Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Hà Hiển : Về loạt bài “Tổng Bí thư” của Lê Mai

Nguồn hahien

Những bài viết của Lê Mai rất đáng tham khảo vì chúng đầy ắp những tư liệu thú vị mà chỉ những người "trong hệ thống" (chữ dùng của Anh Ba Sàm khi nói về bác Lê Mai) mới có được một cách khá đầy đủ.

Chẳng hạn như bài viết  trong loạt bài về đề tài "Tổng Bí thư" mà chủ blog tôi xin phép bác Lê Mai được đăng lại dưới đây.

Vì blog Lê Mai không để chế độ bình luận (comment) nên chủ blog tôi xin được bình luận ở đây về bài viết này của tác giả như sau:

1) Việc phế truất Trần Xuân Bách xảy ra vào thời ông Nguyễn Văn Linh (NVL) làm Tổng Bí thư
2) Cuộc gặp Thành Đô, với chủ trương "đoàn kết với TQ để bảo vệ CNXH" cũng là sáng (hay tối?)  kiến của NVL
3) NVL cũng là người không ưa Trần Độ và những người có xu hướng cấp tiến khác trong ĐCSVN

Vì thế VN mất một vài cơ hội không dễ xảy ra lần thứ hai cũng một phần do "công lao" của NVL

Đã nói đến "Tổng Bí thư" thì không thể không nói đến Lê Duẩn, một người nổi tiếng về cả sự quyết đoán, trí thông minh và cả những sai lầm đã để lại dấu ấn khó có thể gột bỏ được trong lịch sử. Nhưng ngoài những sai lầm nổi tiếng của mình, chắc chắn phải có những lý do rất xác đáng khiến một người cộng sản cấp tiến và sáng suốt như Võ Văn Kiệt lại đánh giá rất cao ông Duẩn và suy tôn ông bằng biệt danh "ông một trăm ngọn nến"

Ông Lê Duẩn chết trước khi cái gọi là CNXH ở Liên Sô và các nước Đông Âu sụp đổ nên những sai lầm của ông Duẩn còn có thể bào chữa được   Tôi tin ông Duẩn có xu hướng cấp tiến hơn ông Linh vì bản chất độc lập tự chủ, không bảo thủ và quyết đoán của ông. Nếu ông Duẩn vẫn là TBT vào những năm 90 thì rất có thể sẽ không có cuộc gặp ở Thành Đô. Đó cũng chỉ là giả thiết vì ông Duẩn đã mất trước đó. Nhưng những người cấp tiến và cũng "trong hệ thống"(*) như ông Võ Văn Kiệt đánh giá rất cao ông Duẩn thì tôi tin vào điều ấy. 

Ông Duẩn có nhiều những lý do khách quan vào cái thời của ông để mắc sai lầm hơn là các "đồng chí" của ông bây giờ. Tôi tin rằng nếu còn sống đến thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nền văn minh trí tuệ ngày nay, kinh tế tri thức ngày nay, ông sẽ thay đổi nhiều hơn chứ không bảo thủ ghê gớm như những "đồng chí" của ông sau này. 

Xin được dừng phần bình luận chủ quan của chủ blog này ở đây và xin trân trọng đăng lại  bài viết gần đây nhất trong loạt bài của tác giả Lê Mai về chủ đề "Tổng Bí thư" và xin cám ơn tác giả:

Tổng bí thư (3)

Tác giả: Lê Mai

Tháng Năm 16, 2012 — Lê Mai

"Họ chỉ biết huyênh hoang nói những điều cao xa, lý thuyết trừu tượng về cách mạng, về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa nhưng không thể bắt tay giải quyết được một công việc thực tế cụ thể nào cho ra hồn" – Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

"dưới ngòi bút dẫu có nghìn lời, trọng bụng không được một mẹo" – Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Cho đến nay, VN đã có ba nhân vật nắm chức Tổng bí thư từng làm Chủ tịch Quốc hội, cũng tức là từ chỗ nắm "cơ quan quyền lực cao nhất" trên danh nghĩa tiến đến nắm "cơ quan quyền lực cao nhất" trên thực tế. Hơn một thập kỷ gần đây, liên tiếp có hai người từ Chủ tịch Quốc hội lên làm Tổng bí thư. Hai người đó là ai, chúng ta đều đã rõ.

Một người lúc nào tóc cũng chải rất mượt, miệng cười rất tươi khoe hàm răng trắng bóng, chắc khỏe, mọi lời nói, động tác, cử chỉ của ông ta chẳng khác gì một diễn viên điện ảnh trước ống kính. Ông ta đã nghỉ hưu, nghe nói vừa tục huyền ở cái tuổi "xưa nay hiếm".

Đó là tình nhà, vậy còn nợ nước?

Có một câu chuyện rất kỳ lạ. Một hôm, Tổng bí thư Hà Huy Tập nhận được một bức thư của vợ – lời kể của nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu trong những ngày bị cầm cố, biệt giam với Tổng bí thư. Mọi người nhận thấy Tổng bí thư đột nhiên bị khủng hoảng tinh thần, Ông đi đi lại lại trên sân giếng, nện gót chân, thỉnh thoảng tay đấm vào không khí. Sáng, chiều lúc nào cũng như vậy. Uống bao nhiêu thuốc ngủ cũng không ngủ được. Ông Giàu hỏi nhỏ nhiều lần, Tổng bí thư mới nói là vợ đã quyết định ly dị để lấy người bạn thân của chính ông. Từ đó, Tổng bí thư càng không ăn, không ngủ được, người đã gầy còm càng gầy còm thêm. Phải đưa Tổng bí thư đi nhà thương Chợ Quán, không thì ông chết mất.

Thế mà, không đầy một tuần sau, Tổng bí thư trở về khám, vui vẻ như thường. Ai chữa, uống thuốc gì mà lại hết bệnh nhanh vậy?

Số là Hà Huy Tập gặp Tạ Thu Thâu, lãnh tụ đệ tứ tại nhà thương Chợ Quán. Hai lãnh tụ đệ tam và đệ tứ bất ngờ đụng đầu nhau, họ tranh luận với nhau hết sức sôi nổi về cách mạng, về đất nước, về đường lối. Cãi nhau rồi ăn cơm, ăn cơm rồi tiếp tục cãi nhau kịch liệt, bất phân thắng bại. Đêm ấy, sau trận khẩu chiến, Tổng bí thư ngủ một giấc tới sáng trưa, ăn cơm rồi lại ngủ. Bệnh mất ngủ của Tổng bí thư dứt hẳn, khỏi phải uống thuốc gì hết! Nợ nước, tình nhà là như vậy đó!

Trở lại với Tổng bí thư vừa có bài thuyết giảng về tính "ưu việt của CNXH" tại Cuba gây chấn động dư luận thế giới. Lịch sử đôi khi trở nên điên rồ – nếu có thể nói như vậy, vì một vài sự kiện. Cuba, mảnh đất anh hùng bên kia bán cầu, lại diễn ra nhiều sự kiện thật đặc biệt, làm cho những ai quan tâm tới lịch sử các Tổng bí thư và thời cuộc không khỏi cảm thấy "lạ lùng".

Thế nhưng, năm 1989, trong chuyến thăm Cuba sau khi dự Quốc khánh Ấn Độ, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh không có một bài giảng nào về tính "ưu việt của CNXH" ở đấy. Và thay vì trở về Hà Nội theo kế hoạch, ông ra lệnh từ La Habana bay thẳng về Tân Sơn Nhất để ngày hôm sau chủ trì một hội nghị bàn về xuất khẩu gạo tổ chức tại Saigon. Điều này lúc bấy giờ không mấy ai nghĩ tới, vì chỉ một năm trước thôi, cả nước có hơn 7 triệu người lâm vào nạn đói. Quả nhiên, năm ấy, VN đã xuất khẩu gạo và đây là một trong những thành quả bước đầu của công cuộc đổi mới mà thực chất là trả lại quyền làm ăn cho người dân.

Nguyễn Văn Linh nhận thấy, lối tư duy cũ kỹ, giáo điều, lạc hậu là một lực cản rất lớn đối với công cuộc đổi mới. Đánh giá về những người nhân danh CNXH, nhân danh lập trường cách mạng…để ngăn cản công cuộc đổi mới, Tổng bí thư nói:

"Họ chỉ biết huyênh hoang nói những điều cao xa, lý thuyết trừu tượng về cách mạng, về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa nhưng không thể bắt tay giải quyết được một công việc thực tế cụ thể nào cho ra hồn".

Câu nói rất hay, rất sâu sắc của Nguyễn Văn Linh thực sự là một bài học cho các nhà lãnh đạo, càng nghe chúng ta càng thấy rõ tính thời sự của nó. Rõ ràng, không phải cứ mang danh là "nhà nho", là Giáo sư hay Tiến sỹ mà có thể cao giọng thuyết giảng bất chấp thực tế, bất chấp quy luật khách quan và tri thức của loài người đã tích lũy hàng ngàn năm.

Và gần 2 ngàn năm trước, nhà chính trị, quân sự đại tài Khổng Minh Gia Cát Lượng cũng từng nói về bọn "hủ nho":

"Nho cũng có nho quân tử, cũng có nho tiểu nhân. Nho quân tử thì trung vua yêu nước, giữ chính ghét tà, chăm những sự ơn khắp một đời, tiếng để đời sau. Còn như nho tiểu nhân thì chỉ chăm một việc văn chương, khéo nghề nghiên bút; xuân xanh làm phú, đầu bạc đọc kinh, dưới ngòi bút dẫu có nghìn lời, trọng bụng không được một mẹo".

Nếu người ta không nhắm mắt trước thực tế cuộc sống, nếu chỉ cần "giải quyết được một công việc thực tế cụ thể cho ra hồn" hoặc "dưới ngòi bút nghìn lời, trọng bụng được một mẹo" thì đã là một sự may mắn cho đất nước và nhân dân rồi.

Nguyễn Văn Linh là một trong những tác giả chính của công cuộc đổi mới và là người thực thi chính sách đổi mới được coi là quốc sách vào năm 1986 – một sự "chọn mặt gửi vàng" của ĐCSVN. Sau năm 1975, ông từng được giao làm Trưởng ban cải tạo công thương nghiệp miền Nam. Là người gắn bó lâu năm với miền Nam kể từ thời chống Mỹ, hiểu rõ nền kinh tế thị trường của Nam VN nên ông chủ trương không cải tạo ồ ạt, nóng vội, xóa bỏ tất cả cùng một lúc. Lịch sử cho thấy quan điểm đó của ông là đúng đắn. Nhưng có lẽ ông phải trả giá cho quan điểm của mình bằng việc phải ra khỏi Bộ chính trị. Ông lại trở về Nam và tiếp tục lãnh đạo Saigon – nay lấy tên là thành phố Hồ Chí Minh, đạt được những thành tựu xuất sắc trong giai đoạn đất nước đầy khó khăn, thử thách.

Trong tác phẩm Thành phố Hồ Chí Minh mười năm, ông khẳng định:

"Sở dĩ thành phố Hồ Chí Minh đạt được những thành tựu xuất sắc như 10 năm qua là nhờ có tư duy độc lập, sáng tạo, không đi theo vết mòn của những nếp suy nghĩ cũ kỹ".

Và ông khuyến khích sự tranh luận:

"Hết sức tránh tình trạng một mình độc quyền chân lý, còn mọi người thì chỉ có quyền chấp hành thụ động, không dám tranh luận. Chúng ta phải tạo ra thói quen biết thảo luận và tranh luận".

Người tiền nhiệm của Nguyễn Văn Linh là Trường Chinh, hai lần làm Tổng bí thư. Lần thứ nhất, từ năm 1941 đến năm 1956 (cho dù cuối năm 1945 đến năm 1951, ĐCS áp dụng chiến thuật "tự giải tán"); lần thứ hai, sau khi Lê Duẩn mất,  từ tháng 7.1986 đến tháng 12.1986 – một thời gian ngắn nhưng đầy ý nghĩa.

Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng:

"Người ta ai cũng có phong cách riêng. Phong cách của Trường Chinh là kín đáo, nói năng cân nhắc, từ tốn, lắng nghe người khác rồi mới nói. Với Bác Hồ, bao giờ ông cũng nhường lời, khi có ý kiến khác, ông trình bày đầy đủ, một cách lễ phép". Về điểm này, ông khác với Lê Duẩn, Lê Đức Thọ.

Sự trang nghiêm và phong thái lãnh tụ của Trường Chinh làm Võ Văn Kiệt, mặc dù được coi là người có "gan to" cũng cảm thấy "ớn" khi Trường Chinh tới dự một buổi biểu diễn văn nghệ ở Việt Bắc. Võ Văn Kiệt tham gia tiết mục diễn kịch, đóng vai địa chủ. Trước khi bắt đầu, ông xung phong làm một màn múa lân cho nóng người để lấy can đảm. Hết vở kịch, nhiều người khen và Trường Chinh đến bắt tay ông. "Đồng chí diễn khá lắm, nhưng đấy là địa chủ Nam Bộ chứ không giống địa chủ Bắc Bộ". Ông Kiệt rất thán phục. Lại một lần khác, Trường Chinh lưu ý Võ Văn Kiệt một nhân vật đang sống tại Saigon, ông Kiệt lấy sổ tay và theo thói quen, ghi là "Nguyển" chứ không phải "Nguyễn". Trường Chinh ngó qua và bảo: "Đồng chí viết lộn rồi, dấu ngã chứ không phải dấu hỏi". Ông Kiệt lại càng thán phục sự cẩn thận của Trường Chinh.

Sau vụ đổi tiền năm 1985, Võ Văn Kiệt gửi thư cho Trường Chinh và Phạm Văn Đồng, nhận định về những nguyên nhân thất bại của chính sách ấy. Trường Chinh xem thư và nói, Sáu Dân đúng là con người có trí tuệ. Trước đó, Trường Chinh cũng đã gửi thư cho Bộ chính trị không tán thành đổi tiền. Bộ chính trị trả lời, "chúng ta đang cưỡi lên lưng hổ, không thể xuống được nữa". Thế là, với tư cách Chủ tịch nước, Trường Chinh lại phải cầm bút ký lệnh đổi tiền.

Trường Chinh là nhà lý luận hàng đầu của ĐCSVN. Nói về lý luận, thế hệ sau này không thể so sánh với ông. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như: Kháng chiến nhất định thắng lợi, Chủ nghĩa Mác và văn hóa VN, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân VN…đã giải quyết nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng VN. Trường Chinh được coi là con người thận trọng, có phần cứng nhắc, thậm chí "bảo thủ". Thế mà cuối đời, Trường Chinh lại dám rẽ ngoặt trong tư duy, là một trong những người chủ chốt khởi xướng công cuộc đổi mới, cứu vãn nền kinh tế VN bên bờ vực của sự sụp đổ.

Tất nhiên, chúng ta thấy, chiến thắng sự bảo thủ với lối mòn suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu là điều không hề dễ dàng – nhất là khi danh vọng, quyền lợi của người ta gắn chặt vào đó. Họ sợ hiện thực phũ phàng nên nhắm mắt làm ngơ, họ thiếu hiểu biết cả về lý luận và thực tiễn, họ ngại tranh luận, ngại cuộc đua bình đẳng mà tiếng nói của trí tuệ, của trình độ mới quyết định người thắng chứ không phải ở địa vị, chức tước. Tổng bí thư Trường Chinh chia tay với lối mòn một cách dứt khoát, bởi ông có đủ tri thức, đủ lý luận, đủ uy tín và dũng khí. Và, điều chủ yếu phải chăng là Tổng bí thư đã đặt lợi ích dân tộc, lợi ích đất nước VN lên trên hết?

Đã có lúc (tháng 4.1986) ông bị phê phán gay gắt, nào là "chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường, bắt chước các quan điểm của nước ngoài" và bị chụp mũ "chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh". Ông đã bình tĩnh phản bác: "Điều tuyệt đối tránh là không vì những ý kiến khác nhau mà dẫn đến chia rẽ, bè phái, không vì thấy người khác trái ý mình thì khó chịu, rồi truy chụp quy kết về chính trị. Điều đó chỉ có hại chứ không giúp gì cho sự đoàn kết. Chúng ta đã cùng làm việc với nhau hơn nửa thế kỷ, ngọt bùi, đắng cay đều đã nếm qua, còn gì không hiểu nhau nữa mà phải dùng những lời lẽ nặng nề như vậy". Cuộc đấu tranh nội bộ không phải bình thường – Võ Nguyên Giáp.

Lịch sử phát triển loài người cho thấy, "tương lai là bất định, khám phá tương lai là cả một chuỗi hoạt động không bao giờ ngừng. Loài người sáng tạo nên lý thuyết để có thể hiểu tương lai ở một thời điểm nào đó, rồi lý thuyết ấy nó lạc hậu đi. Phải đột phá để nâng nó lên một trình độ mới, hoặc tìm ra một lý thuyết thay đổi nó" (Đặng Quốc Bảo). Chỉ có như thế mới thích ứng được với sự thay đổi cực kỳ nhanh chóng của thế giới hiện đại. Do vậy, những tư tưởng giáo điều, bảo thủ là lực cản lớn, không thể đưa đất nước tiến lên.

"Đổi mới hay là chết", "đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và thời đại" (Trường Chinh), "đổi mới để tiến lên"(Nguyễn Văn Linh). Không cần cao giọng thuyết giảng, phải chăng những tư tưởng đổi mới của hai Tổng bí thư càng có ý nghĩa với đất nước hơn bao giờ hết.

Nguồn: Blog Lê Mai

(*) Theo hồi ký của ông Đoàn Duy Thành, cũng là một người "trong hệ thống" thì ông Lê Duẩn là người rất sốt sắng ủng hộ những sáng kiến cải cách kinh tế mà thời ấy là cấm kị như hủy bỏ việc ngăn sông cấm chợ, khoán sản phẩm trong nông nghiệp… trong khi phải tốn rất nhiều thời gian và nước bọt mới thuyết phục được những người bảo thủ hơn (trong số đó có ông Trường Chinh sau này kế nhiệm ông Duẩn làm tổng bí thư) chấp nhận những sáng kiến này. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ông Duẩn đã ở trong tình trạng ốm đau nên khả năng áp đặt quyền lực của mình đã bị suy giảm nhiều so với những giai đoạn trước. Ngày nay hầu hết những người "ngoài hệ thống" do thiếu thông tin nên tin rằng ông Duẩn là tác giả của mọi chính sách bảo thủ, trì trệ nhất vào cái giai đoạn ấy trong khi ngoài  Võ Văn Kiệt hay Đoàn Duy Thành thì hầu hết những "người trong hệ thống"  đều không (hay không muốn?) "giải oan" cho ông Duẩn mặc dù họ biết rõ câu chuyện hơn ai hết. 

Đọc thêm:   Gorbachev – thủ phạm của sự sụp đổ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét