Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Nguyễn Xuân Nghĩa : Đức và Mỹ Trước Cơn Địa Chấn Chính Trị tại Pháp

Nguồn dainamax

TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT RFI Ngày120507

Thay đổi Tổng thống tại Pháp không gây nhiều lo ngại tại Đức và Mỹ

 
Điện Elysée (Phủ Tổng thống Pháp) sẽ đổi chủ vào ngày 15/05/2012 tới.
Điện Elysée (Phủ Tổng thống Pháp) sẽ đổi chủ vào ngày 15/05/2012 tới. REUTERS/Charles Platiau


Cánh hữu từng lên tiếng báo động là nếu cánh tả thắng cử Tổng thống tại Pháp, kinh tế Pháp có nguy cơ lâm vào khủng hoảng nặng nề hơn, trục liên kết Paris-Berlin, thành trì bảo vệ khu vực đồng Euro trong thời gian gần đây, có thể bị phá vỡ, tác động dây chuyền đến kinh tế châu Âu, thậm chí đến cả Hoa Kỳ, đối tác số một của châu Âu. Nhiều phản ứng e ngại đã xuất hiện trong thời gian qua về «nguy cơ» này, ở bên kia bờ sông Rhin – tức là Đức, như người Pháp thường gọi – hay ở bên kia Đại Tây Dương, tức là Hoa Kỳ.


Thế nhưng vào hôm qua, 06/05/2012, cử tri Pháp vẫn dứt khoát tín nhiệm bầu ông François Hollande, ứng viên thuộc đảng Xã hội ở cánh tả vào chức Tổng thống. Cơn chấn động mà cánh hữu đe dọa không hề xuất hiện, và những phản ứng đầu tiên từ hai đại cường là Đức và Mỹ đều cho thấy là họ không còn cảm thấy lo âu trước việc cánh tả - mà cụ thể là ông Hollande - lên cầm quyền tại Pháp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama nằm trong số những lãnh đạo thế giới đầu tiên đã gọi điện chúc mừng ông François Hollande ngay sau khi được tin ông đắc cử Tổng thống Pháp, để đề nghị cùng hợp tác chặt chẽ với nhau trên những vấn đề song phương cũng như quốc tế. Bà Merkel đã mời ông Hollande ghé thăm Đức càng sớm càng tốt, trong lúc ông Obama cũng đề nghị hai bên tiếp xúc tay đôi trước các hội nghị thượng đỉnh G8 và NATO tại Hoa Kỳ trong tháng này. Ông Hollande ngược lại cũng sẽ dành chuyến công du đầu tiên của minh trong tư cách Tổng thống Pháp cho nước Đức, có thể là ngay trung tuần tháng Năm này, và ngay sau đó sẽ qua Mỹ.


Tương lai hợp tác Đức - Pháp sau khi ông Hollande đắc cử Tổng thống


Theo ghi nhận của Tiến sĩ kinh tế Âu Dương Thệ tại Dortmund, sau một giai đoạn quan ngại trước một số chủ trương bị cho là "cực đoan" của ứng cử viên đảng Xã hội Pháp, dư luận Đức đã dần dần được trấn an. Do vậy, sự kiện ông François Hollande đắc cử Tổng thống Pháp vào hôm qua đã không tạo ra nhiều phản ứng lo âu.

Trả lời phỏng vấn của RFI, ông Âu Dương Thệ giải thích :


Âu Dương ThệTrong thời gian qua dư luận dân chúng và chính giới Đức theo dõi rất sát tình hình bầu cử Tổng thống ở Pháp, vì Đức và Pháp là hai đầu tầu trong EU, nhất là lúc này cuộc khủng hoảng của đồng Euro chưa giải quyết xong. Có hai tin làm dư luận Đức an tâm là đêm qua liền sau khi có kết quả bầu Tổng thống ở Pháp, thì Thủ tướng Đức, Tiến sĩ Merkel đã gọi điện thoại chúc mừng tân Tổng thống Hollande, việc này đánh tan tâm lí nghi ngại trong thời gian qua. Quan trọng hơn nữa là trong diễn văn đầu tiên sau khi thắng cử tân Tổng thống Hollande đã nhấn mạnh là, mối quan hệ với Đức được đặt lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông.

RFI: Riêng trong liên minh đang cầm quyền, đâu là những điểm mà ê kíp của nữ Thủ tướng Merkel lo ngại nhất từ việc ông Hollande thắng cử?

Âu Dương ThệĐối với chủ trương của ông Hollande, dư luận Đức nói chung có thể thấy có hai khuynh hướng. Đối với những người bình thường thì rất e ngại về các đòi hỏi khá cực đoan của ông Hollande liên quan tới việc đòi xét lại Hiệp ước giới hạn ngân sách công vừa được 25 nước trong EU ký kết, cũng như đòi có những chương trình đầu tư lớn thay vì giảm chi tiêu.

Nhưng các giới kinh tế - tài chánh Đức và cả chính giới Đức, ngay cả chính phủ của Thủ tướng Merkel, tuy tới nay chưa có lời bình luận gì chính thức vì tránh bị hiểu lầm là can thiệp vào nội bộ Pháp, nhưng nói chung tỏ ra không bi quan nhiều. Vì họ hiểu giữa chương trình tranh cử của một chính đảng và chương trình thực sự của chính phủ thường có một khoảng cách khá lớn.

Việc này được xác tín vì ngày thứ Năm vừa qua tờ Süddeutsche Zeitung, một nhật báo lớn rất có uy tín ở Đức, cho biết đã có cuộc gặp giữa các cố vấn cao cấp của ông Hollande và của bà Merkel. Theo đó nếu đắc cử Tổng thống thì ông Hollande sẽ không đưa ra những đòi hỏi quá cực đoan liên quan tới đồng Euro.

RFI: Còn về phần đảng Dân chủ Xã hội (SPD), họ có vui mừng trước việc có thêm một đồng minh ở Pháp hay không? Vì Đức cũng sẽ bầu lại Quốc hội vào năm tới 2013 ?

Âu Dương ThệNgay sau khi được tin ông Hollande thắng cử, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Đức, ông Gabriel đã ra trước truyền hình chúc mừng sự thắng cử của ông Hollande, Chủ tịch đảng Xã hội Pháp. Vì lập trường của hai đảng rất gần với nhau trong nhiều vấn đề lớn liên quan tới đồng Euro và tiến trình phát triển của EU.

Việc hoan hỉ của ông Gabriel còn được hiểu là có tính cách vận động cho chính đảng Dân chủ Xã hội Đức. Vì cuối tuần tới sẽ có cuộc bầu cử quan trọng ở tiểu bang lớn nhất Đức là Nordrhein Westfalen. Quan trọng hơn nữa là năm tới 2013 một cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang mới cũng sẽ diễn ra ở Đức. Việc đảng Xã hội Pháp thắng cử lớn trong cuộc tranh cử Tổng thống có thể tạo ra không khí tin tưởng và phấn khởi cho đảng Dân chủ Xã hội ở Đức.

RFI: Theo ý anh thì liệu có xẩy ra cuộc đọ sức Pháp - Đức nếu ông Hollande thực hiện lời đe dọa là đòi xét lại hiệp ước tài chánh châu Âu mà 25 nước châu Âu đã ký kết dưới sức ép của Đức nhưng chưa được phê chuẩn đầy đủ ?

Âu Dương ThệĐây là câu hỏi quan trọng cần phải nhìn dưới nhiều khía cạnh. Trước hết xét về mặt địa lý chính trị ở Âu châu thì từ sau Thế chiến Thứ 2 hai nước láng giềng Đức và Pháp, nói một cách hình tượng, như một cặp vợ chồng bị cưỡng hôn. Nếu hai đầu tầu này chia rẽ thì tương lai của EU cũng không còn. Thứ hai, cơ chế tổ chức chính quyền của Pháp và Đức là dân chủ đa nguyên, cho nên chính quyền hai nước không thể có các chính sách cực đoan. Thứ ba, thế giới chuyển vào thời đại toàn cầu hóa đang có sự hình thành một số trung tâm kinh tế tài chánh mới như Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời vai trò siêu cường của Mỹ cũng đang bị thử thách, nhất là trong lãnh vực kinh tế - tài chánh.

Trong tương quan thế giới mới này, nếu EU không thống nhất thì khó có thể khẳng định vị thế và vai trò của mình. Cho nên hai đầu tầu Pháp và Đức lại càng có nhiều trách nhiệm chung trước những thử thách hiện nay cả trong EU lẫn trên thế giới, bất kể mầu sắc chính trị của các Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức.

RFI: Giới phân tích cho là dẫu sao thì ông Hollande không thể quá cứng rắn với Đức, và rồi thì trục «Merklande» sẽ thay thế trục «Merkozy» như báo giới bên Pháp này hay gọi để bảo vệ đồng Euro. Ý kiến của anh là như thể nào ?

Âu Dương ThệNếu theo dõi sự hợp tác giữa Pháp và Đức gần 7 thập niên sau Thế chiến thứ 2 thì khả năng anh nói tới rất gần với thực tế. Vì trong gần 70 năm qua, cả Đức và Pháp đã trải qua nhiều nguyên thủ quốc gia nhiều khi xuất phát từ các chính đảng khác nhau, nhưng họ vẫn đi đến những đồng thuận quan trọng để mở rộng tiến trình thống nhất Âu châu, lúc đầu từ 6 nước và nay đã trở thành một liên minh với 27 nước với gần nửa tỉ người. Có lẽ cặp bài trùng Hollande-Merkel cũng sẽ phải tiến theo tiến trình tương tự.

Nếu so sánh thái độ và tính tình của bà Merkel và ông Hollande thì hai người gần nhau hơn cả về tính thận trọng, tín cẩn và giản dị, khác nhiều so với cựu Tổng thống Sarkozy.

Tuy nhiên vấn đề chính ở đây là liệu hai chính khách Pháp và Đức sau giai đoạn tìm hiểu nhau có thể tiến nhanh hợp tác với nhau không. Vì EU và đồng Euro đang gặp khủng hoảng lớn. Thời gian không chờ đợi họ.

Nhưng mặt khác cũng phải thực tế nhìn nhận, EU tuy là một liên minh chính trị - kinh tế và tài chánh, nhưng vẫn là 27 nước độc lập chứ không phải là một liên bang. Cho nên tiến trình làm việc của EU không thể chờ đợi những bước đi ngàn dậm hay vươn vai Phù Đổng được.

Tối hôm qua ngay sau khi ông Hollande đắc cử Tổng thống, Ngoại trưởng Đức, ông Westerwelle đã cho biết, chính phủ Đức hy vọng sẽ có liên hệ tốt với Tổng thống tân cử của Pháp. Ông cho biết, Hiệp ước giới hạn ngân sách công đã được 25 nước trong EU ký kết, nhưng thời gian tới EU sẽ tập trung thảo luận một hiệp ước mới nhằm gia tăng đầu tư trong EU để giải quyết nạn thất nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây có thể coi là một động thái thân thiện của Thủ tướng Merkel với Tổng Thống mới Hollande.


Dư luận Mỹ và Lãnh đạo mới của nước Pháp

Ở Hoa Kỳ, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại California, tác động có thể có của việc ông Hollande thuộc cánh tả lên làm Tổng thống Pháp trước mắt không tạo ra phản ứng quan ngại nào, ngoại trừ trên hồ sơ NATO và Afghanistan. Trong lãnh vực kinh tế, dư luận Mỹ đang chờ xem vị Tổng thống mới của Pháp cụ thể hóa đường hướng của minh. Riêng Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy, thì bị giới phân tích Mỹ ở cả hai xu hướng tả và hữu phê phán.

Nguyễn-Xuân Nghĩa- Người dân Mỹ nói chung thì chưa mấy chú ý đến cuộc bầu cử Pháp hôm Chủ nhật vừa qua, hoặc nếu tò mò đa sự thì thấy lý thú về cuộc đời tình ái của hai ứng viên dẫn đầu. Nhưng truyền thông, các nhà bình luận, giới nghiên cứu trong đại học và các thị trường tài chánh thì theo dõi rất sát. Họ biết là Chủ Nhật vừa qua, Âu châu có một lúc năm cuộc bầu cử lớn nhỏ, tại Pháp, Hy Lạp, Đức, Ý và Cộng hòa Serbia là nơi mà hai ứng viên thân Âu châu và thân Nga có thể dẫn xứ này qua hướng khác.

- Trước mắt, buộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp sẽ ảnh hưởng ngay đến khối Euro vì hai đảng lớn của hai cánh tả hữu đang liên minh với nhau để tạm cầm quyền đã bị cử tri trừng phạt như người ta dự đoán. Nhưng cuộc bầu cử tại Pháp mới chi phối cả tương lai của Âu châu, và đầu tiên cho sự liên kết giữa hai trụ cột kinh tế và chính trị Âu châu là Đức và Pháp.

- Thật ra, khối Âu châu mới dẫn đầu kinh tế thế giới với sản lượng là hơn 25% và sức tiêu thụ bằng 30%, nên những gì xảy ra ở đây sẽ dội ngược vào kinh tế Hoa Kỳ và cả địa cầu. Âu châu là nơi nhận hơn phân nửa lượng đầu tư hải ngoại của Mỹ; Mỹ đầu tư vào một xứ nhỏ xíu như Ireland gấp bốn lần rưỡi số đầu tư vào Trung Quốc trong 10 năm qua. Thiên hạ cứ nói đến khối BRIC của bốn nền kinh tế đang lên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, chứ bốn thị trường này chỉ nhận có 6,4% tổng số đầu tư của Mỹ thôi. Bây giờ, trong bối cảnh kinh tế chưa hồi phục và thất nghiệp còn cao, cơn chấn động chính trị tại Pháp mà lan khắp Âu châu thì sẽ đẩy nước Mỹ vào một vùng bất trắc mới cho ngân hàng và doanh nghiệp Mỹ. Vì vậy, người ta mới theo dõi kỹ.

RFI: Riêng tại Pháp, nước Mỹ thấy thế nào việc đảng Xã hội và phe tả thắng cử?

Nguyễn-Xuân NghĩaCuộc bầu cử Tổng thống bắt trớn cho bầu cử Quốc hội vào hai ngày 10-17 tháng Sáu và đưa lên một tầng lớp lãnh đạo mới tại Pháp. Sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 16, ông François Hollande sẽ gặp Thủ tướng Đức rồi qua Mỹ bốn ngày dự Thượng đỉnh của khối G8 tại Camp David và của khối NATO tại Chicago.

- Dịp này, ông sẽ tuyên bố là cuối năm nay Pháp triệt thoái các đơn vị sau cùng ra khỏi chiến trường Afghanistan, tức là một năm sớm hơn hạn kỳ. Dù sự hiện diện quân sự của Pháp chỉ còn giá trị tượng trưng, quyết định ấy cũng gây lúng túng cho Hoa Kỳ. Sau đó, với cánh tả sẽ đại thắng trong Quốc hội Pháp, chiều hướng thân Mỹ và sát cánh với NATO mà ông Sarkozy theo đuổi từ năm 2007 sẽ thay đổi với hậu quả bất lường cho cả Minh ước NATO và Hoa Kỳ.

RFI: Đó là về chuyện chính trị trước mắt. Về kinh tế thì các thị trường tài chính Mỹ nghĩ sao khi cử tri Pháp mãnh liệt chống lại chính sách khắc khổ và giảm chi của Âu châu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Họ thấy làn sóng ngược không chỉ tại Pháp mà ở các xứ khác kể cả Hòa Lan, vốn là đồng minh sáng giá của Đức trong chính sách giảm chi và chấn chỉnh chi thu. Vậy mà nội các Hòa Lan cũng đổ hôm 23 tháng trước vì phe cực hữu. Năm 2005, dân Pháp và Hòa Lan cũng đặt vấn đề về Hiến pháp, cho nên sự thống nhất của Liên Âu cũng đang bị đe dọa.

- Khi khủng hoảng của khối Euro chưa giảm, kinh tế Âu châu có thể lại suy trầm nữa thì chính sách khắc khổ của Đức khiến dân Âu châu mệt mỏi, đòi hỏi những biện pháp kích thích tăng trưởng như ông Hollande đã đề ra và ông Sarkozy lật đật chạy theo mà không kịp. Các thị trường tài chính đã tiêu hóa sự kiện này qua phân lời trái phiếu Pháp bỗng tăng vọt hai tuần trước, tức là khi đi vay thì sẽ trả tiền lời đắt hơn, và nay thì đã giảm chút đỉnh. Nói chung, họ không ngạc nhiên về kết quả bầu cử tại Pháp.

- Nhưng sau đó còn câu hỏi chưa có giải đáp là trong cảnh nợ nần quá nặng như vậy, Pháp và các nước tìm đâu ra tiền để kích cầu và thoả mãn người dân, nhất là khi chính trường Pháp vẫn còn tinh thần hứa hẹn vì còn tranh cử Quốc hội cho đến tháng Sáu. Câu hỏi ấy cũng đang gây tranh luận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 này tại Mỹ.

RFI: Anh có nói đến nghiên cứu của các đại học hay các học giả Mỹ về tình hình chính trị Pháp. Họ nghĩ sao về những thay đổi tại Pháp?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Bên cánh tả Hoa Kỳ, người ta kết luận là xu hướng bảo thủ Pháp đang bị sụp vào trong hay "nội phá", implosion, vì mất bản sắc. Trong 54 năm của nền Đệ ngũ Cộng hòa, cánh hữu đổi tên hơn chục lần, nay hết còn theo tư tưởng của Charles de Gaulle mà cũng chả biết là muốn gì nữa khi biến thái thành chủ nghĩa quốc gia cực đoan, với sự thắng thế của Mặt trận Quốc gia và bà Marine Le Pen. Ông Sarkozy sai lầm lớn khi muốn hốt phiếu từ phía này mà từ bỏ tinh thần hội nhập Âu châu, kỳ thị di dân và nêu vấn đề về hiệp ước tự do di trú Schengen.

- Bên cánh hữu thì phê phán ông Sarkozy là bất nhất, lỡ cơ hội cải tổ để nâng sức cạnh tranh của Pháp và thoát dần chế độ bao cấp với khu vực nhà nước chiếm tới 56% tổng sản lượng quốc gia. Nhưng họ hoài nghi khả năng giải quyết của đảng Xã hội và phe tả khi nhận một di sản quá đen tối với sức ép quá lớn của các nghiệp đoàn. Dân Pháp bỏ phiếu để trừng phạt Sarkozy chứ cũng chưa rõ là cánh tả có phép lạ gì chăng, và sau một tuần trăng mật ngắn ngủi, khi nghỉ hè về, dân chúng sẽ lại biểu tình nữa vì thất vọng.

- Nói chung, trong hai tháng trước mắt thì người ta chờ xem lãnh đạo Pháp xử trí ra sao với kế hoạch giảm chi ngân sách mà các nước Âu châu đã thỏa thuận hồi tháng Ba. Nhiều phần thì đôi bên đều phải tương nhượng mà thảo luận lại về các ưu tiên và phương tiện thực hiện ưu tiên đó. Chuyện ấy sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Quốc hội Đức vào năm tới.

- Về dài thì có lẽ ta đang chứng kiến một cơn địa chấn Âu châu, vì chủ nghĩa quốc gia và quyền lợi kinh tế riêng tư của từng nước đang thách đố nỗ lực hội nhập của các nước vào một khuôn khổ siêu quốc gia, mà đa số dân chúng lại cho là nằm trong thay một thiểu số ưu tú Âu châu. Từ cánh tả qua cánh hữu, dân Pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm thiểu số này, là các chính khách, công chức quốc tế hay các ngân hàng và giới đầu tư trái phiếu. Sau đó thì làm gì, hình như chưa ai có câu trả lời, sau khi 11 chính quyền tại chức của Âu châu đã đổ, và các đảng cực hữu và cực tả lại thắng lớn kể từ bốn năm khủng hoảng vừa qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét