Chính quyền tỉnh Hưng Yên đã có phản ứng trước cáo buộc công an tỉnh này có hành động nặng tay đối với hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang hồi cuối tháng 4.
Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Bùi Huy Thanh đã có cuộc gặp một số báo chí trong nước để giải thích về vụ việc vào chiều thứ Tư ngày 9/5.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Trong cuộc gặp này, ông Thanh cho biết Trung ương đang quan tâm và lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo sát sao để giải quyết vụ việc cưỡng chế ở Văn Giang trong đó có việc hai nhà báo bị đánh.
Ông nói bản thân ông đã trực tiếp làm việc với giám đốc công an tỉnh để yêu cầu làm rõ vụ việc và yêu cầu những người liên quan tường trình cặn kẽ.
Một cuộc họp 'hai mặt một lời' giữa các bên dự kiến sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức vào ngày 16/5 tới để lắng nghe ý kiến từ hai phía là công an tỉnh và VOV, ông Thanh cho biết.
Nhân chứng vật chứng
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Thanh yêu cầu hai nhà báo VOV 'cung cấp băng gốc' cho công an vì cần phải 'có đủ vật chứng, nhân chứng' mới xử lý được.
Chánh văn phòng tỉnh lập luận rằng không thể chỉ dựa vào lời khai 'một chiều' của hai nhà báo để xác nhận vụ việc.
"Giữa chuyện nhà báo đang tác nghiệp mà bị đánh và người chống đối bị đánh có tính chất rất khác nhau."
Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng tỉnh Hưng Yên
"Xem trên clip chỉ thấy người bị đánh đội mũ bảo hiểm, chưa rõ mặt là nhà báo thật hay không," báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Thanh.
Ông này cũng đặt vấn đề lúc bị đánh thì hai phóng viên có xưng mình là nhà báo hay không hay là sau khi bị đưa về trụ sở công an rồi mới xưng.
Ông cho rằng vấn đề này cần được làm rõ vì "giữa chuyện nhà báo đang tác nghiệp mà bị đánh và người chống đối bị đánh có tính chất rất khác nhau".
"Quan điểm là giải quyết thấu tình đạt lý, nhìn nhận ở mọi góc cạnh," ông nói.
"Dù chưa có kết luận cuối cùng về tính thực hư của clip... nhưng dù đó là cảnh hành hung nhà báo hay dân cũng rất phản cảm," ông thừa nhận.
Trao đổi với BBC, bà Nguyễn Lan Hương, trưởng Ban thư ký biên tập của VOV, xác nhận hai người bị đánh trong clip lan truyền trên mạng chính là hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long của Đài.
Bà Hương cũng xác nhận hai phóng viên này được lãnh đạo Đài cử xuống Hưng Yên để nắm tình hình.
Bà khẳng định hai phóng viên này đã thực hiện đúng nhiệm vụ mà lãnh đạo Đài đã giao khi được hỏi liệu họ có sai sót gì không trong quá trình tác nghiệp.
Bà cho biết sau khi vụ việc xảy ra thì 'ngay lập tức phóng viên có tường trình đầy đủ'.
"Tôi nghĩ các phóng viên đều làm tròn trách nhiệm của mình và đang thực hiện nhiệm vụ," bà nói, "Chắc chắn phóng viên của chúng tôi đều là những người làm việc rất tốt".
"Dù chưa có kết luận cuối cùng về tính thực hư của clip... nhưng dù đó là cảnh hành hung nhà báo hay dân cũng rất phản cảm."
Bùi Huy Thanh, chánh văn phòng tỉnh Hưng Yên
Hiện tại cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc nên chưa có thông tin gì tiếp theo, bà Hương cho biết.
Quan điểm của VOV, theo bà Hương, là yêu cầu làm rõ sự việc, xử lý nghiêm và sau khi xử lý thì phải công khai.
Đúng về pháp luật
BBC Việt ngữ cũng đã liên lạc luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội, người đã theo dõi các clip đánh nhà báo này ngay từ đầu, để hỏi ý kiến của ông về các lập luận của ông chánh văn phòng tỉnh Hưng Yên.
Luật sư Quân khẳng định rằng hoàn toàn hợp lý và thỏa đáng về mặt pháp luật khi chính quyền tỉnh Hưng Yên lập luận rằng lời khai một phía chưa đủ và yêu cầu phải cung cấp hình ảnh gốc cũng như danh tính người quay phim.
Ông nói rằng bên cạnh video clip và lời khai của hai nhà báo thì còn có các yếu tố khác giúp xác lập sự thật, là tường trình của những người chứng kiến và của cảnh sát tham gia hành động.
Ông cho biết nếu chứng minh thật sự có vết thương và vết thương được gây ra vào đúng thời điểm, tại đúng sự kiện thì cũng đủ căn cứ xác nhận vụ việc dù cho thủ phạm có phủ nhận.
Về hình ảnh gốc, luật sư Quân cho rằng cũng cần thiết để chứng minh sự giống nhau của bản sao với bản gốc, tức là không bị sửa đổi hoặc bổ sung gì thêm.
Tuy nhiên, ông nói rằng việc đòi hỏi 'băng gốc' của chính quyền tỉnh Hưng Yên 'trong hoàn cảnh này là không chính đáng', nếu không muốn nói là 'muốn từ chối trách nhiệm và muốn tạo khó khăn cho việc đi tìm sự thật'.
Ông lập luận rằng video clip không thể bị làm giả vì 'tất cả không gian, thời gian, sự kiện, con người là có thật'.
"Có chuyện họp báo, có cưỡng chế, có nghĩa trang như vậy, có nhà văn hóa thôn như vậy... lại được đưa lên web ngay lập tức," ông giải thích.
Ông cũng nhận xét rằng nếu 'trong một xã hội phát triển bình thường' thì người quay phim sẽ công khai danh tính và cung cấp băng gốc ngay.
"Thế nhưng ở Việt Nam do mất lòng tin quá lớn đối với việc thực thi pháp luật nên (người quay clip) không dám đứng ra," ông nói, "Họ sợ vụ này bị chìm xuống và công an sẽ quay lại đánh mình."
'Đánh một công dân'
Về cách đặt vấn đề của ông Thanh về sự khác biệt giữa đánh người chống đối và đánh một nhà báo đang tác nghiệp, ông Quân cho rằng đó là cách đặt vấn đề 'cực kỳ tệ hại' và 'phản ánh sự ngu dốt về mặt nhận thức của một cán bộ chính quyền'.
"Ở Việt Nam do mất lòng tin quá lớn đối với việc thực thi pháp luật nên (người quay clip) không dám đứng ra. Họ sợ vụ này bị chìm xuống và công an sẽ quay lại đánh mình."
Luật sư Lê Quốc Quân
"Hàm ý của câu này là nếu là dân thì có quyền đánh," ông nói.
"Điều đó sai hoàn toàn, vì đánh người là đánh một công dân, xâm phạm quyền tự do thân thể của công dân."
"Nếu anh vi phạm bất cứ điều gì thì luật pháp buộc tội anh về điều đó nhưng thân thể thì không ai được đánh," ông nói thêm.
Luật sư Quân nói nếu hành động trong video clip được xác nhận là có thật thì thủ phạm có thể bị truy tố về rất nhiều tội, trong đó có cố ý gây thương tích, cố ý giết người (với những hành động như cầm gậy thọc xuống hay dùng gậy đập mạnh xuống đầu), lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, sỉ nhục người khác (chửi bới, lăng mạ) cùng với tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức (không chỉ một mà nhiều người tham gia đánh).
Trước đó, trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo hôm 2/5, phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào đã báo cáo rằng 'các phần tử chống đối trong và ngoài nước' có sự 'móc nối chặt chẽ' để 'dàn dựng lên các clip giả' với mục đích 'vu khống, bôi nhọ chính quyền'.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét