Dân cần những hành động vì dân chứ không phải là mị dân, cần những nụ cười và cái bắt tay của vị Bí thư chứ không cần những đồng tiền rút ra từ ví của ông Chủ tịch
Tháng trước, báo chí kể lại câu chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hồ Đức Phớc, trong rất nhiều lần đi tặng quà, cứu trợ ở miền Tây Nghệ An, đã "không kìm nổi xúc động" rút ví riêng lấy tiền cho thêm người nghèo. "Thậm chí có lần, vì cho nhiều người nên ví hết tiền, ông Chủ tịch phải vay cả tiền lái xe để cho". Liền ngay sau đó, cũng ông Phớc, đã công khai phê bình 8 đơn vị vì đã không giúp đỡ các xã nghèo.
Ông Chủ tịch rút ví cũng đúng, ông Chủ tịch sốt ruột cũng phải. Bởi đến giờ, tỷ lệ hộ nghèo của miền Tây Nghệ An vẫn còn chiếm tỷ lệ cao: 38,5%, trong đó có 92 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Ngoài câu chuyện "cái bụng" của dân thì bản thân chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng được cho là "chưa đáp ứng yêu cầu", chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng.
Kể ra, bên cạnh hình ảnh không hiếm về những vị quan to mặc áo trắng tinh, cắm thùng, dép da xịn, chỉnh tề che ô đi…chống lũ, hay thản nhiên đi du lịch nước ngoài khi mà người dân bị nước lũ vầm dập đến tan cửa nát nhà, đến đói nhăn răng, hay tệ hơn ngồi thù lù suốt ngày trong phòng máy lạnh để bày đặt thuế này phí nọ, thì rõ ràng hành động rút ví, hay cái cau mày của ông Chủ tịch là một hành động đẹp về mặt truyền thông.
Nhưng hình ảnh đẹp thường chỉ dùng trên sân khấu, trên tivi.
Bởi suy cho cùng, nhiệm vụ của một vị "thái thú" là làm sao để người dân được ấm no, hạnh phúc, chứ không phải là làm từ thiện. Hơn nữa, cũng phải thật thà mà nói, có nhiều người sẽ giỏi hơn ông Chủ tịch rất nhiều trong việc làm một "nhà từ thiện vĩ đại". Ngọc Trinh có thể là một ví dụ rất dễ được thừa nhận. Ai nói bộ ảnh "khỏa thân vì người nghèo" của nàng- giả dụ thế- sẽ không đắt như tôm tươi?!
Không ai bảo ông Chủ tịch không được làm từ thiện. Nhưng ông rút ví bao nhiêu cho đủ? Nhưng ông còn phải rút bao nhiêu lần? Và liệu rút ví có phải là cách giúp dân xóa nghèo bền vững? Bởi nói cho cùng, câu chuyện "cái bụng" chỉ là cái khổ ải xác thân tầm thường nhất. Cái đáng mừng không phải mấy chục, hoặc mấy trăm ông Chủ tịch cho hôm nay sẽ giải quyết được một bữa no. Chuyện cái cần câu cơm mới là cái đáng lo nhất. Mà "cái cần câu", nói đi nói lại, và với dân ở đâu cũng vậy, vẫn là chuyện mảnh đất.
Một trong những bài học lớn mà ông Cụ đã dạy cán bộ là phải yêu dân, tin dân, trọng dân, gần dân, học dân. Yêu dân để xứng là bậc phụ mẫu của dân. Trọng dân để xứng là những công bộc của dân. Nhưng yêu dân không phải chỉ đơn thuần là chuyện rút ví. Trong khi trọng dân nhất thiết phải bắt đầu bằng việc lắng nghe dân, đối thoại với dân.
Trong sách Luận Ngữ có một câu chuyện kể về việc Khổng Tử dạy người nước Vệ cách làm quan. Câu chuyện "đè đầu cưỡi cổ", một bài học lớn, rút cục cũng chỉ nằm trong một câu: "Làm quan, cốt ở chỗ phải biết thế nào kẻ làm dân".
Chỉ tiếc giờ chuyện yêu dân, trọng dân có vẻ hơi bị xa xỉ. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có lần kể câu chuyện: "Tôi có một người bạn xây dựng căn nhà trên diện tích chỉ 40m2, mặc dù đã được cấp phép đầy đủ nhưng trong quá trình xây dựng anh bạn tôi đã phải tiếp 21 lần kiểm tra của các cơ quan chức năng". Ông băn khoăn: "Chúng ta có bộ máy chính trị từ Trung ương đến cơ sở để lo cho dân, nhưng sao đi đâu tôi cũng nghe thấy người dân than phiền, trách móc. Từ vấn đề quy hoạch "treo" cho đến việc đền bù giải toả, tái định cư, thủ tục hành chính…". Ông khẳng định: "Tôi không dám nói hết, nhưng một số cán bộ hiện nay đi làm là để kiếm chác, lo cho lợi ích cá nhân chứ không lo cho dân, cho nước".
Bởi vậy, buổi đối thoại của Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh với dân chúng, dù đáng lẽ là việc bình thường của một vị quan trị dân, lại được tung hô như một sự kiện hiếm có khó tìm.
Nói đến ông Ninh và sự kiện Mai Văn Ninh hôm nay, không thể không nhắc tới một vị quan khác là ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An. Tháng trước khi được trao giải thưởng "Vì sự nghiệp phát triển văn hóa – giáo dục", ông Sự nói: "Tôi chỉ là người thực hành, hằng ngày làm những việc cụ thể, cố gắng cho đúng và có ích… Cơn khát đất, khát tiền nóng rực có thể hút kiệt môi trường sống, san bằng mọi di sản cha ông và nốc cạn hạnh phúc của nhiều thế hệ mai sau. Chúng tôi đã phải dằn ước muốn tăng trưởng GDP để Hội An không đổ vỡ. Chúng tôi đã phải chống chọi với "tư duy nhiệm kỳ" để cùng nhân dân, vốn "vạn đại" và "phi nhiệm kỳ", nghĩ và làm chuyện lâu dài…". Còn một điều ông không nói, đó là câu chuyện một vị quan đến giờ vẫn ở nhà cấp 4, trò chuyện thoải mái với nhân dân, cùng họ bàn cách làm thế nào vừa đảm bảo mưu sinh vừa góp phần làm đẹp cho thành phố.
Đạo làm quan, muôn ngàn lần khó là không hy sinh lợi ích của dân cho những thứ chung chung.
Trở lại với sự kiện Bí thư tỉnh ủy Mai Văn Ninh đối thoại với dân, ông đã làm được một việc không dễ là vì lợi ích của người dân, chứ không phải vì một nhóm lợi ích nào đó nhân danh cái chung. Dân cần những hành động vì dân chứ không phải là mị dân, cần những nụ cười và cái bắt tay của vị Bí thư chứ không cần những đồng tiền rút ra từ ví của ông Chủ tịch.
Về vụ này, báo Thanh Hóa đã chạy hàng tít được cho là nhạy cảm: "Tiểu thương chợ Bỉm Sơn đấu tranh đã thắng lợi!". Nhưng với việc Bí thư tỉnh ủy đối thoại với dân, nhận sai do chính quyền cấp dưới và kịp thời có những quyết định vì dân, thì chiến thắng, nếu có, rõ ràng không phải chỉ thuộc về dân chúng.
Chỉ hiềm nỗi những chiến thắng này đếm đi đếm lại chưa hết số ngón của một bàn tay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét