Nhưng ngôn ngữ hồi đó thuần Việt chứ không lẫn tiếng nước ngoài nhiều như bây giờ. Còn quảng cáo thì không nhiều, có cả quảng cáo thuốc chữa lang ben, tức cười lắm" – ông Y kể. Theo ông, ngôn ngữ chỉ là một trong rất nhiều điểm khác biệt giữa báo chí Sài Gòn cũ và báo bây giờ. Nhưng nghề báo thì bao giờ cũng vậy, là niềm vui, là nỗi buồn, là lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và cả những giọt nước mắt.
Sinh ngữ thành tử ngữ
T.T.T., một người làm báo thời Sài Gòn cũ, hiện viết báo tiếng Việt ở nước ngoài, từng bày tỏ sự lo lắng về nguy cơ biến mất một thứ tiếng Việt mà người Sài Gòn hồi đó dùng, được thể hiện trên báo chí và văn học. Hiện nay, nhiều từ ngữ đã bị quên lãng hoặc rất hiếm được dùng như: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học v.v. Đổi lại, kho ngôn ngữ của người miền Nam sau giải phóng được bổ sung thêm rất nhiều "từ vựng": hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo… Từ khi mở cửa nền kinh tế và Internet bùng nổ ở Việt Nam, ngôn ngữ hiện đại càng phát triển, từ mới xuất hiện chóng mặt trong mỗi lĩnh vực chuyên môn cũng như ngoài đời sống.
Những người hoài cổ có thể thấy xót xa cho một thứ tiếng Việt trong quá khứ, giờ sắp thành cổ ngữ hoặc tử ngữ. Nhưng suy cho cùng, ngôn ngữ là thế, luôn vận động và thay đổi cùng cuộc sống, cái mới sinh ra thì cái cũ phải mất đi. Tiếng Việt của báo chí Sài Gòn cũ giờ chỉ còn được dùng ít nhiều trong làng báo chí hải ngoại, đặc biệt bởi thế hệ cao tuổi. Độc giả trẻ ở Việt Nam ngày nay có thể bật cười khi đọc những câu như: "Tờ Nữu ước Thời Báo loan tin…".
Thông tín viên và phóng viên
Ngoài văn phong, ngôn từ, báo chí Sài Gòn cũ còn rất nhiều điểm khác thời nay. Chẳng hạn về cách tổ chức. Ngoài các phóng viên chính thức, mỗi tờ nhật báo còn có một lực lượng "thông tín viên" (correspondent). Những người này cũng là ký giả, nhưng chỉ chuyên săn tin vặt. Hàng ngày, họ đạp xe (sang hơn thì chạy vélo-solex hay mobylette) đi khắp thành phố, lượm lặt những tin nho nhỏ dạng "xe cán chó, chó cắn xe"… để bán cho các báo.
Cánh phóng viên thì dường như thời nào cũng vậy, viết bài nộp tòa soạn xong là xả hơi, gặp nhau bàn chuyện nghề chuyện đời, rồi tán dóc, nhậu nhẹt. ông y. nhớ lại: "Làm báo giàu thì nhiều tiền, làm báo nghèo thì ít tiền. Nhiều phóng viên của các tờ báo giàu ăn chơi đế vương lắm, nhảy đầm, bài bạc, có người còn hút sách nữa. Nhưng chính vì thế nên thường không có nhà báo giàu mà chỉ có ông chủ bút là giàu thôi".
Thật ra thời đó chiến tranh nguy hiểm, phóng viên salon cũng nhiều. Vậy nên các tòa soạn mà có được phóng viên trẻ nhiệt tình, chịu khó ra vùng chiến sự để gửi tin bài về thì chủ báo "cưng" lắm. Bản thân ông y. cũng hay tới các vùng chiến sự quanh Sài Gòn, thậm chí đến tận miền Trung, nơi được xem là chiến tranh ác liệt nhất như "Nam Ngãi Bình phú" (Quảng Nam – Quảng Ngãi – Bình Định – phú yên), để viết bài phản ánh về cuộc sống khổ cực của nông dân trong thời loạn lạc. "Hồi ấy tôi trẻ, nên nhiệt tình phơi phới, ham đi. Chứ chiến tranh bom đạn, làm phóng viên chiến trường nguy hiểm lắm. Các nhà báo phương Tây mà tôi biết đều được bảo hiểm rất lớn. phóng viên bản xứ thì không thế".
Có lẽ đó cũng là một lý do khiến làng báo Sài Gòn cũ không có nhiều phóng viên chiến trường nổi tiếng tầm cỡ thế giới như đồng nghiệp ở AP, UPI, hay Time. Nick út của AP (nổi tiếng với bức ảnh chụp em bé bị bỏng bom napalm) là một trường hợp hiếm hoi trong lĩnh vực báo ảnh.
Báo Sài Gòn cũ – mỗi tờ mỗi vẻ
Báo chí Sài Gòn cũ có nhiều loại. Có những tờ công khai chống chính quyền Sài Gòn tham nhũng, như Tin Sáng (chủ nhiệm là ông Ngô Công Đức, đã mất năm 2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh), Điện Tín (cố nhà báo Chánh Trinh tức Lý Quý Chung là cây bút bình luận chính trị sắc sảo của tờ này). Họ châm biếm chính quyền kém cỏi, gọi "Tổng thống Thiệu" là "Tổng thống Thẹo", "Sáu Thẹo", hay Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn thời Johnson là "ông già tủ lạnh", chẳng biết sợ. Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, mục "Tin vịt nghe qua rồi bỏ" trên báo Tin Sáng đã có những bài viết trào phúng phê phán chế độ Sài Gòn, rất được độc giả ưa thích.
Ngược lại, có tờ báo chống cộng dữ dội. Và cũng có nhiều tờ trung lập, gọi là thuộc "thành phần thứ ba", "đường lối thứ ba" – kêu gọi hòa bình, hòa hợp hòa giải chung chung, không ưa gì chế độ miền Nam nhưng cũng không ra mặt chống đối. Một trong các báo có số bán ra nhiều nhất là Sống của Chu Tử, một tờ khét tiếng chống cộng. Tất nhiên, báo có lượng phát hành cao không nhất thiết là báo hay.
Dĩ nhiên là không thiếu cả những "lá cải" xanh xanh, chuyên đăng tin "xe cán chó", đâm chém, tình tiền, tù tội… được mệnh danh là báo "4T". Và không thể không kể tới một thứ "đặc sản" của báo chí hồi đó: Đã báo ngày thì phải có feuilleton (tiếng Pháp, chỉ truyện dài nhiều kỳ, đăng trên báo, sau có thể in thành sách).
Feuilleton có thể là truyện tình cảm xã hội, ly kỳ, éo le, đẫm nước mắt, đặc biệt hấp dẫn giới tiểu thương, hoặc là truyện chưởng, kiếm hiệp kỳ tình của Kim Dung. Nhà văn Việt Nam thời đó cũng có những người viết feuilleton chuyên nghiệp, như Dương Hà, Nghiêm Lệ Quân, Tùng Long… ông L.T., một cây bút viết feuilleton thể loại dã sử, nhớ lại: "Viết feuilleton thật ra rất khó vì phải hấp dẫn, ăn khách ngay từ đầu, lại phải liên tục, hàng ngày. Có người viết đồng thời 5 feuilleton cho 5 tờ nhật báo khác nhau, đâm ra lẫn lộn, cho một nhân vật chết mấy tháng rồi lại dựng anh ta dậy. Nhà văn Sơn Nam hồi đó cũng viết feuilleton, nhưng lồng nhiều chuyện về phong tục, tập quán Nam Bộ vào, người đọc thích lắm".
Nhưng cái tên ăn khách nhất hẳn là một gương mặt ngoại quốc: Kim Dung. ông L.T. bảo, hầu hết các nhật báo ở Sài Gòn đều tranh nhau mua, dịch và đăng tải truyện chưởng Kim Dung. Tờ nào đăng được sớm thì bán chạy lắm. Ví dụ tờ Chính Luận được nhiều người đọc không phải vì có tin tức chính trị – xã hội hay, mà vì mỗi ngày họ đều đăng truyện Kim Dung sớm nhất.
Và những nỗi thất vọng
Ở miền Nam trước năm 1975, hầu như các tỉnh không có báo riêng (báo địa phương). Toàn bộ báo chí tập trung ở Sài Gòn. Dân số trong thành phố ngày đó chưa tới một triệu. Vậy nhưng báo chí thì rất nhiều, và theo ông y. thì báo "thường do các phe đảng hoặc các đại gia nắm, với mục đích phục vụ cho quyền lợi của đảng mình hoặc cho cá nhân thay vì nhân dân".
Vì có nhiều đảng phái chính trị tranh giành ảnh hưởng nên báo chí cũng bị cuốn vào cuộc. Có trường hợp báo chí vừa ca ngợi rùm beng một viên tỉnh trưởng người của đảng này hôm trước, thì hôm sau một tờ báo của đảng khác đã khui ra là ông ta tham ô đến cả tiền cứu trợ cho dân nghèo, nếu bị đưa ra tòa theo luật pháp của chính quyền Sài Gòn thì phải lãnh án tử hình. phóng viên ngớ người cả loạt. ông y. thở dài: "Thấy mà ngán. rút cục, nhà báo vô tình trở thành công cụ cho các đảng phái và cá nhân mà thôi".
Do kinh tế không phát triển, lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, báo chí Sài Gòn hầu như không chú trọng tới mảng kinh tế hay các chính sách vĩ mô về điều hành kinh tế, chỉ nặng về chính trị, xã hội, văn nghệ, giải trí. Càng về những ngày cuối của chế độ, báo chí càng rệu rã, chia rẽ, không phản ánh hay cổ vũ được cho một lý tưởng chung nào của xã hội.
Tuy nhiên, dù sao nền báo chí miền Nam trước 1975 cũng đã làm được việc ghi lại một giai đoạn trong lịch sử của một nửa đất nước.
Những cây bút sắc sảo năm xưa giờ nhiều người đã mất: Lê Ngộ Châu, Ngô Công Đức, Lý Quý Chung (Chánh Trinh)… Một số chọn con đường ra nước ngoài, làm báo bên đó, đôi ba người vẫn tiếp tục "cuộc chiến chống cộng" mệt mỏi và vô vọng. Cây viết truyện dã sử hồi nào, ông L.T., vẫn cầm bút, nhưng tuổi già đã làm sức viết của ông yếu đi nhiều.
Về phần mình, ông y. nghỉ viết báo đã lâu. phần lớn thời gian, ông vui chơi với cây cá cảnh, ngoài công việc biên tập kiếm sống. "Cây cá kiểng làm tôi thư thái hơn".
Nói rồi ông lặng lẽ cầm cây bút đỏ, đánh dấu những chỗ sai sót trên tập bản bông xếp ngổn ngang trước mặt. phải làm cho xong trong buổi sáng nay để còn in, ngày kia báo ra rồi.
1. Các nhân vật trong bài yêu cầu giấu tên vì lý do tế nhị.
***Báo chí Việt Nam đêm trước đổi mới
Tin tức hết sức lành mạnh, chỉn chu, không "lá cải" giật gân, thiên về quảng bá những điển hình tiên tiến; một số bài báo nổi tiếng góp phần vào sự nghiệp đổi mới sau đó… Đó là vài đặc điểm nổi bật của báo chí Việt Nam giai đoạn từ năm 1975 tới "đêm trước đổi mới", năm 1986.
Thời trước năm 1975, ở Sài Gòn, có chuyện các báo xin quota giấy, rồi tờ nào dùng không hết quota thì bán lại cho báo khác kiếm lãi. Nhiều tờ báo hóa ra lại sống tốt nhờ cách "buôn giấy" như vậy hơn là nhờ doanh số bán báo. Sau ngày thống nhất đất nước, việc ấn loát được Nhà nước thống nhất quản lý thông qua kế hoạch: Mỗi tờ đăng ký rõ số trang, số kỳ, lượng phát hành, từ đó Nhà nước xác định lượng giấy cần thiết cho báo/ tạp chí đó và chuyển chỉ tiêu tương ứng xuống nhà in. Có cả chỉ tiêu về lề (dành bao nhiêu phần trăm giấy cho lề); giấy thừa không được mua đi bán lại. Do vậy, trò "buôn giấy" của các báo khi xưa hết hẳn.
Tuy nhiên, buôn giấy mới hết thì lại nảy sinh nghề buôn giấy cũ. Những người làm "nghề" này thường mua báo, tích cóp lại rồi bán theo ký cho đồng nát kiếm lời. Ví dụ mua một tờ báo mới mất 5 xu, mua 25 tờ (tương đương 1 kg giấy) mất 1 hào 25 xu. Số này đem bán đồng nát, được tới 2 đồng rưỡi, vậy là lãi cũng rất khá. Thế nên thời đó ở Hà Nội, có nhiều người xếp hàng mua cả đống báo, mang về nhà, vừa có cái đọc, vừa để bán đồng nát kiếm tiền.
Nhìn sang lĩnh vực "hàng xóm" của báo chí là xuất bản, thì đó là thời kỳ sạch bóng sách lậu. Một người làm sách kể lại: "Do quản lý chặt về đầu vào, nên hồi ấy dẫu giấy rẻ như bùn, cũng không ai dám in lậu cả". Điểm này chắc là mơ ước của giới xuất bản thời nay!
Nói "không" với tin lá cải
"Nói về báo chí thời bao cấp" – nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Đặng phong nhớ lại – "điều để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất là kỹ thuật viết. Những năm đó đã hình thành nên cả một phong cách viết báo với nhiều điểm khác biệt". (ông Đặng phong là phó Tổng biên tập tạp chí Thị trường & Giá cả giai đoạn 1983-1995).
Một trong những đặc điểm của báo chí ngày ấy (mà người đọc bây giờ nhìn lại có thể thấy ngạc nhiên) là thói quen sử dụng mẫu câu "dưới ánh sáng của…". ông Đặng phong kể lại một câu chuyện tiếu lâm thời đó: Thủ trưởng đến thăm nhà nhân viên, thấy nhà dán rất nhiều văn bản nghị quyết đại hội này, hội nghị kia, phát biểu của đồng chí này, diễn văn của đồng chí kia. Thủ trưởng ngạc nhiên hỏi vì sao, nhân viên trả lời: "Thưa anh, đề phòng mất điện ạ".
Kể chuyện này để thấy rằng cụm "dưới ánh sáng của…" đã trở thành một mẫu câu kinh điển trong báo chí thời đó.
Một đặc điểm khác của báo chí trước đổi mới – có thể khá lạ đối với độc giả thời nay – là không đưa tin lá cải, hiểu theo nghĩa những tin tức giật gân, có liên quan tới bạo lực, tình dục hoặc đời tư người nổi tiếng. Cánh phóng viên văn hóa – văn nghệ thời đó chẳng phải nhọc lòng "săn tin" về đời sống cá nhân và gia đình của các nghệ sĩ như ngày nay. Thi thoảng mới có một tin kiểu như "Ca sĩ Thanh Hoa về thăm trường cũ", hoặc "Diễn viên Trà Giang với những kỷ niệm về Bác Hồ", v.v. Nếu cứ nhìn vào các tin văn hóa trên báo chí bây giờ, các nghệ sĩ hẳn thấy báo chí ngày trước quá "hiền lành". Không có chuyện bới móc đời tư, không có khái niệm chụp ảnh trộm (paparazzi). Những loại tin mà phóng viên bây giờ gọi đùa là "trộm – nghiện – lừa – cướp – giết – hiếp" lại càng không xuất hiện trên mặt báo thời đó, có lẽ vì người ta nghĩ báo chí không có chức năng phản ánh các hiện tượng tiêu cực đen tối trong xã hội. Các nhà báo quán triệt sâu sắc tinh thần "Nói 'không' với tin lá cải".
Điển hình tốt và điển hình xấu
Báo chí còn thường xuyên xây dựng những tấm gương đạo đức, người tốt việc tốt. Thông qua phản ánh của báo chí, nhiều cơ sở sản xuất, đơn vị anh hùng, điển hình tiên tiến trong lao động thời đó trở thành hình mẫu điển hình của xã hội. Có thể nhắc tới những hợp tác xã Định Công, Vũ Thắng (nông nghiệp), hợp tác xã Thành Công (thủ công nghiệp), công trường Kẻ Gỗ (thủy lợi), trường Bắc Lý, v.v… Mỗi lĩnh vực đều có một lá cờ, một con chim đầu đàn.
Tất nhiên, thời nào cũng vậy, báo chí đều có chức năng phê bình, phản biện xã hội. Biểu dương cái tốt thì đồng thời cũng phải lên án cái xấu. Những cái xấu, những đối tượng tiêu cực điển hình bị phản ánh hồi đó là lãnh đạo quan liêu, xa hoa lãng phí, xa rời quần chúng; công nhân lười biếng, thiếu tinh thần trách nhiệm, không vươn lên làm chủ tập thể; nông dân đầu óc nặng tư hữu; tư thương (tức phe phẩy) sinh hoạt phè phỡn; bọn phản động trong nước và các thế lực bành trướng, thù địch bên ngoài.
Tuy vậy, trong cuộc đấu tranh chống cái xấu này, đôi khi cũng xảy ra hiện tượng báo chí "đánh quá đà" do tả khuynh, quá khích. Năm 1983, tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ an và một số tỉnh khác, có chiến dịch Z.30 khám xét và tịch thu những ngôi nhà hai tầng trở lên bị hàng xóm tố cáo là khá giả, "có dấu hiệu làm ăn bất chính". Ngay lập tức, một loạt bài báo của một số ký giả hùa vào bới móc, "đánh hội đồng", không cần biết thực chất ra sao. Chẳng hạn, bài Những kẻ có tài sản bất minh của tác giả Quang Cát (Hà Nội Mới, số ra ngày 14/5/1983) viết:
"Gần 8 giờ sáng, chủ nhân vẫn chưa dậy, trong khi ngày làm việc của thành phố đã bắt đầu… Đoàn kiểm tra đến khám xét, hắn đã dậy và ra mở cửa phòng ngoài. Đây là loại cửa gỗ lát dày, có đánh xi bóng nhoáng, phía trên gắn kính mờ hoa dâu… phòng khách lộng lẫy, có salon, máy quay đĩa… Trong khi Hà Nội ta có bao nhiêu gia đình ở chật chội, mỗi đầu người chỉ có 1m2, thì nhiều tên làm ăn bất chính lại xây nhà, mua nhà sống xa hoa như vậy". (2)
Các nhân vật bị coi là "tiêu cực", "phản diện" thường bị báo chí gọi bằng ngôi "y", "hắn", "thị", "mụ", "bọn chúng". Một số nhà phê bình ngày nay cho rằng cách gọi đó có phần thiếu văn hóa, thiếu tính khách quan cần thiết của báo chí, tuy nhiên, đây cũng là điều bình thường trong một xã hội chưa cởi mở. Bạn đọc có thể thấy các ngôi nhân xưng cực đoan này đã không còn thật thông dụng trong khoảng thời gian chục năm trở lại đây.
Sau ngày thống nhất, báo chí hai miền hòa chung vào một tiếng nói xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những nhà báo ở Sài Gòn cũ, còn trụ lại được với nghề, thì tập trung "đầu quân" cho Tin Sáng – tờ nhật báo duy nhất còn tiếp tục hoạt động dưới chế độ mới. Trong số này, có những cây viết rất nổi tiếng như: Ngô Công Đức (chủ nhiệm), Hồ Ngọc Nhuận (chủ bút), Lý Quý Chung tức Chánh Trinh, Dương Văn Ba… Năm 1981 khi Tin Sáng ngừng hoạt động, dàn quân thiện chiến của báo tỏa về Tuổi Trẻ và Sài Gòn Giải phóng, và có những đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển của hai tờ báo này.
Một nhà báo từng cầm bút qua cả hai chế độ kể lại: "Trước năm 1975, làng báo Sài Gòn khá đông đúc, có lúc lên tới hơn 40 tờ báo ngày. Những năm đầu sau 1975, báo ngày ở Sài Gòn chỉ còn hai tờ Tin Sáng và Sài Gòn Giải phóng. Tờ Tuổi Trẻ, cho đến năm 1981 khi tôi về làm việc, vẫn còn là tuần báo".
Ở cả hai miền, báo chí đã có những bài viết với tác dụng đánh động, mở đường, góp phần cực kỳ quan trọng trên con đường đi tới sự nghiệp đổi mới. Chẳng hạn, khoảng năm 1979-1980, báo Nhân Dân đã tổ chức chiến dịch cử phóng viên xuống địa bàn viết bài "tìm hiểu các giải pháp nâng cao mức sống của nông dân" mà thực chất là điều tra nông thôn Việt Nam và phản ánh kịp thời thực trạng báo động tới lãnh đạo và nhân dân cả nước. Chính các bài viết sâu sắc, dũng cảm và khéo léo của các nhà báo như Hữu Thọ, Thái Duy… thời gian đó đã góp phần đưa tới sự nhất trí của Trung ương đối với cơ chế khoán trong nông nghiệp (Chỉ thị 100/CT ra đời tháng 1 năm 1981).
Ở phía Nam, báo chí cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những cuộc "phá rào" – chống cơ chế trì trệ bảo thủ cũ, mạnh dạn cải cách. Nếu không có sự hưởng ứng của báo chí, những người đi tìm cái mới hẳn đã không thể "tồn tại" được. Đó là các trường hợp "xé rào" của Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh, xí nghiệp Dệt Thành Công, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, v.v… Và những bài báo dưới hình thức "biểu dương các sáng kiến tháo gỡ khó khăn, ách tắc" chính là cách đắc lực để cổ vũ và khuyến khích cái mới.
20 năm sau…
Hai thập kỷ đã qua, báo chí Việt Nam vẫn tiếp tục bám sát những bước tiến của đất nước trong công cuộc đổi mới: Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, đến thời mở cửa, rồi hội nhập. Theo thời gian và vận hội mới, báo chí ngày càng hiện đại hơn, nội dung và hình thức chuyên nghiệp hơn. Ngôn ngữ viết, phong cách viết cũng đã đổi khác nhiều, kể từ khâu lựa chọn tin tức trở đi.
Nhưng có những giá trị sẽ mãi tồn tại: Đó là những chức năng căn bản của báo chí – cung cấp thông tin, kiến thức, hay bình luận, phản biện chính sách xã hội… Thực hiện chính xác và hữu hiệu những chức năng ấy, báo chí sẽ có cơ hội đồng hành cùng đất nước trên con đường tiến tới một xã hội dân chủ, văn minh và tốt đẹp hơn.
2. Tư liệu lấy từ cuốn "Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989", Đặng phong, Nhà xuất bản Tri thức tái bản năm 2009 đóng góp vào đường đến đổi mới
***Dự báo thời tiết: Có mưa rải rác, biết là ở đâu?
Năm 2008, Hà Nội chịu một trận lụt lịch sử. Năm 2009, Quảng Ngãi hứng một trận lũ, cũng lại "lịch sử". Quá trình thanh minh và tranh cãi giữa cơ quan khí tượng và những người chỉ trích nha khí tượng dự báo sai vẫn còn tiếp tục. Song, hình như chúng ta quên mất vai trò và trách nhiệm của một lực lượng rất quan trọng: giới truyền thông.
Xin trình bày vắn tắt cuộc tranh luận giữa chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia để bạn đọc dễ theo dõi:
- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phạm Đình Khối: Chúng ta không thể chấp nhận kiểu dự báo như bên khí tượng vừa rồi. Bệnh chủ quan cộng với dự báo sai đã đưa đến những hệ lụy ghê gớm. (30/9)
- Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Văn Sáp: Bão số 9 (3) đã được dự báo kịp thời… Khi các bản tin cảnh báo về bão số 9 của chúng tôi phát đi, không có bản tin nào là vắng tên tỉnh Quảng Ngãi. (1/10)
- Bộ Tài nguyên Môi trường: Dự báo (của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia) là tương đối sát với diễn biến bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi… Nhận định (dự báo thời tiết sai) là phủ nhận cố gắng, công sức của hàng nghìn cán bộ, nhân viên ngành khí tượng thủy văn. (ngày 3/10)
- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phạm Đình Khối: Tôi vẫn xác nhận rằng việc dự báo cơn bão số 9 riêng với tỉnh Quảng Ngãi là không đúng. (đêm 3/10)
Kiểm tra lại các bản tin về bão số 9, một cách cẩn thận, tập trung, sẽ thấy đúng là tính ra, Quảng Ngãi nằm trong vùng bán kính ảnh hưởng của bão. Nhưng đấy là nếu tập trung "tính ra". Còn nếu chỉ nghe "qua loa" (tức là nghe qua phát thanh, truyền hình), hoặc lướt mắt trên trang báo, thì đa số dân thường chắc không thể biết bão chạy về "Quảng" nào.
Như vậy, phải chăng vấn đề còn nằm ở những người diễn giải và đưa thông tin về thời tiết đến công chúng? Đó chính là lực lượng truyền thông.
Vai trò quan trọng của các "cô thời tiết"
Hiện nay, việc chuyển tải thông tin về môi trường – thời tiết, trong đó có thiên tai hiểm họa, được thực hiện qua các kênh truyền thông chính: truyền hình, phát thanh, báo chí (báo in, báo điện tử), và hệ thống đài phát thanh duyên hải. Trong đó, phủ sóng rộng nhất là truyền hình và phát thanh.
Hiểu đơn giản, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cùng 9 đài khí tượng thủy văn khu vực và các trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, đóng vai trò như "nhà sản xuất" tin thời tiết, còn cơ quan truyền thông có chức năng "chế biến và phân phối": chuyển những sản phẩm "thô" với các từ ngữ chuyên môn đó sang bản tin thời tiết với các từ ngữ thông dụng, dễ hiểu để phổ cập tới cộng đồng.
Như ông Trần Văn Sáp, phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từng phát biểu: "Đúng là trong ngành khí tượng có nhiều khái niệm chuyên môn khá sâu như: tâm bão, mắt bão, ảnh hưởng hoàn lưu… đòi hỏi phải trao đổi kỹ thì mới có thể thống nhất hiểu nhau".
Nói như vậy, đủ thấy vai trò quan trọng của các "cô gái (và cả chàng trai) thời tiết", các "phóng viên thời tiết": Không chỉ đưa tin, kết hợp với bên khí tượng, họ còn phải diễn đạt thông tin một cách chính xác, nhưng theo hướng rõ ràng và dễ tiếp cận nhất, sao cho công chúng có thể hiểu và sử dụng được. Và nói như ông Vũ anh Tuấn, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia), thì, "sau cơ quan dự báo, họ (các phóng viên môi trường, các phát thanh viên thời tiết) bắt buộc phải là những người hiểu nhất về môi trường, khí hậu, thời tiết, thiên tai… thì mới truyền đạt thông tin đến công chúng được. Một khi đã hiểu thì sẽ rất dễ dàng truyền đạt".
Một nguyên tắc chung của truyền thông là: Không có vấn đề gì là không thể giải thích cho người bình thường hiểu được; không giải thích được chẳng qua là do bản thân chưa hiểu rõ và/hoặc khả năng truyền đạt kém mà thôi.
"Nhiều mây, có mưa vài nơi…"
Từng có 10 năm kinh nghiệm trong nghề dự báo thời tiết, ông Vũ anh Tuấn kể lại một câu chuyện: Gần đây, ở Hong Kong, người ta làm một khảo sát nhằm tìm hiểu đánh giá của xã hội về chất lượng dự báo của cơ quan khí tượng. Kết quả nhận được là, đa số người được hỏi cho rằng nha khí tượng hoạt động tốt lên rất nhiều, chất lượng bản tin thời tiết tiến bộ rất đáng kể trong vòng 10 năm qua.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong thời gian 10 năm đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về môi trường và thời tiết cũng đã được làm rất tốt ở Hong Kong. "Truyền thông đến từng người dân, làm cho mọi người đều hiểu được về bản chất của mỗi hiện tượng thiên nhiên, về thời tiết, khí hậu. Chính sự gia tăng hiểu biết đó đã làm người ta quay lại đánh giá chất lượng bản tin thời tiết là tốt lên rất nhiều" – ông Tuấn cho biết.
Còn ở ta thì sao? Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn nói như than thở: "Người dân không có kiến thức căn bản về thời tiết và công việc dự báo, chỉ biết một cách chung chung và cảm tính thế này là nắng thế kia là mưa. Thấy trời nắng mà dự báo bảo mưa là kêu ầm lên ngay. Thấy dự báo bảo "không khí lạnh về" là không khí lạnh phải về ngay, lạnh ngay cơ!".
Tuy vậy, khó mà trách được công chúng ở ta không biết, không hiểu những kiến thức căn bản về khí tượng thủy văn, ví dụ mây có bao nhiêu loại, tốc độ gió có bao nhiêu cấp, thế nào là "nhiều mây", "có sương mù nhẹ", mưa "ở vài nơi" thì khác gì với mưa "rải rác"…? ai mà phân biệt nổi "hơi có mây", "có mây", "nhiều mây", "đầy mây", "không có mây" và "trời nắng"? Bao nhiêu người trong chúng ta đã nghe những câu như thế này tới hàng nghìn lần trong đời: "Khu vực Hà Nội: Nhiều mây, có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù nhẹ, gió đông đến đông nam cấp 2-3. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù nhẹ rải rác".
Không biết mấy người trong chúng ta hiểu ngay rằng – theo một số chuẩn quốc tế – "nhiều mây" tức là mây chiếm 6-7% diện tích bầu trời (bao phủ trên địa phương đang xét), "có mưa vài nơi" tức là 2-5% diện tích Hà Nội có mưa. "Sương mù nhẹ rải rác" tức là 15-35% diện tích khu vực có sương mù.
Những câu dự báo như thế đã thành nhàm trong các bản tin thời tiết trên truyền hình, phát thanh, báo chí. Ta nghe thấy chúng rất nhiều, nhưng hầu như chẳng mấy ai thực sự hiểu ý nghĩa của chúng, nên sự lơ đãng càng tăng thêm. Chính sự lơ đãng của công chúng tác động ngược trở lại, làm cho những phần thông tin quan trọng của bản tin dự báo thời tiết bị mất tác dụng cảnh báo.
Vụ bão số 9 vừa qua là một ví dụ điển hình về sự "lệch pha" giữa bên truyền đạt thông tin và bên tiếp nhận. Người dân chỉ thấy các phát thanh viên thời tiết dẫn trên truyền hình hoặc đọc trên loa phóng thanh: "Đến 22h ngày 29/9, vị trí tâm bão vào địa phận tỉnh Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, tức là từ 62 đến 88 km một giờ, giật cấp 10. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km". Các phóng viên báo viết thì bê nguyên xi bản tin lên trang. Vẫn là sự "đều đều" quen thuộc. Không biết có nhiều người trong số khán thính giả, độc giả vội vã rút bút để tính toán, xác định được Quảng Ngãi hay một địa phương nào đó có nằm trong vùng ảnh hưởng hay không, mà nếu bị ảnh hưởng thì sẽ đến mức nào.
Tất nhiên, những người có công việc hoặc kiến thức chuyên môn liên quan trực tiếp thì bắt buộc phải hiểu, ví dụ ngư dân hay các cơ quan phòng chống thiên tai. Dẫu vậy, có thể thấy lối diễn giải "đều đều" quen thuộc, thiếu sự nhấn mạnh cần thiết, đã làm mất tác dụng cảnh báo của thông tin. Đến khi thiên tai xảy ra, gây thiệt hại, người dân mới "phản ứng một cách chung chung và cảm tính" là trút hết trách nhiệm lên đầu "ông" khí tượng.
Làm sao đẩy mạnh tác dụng của truyền thông?
Để truyền thông phát huy vai trò trong phòng chống thiên tai, có lẽ trước hết, các phát thanh viên thời tiết, các nhà báo trong lĩnh vực môi trường phải thực hiện được tốt công việc diễn giải và truyền đạt thông tin tới cộng đồng, như ông Vũ anh Tuấn có nói: "Bản thân người nói phải cực kỳ hiểu vấn đề thì người nghe mới hiểu. Người nói phải hiểu thì mới dám chỉ tay chính xác chỗ này có mưa, chỗ kia mây thay đổi".
Có vẻ như lâu nay công việc này không được coi trọng, bằng chứng là ở các báo thường không có những phóng viên chuyên viết về môi trường; còn đội ngũ phát thanh viên thời tiết ở các đài truyền hình thì vẫn thường xuyên nhận nhiều ý kiến chê, thậm chí có khán giả đặt thẳng vấn đề: Dự báo thời tiết có cần phải diễn?
Một nghiên cứu sinh báo chí người Việt ở anh nhận xét về các phát thanh viên thời tiết của Truyền hình BBC bản địa: "Tôi thấy đa dạng lắm, trẻ 24-25 tuổi có, già 60 tuổi cũng có. phong cách ăn mặc cũng đa dạng nhưng có vẻ không trịnh trọng như ở Việt Nam, có anh thì veston, cà vạt, có anh thì sơ mi ngắn tay không cà vạt, có chị mặc áo thun không cổ, váy đơn giản. Có cả phát thanh viên đang mang bầu nữa. Họ không dùng từ chuyên môn gì, nói dễ hiểu, tất nhiên là rất nhanh, thông tin dồn dập, vì họ chỉ có khoảng một phút thôi. Họ luôn tỏ ra hiểu rõ những gì mình nói, nhưng những gì họ nói thì cũng đơn giản, nên đương nhiên họ hiểu điều họ nói rồi. Ngoài ra, họ cũng dùng đồ họa động, chẳng hạn chỉ rõ mây bay từ chỗ này tới chỗ kia… làm khán giả rất dễ hình dung".
Tất nhiên, sẽ là không công bằng nếu chỉ trích các chàng trai và cô gái thời tiết của chúng ta nói mà hoàn toàn chẳng hiểu gì. Trên thực tế, phát thanh viên thời tiết đều được đào tạo sơ qua, ít nhiều về khí tượng thủy văn. Vấn đề có lẽ nằm ở phong cách trình bày và phần đặc biệt quan trọng là diễn giải thông tin, trong một thời lượng phát sóng có hạn.
Ông Vũ Anh Tuấn đề xuất gợi ý, nên có một kênh truyền hình dành riêng cho thời tiết, phủ sóng toàn quốc (gồm cả đất liền và các vùng biển). Ngoài ra, trong bản tin thời tiết, phát thanh viên có thể nhấn mạnh, lặp lại nhiều lần những thông tin quan trọng, đồng thời giải thích rõ để khán giả dễ tiếp thu. Sự lặp đi lặp lại này có tác dụng "mưa dầm thấm lâu", giúp người nghe hiểu và ứng dụng được kiến thức.
Bên cạnh đó là việc sử dụng các yếu tố đồ họa động để bản tin thêm sinh động và dễ hiểu, đưa kiến thức sơ đẳng về khí tượng thủy văn vào trường học, các chương trình tuyên truyền, v.v… Có lẽ giải thích và phổ cập những thuật ngữ khí tượng thủy văn (đã trở thành chuẩn quốc tế), như "nhiều mây", "mây thay đổi"…, không quá khó khăn. Thế nhưng, ngay đến trang web của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng không công bố chúng. Dân thường muốn tìm hiểu chẳng biết phải hỏi ai.
Cũng nói về hiệu ứng "mưa dầm thấm lâu", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu (Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: "Truyền thông cần đẩy mạnh thông tin về ảnh hưởng của thiên tai đối với cuộc sống để người dân nâng cao cảnh giác, theo kiểu 'mưa dầm thấm lâu'. Chẳng hạn, khái niệm biến đối khí hậu ảnh hưởng đến người dân vẫn còn hạn chế thì phải nâng cao tuyên truyền… Hệ thống truyền thông cũng cần thay đổi cách tiếp nhận và truyền đạt thông tin từ cơ quan chuyên môn… Nếu sử dụng một cách quá "khoa học" thì không gây được sự chú ý vì người tiếp nhận sẽ có cảm giác xa lạ với thông tin ấy".
Khi người dân đã có kiến thức tốt hơn, họ sẽ có thể kiểm định được độ chính xác của dự báo thời tiết và quy trách nhiệm, để không còn phải nghe thanh minh "đã là dự báo thì có đúng có sai", "thiên tai thì không tính trước được"… để dự báo thời tiết không còn là đánh bạc.
Năm 2008 lụt giữa lòng thủ đô, làm chết hơn 20 người. Năm 2009, bão số 9 đổ vào miền Trung, làm tổng cộng 163 người thiệt mạng. Lần nào thiên tai cũng gây thiệt hại lớn về người và của. Lần nào dư luận cũng đặt câu hỏi về chất lượng chuyên môn của hoạt động dự báo thời tiết và trách nhiệm của cơ quan khí tượng.
Và cơ quan khí tượng thủy văn thì vẫn luôn đưa ra các lý do giải thích: nhân lực mỏng và yếu, thiết bị chưa đủ hiện đại. Nguyên nhân sâu xa là vấn đề nguồn lực: thu nhập cho người làm nghề không cao (nên không thu hút được nhân sự chất lượng cao vào ngành), kinh phí Nhà nước cấp không đủ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, v.v…
Trong khi chờ những điều này thay đổi, chúng ta có thể cải thiện một yếu tố khác, đó là vai trò của giới truyền thông trong hoạt động phòng tránh thiên tai.
3. Bão số 9 có tên quốc tế là Ketsana, hình thành từ một áp thấp nhiệt đới. Chiều 29 tháng 9 năm 2009, bão số 9 đi vào địa phận các tỉnh từ Quảng Nam tới Quảng Ngãi và gây thiệt hại rất lớn về người và của.
***Internet, tường lửa và sự "không tưởng" trên mạng
Từ khi Internet chính thức vào Việt Nam (tháng 11 năm 1997) cho đến trước khi mạng xã hội bùng nổ (đầu năm 2006), chưa bao giờ mà câu hỏi về cách chúng ta sử dụng và xử lý Internet lại thu hút mối quan tâm của xã hội lớn đến như vậy.
Tính đến tháng 9 năm 2009, ở Việt Nam có 21.963.117 người sử dụng Internet, chiếm 25,6% dân số (số liệu mới nhất của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông). Đối với gần 22 triệu người dùng đó, Internet mở ra cả một thế giới mới, mà giá trị lớn nhất nổi lên là thông tin, thông tin và thông tin. Sau thông tin là kiến thức. Thứ đến là quan hệ, thông qua các diễn đàn, mạng xã hội, blog.
Nhưng song hành với những lợi ích mà Internet mang lại là các mặt tiêu cực của nó. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII (tháng 11 năm 2009), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã có ý kiến chính thức nêu rõ những nhược điểm lớn của Internet: "Thứ nhất, cung cấp thông tin độc hại có dụng ý xấu. Thứ hai, lôi kéo tập hợp chống chính quyền, chống Nhà nước đương nhiệm…".
Để hạn chế mặt có hại của Internet, cơ quan quản lý Nhà nước lâu nay vẫn sử dụng chủ yếu là các biện pháp kỹ thuật, ví dụ dựng tường lửa. Muốn biết đây có phải là một cách làm hiệu quả hay không, trước hết chúng ta cần xem xét mức độ gây hại của Internet đến đâu.
Internet: cực đoan, quá khích…
Có một thực tế là, trên không gian mạng, người ta rất dễ bị đẩy tới mức quá khích. Chẳng hạn, từ lâu Internet đã bị coi là môi trường lý tưởng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển. Trung Quốc là một trong những ví dụ rõ nét: Internet đã tạo ra một dòng chảy thông tin giữa dân chúng đại lục với cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, kết nối người Hoa toàn cầu trong một tinh thần dân tộc rất mạnh mẽ. Mặt trái của nó chính là chủ nghĩa cực đoan: Năm 1999, khi máy bay Mỹ ném bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, làn sóng phẫn nộ lan tràn trên không gian mạng. Website của Nhà Trắng bị sập vì ngập lụt trong hàng nghìn email chửi rủa từ Trung Quốc. Hacker còn tấn công website của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, chèn dòng chữ "Đả đảo bọn man rợ" lên trang chủ.
Ở Việt Nam cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Internet là môi trường nuôi dưỡng sự cực đoan: Thường xuyên dấy lên những cuộc tranh cãi (ngôn ngữ forum gọi là "ném đá") khốc liệt trên không gian mạng, với vô số nhận xét chủ quan, gay gắt, quy chụp, những lời thóa mạ, mạt sát nhau tàn tệ.
… nhưng vô hại…
Nhưng, cho dù nhiều người dùng có cực đoan, quá khích, điều thú vị là Internet, yahoo Messenger, Facebook, YouTube v.v. lại không phải cái gì đáng sợ đối với xã hội. Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia khi nghiên cứu về mối liên quan giữa Internet với chính trị. Nói cách khác, họ cho rằng: ảo vẫn là ảo; Internet không gây tác động gì đáng kể lên chính trị.
Chẳng hạn, người ta có thể tưởng rằng ứng cử viên Barack Obama làm chính trị thành công – tức là trở thành Tổng thống của nước Mỹ, là nhờ "phe Obama" biết sử dụng Internet, nhất là mạng xã hội, như một công cụ tuyên truyền đắc lực. Nhưng nói cho đúng, Obama đắc cử Tổng thống không phải nhờ truyền thông Internet, mà là do tổng hợp nhiều nguyên nhân khác, như: Chính quyền của Bush (đảng Cộng hòa) đang sẵn bị dân chúng chán ghét (điều bất lợi cho đối thủ John McCain của Obama); nước Mỹ đang cần một gương mặt trẻ trung để vực dậy tinh thần trong khủng hoảng v.v. Nếu nói mạng "ảo" đã làm nên thành công "thực" của Barack Obama thì thật sai lầm.
Tương tự, Internet cũng chưa bao giờ làm nên những cuộc cách mạng hay những vụ bạo động, lật đổ ở các nước trên thế giới. Chưa một chính thể nào bị sụp đổ vì thế giới ảo cả.
… và không tưởng!
Tuy vậy, vẫn phổ biến quan điểm cho rằng Internet có sức mạnh tập hợp, lôi kéo người dùng vào những hoạt động chính trị có tổ chức, gây biến động xã hội. Quan điểm này đặc biệt phổ biến ở chính những "con nghiện Internet" Việt Nam. Mất quá nhiều thời gian trong một thế giới ảo, tiếp xúc với quá nhiều quan hệ ảo, làm nảy sinh vô số ảo tưởng. Có thể nói "các nhà cách mạng" trên mạng là những người mắc chứng không tưởng nặng nhất. Một biểu hiện của chứng "bệnh" này là "bệnh nhân" tưởng những người xung quanh mình trong cuộc sống thực, ai cũng như mình: ai cũng có cùng những mối quan tâm, hiểu biết, suy nghĩ như mình; dân trí đã cao hơn; xã hội Việt Nam đã "Tây hóa" hơn; thế giới đã "phẳng" hơn v.v…
Một số ít "hot blogger" còn trở thành nạn nhân của bệnh "không tưởng" một cách vô thức: nghĩ rằng mình nổi tiếng và có ảnh hưởng, thèm được nổi tiếng và có ảnh hưởng; và do đó, họ làm nhiều cách quá khích để "câu" page views (lượt người xem) nhằm thu hút, duy trì sự chú ý của cộng đồng mạng. Họ đã quên (hoặc không biết) rằng thực sự ở Việt Nam, chỉ mới có một phần tư dân số sử dụng mạng, và không phải ai trong gần 22 triệu người đó cũng là thành viên của một diễn đàn hoặc một mạng xã hội nào đó. Có blogger Việt từng tính toán ra một kết quả khá bi quan rằng số người ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội chỉ khoảng 400-500.000. rất có thể, do lượng blogger chỉ chừng vài trăm nghìn như vậy nên trở thành nổi tiếng trong cộng đồng blogger cũng không quá khó; và đó là lý do khiến một vài blogger nổi tiếng càng dễ mắc bệnh "không tưởng" hơn.
Do hành động dựa trên những ý nghĩ "không tưởng" như thế, nên nhìn chung các blogger từ trước đến nay không làm điều gì ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới xã hội. Đó là một thực tế.
Ảo vẫn là ảo
Đúng là Internet, đặc biệt là blog, đã tạo nên một cộng đồng mạng ở mỗi quốc gia nó có mặt. Cộng đồng đó có thể cởi mở, hiện đại và có mặt bằng hiểu biết cao hơn phần dân số còn lại, do họ được tiếp xúc với nhiều thông tin và kiến thức hơn.
Nhưng chỉ thế mà thôi, ảo vẫn cứ là ảo.
Bên cạnh thông tin, kiến thức và nhiều ích lợi khác, không may là Internet còn nuôi dưỡng cả tinh thần cực đoan, phá phách. Nhưng cũng chỉ thế mà thôi, ảo vẫn cứ là ảo. Và điều quan trọng là, chúng ta có thể tin rằng khi lựa chọn, số đông người dùng Internet Việt Nam sẽ hướng đến Internet như một công cụ để giải trí, làm ăn, học tập; những người sử dụng nó vì mục đích chính trị sẽ chỉ là một nhóm nhỏ, không có sức mạnh thực tế đáng kể.
Một ví dụ gần với chúng ta: Theo nhà nghiên cứu Evegeny Morozov trong một bài viết cho tờ Boston review, giới trẻ Trung Quốc – nếu có thể lên các mạng bên ngoài mà không bị hạn chế nào, chắc chắn sẽ thích vào các website giải trí để download phim ảnh, ca nhạc hơn cả: "Chúng ta có thể mong đợi họ – rất nhiều trong số này là thanh niên – đổ xô vào download (tải xuống) báo cáo mới nhất của tổ chức ân xá Quốc tế, hay đọc về pháp Luân Công trên Wikipedia chăng? Hay là họ sẽ lựa chọn The Soprano, hoặc tập phim James Bond mới nhất? Tại sao lại giả định họ sẽ đột nhiên đòi hỏi nhiều quyền lợi chính trị hơn là các phim truyền hình Friends hay Sex in the City mà họ xem trên Internet?".
Thay từ "Trung Quốc" bằng "Việt Nam", ta sẽ thấy tình hình cũng tương tự: Nếu giới trẻ Việt Nam được tự do vào mạng mà không bị hạn chế nào, thì liệu họ có đổ xô đi tìm hiểu về dân chủ, xã hội dân sự, lịch sử tranh chấp chủ quyền Trường Sa-Hoàng Sa, hiến pháp Mỹ, đạo Tin Lành, Công giáo, người Thượng ở Tây Nguyên, người Hồi giáo ở Tân Cương, phật giáo Tây Tạng v.v.? Hay là họ sẽ lựa chọn xem các clip và ảnh nóng, tải bài hát trong "Bỗng dưng muốn khóc"?
Cách ứng xử nào hợp lý với Internet?
Các biện pháp kỹ thuật mà cơ quan quản lý Nhà nước đang tiến hành, ví dụ dựng tường lửa, có tác dụng phần nào trong việc ngăn ngừa cộng đồng mạng tiếp xúc với những thông tin có hại, web đen, web xấu… Nhưng chắc hẳn chúng không trừ được tận gốc căn bệnh cực đoan và không tưởng của một bộ phận cư dân mạng. Thêm nữa, vì những lý do đã nêu trên, suy cho cùng thì những tác động tiêu cực đó cũng không đủ biến cộng đồng mạng thành một mối nguy hiểm đối với xã hội.
Cách ứng xử hợp lý với Internet có lẽ là trên tinh thần như nhiều nhà lãnh đạo, quan chức và học giả ở Việt Nam đã phát biểu. Một trong số đó, nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, khẳng định: "Không thể vì có một số tiêu cực mà không mở Internet, vì đây là một mũi nhọn trong phát triển khoa học công nghệ… Không thể nào phát triển đất nước trong hội nhập quốc tế mà lại không phát triển Internet".
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp thì phát biểu trước Quốc hội: "xử lý các biện pháp kỹ thuật nhiều, thì nó lại tạo ra ách tắc, nghẽn tắc và ảnh hưởng tới (sự) thông suốt trong thông tin. Tất nhiên khi cần làm thì vẫn phải làm nhưng đây không phải là giải pháp tối ưu".
Vậy giải pháp tối ưu có thể là gì? Là phát triển Internet, đảm bảo tính thông suốt của thông tin, và tin tưởng ở người dùng Internet Việt Nam: Nếu tự do thông tin, với bản lĩnh và trình độ hiểu biết được nâng cao, họ sẽ tự biết cách lựa chọn cái gì hữu ích cho mình và tự chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm.
Để kết thúc bài này, xin mượn lời của Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, phát biểu năm 2007 nhân dịp 10 năm Internet vào Việt Nam: "Thế giới mạng vừa là cơ hội vừa là cạm bẫy. Là cơ hội cho những ai ham học hỏi, thích sáng tạo và có bản lĩnh. Là cạm bẫy đối với những ai ham chơi, tham lam và nhẹ dạ".
Tiếp theo: QUAN HỆ VIỆT-TRUNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét