NSƯT ĐÀO ANH DŨNG
GỬI EM, HỌC SINH CŨ CỦA TÔI
Tôi nhận được tin nhắn của em: "Thưa Thầy! Em xin báo Thầy tin vui là học trò của Thầy vừa được nhận NSƯT hôm 29/4 vừa qua. Cảm ơn Thầy đã đồng hành và chỉ bảo cho em nhiều năm qua …" Mừng lắm em ạ! Mừng đến độ, cứ như mình được phong NSƯT chứ không phải em. Rất muốn vào Sài Gòn chia vui với em, việc bận, không đi được, đành phải viết mấy dòng này.
Mới ngày nào, mùa tựu trường của khoa Sử - Chính trị trường ĐHSP Quy Nhơn, em chỉ là một sinh viên bình thường như bao sinh viên khác. Có khác chăng, hay đàn hát, nghịch ngầm… Thế mà bây giờ đã trở thành một nhà quay phim, một đạo diễn phim tài liệu có tên tuổi. Tôi biết tài của em qua một bộ phim truyền hình dài tập, em vừa là nhà quay phim, đồng thời cũng là một diễn viên chính trong bộ phim đó. Gặp em, Tôi mừng về sự thành công, nhưng hình như em vẫn chưa bằng lòng với những việc mình đã làm. Em nói: " Có lẽ em sẽ học đạo diễn và chuyên làm phim tài liệu Thầy ạ! Nói lên sự thật về những sự kiện, con người ở thời đại chúng ta đang sống để sau này con cháu chúng ta không hiểu sai về thời kỳ cha ông đã sống!". Đó là một ý kiến hay nhưng rất khó, nhất là trong bối cảnh " trên đường ray chỉ có một con tàu" như hiện nay. Tôi chỉ gợi ý với em: " Làm phim tài liệu, em hãy cố gắng ghi lại đúng sự thật với những hình ảnh chân thực nhất. Làm được như vậy thế hệ sau này sẽ biết ơn em!" . Em gật đầu: " Em sẽ nghe lời Thầy!". Những phim sau này em làm, tôi xem, rất vui, gần như em đã thực hiện lời của tôi từng tâm sự với em.
Trong một bộ phim tài liệu gần đây, do em quay, đã đưa người xem đến một hòn đảo xa xôi giữa Thái Bình Dương. Nơi đó cách đây cũng hơn một trăm năm, thực dân Pháp làm nơi giam cầm, đày đọa những người Việt Yêu Nước, những người chỉ ao ước một đất nước Việt Nam độc lập, chính quyền là của người Việt Nam . Mấy chục năm sau, qua bao cơn binh lửa, hàng triệu người Việt hy sinh, Đất nước Việt Nam mới được hòa bình, người Việt có chính quyền độc lập… Ước mơ của họ đã thành hiện thực nhưng cha ông của những người gốc Việt ở đây chết không thể nhắm mắt vì vòi vọi nỗi nhớ cố quốc, quê hương, khao khát một ngày được đặt chân lên mảnh đất sinh thành…tất cả chỉ là sự vô vọng. Vô vọng hết thế hệ người Việt này đến thế hệ người Việt khác, cũng đến bốn, năm đời. Đất nước ViệtNam hiện nay ra sao ? Quê hương có thay đổi nhiều không? Họ hàng ai còn, ai mất? Em đã quay những ánh mắt người Việt trên đảo nhìn em ngần ngật nước vì nhớ thương, không biết tìm đâu trong muôn nẻo để có đường về. Em quay cả hình ảnh người Việt, một bóng, một hình cô đơn lặng lẽ đi trên bãi biển nhìn về phía mặt trời sắp lặn, nhìn theo những cánh chim hải âu bay chấp chới như muốn hỏi cánh chim kia, quê hương có ai nhớ đến tôi không ? Rồi em quay hình ảnh một nấm mồ hoang vu với hành chữ Việt sai dấu, sai lỗi chính tả trên tấm bia, như một lời nhắn nhủ với người còn sống: " Đến chết tôi vẫn là người Việt". Vào một gia đình người gốc Việt trên đảo, em cho mọi người xem thấy hình ảnh một bàn thờ đơn sơ của người Việt để trong nhà dưới lá cờ đỏ sao vàng và bức ảnh Cụ Hồ vẽ theo trí nhớ. Người nói chuyện cố bập bẹ vài tiếng Việt " thưa ông! Thưa bà", như để khẳng định với người được nói chuyện, chúng tôi không quên tổ quốc. Người xa nước là thế, yêu nước là thế! Xem phim của em tôi ngậm ngùi thương xót cho thân phận người Việt xa xứ. Thế mà có người Việt ở ngay trên đất Việt, tự nhận là "yêu nước" dám dâng đất cho ngoại bang, dám đánh cả đồng bào của mình vì tội phản đối quân xâm lược. Xem phim của em rồi so sánh với hiện tại, mới thấy thương người dân đất nước mình. Bao đời đổ mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu, còn hơn thế nữa, bị đày biệt xứ để giữ mảnh đất tổ tiên, đến giờ tưởng đạt được ước nguyện, thế mà vẫn khổ. Nỗi niềm đau khổ của người xa tổ quốc là đường về mịt mù xa ngái, và nếu họ biết, còn đau khổ hơn, là chính quyền của người Việt hiện nay, gần như đã quên họ. May có những thước phim em và đồng nghiệp ghi lại, biết đâu đây là tiếng "gõ cửa" để những người cầm quyền Việt Nam nghe thấy, có trách nhiệm hơn, thể hiện lòng biết ơn cụ thể hơn với những người Việt yêu nước ở nơi xa xôi kia, ngày đêm trông ngóng có điều kiện trở về …
Tôi lại xem một phim tài liệu mà em là người quay phim chính, nói về ba ông Vua triều Nguyễn, cũng chỉ vì lòng yêu nước bị thực dân Pháp thông đồng với những ông Vua tại vị ươn hèn, cho lưu đày ba ông Vua này đi biệt xứ. Với một chính thể nô lệ từ ý thức cho đến quyền hành vào ngoại bang thì lòng yêu nước bao giờ cũng bị trả giá, đúng không em? Thương thay cho ba ông Vua, người đến chết vẫn giữ hồn Việt từ vóc dáng, tiếng nói, đến cả bộ quần áo đang mặc. Người quyết chí về nước để cứu nước, lại bị chết giữa đường, vì "tai nạn", cái chết chứa đầy uẩn khúc… Có thể ai đó quên những vị Vua đầy lòng ái quốc này, rõ nhất là nấm mộ của Vua Hàm Nghi, rêu xanh đã phủ, chữ trên bia đã nhạt, người thân dần dần xa vắng…nấm mộ của nhà Vua nằm trong cô quạnh trên đất người. Nhưng hình ảnh mộ của ông Vua yêu nước, em cố quay cận cảnh, như nhắc với hương hồn của ông, ở Việt Namvẫn có người kính trọng ông, biết ơn ông.
Em còn làm nhiều phim tài liệu nữa, em đi nhiều, ghi lại nhiều thước phim giá trị, nhưng vẫn chưa nói hết những tấm lòng yêu nước của người Việt, kể cả trong nước lẫn ngoài nước. Tấm lòng yêu nước đó, trong như ánh sáng, mạnh hơn sức mạnh của các loại vũ khí hiện đại nhất. Nó sẽ là bức trường thành giữ vững, trọn vẹn tổ quốc Việt Nam. Em sẽ cố gắng, bằng những thước phim tài liệu ghi lại, để những người hôm nay và các thế hệ mai sau ghi nhớ, phát huy. Những phim tài liệu em đã làm, nhất là những phim em làm về chí sỹ yêu nước cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, đã thể hiện phần nào ý định của em.
Những bộ phim này đều đoạt giải trong những kỳ liên hoan phim. Em có báo tin này đến với tôi, nhưng điều đó đối với em không quan trọng. Điều quan trọng – như em tâm sự - Những thước phim em đã thực hiện, chỉ mong muốn những người đang sống, hành động như thế nào không làm tủi hổ vong linh của những người đã khuất. Họ chết cho chúng ta sống, cho sự trường tồn của Đất nước Việt Nam.
Em đã là Nghệ Sỹ Ưu Tú vì thành công của những bộ phim trên. Mừng cho em. Hãy đi tiếp con đường mình đang dự định.
Làm phim về sự thật, nói đúng sự thật.
Danh đó lớn hơn NSƯT và NSND rất nhiều. Đúng không em?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét