Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Nguyễn Xuân Nghĩa : Chuyện Libya: Thu Dọn Chiến Trường

Nguồn dainamax

2011-09-02

Nguyễn Xuân Nghĩa - Viet Tribune Ngày 20110902 

Và Dàn Xếp Chính Trường.... 


    Bao giờ sẽ là đạo quân chính quy? Mà do ai lãnh đạo?



Trong sự hồ hởi chung của mọi người về tình hình Libya khi lực lượng nổi dậy vào đến thủ đô Tripoli, ít người chú ý đến một bản tin lạ của hệ thống Bloomberg ngày Thứ Sáu 26 Tháng Tám.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp tốc gửi qua Libya hai chuyên gia của một hãng thầu để truy tìm và hủy diệt để các hoả tiễn cầm tay khỏi lọt vào tay quân khủng bố! Đầu Tháng Chín thì họ bắt đầu làm việc tại Libya cùng với một đơn vị đặc nhiệm của bộ Ngoại giao đã hiện hữu từ năm 2003.

Tìm hiểu thêm, ta thấy ra chuyện động trời là bộ Ngoại giao đã trình Quốc hội về kế hoạch truy tìm võ khí từ ngày 15 và Tổng trưởng Ngoại giao Hillary Clinton còn nói thẳng hôm 25 rằng tổ chức lãnh đạo phe nổi dậy là Hội đồng Chuyển giao Quốc gia (National Transitional Council NTC) "phải chịu trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về sự an toàn của võ khí".

Một trong các điều kiện khiến Hoa Kỳ công nhận Hội đồng này vào ngày 15 Tháng Bảy - rất trễ sau các đồng minh Âu Châu – chính là hồ sơ về hoả tiễn cầm tay, trong đó có loại S-7 chống phi cơ mà chế độ Moammar Gaddafi đã nhận từ Liên bang Nga.

Lý do là Mỹ đã thấy loại võ khí này trên thị trường chợ đen của xứ Mali, là nơi lực lượng khủng bố xưng danh "Al-Qaeda tại khu vực Maghreb Hồi giáo" (AQIM) có mặt từ lâu. Mà vấn đề không chỉ có loại "phòng không cầm tay" ("man-portable air defense system" hay MANPADS)

Xin mời mọi người bước vào thế giới thật của chinh chiến điêu linh, thay vì cứ rong chơi trong cõi ảo của "Mùa Xuân Á Rập".


***


Đầu tiên, xin nói về khí cụ sát sinh.

Khác với trái dưa hay túi gạo, võ khí là loại "hàng bền" có thể tồn tại rất lâu, vài chục năm, mà lại dễ "điền thế" - trao đổi và sử dụng cho nhiều chức năng khác nhau.

Xin lỗi độc giả về cách nhìn méo mó về kinh tế, nhưng một khẩu AK-47 là loại hàng bền, có thể sản xuất ra khi các chú du kích ngày nay chưa ra đời mà vẫn còn công dụng. Hoặc khẩu M-16 chế tạo tại Israel có thể thay khẩu M-16 Made in USA chế tạo cho chiến trường Việt Nam từ bốn chục năm trước. Hoặc khẩu AK-47 của Nga hay của Tầu có thể hoán chuyển cho nhau với cùng loại đạn. Nhờ vậy cũng dễ đổi ra tiền mặt trong một thị trường máu lửa....

Xin buồn buồn nhớ lại chuyện Việt Nam.

Sau biến cố 1975, số võ khí tịch thu từ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã được chế độ cộng sản Hà Nội bán qua Cuba để đổi lấy... đường! Rậm râu sâu mắt như một ông già Noel của hoả ngục nhiệt đới, Fidel Castro đã phổ biến loại hàng hóa đó cho các nhóm dân quân Mác-xít đi làm "cách mạng" tại Trung Mỹ và Nam Mỹ. Nhiều tay đặc công khủng bố đã tung hoành tại Guatemala, El Salvador hay Chile nhờ các "chiến lợi phẩm" này của Hà Nội.

Ngẫm lại thì vàng của miền Nam được trả cho Liên Xô, súng của Sàigon được bán cho Cuba. Nay chỉ còn lãnh thổ để đổi chác với Trung Quốc! Đó là bài học bất ngờ cho chúng ta từ vụ Libya.... \

Xin theo dõi tiếp số phận của vật vô tri vô giác kia – khẩu súng, không phải là Bộ Chính trị của Hà Nội!

Hiện nay, nhiều tổ chức ma túy của Mexico tiếp thu được võ khí Mỹ từ chiến trường Việt Nam qua ngả Trung Nam Mỹ để "lại quả" cho nước Mỹ trong biên vực Mỹ-Mễ. Nhưng xin đừng cho rằng hàng "Made in USA" là bền bỉ và khả tín nhất: nhiều tay khủng bố tại Pakistan hay Yemen vẫn còn xài súng trường do Anh quốc chế tạo từ đầu thế kỷ trước!

Chúng ta càng nên nhớ lại rằng sau 1979, Hoa Kỳ từng yểm trợ các nhóm kháng chiến A Phú Hãn để soi mòn lực lượng chiếm đóng của Liên Xô khiến đế quốc Xô viết bị xuất huyết rồi sụp đổ. Nhưng nhiều kháng chiến quân lại tham gia Thánh chiến và dùng võ khí Mỹ để ngợi ca Thượng đế Allah.
Việc Hoa Kỳ phải truy lùng và tìm lại các hoả tiễn Stinger của mình còn ly kỳ hơn truyện trinh thám giả tưởng! Gần đây hơn, việc Hoa Kỳ truy tố trủm buôn lậu võ khí người Nga có liên hệ đến tình báo Nga là Victor Bout cũng là một nhắc nhở.

Đương sự bị bắt tại Thái Lan năm 2008 và hai năm sau mới được Thái cho dẫn độ về Mỹ để chờ ngày ra toà. Thành tích của y là cung cấp võ khí cho quân khủng bố lẫn các tổ chức ma túy, và hàng hóa phân phối là nhiều khí cụ quái đản, kể cả hỏa tiễn và máy bay! Khi bị cơ quan bài trừ ma túy của Mỹ là DEA gài bẫy là bán võ khí cho "giải phóng quân" của xứ Colombia, Victor Bout mới sa lưới.

Cho nên, nếu đạn dược hoặc bình điện cho hỏa tiễn có thể bị hư hao theo thời gian hay khí hậu, đa số võ khí vẫn còn đắc dụng mấy chục năm sau khi ra lò. Chúng đắc dụng ở nhiều nơi và trở thành mối nguy cho thế giới và Hoa Kỳ. 

Bây giờ, xuất phát từ một trung tâm có truyền thống phổ biến võ khí là Libya thì ta nên nghĩ đến một bầy ong vỡ tổ với đầy nọc độc giết người.

Chế độ Gaddafi từng đứng đầu thế giới về trò chơi khủng bố và ngày xưa còn cung cấp võ khí tàn sát cho lực lượng khủng bố Bắc Ái Nhĩ Lan. Chế độ cũng là trung tâm sản xuất võ khí hóa học và có một kho hơi độc ("mustard gas") đáng nể. Gaddafi chưa dùng tới loại chất độc hung hiểm này, nhưng nếu chúng lọt vào tay quân khủng bố thì thiên hạ sẽ có nhiều người chết oan.

Mà Libya cỏn là đất tung hoành của nhiều lực lượng Hồi giáo xưng danh "Thánh chiến" chống  chế độ Gaddadi.

Nhóm Al-Qadea tự phát hay nội hóa là AQIM chỉ là một, và là mối bận tâm cho chính quyền Algérie ở bên cạnh. Ta hiểu vì sao Algérie đã đón nhận gia đình Gaddafi qua lưu vong ở bên đó: xưa nay, hai chế độ có chung chiến tuyến và kẻ thù là "Thánh chiến" Hồi giáo.

Bài này miễn nói tiếp về chuyện thu dọn chiến trường và thu hồi các võ khí đã từ kho quân cụ của Gaddafi bay ra chợ trời như ong vỡ tổ. Hay từ các quốc gia liên hệ đã giúi vào tay "quân nổi dậy" mà chưa biết rằng chuyện "nuôi ong tay áo" có thể lại tái diễn.

Chỉ vì ngày nay, Hoa Kỳ sẽ phải đi gom đạn và ứng phó với kẻ thù đó!


***


Chế độ Gaddafi hết còn lãnh đạo Libya được nữa, đó là một thực tế ở tại chỗ.

Nhưng, hết lãnh đạo chứ Gaddafi và tàn quân vẫn còn có thể quấy rối. Khi Ngoại trưởng Ý Đại Lợi là Franco Frattini nói rằng Gaddafi chỉ còn kiểm soát được có 5% của lãnh thổ Libya, ông ta là nhà ngoại giao chân chính – "kẻ nói dối chính đáng cho chính quyền" theo một định nghĩa rất chính xác.

Chỉ vì làm sao có thể đo đếm được một thực tế nhiễu nhương mờ ảo khi mà người trong cuộc, là phe nổi dậy và biệt kích của NATO, còn chưa biết. Nhưng không biết thì Frattini vẫn có thể nói ẩu nhằm gây ấn tượng cho dư luận qua các cơ quan truyền thông cầm tinh con vẹt.

Gaddafi không còn lãnh đạo Libya được nữa, nhưng ai thực sự lãnh đạo thì cũng chẳng ai biết, kể cả người trong cuộc là phe nổi dậy và biệt kích hay tình báo NATO. Đó cũng là một thực tế khác ở tại chỗ!

Tuần qua, lãnh đạo Hoa Kỳ và Anh Pháp, như Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng David Cameron và Tổng thống Nicolas Sarkozy, đều nói cho quốc dân và thế giới rằng chế độ Gaddafi đã sụp đổ. Họ mong rằng truyền thông con vẹt sẽ kết luận cho họ là cuộc chiến đã kết thúc, nhiệm vụ đã hoàn tất. Nhiều người cuồng nhiệt phất cờ dân chủ mà quên mất rằng biệt kích và tình báo của Hoa Kỳ đang mờ người đi tìm sự thật ở tại chỗ và trong vòng lửa đạn, họ thầm mong là sự thật đó không nổ vào mặt.

Ngẫm lại thì lãnh đạo Âu Châu đã khéo dụ Tổng thống Obama vào một cuộc phiêu lưu có lý do chính đáng là lòng nhân đạo.

Có khi lý do chỉ là lý cớ nhưng miễn nhắc đến chuyện ấy - giấy mực vốn có hạn! – xin đọc lại các bài viết từ nhiều tháng qua như "NATO Ô Hô và Đông Phương Hồng" hoặc "Hành Trình vào Vô Định", Cấm Bay "Vùng Cấm Bay" tại Libya", v.v...  trên cột báo này hay trên Dainamax Magazine.

Ngược với quan điểm dè dặt bên Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia, tay mơ Obama ngả theo ý kiến của bốn vị nữ lưu là Ngoại trưởng Hillary Clinton, Đại sứ Suzan Rice tại Liên hiệp quốc và hai cố vấn về chánh sách trong Hội đồng An ninh, xưa nay tích cực đấu tranh cho nhân quyền là Samantha Power và Gayle Smith. Bà Clinton là người cẩn trọng nhất mà sau đó bị Âu Châu thuyết phục nên ủng hộ việc can thiệp vào Libya, nhưng cũng khéo trách trách nhiệm cho Hoa Kỳ khi đề nghị là Mỹ chỉ yểm trợ Minh ước NATO chứ không giữ vai trò tư lệnh.

Còn lại là mấy người mơ ngủ. Lý do gồm có ba phần, xin được lần lượt kể ra.

Lý tưởng Âu Châu là một: "can thiệp để ngăn ngừa chuyện vô đạo là nghĩa vụ", dù hơi co giãn thì cũng hiểu được! Chính trị Mỹ là hai: cánh tả - chủ hòa và không tưởng - xấu hổ vì sự bất nhất của mình khi ủng hộ rồi lật lọng đả kích chính quyền Bush về vụ Iraq (một trong các lý do là chấm dứt chế độ độc tài cuồng sát của Saddam Hussein) nên cũng ra vẻ thương dân lành vô tội mà ủng hộ việc tấn công Libya. Cánh hữu thì vỗ tay khi thấy diều hâu vỗ cánh.

Phần thứ ba của lý do, là kết cuộc tào lao ngyà nay: áp dụng "quyền lực mềm" theo kiểu Âu Châu - ngoại giao kết hợp với một chút dọa nạt quân sự - Hoa Kỳ nhảy vào Libya với giải pháp "quân sự mềm". Thực tế là dùng phương tiện võ trang sạch – không tập chứ không thả quân chiếm đóng – để góp phần lật đổ một chế độ trong một cuộc nội chiến.

Mùng ba Tháng Hai, Obama tuyên bố rằng Gaddafi phải ra đi. Sáu tháng sau, quả là Gaddafi đã ra đi! Nhưng đi đâu thì chưa ai biết và ai đến thì cũng chẳng ai hay. Vì quyền lực mềm và quân sự sạch ấy khiến Hoa Kỳ chỉ lật đổ một chế độ độc tài chứ không thể đổ quân vào xây dựng dân chủ cho Libya.

Cùng lắm thì cho người mặc áo dân sự vào tìm đạn dược võ khí để tiêu hủy.

Kết cục thì vì lý do chỉ nhân đạo là bảo vệ thường dân bị tàn sát, Hoa Kỳ không sa lầy như tại A Phú Hãn hay Iraq. Nhưng xứ Libya chưa có tương lai.

Hội đồng Chuyển giao NTC đã có rạn nứt và mâu thuẫn được phơi bày mỗi ngày sau khi Tripoli đổi chủ vào tuần trước. Những ai còn hoài nghi thì xin hãy chờ tin thời sự! Mối nguy ẩn mặt là sự xuất hiện của các lực lượng "Thánh chiến" đã nhân hoàn cảnh loạn lạc của Libya mà gom súng và kết nạp tay chân!


***


Khi chuyện Libya bùng nổ vào cuối Tháng Hai, nhiều nhà bình luận hay thầy bàn ngoài quán cóc đã bày tỏ bản lãnh mà nói đến thuyết "âm mưu". Chẳng hạn như Mỹ và Âu Châu vào Libya là vì dầu hỏa. Hoặc để hất cẳng Trung Quốc!

Sự thật nó đơn giản hơn truyện phong thần đó.

Các tổ hợp dầu hỏa Tây phương, như ENI của Ý, Total của Pháp hay BP của Anh đã có kinh nghiệm và quan hệ lâu đời với chế độ Gaddafi. Sau khi Mỹ mở chiến dịch Iraq năm 2003, tay bạo chúa này còn đưa một con trai xuất sắc là Seif al-Islam bước ra hòa giải với Tây phương. Ngoại trưởng Condoleezza Rice thời Bush đã gặp Gaddafi để chuẩn bị kỷ nguyên "hậu Gaddafi".

Trong khung cảnh ấy, việc đổi chác về dầu khí hoặc phá vỡ đầu cầu xâm nhập của Trung Quốc đã có thể tiến hành cách khác: Gaddafi có vẻ khật khùng chứ không là người điên. Nếu cứ nói về thuyết âm mưu thì thà Gaddafi chia chác quyền lợi dầu khí còn hơn là bị bom rơi trúng đầu!

Chẳng nói về quyền lợi dầu khí thì hãy nhìn vào thực tế lạnh lùng của bán chác.

Các thành viên Âu Châu của NATO hay Liên hiệp quốc có thể dàn xếp với Toà Hình sự Quốc tế ở The Hague một giải pháp cho Gaddafi để tay bạo chúa buông súng cho con trai tiến hành "hòa giải hòa hợp" với các thị tộc bị lấn át. Và từ từ tháo lui trong khi trí thức và nhân sĩ Libya có cơ hội xây dựng dân chủ, một số học giả Mỹ sẽ có hợp đồng tư vấn, để soạn thảo hiến pháp và nghiên cứu kế hoạch "kinh tế hậu chiến".

Có lẽ mọi sự lại gọn mà tổn thất máu xương lại nhẹ hơn! Trong khi ấy, Syria mới là chuyện chiến lược.

Lãnh đạo xứ này tàn ác không kém Gaddafi, lại còn hơn Gaddafi là cha truyền con nối được hai đời. Gia đình Bashar al Assad thuộc hệ phái thiểu số Alawite đã dùng đảng Baath cai trị đa số là dân Sunni với bàn tay sắt. Lại còn hợp tác với xứ Iran của dân Shia để gây loạn trên Dải Gaza qua lực lượng Hamas và đồng thời lũng đoạn xứ Lebanon qua lực lượng Hezbollah. Syria cũng đã toan tính mua kỹ thuật hạch tâm của Bắc Hàn mà bị tình báo Israel kịp thời tiêu diệt.

Thế thì vì sao không nhân danh lòng bác ái mà giải quyết chuyện Syria - nhân tiện nhổ bớt một mối nguy chiến lược trong khu vực cho thế giới Á Rập được nhờ?

Bây giờ, NATO hoàn tất nhiệm vụ - trước Tháng Chín như đã biểu quyết để triển hạn – nhưng Lybia vẫn là thùng thuốc súng! Chiến trường chưa dứt tiếng đạn bom còn chính trường thì vẫn mờ mờ nhân ảnh. Chỉ có một điều chắc chắn: không thấy ai nói đến dân chủ nữa!

Hãy gõ trên Google mà xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét