Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Bùi Quang Minh : Nhân vụ án và phiên tòa xét xử ông Cù Huy Hà Vũ – Bài học quyền con người, quyền công dân

Nguồn danluan

Hiểu biết về quyền con người là nền tảng để mỗi người phát triển đầy đủ nhân cách, năng lực của mình và cũng là nền tảng của sự phát triển và tiến bộ của một xã hội. Thế nhưng, "Hàng triệu người sinh ra, rồi chết đi mà không hề biết rằng mình là chủ nhân của các quyền con người…" (Wolfgang Benedek). Kiến thức về quyền con người, quyền công dân quan trọng như vậy cho nên mục tiêu của giáo dục con người phải nhằm "… thúc đẩy sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người…" theo Điều 26 của Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người, năm 1948 của Liên hợp quốc. Vì vậy, việc xây dựng Nền văn hóa Quyền con người trên toàn thế giới là đóng góp quan trọng nhất cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

I. Khái niệm chung về Quyền con người và Quyền công dân

Người ta định nghĩa Quyền con người thông qua những đặc tính cơ bản của nó. Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy LHQ về Quyền con người thì: "Quyền con người là những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự cho phép và tự do cơ bản của con người". Như vậy, quyền con người đều có khi con người vừa được sinh ra, bởi họ là con người và quyền đó được công nhận trên phạm vi toàn cầu.

Định nghĩa này có hai quan điểm nhìn nhận. Quan điểm coi quyền con người là quyền tự nhiên, xuất hiện một cách bẩm sinh bởi cá thể là con người cho nên nó không phụ thuộc bất cứ điều kiện truyền thống, văn hóa, cộng đồng, nhà nước… nào. Theo quan điểm này, rõ ràng Nhà nước hay chủ thể nào khác không ban phát hay tước bỏ những quyền bẩm sinh đó của cá nhân. Các chính phủ chẳng qua là một khế ước xã hội trong đó các công dân ký vào kỳ vọng và mong muốn bầu ra chính phủ là phương tiện bảo vệ các "quyền tự nhiên" của họ chứ không phải để ban phát, quy định các quyền cho họ. Quan điểm coi quyền coi người là quyền pháp lý thì cho rằng quyền con người phải do các nhà nước xác định và cụ thể hóa bằng các quy phạm pháp luật. Như vậy nó mang tính khác biệt tương đối về mặt văn hóa, chính trị. Nhân loại đến nay vẫn còn nhiều khác biệt từ 2 quan điểm gốc này. Nhưng dù sao, cộng đồng quốc tế cũng đều thống nhất bằng Tuyên ngôn quyền con người năm 1948 rằng Quyền con người là quyền bẩm sinh vốn có, bình đẳng với tất cả mọi người. Nó không thể bị tước đoạt hay hạn chế tùy tiện bởi bất cứ ai, Nhà nước nào, nó không thể phân chia và hạn chế bất cứ một phần hay toàn bộ các quyền con người nào.

Hai văn bản quan trọng nhất về Quyền con người của nhân loại là: Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của LHQ năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966. Đa số các nước, trong đó có Nhà nước Việt Nam đều đã tham gia và đang hiện thực hóa chúng trong thực tế. Điều này có nghĩa rằng: các nước có nghĩa vụ tôn trọng, không can thiệp vào việc cá nhân hưởng thụ Quyền con người. Nhà nước phải ngăn chặn và phòng ngừa sự vi phạm quyền con người của các bên thứ ba. Nhà nước phải chủ động thực hiện các kế hoạch bảo đảm cho mọi công dân có thể hưởng thụ cao nhất quyền con người. Điều 4, Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự chỉ cho phép Nhà nước tạm thời hạn chế thực hiện một số quyền con người trong trường một thời hạn nhất định khi có tình trạng khẩn cấp, sống còn đối với quốc gia và khi áp dụng phải thông báo ngay cho các quốc gia thành viên khác thông qua Tổng thư ký LHQ.

Tại các nước cộng hòa, con người trở thành các cá nhân bình đẳng với nhau trong một Nhà nước và các quyền tự nhiên được cụ thể hóa thành các quyền công dân trong pháp luật. Như vậy, quyền công dân chưa phải là hình thức cuối cùng, toàn diện nhất và đồng nhất với quyền con người. Quyền công dân của nước nào sẽ được luật pháp nước đó quy định cho người mang quốc tịch của nước đó. Như vậy, quyền công dân bó hẹp trong mối quan hệ của một Nhà nước với cá nhân. Mọi cá nhân của một nước đồng thời là chủ thể của quyền con người và quyền công dân.

Ủy ban Quyền con người của LHQ chia các quyền và tự do cá nhân theo 5 nhóm quyền: Quyền dân sự, quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền xã hội và quyền văn hóa.

Nhóm quyền dân sự, bao gồm:

a) Quyền không bị phân biệt đối xử, được thừa nhận
và bình đẳng trước pháp luật

b) Quyền sống, tự do và an ninh cá nhân

c) Quyền được bảo vệ khỏi bị bắt, giam giữ tùy tiện

d) Quyền về xét xử công bằng

e) Quyền về tự do đi lại, cư trú

f) Quyền được bảo vệ đời tư

g) Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo

h) Quyền kết hôn, lập gia đình và bình đẳng trong hôn nhân

Nhóm quyền chính trị, bao gồm:

a) Quyền tự do biểu đạt

b) Quyền tự do lập hội

c) Quyền tự do hội họp một cách hòa bình

d) Quyền tham gia vào đời sống chính trị

II. Quan hệ hình sự và Quyền con người

Trong thực tiễn pháp luật, nguy cơ đe dọa đến Quyền con người hay phát sinh từ sự kiện pháp luật Hình sự. Trong mối quan hệ hình sự giữa cá nhân, tổ chức với Nhà nước, khi coi cá nhân là tội phạm và quá trình đưa cá nhân ra xét xử (quá trình tố tụng) Nhà nước với sức mạnh cưỡng chế của mình với người bị buộc tội, có thể xảy ra "nguy cơ" xúc phạm, tổn thương và xâm hại Quyền được sống, quyền tự do và sinh mệnh chính trị của cá nhân.

Điển hình, ở rất nhiều nước, quyền con người bị Nhà nước hạn chế hoặc tước bỏ với lý do bảo vệ an ninh quốc gia (chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ chính quyền…) mà điển hình nhất là nước Mỹ dù văn minh đến thế vẫn còn bí mật mở nhà tù Guantanamo, bắt cóc và tra tấn tù nhân người Hồi giáo từ năm 2001 mà không qua xét xử. Các học giả, những nhà bảo vệ quyền con người vẫn đang tiếp tục tranh cãi và thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế từ lâu đã đạt được sự đồng thuận là chấp thuận tính chính đáng, hợp pháp của viện lý do bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng xác định bằng luật chặt chẽ cho việc hạn chế, giới hạn quyền con người buộc mỗi quốc gia phải tuân thủ nghiêm túc.

Thế nhưng, ở nhiều nước có thể chế lạc hậu, có các kẻ độc tài trị vì, họ luôn tìm cách "thít" cho quyền con người của mỗi người dân nhỏ lại, nhường chỗ cho một vài lãnh tụ "phình" quyền đè lên, tất nhiên là viện dẫn tới sự nghiệp cách mạng chung, quyền lợi của cộng đồng, quyền lợi an ninh quốc gia… Bài học nhãn tiền về vi phạm nhân quyền hàng loạt tại Campuchia thời Polpot, tại Chile thời Pinoche, tại Phililine thời Marcot hay các vị độc tài thời nay như ở Tuninia, Ai Cập… Còn tại các nhà nước văn minh, dân chủ, người dân đòi hỏi chính phủ đảm bảo ngày một cao quyền công dân, quyền con người nhất là không để cho cá nhân có quyền lực, người lãnh đạo tối cao của Nhà nước lạm dụng quyền lực, lộng quyền chèn ép quyền con người của đông đảo người dân. Có nghĩa rằng, người dân sẽ phát triển tột bậc khi Nhà nước thực sự là nhà nước pháp quyền.

Pháp luật không thể hiểu là "rung cây dọa khỉ" hay dùng sức mạnh của "nắm đấm" trị một người để muôn người phải sợ. Đó chỉ là cách hiểu của bạo lực thuần túy. Nhiều nhà độc tài "trước khi nhân dân làm cách mạng lật đổ họ" vẫn thường nghĩ dùng "cây gậy" tức dùng "an ninh, quân đội" của Nhà nước thì mọi người sẽ theo mình, tin mình, nhưng thực chất chỉ có lẽ phải, công lý, pháp quyền mới là thứ sức mạnh nhất của Nhà nước, giống như người Việt nói "Nói phải củ cải cũng nghe".

Ở đây, có một việc rất hệ trọng là mọi người dân đều có quyền yêu nước, yêu dân tộc theo cách của mình không một cá nhân, một tổ chức nào có thể lập định cách yêu nước theo ý họ. Về sự thật, chân lý và công lý ở trên đời chỉ có một thôi và không phải chân lý lúc nào cũng thuộc về chính quyền. Và chính quyền không phải là dân tộc giống một câu người ta nói "Quốc phá sơn hà tại" (Quốc gia có bị tàn phá thì non sông gấm vóc (cũng có nghĩa là nhân dân) không bao giờ mất đi, ví dụ như Libya, Ai Cập, Tunisia, thể chế có thể đổ nhân dân vẫn còn đó.

Tương tự như vậy, Việt Nam ta trên con đường hội nhập cũng đối mặt với thách thức bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người, thể hiện ở tình trạng từng có vi phạm một số quyền con người, quyền công dân trong thực tế công quyền. Nhất là từ rất lâu các nhà lãnh đạo của nước ta thường coi trọng giữ gìn ổn định chính trị – xã hội là nhiệm vụ hàng đầu và Nhà nước thường trực nhiều biện pháp chống khuynh hướng cực đoan, quá khích, lợi dụng các vấn đề quyền con người để kích động, gây rối, chống phá chế độ… có thể ảnh hưởng, xung đột với quyền con người chính đáng của cá nhân, như bày tỏ chính kiến ôn hòa để thay đổi, cải cách chẳng hạn.
Bốn nguyên nhân chính ảnh hưởng, vật cản cho sự phát triển xã hội và bảo đảm thực thi quyền con người tại Việt Nam là:

1. Nhận thức của cán bộ nhà nước, người dân về quyền con người, quyền công dân chưa đầy đủ, phiến diện

2. Hệ thống pháp luật nói chung, lĩnh vực quyền con người nói riêng còn chưa hoàn thiện; Đặc biệt nhiều quy định pháp luật mập mờ, chung chung, mâu thuẫn. Nhiều chỗ dễ bị hiểu sai, hoặc không thể lượng hóa, hoặc quá dễ để bị quy là gây thiệt hại cho an ninh quốc gia mà ảnh hưởng đến quyền con người cụ thể của cá nhân (thậm chí nhiều khi để cho cá nhân thực hiện quyền tự do chính trị của mình lại gây hại cho an ninh quốc gia không nhiều hơn so với việc bắt cá nhân đó bởi quy kết họ là vi phạm an ninh quốc gia, gây gia tăng tâm trạng bất mãn chung)

3. Ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân của mọi tầng lớp xã hội, kể cả công chức, cơ quan nhà nước còn thấp.

4. Trong quá trình hội nhập, chúng ta còn có nhiều điểm về Quyền con người, cách hành xử với Quyền con người còn chưa theo kịp thế giới, chuẩn mực chung do quá trình hiểu, áp dụng thực tế và hòa đồng còn ít. Hệ thống pháp quyền, hệ thống pháp luật còn cần giám sát, phát hiện và điều chỉnh nhiều cho phù hợp với Công ước Quốc tế.

III. Vài vấn đề Quyền con người trong việc xét xử TS. Cù Huy Hà Vũ

Quá trình tố tụng một cá nhân trong những vụ án hình sự sẽ giúp chúng ta rút được rất nhiều kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền con người và xem xét năng lực của Nhà nước này tiến bộ đến đâu so với quá khứ từ 1945 đến nay, so với chuẩn mực chung của nhân loại, so với xu thế của các nước trên thế giới. Và nhất là trong "làn gió mát lành" của các cuộc cách mạng dân chủ tự do, người dân đã dần làm nâng tầm hiểu biết, nâng dần đòi hỏi về vấn đề quyền con người phổ quát trong mặt bằng chung như Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền. Xin lấy một vài điểm từ vụ án sắp xét xử ông Cù Huy Hà Vũ làm ví dụ minh họa, một vụ án tuy chỉ gắn với một cá nhân ông Vũ nhưng nó tầm cỡ về "hàn thử biểu" cho công việc đảm bảo "quyền con người, quyền công dân" người Việt Nam nói chung và đang là tâm điểm theo dõi của không ít những người quan tâm đến tự do, dân chủ, người có lương tri, trí thức có hiểu biết…

Vụ án qua truyền thông báo chí nước ta được mô tả như sau:

Ông Cù Huy Hà Vũ là một Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne, một thạc sĩ văn chương học ở Pháp. Ông Vũ có phông văn hóa và trình độ rất cao và là con của thi sĩ Huy Cận.

quoleft.png
"Điều 88. (Bộ luật Hình sự) Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm."quoright.png

Ngày 5/11/2010 ở tại một khách sạn thuộc quận 6 TP.́ Hồ Chí Minh, công an kiểm tra hành chính và bắt quả tang ông có "quan hệ bất chính" cùng với một phụ nữ là bà Hồ Lê Như Quỳnh. Khi đưa về cơ quan điều tra công an đã thu được nhiều tài liệu trong máy tính. Cơ quan ANĐT đã quyết định khởi tố bị can, bắt giam và khám xét khẩn cấp đối với ông Cù Huy Hà Vũ để điều tra về hành vi "tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam". Đến ngày 17/12/2010, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra cáo trạng truy tố ông Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống Nhà nước theo khoản c) Điều 88 Bộ luật Hình sự.

Những tư liệu cơ quan CA, Viện kiểm soát nắm được cho thấy ông Vũ đã đòi sửa đổi, bãi bỏ điều 4 của Hiến pháp 1992 về Vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam; Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bóp méo sự thật

Một số bài viết, phỏng vấn làm chứng cứ luận tội là:

1. Bài phỏng vấn đài RFA tháng 2/2010: "Phải đa đảng mới chống được lạm quyền"

2. Bài phỏng vấn đài VOA tháng 4/2010: "Chiến tranh Việt Nam và ngày 30 tháng 4 dưới mắt tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ"

3. Bài phỏng vấn đài VOA tháng 6/2010: "TS Cù Huy Hà Vũ từ khởi kiện thủ tướng đến yêu cầu xóa bỏ điều 4 Hiến pháp".

4. Bài phỏng vấn đài RFA tháng 8/2010: Kiến nghị trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam cộng hòa, lấy " Việt Nam" làm quốc hiệu để hòa giải dân tộc

5. Bài phỏng vấn của phóng viên Trâm Oanh tháng 10/2010: "Xuyên tạc chủ nghĩa Mác Lê nin, chính quyền hiện nay đang ngày càng trở nên thối nát.."

6. Bài viết "Tam quyền nhất lập" đồng lòng hại dân

7. Bài viết "Bà Trần Khải Thanh Thủy cố ý gây thương tích và dấu hiệu bẫy nguời khác phạm tội"

8. Bài phỏng vấn đài VOA năm 2010 (chưa đăng) "Đường sắt cao tốc Bắc Nam – Dự án tham nhũng"

9. Bài viết dở dang "Bàn về Đảng cầm quyền"

10. Lưu giữ bài viết của Nguyễn Thanh Ty "Bom áp nhiệt nổ giữa Ba Đình"

Theo tin từ Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, sáng 4/4/2011 sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Cù Huy Hà Vũ theo cáo trạng trên.

Bởi Luật pháp làm ra là để bảo vệ công dân, bảo vệ quyền con người nên vụ án xét xử đúng theo Công lý và Lẽ phải, tôn trọng quyền con người có lẽ là mong mỏi, khao khát của ông Cù Huy Hà Vũ, gia đình, các luật sư và đông đảo công chúng. "Nói phải củ cải cũng nghe" – có nghĩa là họ khao khát được đối mặt với sự thật, có thể ông Vũ không phải người vô can hoàn toàn nhưng họ muốn lỗi đến đâu thì xử lỗi, tội đến đâu thì xử tội, nghĩa là họ muốn là một công dân có trách nhiệm, một con người yêu danh dự, làm người dám làm dám chịu, lỗi và tội đến đây thì xử ngang đó.

Tất cả nóng lòng mong tòa án công bố Vị Tiến sĩ Luật này có tội hay không, mức độ đến đâu? Hay là một hành động dám nói, dám làm, tích cực đáng khen của Luật sư có trách nhiệm, lo lắng cho vận mệnh của đất nước? Có thể thấy trước cũng như một vụ việc Hình sự nào, những nội dung chính hay được mổ xẻ của một vụ xử là:

1- Xem xét việc bắt giữ, điều tra và xét xử công dân có công bằng, đúng quy định của Luật tố tụng hay không?

2- Báo chí, truyền thông đa chiều, khách quan về công dân trước, trong khi và sau khi xét xử để người có tội nhận ra tội hay không có tội được minh oan, công chúng tin cậy vào pháp luật và rút ra được bài học cho mình.

3- Đi vào xem xét, tranh luận về lời luận tội chính của vụ án: "dựa theo đó Viện Kiểm soát đã khởi tố vụ án".

Ở phạm vi bài viết này, chỉ xin dừng lại để thấy được giữa quy định Hiến pháp và Pháp luật của chúng ta vẫn có độ vênh nào đó, cũng như giữa Pháp luật của ta và Công ước Quốc tế về Quyền con người mà nước ta tham gia cũng vậy. Và chắc là những điều này sẽ làm nên khác biệt trong quan điểm của Viện kiểm soát và của các luật sư bào chữa cho ông Vũ tại phiên tòa.

Về luật pháp nước ta, cùng một hành vi viết bài, trả lời phỏng vấn của ông Vũ, nếu chiểu theo Điều 69 của Hiến Pháp quy định: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật" thì là hợp pháp, cần được luật bảo vệ, không hạn chế nội dung, nhưng nếu ghép thêm điều pháp luật quy định ở Điều 88 của Bộ luật Hình sự thì lật ngược lại thành ra lại là Tội phạm nghiêm trọng. Chắc Luật sư bào chữa cũng sẽ viện dẫn Quyền công dân của ông Vũ quy định tại Điều 53 của Hiến pháp :""Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước…" để cho rằng các nội dung ông Vũ suy nghĩ đều là quyền hiến định. Bộ luật hình sự là một chương viết được viết thêm vào hiến pháp nhờ những cụm từ "theo quy định của pháp luật" hay là một văn bản xây dựng căn cứ, dựa theo nền tảng của Hiến pháp?

Ngoài ra, những quy định của Luật pháp nước ta cũng chưa thống nhất với Các công ước Quyền con người của thế giới ở phần Quyền tự do ý kiến và biểu đạt thuộc nhóm quyền Chính trị mà cũng sẽ dùng để đánh giá hành vi của bị cáo Cù Huy Hà Vũ. Việt Nam xây dựng Hiến pháp mới năm 1992, xây dựng và sửa đổi lần cuối Bộ Luật hình sự năm 2009 vào lúc toàn nhân loại đã sống chung với Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (tức là đã hơn nửa thế kỷ) và ta đã gia nhập các Tuyên ngôn, Công ước đó thì ta nên tuân thủ như thế nào đây?

Tại điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (1948) quy định: "Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới.".

Nội dung này được khẳng định và cụ thể hóa bằng điều 19, 20 của Công ước quốc tế về các quyền chính trị, dân sự (1966) quy định (Việt Nam tham gia Công ước này năm 1982):

Điều 19:

(Khoản 1) Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

(Khoản 2) Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, bản in hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ.

(Khoản 3) Quyền này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định được quy định trong pháp luật và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác và; b) để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sự bình yên hoặc đạo đức xã hội.

Điều 20: Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh, mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm.

Liên Hợp Quốc biết việc giới hạn quyền nêu ở khoản 1,2 Điều 19 là một lỗ hổng dễ bị lợi dụng, nên đã đưa ra nhiều qui định và giải thích rất rõ. Trong bình luận năm 1983, nêu rõ, quyền được giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp nêu ở Khoản 1 là quyền tuyệt đối. Còn tình trạng an ninh quốc gia bị đe dọa phải được hiểu là một tình trạng khẩn trương liên quan đến sự tồn vong thực sự của cả một đất nước, chứ không phải chỉ là việc có một vài bài viết đụng chạm đến quyền lợi của một đảng phái hay một cá nhân đang cầm quyền.

Những điểm khác biệt này là cơ hội để khi phiên tòa mở ngày 4/4, các bên sẽ tranh luận thú vị để thẩm phán tham chiếu tìm ra kết luận, đánh giá hành vi của ông Cù Huy Hà Vũ sát với tầm văn minh, tôn trọng các Công ước Quốc tế chúng ta đang học theo, hội nhập nền tư pháp của mình trong việc bảo vệ Quyền con người. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị năm 1966, Hiếp pháp Việt Nam năm 1992, Bộ luật Hình sự Việt Nam sửa đổi năm 2009 sẽ được Tòa án lấy làm căn cứ xét đoán công, tội như thế nào trong một phiên tòa ở năm 2011?
Bài học rút ra ở đây là: Đến năm 2011, nếu chúng ta vẫn chưa hiểu rõ ràng, nghiên cứu đầy đủ, sống và áp dụng đúng theo tinh thần của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948, Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà chúng ta đã tham gia thì chúng ta đang có tội với những thế hệ hiện tại và tương lai cũng như hàng triệu người đang không biết rằng họ có Quyền Con Người!

Bùi Quang Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét