BỎ QUA ĐỐI THOẠI SẼ PHÁT SINH ĐỐI TRẬN
Sáng nay, ngày 7-5, tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5, trong bài Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cấp đến nội dung những chính sách, pháp luật về đất đai. Tổng bí thư nói: "Đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân… cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hoà các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư… Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi? Vì sao gần 70% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai?... Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và Luật Đất đai năm 2003? Đâu là do các quy định dưới luật còn bất cập; có quá nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn; và đâu là do việc tổ chức thực hiện yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước; do nhận thức chưa đầy đủ và ý thức chấp hành luật pháp chưa nghiêm?... nhất là trong việc quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi; giải quyết khiếu kiện về đất đai và điều tiết giá cả, lợi ích của các bên tham gia thị trường bất động sản..."
Như mọi người đều biết, sự kiện náo loạn xảy ra giữa người dân giữ đất và chính quyền cưỡng chế thu hồi đất đã diễn ra quyết liệt, tạo ra "sự kiện Văn Giang" nóng bỏng. Sáng 24-4, UBND huyện Văn Giang (Hưng Yên) đã thực hiện cưỡng chế thu hồi 5,8 ha đất của 166 hộ tại xã Xuân Quan. Việc cưỡng chế tiến hành từ khoảng 7 giờ sáng đến hơn 11 giờ trưa. Chính quyền địa phương đã điều động ở mức cao độ một lực lượng lớn khoảng gần 1.000 người thuộc các lực lượng công an, dân quân để mạnh tay trấn áp dân nhằm cưỡng chế thu hồi cho đất đai cho nhanh.
Theo thông tin trên trang web của tỉnh Hưng Yên, sau vụ cưỡng chế ngày 24-4 địa phương tiếp tục bàn giao 72 ha ở xã Xuân Quan, trong đó có 5,8 ha của 166 hộ phải tiến hành cưỡng chế. Đến nay đã có 3.852/4.876 hộ của 3 xã nhận tiền đền bù hỗ trợ, chiếm 79%; còn 1.024 hộ chưa nhận, bằng 21%. Riêng tại xã Xuân Quan, tổng số hộ đã nhận tiền đền bù hỗ trợ và tự nguyện bàn giao đất là 1.554/1.720 hộ (66,2 ha), chiếm 95,5%; còn 166 hộ (5,8 ha), chiếm 4,5% không nhận tiền đền bù, hỗ trợ phải tiến hành cưỡng chế.
Theo thông tin trên trang web của tỉnh Hưng Yên, sau vụ cưỡng chế ngày 24-4 địa phương tiếp tục bàn giao 72 ha ở xã Xuân Quan, trong đó có 5,8 ha của 166 hộ phải tiến hành cưỡng chế. Đến nay đã có 3.852/4.876 hộ của 3 xã nhận tiền đền bù hỗ trợ, chiếm 79%; còn 1.024 hộ chưa nhận, bằng 21%. Riêng tại xã Xuân Quan, tổng số hộ đã nhận tiền đền bù hỗ trợ và tự nguyện bàn giao đất là 1.554/1.720 hộ (66,2 ha), chiếm 95,5%; còn 166 hộ (5,8 ha), chiếm 4,5% không nhận tiền đền bù, hỗ trợ phải tiến hành cưỡng chế.
Trang web Cổng Thông tin điện từ của UBND tỉnh Hưng Yên cũng đưa tin: Một ngày trước khi cưỡng chế, hơn 100 người dân dựng hai lều bạt gần khu vực giải phóng mặt bằng. Sáng sớm 24-4, khoảng 300 người dân tập trung tại các điểm gần khu vực cưỡng chế. Sau 7 giờ sáng, còn khoảng 200 người dân đã chuẩn bị từ trước cuốc, xẻng, dao, liềm, gậy gộc, gạch đá, chai xăng cố tình chống lại lực lượng làm nhiệm vụ cưỡng chế.
Báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên nêu rõ: Dự án khu đô thị Văn Giang (còn được gọi là Ecopark) được thực hiện theo phương thức "đổi đất lấy hạ tầng". Chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng – Vihajico) sẽ thi công một con đường giao thông liên tỉnh, nối từ cầu Thanh Trì đi thị xã Hưng Yên. Bù lại tỉnh sẽ góp vốn bằng 500 ha đất nông nghiệp để Vihajico đầu tư xây dựng một khu đô thị sinh thái, có chức năng thương mại, dịch vụ và nhà ở.Thực hiện dự án khu đô thị Ecopark Văn Giang, năm 2009, tỉnh đã bàn giao đợt 1 cho nhà đầu tư 57,19 ha để làm đô thị và làm đường giao thông liên tỉnh.
Thuyết trình của Vihajico là: "Nếu dự án được thực hiện, cơ cấu sản xuất của các xã Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công từ sản xuất nông nghiệp sẽ chuyển sang đô thị thương mại, dịch vụ. Dự án là tiền đề tạo ra thế mạnh sử dụng có hiệu quả quỹ đất hiện có, tạo ra động lực phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội, thương mại, vui chơi giải trí…".
Thực tế, chủ đầu tư và chính quyền hầu như chưa có động thái cụ thể nào chuẩn bị cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở đây. Đây là đất thu hồi để kinh doanh, dịch vụ, lẽ ra chính quyền địa phương phải có công khai quy hoạch dự án trước dân, tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân, công khai phương án thỏa thuận, bồi thường, bồi hoàn, thực hiện các chính sách áp giá đền bù thỏa đáng, đúng pháp luật, không làm thiệt thòi đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nông dân. Có chính sách, kế hoạch dạy nghề, đào tạo nghề để giúp người dân ổn định việc làm và đời sống sau khi đã giao đất. Nhưng các mặt công tác cần thiết như trên chưa được thực hiện chu đáo, chính quyền đã dùng quyền uy, thế lực, cả áp lực mạnh (lực lượng công an, trang bị vũ khí, dụng cụ nghiệp vụ khống chế, áp đảo) để lấy cho kỳ được đất đai của dân.
Điều đáng ngại hiện nay là sau cưỡng chế, nhiều hộ dân ở xã Xuân Quan đã không còn đất canh tác và hoàn toàn không có phương án nghề phụ thay thế. Chính quyền cho biết dự án "có đất dịch vụ liền kề để giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi", nhưng cụ thể ra sao không ai rõ. Theo báo Pháp luật T.p Hồ Chí Minh: Ông Dũng, người xã Xuân Quan, than thở: "Xuân Quan có 8.000 nhân khẩu, tôi cứ cho là người già yếu chiếm 4.000 thì còn lại cả mấy nghìn lao động sẽ làm gì để sống, làm cái gì ra tiền bây giờ? Nói thực là bây giờ dân làng chơi nhiều rồi. Ban ngày người đi lại trên đường làng đông nghịt đấy. Có việc gì mà làm đâu". Trước mắt, đã có những gia đình phải đi mò cua bắt ốc, nhặt nhạnh cho đủ tiền mua gạo. Trong tương lai, sẽ ra sao nếu hàng ngàn người trong độ tuổi lao động phải chơi suốt ngày? Chính quyền và chủ đầu tư dự án có thừa luận cứ để thuyết minh về tính hợp lý và sự cần thiết khi biến 500 ha đất nông nghiệp thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Thế nhưng đối với người dân có truyền thống làm nông lâu đời, việc tách họ khỏi mảnh ruộng, vườn cây, ao cá gắn bó lâu đời với họ, là nguồn sống bao đời nay của gia đình họ là điều không đơn giản. Lý giải của chính quyền địa phương là số hộ bị cưỡng chế vẫn còn diện tích đất canh tác chứ không phải thu hồi toàn bộ, nhưng có thông tin khẳng định qua đợt cưỡng chế hôm 24-4 vừa qua, không ai còn ruộng nữa.
Sau sự kiện "động trời" xảy ra sáng 24-4, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến về giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 2-5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào cho rằng: "Vụ việc ở Văn Giang có sự móc nối các phần tử chống đối trong và ngoài nước. Các thông tin được tường thuật tại chỗ, từng giờ để xuyên tạc, dàn dựng các video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền". Cũng theo ông Hào, dự án khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (Ecopark) có trình tự "thủ tục đúng pháp lý, cơ chế đền bù tốt, tạo đà phát triển cho tỉnh"… song qua hơn tám năm, tỉnh vẫn chưa hoàn thành giao đất cho chủ đầu tư do "người dân khiếu kiện liên tục, tập trung đông người, lôi kéo, kích động cản trở không hợp tác, gây tình hình phức tạp kéo dài…".
Từ vụ Tiên Lãng, Văn Giang và nhiều vụ khác trong cả nước, vần đề đặt ra là việc cưỡng chế thu hồi đất có phải các cấp chính quyền và ngành lien quan chỉ đơn thuần là làm nhiệm vụ vì dân, vì nước hay không?
Thứ nhất: Tại sao có nhiều việc hệ trọng, nhiều công trình liên quan thiết yếu đến "quốc kế dân sinh", nhưng ngành chủ quản, cơ quan chuyên trách, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện quá chậm, kém hiệu quả, để công trình "trùm chăn", quản lý nguồn vốn đầu tư kém, sinh lãng phí, thất thoát, điều hành và chỉ đạo thi công chậm, kém hiệu quả? Thế nhưng, khi có những quy hoạch, dự án mà nhà đầu tư thuộc diện "đại gia" thì lãnh đạo địa phương, ngành lại rất hăng hái. Nhất là các dự án tại những khu "đất vàng, đất bạc", những quy hoạch, dự án trên đất nông nghiệp, những nơi được quyền áp giá bồi hoàn giải tỏa thấp, quá rẻ, nhưng đưa vào dự án thì giá đất vọt lên quá cao, có nơi giá đất khi đã được đưa vào quy hoạch so với giá bồi hoàn, hỗ trợ cho dân cao vọt lên ít nhất tới 300-500 lần.
Đó là nguồn lợi nhuận lớn, chỉ cần qua các văn bản hợp đồng ký cót, qua công tác giải phóng bàn giao mặt bằng mà có được rất nhanh, những dự án béo bở. Cho nên, đàng sau sự hăng hái, nóng vội của chính quyền, thậm chí lộng hành, "cả vú lấm miệng em" nhằm mục đích nhanh chóng, khẩn trương thu hồi đất giao cho các đại gia là cả những động cơ thúc bách nhiều hấp dẫn, có những lực hút mạnh.
Thứ hai: Việc nghiên cứu, áp dụng Luật đất đai lại chỉ nhằm vào những điều khoản được bóc tách, xé lẻ, gọt dũa để trích dẫn, những văn bản dưới luật có lợi cho đại gia và chính quyền, có chỗ lách luật, có chỗ lại dựa vào những câu chữ còn chung chung trong luật để làm "thế thủ", biện minh đổ tại luật, do luật quy định tại khoản này, điều nọ mà "chúng tôi đã làm theo đúng luật". Luật đất đai năm 2003 quy định (tại điểm 1, điều 5) là: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu", từ đó, nhiều cấp chính quyền đã giải thích với dân rằng: "Luật quy định rồi, chính quyền là chủ sở hữu, chủ tức là có quyền. Chính quyền có quyền quyết định sở hữu, chính quyền mới là ông chủ sở hữu, hộ dân không được sở hữu…". Hoặc là không it sthur đoạn bằng việc dựa dẫm câu chữ trong luật để lấy quyền đè người như: "Điều 39: Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, khoản 1: "Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố hoặc khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt". Họ giải thích rằng việc giải tỏa là đúng luật, do câu: "khi dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch…".
Cho nên, vì lợi ích cá nhân và phe nhóm, người ta có thể "xẻo thịt, băm nhỏ luật pháp" để lấy ra bất cứ miếng nào ngon và có lợi nhất, không cần đặt sự việc, cách thức theo đúng các điều, khoản, mục, điểm trong tổng thể bộ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Thứ ba: Vì những động cơ, ý định lợi nhuận giữa chính quyền (trực tiếp là người có chức có quyền) với đại gia mà họ đã ra các chủ trương, quyết định, chính sách mức bồi hoàn theo phương châm "càng ít, càng thấp càng tốt, lấy càng nhanh càng tốt", từ đó sinh lợi nhuận lớn cho cả "đại ca" và đại gia. Cũng vì mục đích, động cơ đó, họ không cần áp dụng các bước trình tự theo luật định (như tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân; xin ý kiến dân một cách công khai, dân chủ về quy hoạch, dự án, những cái lợi và sự cần thiết của dự án. Những chính sách, mức bồi hoàn; những đảm bảo cho việc làm, đời sống của người dân khi đã giao đất, không còn điều kiện lo kế sinh nhai…). Chính quyền và nhà đầu tư cố ý bỏ qua những đối thoại, bỏ qua các bước tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân, phần nhiều chẳng qua chỉ sợ nhân dân đã nắm luật mà đòi hỏi những chính sách theo đúng luật thì…"thiệt to" và có những trường hợp không phải công trình an ninh, quốc phòng, công trình phúc lợi công cộng… thì sẽ rất khó áp giá rẻ, khó thu hồi được đất.
Thường thì những việc mà hành động tỏ rõ sự "hăng hái quá đà" đến mức làm liều, làm ẩu, mạnh tay, gây ác đều từ những quyền lợi thiết thân Nếu như vì việc chung một cách vô tư, công tâm thì đâu đến mức phải lồng lộn lên như thế? Nếu cán bộ lãnh đạo ta vì việc công mà "nỗ lực mạnh", nhiệt tình hăng hái thì Đảng đã tăng thêm uy tín, dân đã được nhờ nhiều lắm rồi. Cho nên, vì những động cơ cá nhân mà nóng vội (như là nhiệm kỳ này không xong, còn cơ hội đâu để mà thu lợi? Rồi lo vụ này, còn phải tranh thủ kiếm dự án khác, khu đất khác… !?), bỏ qua đối thoại, làm trái luật, vi phaml dân chủ sẽ sinh ra đối đầu, đối trận.
Cũng do những cách làm đó, mà vụ Tiên Lãng chưa xong, còn nhiều hậu họa, còn lắm hệ lụy, lại xảy ra vụ Văn Giang còn quy mô lớn hơn, quyết liệt hơn. Vụ Văn Giang rồi Dương Nội đang nóng hổi, hiện giờ lại đang xảy ra vụ cưỡng chế thu hồi đất cho Khu công nghiệp Bảo Minh (tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định). Trong dự án Khu CN Bảo Minh, phần "đất dịch vụ" là trong đất ruộng lấy của bà con cho dự án Khu công nghiệp do Tập đoàn Dệt may Việt Nam là chủ đầu tư. Do bà con phản đối giá đền bù thấp, việc tiến hành GPMB không đúng nên hiện còn hơn 100 hộ không nhận tiền đền bù đợt 2 và liên tục khiếu nại lên các cấp. Trong vụ này, chính quyền địa phương huyện Vụ Bản đã vạch kế hoạch cụ thể 4h30 ngày 7-5, ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 5 để bắt đầu cưỡng chế. Nhưng đến 8 h ngày 7-5 vẫn chưa thực hiện được kế hoạch là do không được sự ủng hộ của công an tỉnh, mặc dù huyện Vụ Bản đã nhiều đề nghị, thôi thúc (xem ra như vậy thì trong vụ này cho thấy công an tỉnh Nam Định sáng suốt và nắm luật chắc hơn công an T.p Hải Phòng và tỉnh Hưng Yên). Bà con kéo nhau lên tới UBND Huyện để phản đối các sai phạm trong GPMB cưỡng chế thu hồi đất ruộng của dân. Một nửa số bà con ở lại giữ đất. Trưa ngày 7/5 vẫn còn khoảng gần 100 người dân của 3 xã: Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái đang ở cổng UBND huyện Vụ Bản để phản đối việc thu hồi đất ruộng cho dự án KCN Bảo Minh.
Ngày 2/5, tại Hội nghị trực tuyến về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu, nhấn mạnh: "Trong quá trình phát triển đất nước, không thể không thu hồi đất để phát triển hạ tầng. Nhưng trong thu hồi thì các quyết định từ công tác qui hoạch, đền bù, tái định cư, cho đến hỗ trợ đời sống nhân dân…làm sao phải hài hòa lợi ích để không phá sinh khiếu kiện mới…Cưỡng chế phải phù hợp quy định pháp luật với tinh thần không dùng vũ khí, không được để xảy ra chết người, không được dùng quân đội vào cưỡng chế".
Nông dân xã Liên Minh (Vụ Bản - nam Định) chống cưỡng chế ngày 7-5
Hôm 4/5 mới đây, trong buổi gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, có chỗ, có nơi còn khập khiễng, chưa thỏa đáng; cần phân biệt rõ những trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, xây dựng công trình công cộng, những trường hợp thu hồi đất vì mục đích kinh doanh, dịch vụ, từ đó có chính sách đền bù hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư. Cử tri đề nghị rà soát, sớm chấm dứt tình trạng quy hoạch treo, lãng phí, sớm công khai quy hoạch giúp nhân dân ổn định sản xuất và đời sống, bên cạnh đó cần dành quỹ đất thỏa đáng cho phát triển đường giao thông, các công trình phúc lợi công cộng phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Trả lời các cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nói: "… mọi chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ đời sống và đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Vì thế, các cơ quan chức năng phải luôn lắng nghe ý kiến nhân dân để tránh sai lầm và điều chỉnh kịp thời nếu chưa phù hợp…"
Thế nên, như nhiều vụ trong thời gian qua, khi việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đât đã sai pháp luật, lại còn nóng vội theo kiểu "làm lấy được", như cướp, dẫn tới bị sai cách thức, kể cả lập kế hoạch, phương án, phân công chỉ huy, điều động lực lượng, biện pháp, động thái tiến hành, tất cả đều để lại những hậu họa đáng tiếc, gây bất bình cho người dân, trực tiếp làm mất uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Sự trả giá quá đắt ấy về chính trị-xã hội, cũng từ giá đất và lợi nhuận do cái gôc lòng tham của chủ nghĩa các nhân sinh ra - (BVB).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét