Kỳ 3
V. Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam
Việt Nam đã biên soạn được 4 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992. Người viết bài này chỉ đề cập đến hai bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1992.
5.1. Hiến pháp năm 1946
Hiến pháp năm 1946 của Chính phủ liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một văn bản pháp lý rất có giá trị, đây là bản Hiến pháp dân chủ nhất trong 4 bản Hiến pháp. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên vì nhìn chung các Hiến pháp soạn thảo về sau phải đầy đủ và dân chủ hơn các bản Hiến pháp trước đó, nhưng trong trường hợp này lại ngược lại.
Hiến pháp năm 1946 thiết lập nền cộng hòa và đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cái tên ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị và là mục tiêu hướng đến của nước Việt Nam độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bản Hiến pháp năm 1946 công nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền bầu cử, quyền tự do ngôn luận, quyền sở hữu…
Nguyên tắc tam quyền phân lập chưa được nêu ra đích danh nhưng các nhà soạn thảo Hiến pháp đã tách biệt được các quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp.
Đăc biệt vai trò của Nghị viện được nhấn mạnh và nhắc đến nhiều lần, các nhà soạn thảo mong muốn thiết lập chế độ Nghị viện ở Việt Nam, đó là một thể chế chính trị dân chủ phổ biến tại Châu Âu. Ví dụ điều thứ 25: "Nghị viện không phải chỉ thay mặt cho địa phương mình mà còn thay mặt cho toàn thể nhân dân". Hiến pháp năm 1946 nêu ra chế độ bầu cử trực tiếp và thực hiện bình đẳng giới. Hiến pháp này còn đưa ra quyền phúc đáp của nhân dân, điều đặc biệt là bản Hiến pháp đề cao và giữ gìn tiếng nói, văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đây là những giá trị rất nhân văn và tiến bộ, ngay cả các nước có truyền thống soạn thảo Hiến pháp như nước Pháp cũng còn bỏ quên ý này trong các bản Hiến pháp đầu tiên.
Hiến pháp năm 1946 là một văn bản pháp lý ngắn gọn, súc tích, nêu được những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ. Thành công của bản Hiến pháp này là do các thành viên trong ban soạn thảo có hiểu biết sâu sắc về pháp luật và họ biết vận dụng các bản Hiến pháp dân chủ của nước Pháp. Ảnh hưởng của nền luật pháp phương Tây được thể hiện rất rõ qua một số điều được lấy lại từ Hiến pháp của Pháp và được chuyển hóa cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, ví dụ điều thứ 16: "Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam" được dựa trên điều 120 của bản Hiến pháp ngày 24 tháng 6 năm 1793 (Hiến pháp năm thứ nhất của nền cộng hòa): "Nhân dân Pháp cho phép những người ngoại quốc được cư trú trên đất nước mình một khi những người này bị truy đuổi khỏi tổ quốc của họ vì sự nghiệp đấu tranh cho tự do. Nhân dân Pháp không chấp nhận những tên bạo chúa cư trú trên đất Pháp".
Hiến pháp năm 1992 lấy lại điều này và bổ sung thêm khái niệm Chủ nghĩa xã hội ở điều 82 khiến ý nghĩa điều này trở nên lan man: "Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì Chủ nghĩa xã hội… Nhà nước CHXHCH Việt Nam xem xét việc cư trú ". Nếu được chọn giữa hai bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1992, tôi sẽ chọn Hiến pháp năm 1946 đồng thời bổ sung thêm một số điều cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
5.2. Hiến pháp năm 1992
Đây là một bản Hiến pháp dài, một số điều có những câu từ lan man và khó hiểu, qua đó có thể thấy năng lực của những người soạn thảo Hiến pháp năm 1992 thua xa thế hệ đi trước. Tuy vậy, Hiến pháp năm 1992 cũng có một số điều tiến bộ và có tính nhân văn như điều 29, điều 32, điều 61, điều 67, điều 119. Các điều 17 đến điều 22 không nhất thiết phải đưa vào Hiến pháp mà nên chuyển thành luật vì Hiến pháp phải có giá trị khái quát cao, thể hiện được tầm nhìn của Nhà nước ở mức độ vĩ mô. Hiến pháp phải thể hiện khát vọng và cái đích hướng đến của nhân dân Việt Nam vì một tương lai tươi sáng. Một số điều như điều 34, điều 42 hay nhưng lại thiếu ý, còn các điều khác như điều 47, 48 có thể gộp làm một.
Ví dụ điều 49: "Công dân nước CHXHCN Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam".
Điều này tuy ngắn gọn và định nghĩa được người mang quốc tịch Việt Nam là ai nhưng lại không nêu rõ được những điều kiện để trở thành công dân Việt Nam. Xin được sửa là: Công dân Việt Nam là người sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam, là người Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Công dân Việt Nam là người có cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ là người Việt Nam nhưng sinh ra ở nước ngoài, biết nói, viết tiếng Việt, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam, sẽ được chấp thuận và được hưởng mọi quyền lợi và nghĩa vụ của người Việt Nam. Những người nước ngoài có đóng góp lớn lao cho sự nghiệp khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục. Hay họ sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Nhà nước Việt Nam sẽ ban tặng quốc tịch Việt Nam theo nguyện vọng của họ.
Ủy ban sửa đổi Hiến pháp lần này cần sửa lại một số điều cho ngắn gọn, súc tích nhưng cũng giải thích cụ thể các điều chưa rõ ràng, đặc biệt cần đưa thêm một số điều quan trọng vào Hiến pháp cho phù hợp với hoàn cảnh và tình hình mới. Hiến pháp năm 1992 sẽ trở nên thực sự dân chủ, tiến bộ hơn, phù hợp với thế hệ tương lai, đó cũng là nguyện vọng của nhân dân.
5.3. Những đề nghị sửa đổi Hiến pháp
Đề nghị thứ 1: Đổi tên nước "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" thành nước "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" điều này rất quan trọng và mang tính chiến lược lâu dài. Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nhiều ý nghĩa đó là mục tiêu hướng đến của nhân dân Việt Nam, nhân dân thiết lập nền cộng hòa.
Ý nghĩa gốc của từ cộng hòa trong tiếng la tinh: Res publica , nghĩa là cái của chung, Nhà nước được nhân dân bầu ra, Nhà nước bao gồm các cơ quan công quyền như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án… để phục vụ nhân dân, công nhận nền cộng hòa có nghĩa là từ bỏ chế độ quân chủ, chính thể đầu sỏ, hay độc tài mà quyền lực tập trung trong tay một số người hay một gia đình… Nền cộng hòa ở đây được hiểu là quyền lực nằm trong tay nhân dân và nhân dân bầu ra những người đại diện cho mình để thực thi những quyền nhân dân giao phó. Nền cộng hòa thể hiện ở chỗ các cơ quan công quyền phải phục vị lợi ích chung của nhân dân, luật pháp thể hiện ý nguyện của nhân dân. Dân chủ thể hiện qua chế độ bầu cử trực tiếp, nhà nước thuộc về tay nhân dân và đáp ứng những đòi hỏi của nhân dân. Hai khái niệm dân chủ và cộng hòa bổ sung và đan xen nhau, góp phần tạo dựng một nước Việt Nam tiến bộ, giàu mạnh, người dân được tự do, hạnh phúc. Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bao hàm tất cả những ý nghĩa tốt đẹp đó, đây cũng là ước muốn của thế hệ đi trước muốn gửi đến chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau. Vì vậy Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn đúng và phù hợp với đà phát triển của nhân loại tiến bộ. Còn Quốc hiệu hiện nay: "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" - một khái niệm mơ hồ, không biết con đường đi của đất nước sẽ ra sao, không thể hiện được ý nguyện của nhân dân, khái niệm này không nhắc đến từ dân chủ.
Ở đây cũng cần giải thích vì sao Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại chuyển thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 và 1959 không hề nhắc đến khái niệm Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Khái niệm này chỉ xuất hiện ở Hiến pháp năm 1980 và sau đó được lặp lại ở Hiến pháp 1992, vì sao như vậy?
Từ những năm 50 cho đến những năm 90, đó là thời kì chiến tranh lạnh, là giai đoạn đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô. Hai cường quốc này chạy đua vũ trang. Mỹ tập hợp được các đồng minh như Anh, Pháp, Tây Đức còn Liên Xô kiểm soát được một loạt các quốc gia Đông Âu bằng bàn tay sắt của mình. Việt Nam với vị trí địa lý chiến lược ở Đông Nam Á, không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các cường quốc đó. Mỹ muốn biến miền Nam Việt Nam thành đồng minh và xây dựng một nhà nước theo kiểu Mỹ, còn miền Bắc Việt Nam lại trong vòng ảnh hưởng của Liên Xô va Trung Quốc. Hai quốc gia này giúp đỡ miền Bắc Việt Nam đánh Mỹ giải phóng đất nước. Miền Bắc nhận được nhiều viện trợ và càng ngày càng ngả theo Liên Xô và Trung Quốc đồng thời chịu ảnh hưởng về ý thức hệ của các cường quốc này, kết quả là miền Bắc trở thành đồng minh chiến lược của Liên Xô và là một bộ phận của khối XHCN do Liên Xô áp đặt để đối đầu với khối Tư bản. Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một hệ quả lịch sử, minh chứng cho hoàn cảnh lúc đó bởi vì khi trở thành đồng minh của khối XHCN, miền Bắc Việt Nam có nhiều điểm lợi như tranh thủ được sự giúp đỡ của nhiều nước cùng ý thức hệ. Hàng vạn thanh niên miền Bắc được đào tạo tại các nước XHCN để trở thành lực lượng cán bộ sau này, năm 1991 khối XHCN sụp đổ, cái tên XHCN giờ chỉ còn trên văn bản. Chúng ta không còn lý do gì để níu kéo khái niệm này, chúng ta cần trở lại với Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà những người con ưu tú đã chọn lựa trước đây.
Đề nghị thứ 2: Bổ sung nguyên tắc tam quyền phân lập trong bản Hiến pháp năm 1992. Các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp phải có vai trò và vị trí độc lập, ba cơ quan này có thể hợp tác với nhau trong một mức độ giới hạn. Cơ quan lập pháp phải được củng cố bằng việc cử ra quan tòa, thẩm phán có vai trò độc lập và không thể bãi miễn trừ khi vi phạm luật. Ở mỗi tòa án từ cấp cơ sở đến tòa án tối cao phải được phân ra thành các phòng ban, đặc biệt phải có phòng phụ trách hành chính gọi là tòa án hành chính. Các quan tòa hành chính xét xử các vi phạm của Nhà nước đối với công dân và buộc Nhà nước phải đền bù những thiệt hại do mình gây ra. Tòa án hành chính là một bộ phận trong tòa án nhân dân, có thêm trách nhiệm xử lý các thông tư, nghị định, nghị quyết vi phạm luật và phải hủy bỏ các quyết định đó.
Đề nghị thứ 3: Thiết lập Tòa án Hiến pháp Việt Nam gồm 11 thành viên, trong đó 3 thành viên do Chủ tịch nước bầu ra, 3 thành viên do Thủ tướng bầu ra, 3 thành viên khác được Ủy ban thường vụ Quốc hội bầu, 1 thành viên do Tổng liên đoàn lao động cử ra, một thành viên khác do Mặt trận tổ quốc bầu ra. Các thành viên được bầu phải là những trí thức có uy tín, có hiểu biết về pháp luật, họ không nhất thiết phải nằm trong bộ máy hành chính nhà nước. Tòa án Hiến pháp có vai trò độc lập, không chịu sức ép từ Đảng, Chính phủ hay Quốc hội. Quyết định của Tòa án Hiến pháp có giá trị cao hơn luật và không thể khiếu nại. Tòa án Hiến pháp có một khoản ngân sách độc lập, có quy chế làm việc và nội quy riêng. Ngân sách của Tòa án và lương trả cho quan tòa Hiến pháp do nhà nước chi, khoản chi ngân sách phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng vào trước Tết Nguyên Đán hàng năm. Nhiệm kì của quan tòa Hiến pháp là 10 năm và không được bầu lại. Xây dựng một Tòa án Hiến pháp ở Việt Nam là chiến lược rất quan trọng để bảo đảm sự tồn tại của một Nhà nước pháp quyền.
Đề nghị thứ 4: Tổ chức Hội nghị Diên Hồng khi tình hình đất nước lâm nguy: Khi giặc ngoại xâm đe dọa bờ cõi và biển đảo của Tổ Quốc, khi đất nước bị thiên tai, lụt lội nghiêm trọng… Chủ tịch nước sau khi thảo luận với Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước cần hỏi ý kiến của Tòa án Hiến pháp, sau đó triệu tập Hội nghị Diên Hồng tại thủ đô Hà Nội để bàn bạc và tìm ra biện pháp đối phó với tình hình nguy nan của đất nước.
Các đại biểu dự Hội nghị Diên Hồng đến từ 63 tỉnh thành của cả nước, họ đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam. Mỗi tỉnh thành cử từ 20 đến 100 đại diện tùy theo dân số của các tỉnh thành (ví dụ: Hà Nội cử 80 đại biểu, HưngYên cử 20 đại biểu…) Hội nghị Diên Hồng dưới sự chủ trì của Nhà nước, các đại biểu dự hội nghị bày tỏ ý kiến bằng cách bỏ phiếu. Nhà nước phải xem xét và theo quyết định của Hội nghị.
Nếu tình hình quá khẩn cấp, Nhà nước không kịp triệu tập Hội nghị Diên Hồng, Chủ tịch nước sẽ họp bàn với Tòa án Hiến pháp cùng với sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng chính phủ và các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao và Công an. Quyết định sẽ được thi hành ngay sau cuộc họp.
Mô hình Hội nghị Diên Hồng cần được nhân rộng trong nhiều lĩnh vực đời sống, các thành viên tham gia phải có chuyên môn theo từng lĩnh vực của Hội nghị: Hội nghị Diên Hồng khoa học kĩ thuật, Hội nghị Diên Hồng giáo dục…
Nhà nước cần tài trợ và tổ chức Hội Nghị Diên Hồng đồng thời tiếp thu các ý kiến từ Hội nghị.
Đề nghị thứ 5: Chủ tịch nước được nhân dân trực tiếp bầu ra, tất cả các công dân Việt Nam trên 30 tuổi không có tiền án, tiền sự, không có dấu hiệu tâm thần đều có quyền ứng cử chức Chủ tịch nước nếu tập hợp được 3000 chữ ký của nhân dân trên 63 tỉnh thành, ứng cử viên Chủ tịch nước còn được các cơ quan công quyền cử ra.
Nhà nước nên bỏ một số chức danh như Phó thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước thay vào đó bầu ra các Bộ trưởng thường trực, không cần thiết giữ vị trí Phó Chủ tịch nước vì nhiệm vụ của Chủ tịch nước được Hiến pháp giao cho không nhiều. Chủ tịch nước hoàn toàn đàm nhiệm được công việc của Phó Chủ tịch nước.
Công việc của các Phó Thủ tướng sẽ do Thủ tướng và các bộ trưởng đảm nhiệm, như vậy bộ máy của Chính phủ sẽ đỡ cồng kềnh và hiệu quả hơn, nếu thấy cần thiết Chính phủ có thể tuyển thêm cố vấn.
Để tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập, các thành viên Chính phủ không nên ứng cử Quốc hội hoặc các nghị sĩ Quốc hội không là thành viên của Chính phủ.
Đề nghị thứ 6: Thành lập Hội đồng ngân sách Quốc gia gồm 13 thành viên là các chuyên gia tài chính, cơ quan này hoạt động độc lập có thẩm quyền giám sát việc chi tiêu của Chính phủ, Quốc hội, các bộ và các cơ quan hành chính cơ sở. Tất cả các cơ quan công quyền phải có báo cáo chi tiêu hàng năm cho Hội đồng ngân sách Quốc gia. Hội đồng công bố kết quả giám sát trước Tết Nguyên Đán. Hội đồng cũng là cơ quan tiếp thu các đơn, thư tố cáo tham nhũng của nhân dân. Các thư ký Hội đồng xem xét và gửi các đơn tố cáo đến tòa án hành chính các cấp. Hội đồng tổ chức họp báo và công bố các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
Đề nghị thứ 7: Mở rộng các quyền tự do cho nhân dân, nhất là tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội, tự do biểu tình đặc biệt là biểu tình yêu nước…
Đề nghị thứ 8: Việt Nam ủng hộ sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ của các dân tộc trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (Điều này có lợi để giúp Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ và Châu Âu, hơn nữa đây là cơ hội học hỏi của Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội của các nước tiên tiến, thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam nhiều hơn trong cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của tổ quốc).
Đề nghị thứ 9: Tất cả các hiệp định song phương và đa phương ký kết giữa Việt Nam và nước ngoài liên quan đến lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đều phải được thảo luận ở Quốc hội trước khi ký kết. Mọi hiệp định hay công hàm ngoại giao liên quan đến nhượng bộ đất đai và biển đảo của tổ quốc đều không có giá trị, toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam là bất khả xâm phạm, cấm sửa đổi điều này trong Hiến pháp.
(Hoàng Sa và Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Thế hệ hôm nay chưa lấy lại được Hoàng Sa, thì trách nhiệm này thuộc về các thế hệ tương lai, khi điều kiện và hoàn cảnh cho phép. Việt Nam cần lấy lại Hoàng Sa, ải Nam Quan, một nửa thác bản Dốc, dãy núi Đất. Chúng ta không đi ăn cướp, chúng ta chỉ lấy lại những gì thuộc về của mình, điều đó cũng hợp với mệnh trời và lòng người, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao sẽ rất khó khăn nhưng chúng ta không lùi bước).
Đề nghị thứ 10: Tất cả các hiệp ước quốc tế một khi được ký kết, đều có giá trị cao hơn luật pháp, tuy nhiên khi luật quốc tế trái với Hiến pháp, để luật quốc tế được thực thi trên lãnh thổ Việt Nam, trước hết, Hiến pháp cần được sửa đổi.
Đề nghị thứ 11: Mọi công dân Việt Nam đều có quyền được sống, học tập và làm việc trong một môi trường trong lành. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước và nhân dân, Nhà nước phải làm mọi việc cần thiết để giữ gìn tài nguyên thiên nhiên vì một môi trường xanh, sạch, đẹp.
Kết luận
Trên đây là bài phân tích đi kèm những ý kiến đóng góp của một người con sống xa đất mẹ Việt Nam, với tấm lòng yêu quê hương thiết tha như bao nhiêu người con Việt Nam khác, người viết bài này kính mong Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội quan tâm đến ý kiến đóng góp của mình cũng như các ý kiến đóng góp của các trí thức ưu tú trong và ngoài nước. Là người Việt Nam, ai cũng mong muốn đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh. Đất đai và biển đảo quê hương được giữ gìn để trao lại cho con cháu. Người viết bài này không có một ý định nào khác ngoài những ước nguyện trên. Đất nước Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều mối đe doạ của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán với chính sách bành trướng hung bạo. Trung Quốc thường xuyên hãm hại những ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển truyền thống của mình. Chủ quyền biển đảo quê hương đang dần bị thôn tính theo kiểu tằm ăn rỗi.
Nhân dân Việt Nam đã chịu nhiều mất mát hy sinh trong chiến tranh, nay lại thêm nạn tham nhũng hoành hành, cùng thói hách dịch và coi thường nhân dân của một bộ phận quan chức. Tài nguyên thiên nhiên của cha ông để lại, đang bị đào bới, khai thác vô tội vạ. Những nguy cơ về môi trường, an ninh, cùng sự mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số là rõ ràng, thêm vào đó là các tệ nạn xã hội, nhất là nạn buôn người đang đe dọa đến đạo đức và truyền thống của dân tộc.
Chúng ta sẽ để lại gì cho con cháu mai sau ngoài các khoản nợ nước ngoài ngày càng gia tăng ? Tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng cuộc sống ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… đang bị giảm sút do môi trường ô nhiễm quá mức, những người dễ bị tổn thương nhiều nhất là người già và trẻ em.
Thế hệ tương lai sẽ nghĩ gì về chúng ta hôm nay, nếu như Việt Nam không đổi mới về chính trị ? Con tàu Việt Nam phải được những người tài giỏi và có tầm nhìn cầm lái. Chúng ta cần mạnh dạn tiến về hướng Tây, vì ở đó có dân chủ, đất nước sẽ giàu mạnh và chúng ta cần tránh xa hướng Bắc vì ở đó chỉ có sấm sét và giông tố đang đe dọa. Tiến về hướng Tây, Việt Nam hợp tác mật thiết với các nước như Mỹ, các quốc gia Châu Âu và cả Nhật và Ấn Độ sẽ tạo thế cân bằng đối trọng với Trung Quốc, thêm nữa sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi vòng kiểm soát của Trung Quốc mà vòng vây đang ngày càng siết chặt.
Đảng và nhà nước cần đổi mới về chính trị, một cuộc cải cách sâu rộng về chính trị đem lại tự do, dân chủ sẽ giúp Việt Nam xích lại gần hơn với các nước tư bản. Tất cả đều phụ thuộc vào Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ có lòng yêu nước và tư duy đổi mới sẽ chuyển biến những ý tưởng ấy thành sự thực.
Nhân dân Việt Nam đang chờ đợi quyết định của các đồng chí thông qua đợt sửa đổi Hiến pháp mang ý nghĩa lịch sử này.
P.T.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét