Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Phương Bích : Vô đề (nhưng không ... vô tình!)

Nguồn chimkiwi


Hồi bé, tôi đọc một câu chuyện trong cuốn Văn nghệ quân đội hàng tuần, nói về cuộc gặp gỡ dọc đường Trường Sơn của một chiến sĩ lái xe với chị Võ Thị Tần, một trong 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc.
Câu chuyện thời chiến như bao câu chuyện khác, chỉ giống như một trang hồi ký, kể lại chuyện bom rơi đạn nổ, chuyện con người miền Bắc Việt Nam ngày ấy sống như thế nào trong chiến tranh. Nhưng suốt cuốn truyện, tôi chỉ nhớ đau đáu một câu viết: "Chúng ta hãy sống với nhau như thế nào đây, để đến khi anh hay là tôi ngã xuống, chúng ta có thể khóc thương nhau một cách chân thành"
Bởi cuộc sống thời chiến nó khắc nghiệt quá, nên chẳng ai dám nói chuyện xa xôi là đến hết chiến tranh, người ta còn có thể gặp lại nhau, mà chỉ dám nói: đến khi anh hay là tôi ngã xuống…
Bây giờ hết chiến tranh rồi. Đi làm đến tuổi thì về hưu. Lúc đi làm thì có quyền lực, được thiên hạ nhờ cậy, có quân cán để mà hô hét. Khi về hưu rồi, trở thành dân. Không có cấp dưới thưa gửi, thì nay có nhu cầu giao lưu bạn bè, hàng xóm láng giềng. Quan to mấy cũng phải có hàng xóm láng giềng chứ, phải có tổ dân phố chứ. Tôi nghe bố tôi nói một ông bạn kể rằng, có một ông bộ trưởng khi về hưu, buổi sáng ra hồ đi dạo, dân tình chỉ trỏ, nói tướng lên cốt để cho ông ấy nghe thấy: trùm tham nhũng đấy! Từ hôm ấy tiệt không thấy ông ấy bén mảng ra hồ đi dạo nữa. Mọi người bảo nhau: chắc là sợ rồi! Khổ thật, đến đi dạo cũng không yên thân.
Ngay cả trong lớp các quan về hưu với nhau, khi giao lưu ở câu lạc bộ Ba Đình, có cụ lớp đàn anh bạo miệng chẳng kiêng nể gì, chửi vỗ mặt rằng: đ.mẹ cái thằng A… kia, mày không đội trôn thằng này thằng nọ mới ngoi được lên thứ trưởng… khiến người bị chửi cũng lặn một hơi, không tái xuất lần nào nữa.
Làm sao tôi lại nói đến những chuyện này thế nhỉ?
Chỉ tại vì tôi buồn quá. Tôi nghe thấy cháu Phương (người đọc tuyên cáo) nói về nguy cơ mất việc từ hôm 17/7. Sau này tình cờ biết được sếp tổng của Phương là bạn học cũ của tôi. Tôi mừng lắm, nghĩ thế là phen này có cơ hội ra tay nghĩa hiệp, "Giúp một người phúc đẳng hằng sa" mà. Nhưng Phương nói rằng hiện tại công ty vẫn chưa biết cháu đi biểu tình, khi nào cần cháu sẽ nhờ tôi nói giúp.
Bẵng đi một thời gian, đến hôm vừa rồi tôi nghe thấy người khác chứ không phải là Phương, nói với tôi rằng Phương sắp bị đuổi việc. Ngay lập tức tôi gọi cho anh bạn học cũ.
Chuyện tưởng đơn giản, chỉ cần cháu Phương viết giấy cam kết không đi biểu tình nữa là xong. Nay mai có khi nhà nước khuyến khích hô hào, giống như việc sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng thì cũng chả đi nữa – chán rồi.
Ngồi nói chuyện hơn tiếng đồng hồ, biết cháu Phương là phó phòng kinh doanh, làm việc tốt, được anh em quý mến. Anh bạn tôi bật loa điện thoại khi nói chuyện với cậu trưởng phòng của cháu Phương, để cho tôi cùng nghe.
Tôi không tranh luận với cậu bạn quan điểm về chuyện biểu tình, người ta là dân làm ăn, né tránh chuyện bị làm phiền phức là điều dễ hiểu. Nhưng tay giám đốc dưới quyền thì cứ khăng khăng là Phương vẫn có mặt trên facebook thì chứng tỏ cháu nó vẫn giao du với cái nhóm biểu tình. Ô hay, thế lý do chính của các ông là gì? Hay là còn cần thêm cả cái máy đọc ý nghĩ để cấm luôn thể?
Nhưng nói chung là cậu bạn tôi vẫn tỏ ý ủng hộ, người làm kinh doanh bao giờ cũng muốn sử dụng những người có năng lực. Tôi tin tưởng lắm, và cũng cảm thấy oách khi mình có một thằng bạn học làm to, có quyền này quyền nọ…
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày hôm sau khi vào facebook, tôi đọc thấy thông tin cháu Phương vẫn sẽ bị thôi việc. Thế là thế nào?
Tôi nhắn một tin ngắn cho cậu bạn. Cậu ta trả lời hôm nay làm việc rất quyết liệt với các bộ phận. Hóa ra việc của cháu Phương phức tạp lắm, từ công an phường đến công an quận, thành phố suốt ngày làm việc với bên tổ chức, yêu cầu cung cấp thông tin về Phương hàng ngày, hàng giờ. Rồi đối thủ cạnh tranh sẽ nhân đó làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty. Vì vậy cậu ta nói cứ để Phương nghỉ một thời gian rồi hãy quay lại làm.
Tôi hỏi cháu Phương sự thể thế nào. Cháu nói họ không đuổi việc, nhưng thuyết phục (hay ép cũng vậy thôi) cháu tự viết đơn xin thôi việc.
Tôi thấy xấu hổ quá, hóa ra cái oai của tôi là oai hão. Nhưng cái chính làm tôi buồn nhất là không giúp được cháu Phương. Nếu thâm tâm họ đã e ngại thì cố đấm ăn xôi cũng chẳng để làm gì, thế mà tôi cứ tưởng họ phải bảo vệ bằng được người mà họ cho là tốt.
Giống như ông tổ phó tổ dân phố chỗ tôi ở - người trả lời phỏng vấn của báo ANTĐ đòi kiên quyết nghiệm trị tôi, khi tôi bị bắt vì đi biểu tình chống TQ - trông thấy tôi cứ cười cầu hòa. Ông ấy bản chất thì tốt, trước chú cháu vẫn quý hóa nhau lắm. Chỉ mỗi tội ông ấy nhận thức không đầy đủ, cái gì cũng sợ, chỉ được mỗi cái nhiệt tình. Ông ấy vốn không có lương hưu, nên phần nào bà con cũng muốn bầu ông ấy vào tổ dân phố để tạo điều kiện cho ông ấy có chút thu nhập. Nhưng người ta vẫn bảo ngu dốt cộng với nhiệt tình thành ra phá hoại. Gặp tôi, ông ấy cứ loay hoay không biết nói thế nào, chỉ nói tôi hãy thông cảm cho ông ấy. Tôi chỉ bảo ông ấy nên nói đúng sự thật, nói đúng với lương tâm mình, chứ đừng nói để đẹp lòng ai đó. Tôi sẽ in bài thơ "Lời mẹ dặn" của cố nhà thơ Phùng Quán tặng ông ấy, hy vọng ông ấy hiểu được phần nào chủ ý của bài thơ.
Nghe tin những người biểu tình yêu nước lần lượt bị ép thôi việc, bị chủ nhà trọ từ chối không cho thuê, anh em, bạn bè đều hết sức phẫn nộ. Trước đó là Trịnh Hữu Long, Nguyễn Tiến Nam đều đã bị ép thôi việc và chuyển chỗ ở không biết đã mấy lần.
Trong khi chúng tôi, những người có công ăn việc làm, chỗ ở ổn định và chẳng có thế lực nào gây khó dễ được cho chúng tôi, bức xúc đùng đùng thì những chàng trai này lại tỏ ra thản nhiên. Họ nói cũng đã lường trước được sẽ bị mất việc làm khi tham gia biểu tình chống TQ, nhưng điều đó đã không thể cản trở họ làm cái điều mà họ cho là phải làm, theo lương tâm và trách nhiệm đối với đất nước.
Mỗi người rồi cũng đều sẽ đến lúc nghỉ ngơi, trở về với cuộc sống đời thường. Sẽ có lúc mọi người nhìn lại quãng đường mình đi, nhớ lại những gì mình đã làm. Chắc chắn rằng những điều tốt đẹp họ đã làm sẽ khiến lương tâm họ thanh thản, để phúc để đức lại cho muôn đời con cháu sau này… Còn bằng không thì ngược lại…
Thời chiến tranh, cái gần nhất là cái chết, cái xa xôi nhất là ngày trở về. Thời bình, cái người ta không tính đến trước mắt là cái chết. Trừ ốm đau bệnh tật, không thì phần lớn ai cũng còn một quãng đời dài vài chục năm để sống như một người bình thường, sau khi hết nghĩa vụ lao động (theo luật), đó là cái trước mắt.
Vậy thì chúng ta hãy sống với nhau thế nào đây, để cho khi tôi hay là anh khi vô tình gặp lại nhau trên đường đời, vẫn còn ngẩng được mặt để nhìn nhau mà không phải né tránh.
Phải sống thế nào để khi nhìn lại quãng đường đã đi của mình, không bị cắn rứt lương tâm vì đã ngoảnh mặt làm ngơ, không cứu giúp người gặp nạn, chứ đừng nói gì đến việc nhẫn tâm đẩy họ vào bước đường cùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét