Họ không có thẻ nhà báo do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước cấp. Công việc của họ không cần đến thẻ nhà báo. Nếu có, sớm muộn gì cũng bị thu hồi vì hoạt động báo chí của họ không chịu theo định hướng của một ai đó. Điều mà họ tuân thủ chỉ đơn giản là Sự Thật.
Nhưng họ là nhà báo với đúng nghĩa của nó. Họ làm việc theo lương tâm, lẽ phải, không vụ lợi, không sợ hiểm nguy. Họ yêu tự do, công lý, đứng hẳn về phía những người bị áp bức, chịu bất công.
Không ai trả lương cho họ. Ngược lại họ còn bỏ tiền túi ra để có thể có được những tác phẩm báo chí của mình như mua sắm phương tiện tác nghiệp, đi lại, ăn ngủ … Họ không thể đi họp để nhận phong bì, không thể đi xuống cơ sở để vòi vĩnh thậm chí tống tiền các các địa phương và doanh nghiệp (xin lỗi các nhà báo chân chính)
Trong những cuộc cưỡng chế đất đai, ruộng vườn của nông dân, họ không thể giơ ống kính công khai ghi hình mặc dù việc quay phim chụp ảnh những chuyện như thế không hề vi phạm pháp luật. Nhưng nếu quay, chụp, họ sẽ bị tước máy ảnh, điện thoại, bị bắt giữ ngay từ phút đầu, bị đánh đập và nhiều hệ lụy khác nữa. Cũng vì thế, để lọt được vào vị trí có thể đưa tin một cách hiệu quả hẳn là vô cùng khó khăn.
Việc cưỡng chế đất của bà con nông dân "theo đúng pháp luật" không phải là bí mật quốc gia, thế nhưng nhà cầm quyền lại rất sợ bị công khai nên ra sức tìm cách cản trở báo chí, cắm cả biển cấm quay phim chụp ảnh. Như vậy phải ắt phải có điều gì khuất tất.
Xem các đoạn clip về cảnh cưỡng chế nơi đồng không mông quạnh, có thể thấy clip được quay ở một vị trí rất bí mật và ở cự ly xa hoặc trên cao. Vì vậy, hẳn là họ phải sắm một bộ đồ phù hợp, như máy ảnh, điện thoại, máy ghi âm hiện đại, để thông tin và có được những clip đưa ra những sự thật mà công an, nhà cầm quyền muốn che đậy. Riêng máy ảnh có thể ghi hình từ vị trí an toàn trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế cũng ở mức 40-50 triệu đồng.
Đó là những chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng. Không có họ làm sao có những clip về cuộc cưỡng chế đất ở Văn Giang gây chấn động công luận.
Ông Nguyễn Khắc Hào, phó chủ tịch thường trực tỉnh Hưng Yên vừa báo cáo với thủ tướng cuộc cưỡng chế đã "thực hiện theo đúng pháp luật", "đảm bảo an toàn về người và tài sản" thì đoạn clip về hai nhà báo của Đài TNVN bị đánh đập dã man, sự thừa nhận của người bị hại và của báo chí nhà nước đã vạch trần những gì chính quyền Hưng Yên muốn giấu giếm, che đậy. Tác giả clip này là ai, mãi mãi không ai biết được. Họ là những nhà báo vô danh.
Cụ Lê Hiền Đức cho biết, khi xem clip này, cụ gọi điện phê phán ông Nguyễn Khắc Hào về bản báo cáo láo với thủ tướng, ông Hào thanh minh: "Bác ơi, con chỉ là phát ngôn thôi, con nói đúng là ý của bí thư, chủ tịch và lãnh đạo tỉnh nói chung".
Không có họ, làm sao tin tức về việc cưỡng chế đất của nông dân ở Văn Giang, Vụ Bản, tin về việc dân oan kéo nhau lên trung ương khiếu nại được cập nhật đến từng phút phục vụ kịp thời cho hàng vạn độc giả là cư dân mạng?
Trở lại sự kiện xuống đường Mùa Hè 2011, nếu không có họ làm sao người dân tin được chuyện công an khiêng người biểu tình, đạp liên tiếp vào mặt như cư xử với một con vật. Cho dù ngành công an chối bai bải, nói là clip dàn dựng ở nước ngoài nhưng chẳng một ai tin. Không có họ làm sao có được những cảnh công an đàn áp người biểu tình gây bao bức xúc trong dư luận trong và ngoài nước.
Những hình ảnh, clip tuy không một lời bình nhưng có giá trị tố cáo rất thuyết phục, có sức công phá rất ghê gớm.
Ông Tố Hữu, trong bài thơ "Tiễn bạn" (ra chiến trường) có câu:
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn nghìn trang giấy luận văn chương.
Nghĩ đến hai câu thơ này, tôi lại thấy chạnh lòng. Tôi có ngồi trước máy tính viết hàng trăm bài đi chăng nữa thì làm sao có thể sánh được một đoạn clip quay trực tiếp từ hiện trường nóng bỏng như một cây chông cắm vào mắt bọn bạo quyền của những nhà báo vô danh kia. Các anh mới đúng là những nhà báo chân chính trong lòng của những người dân yêu Công Lý và Sự Thật.
9/5/2012
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét