Nam Nguyên- RFA
2011-07-29
Suốt 8 lần biểu tình phản kháng Trung Quốc ở Hà Nội, báo chí Việt Nam không đưa tin, ngoại trừ lần đầu lấy tin Thông tấn Xã Nhà nước. Đến 25/7 vừa qua Báo Tiền Phong Online đã có được ít dòng, đủ để hiểu được là đã có biểu tình và an ninh đã nặng tay.
Biểu hiện của lòng yêu nước
Lồng trong bài phóng sự dài mang tựa "Quốc hội, cơ hội bày tỏ lòng yêu nước", Báo Tiền Phong Online trích lời ông Vũ Mão nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch ủy ban Đối ngoại Quốc hội nói rằng: "Cần phải trân trọng những biểu hiện của lòng yêu nước của người dân. Cần có trách nhiệm và hâm nóng tình yêu nước của nhân dân, nhưng phải ở tầm cao mới. Chẳng hạn, việc một số bà con tụ tập và bày tỏ thái độ của mình trên đường phố thì không nên có thái độ quá gay gắt mà nên mời bà con đến một địa điểm gần nhất như hội trường của phường, quận, cơ quan để người có trách nhiệm gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và bày tỏ của người dân."
Ông Vũ Mão không dùng từ biểu tình hay tuần hành, mà gọi là tụ tập trên đường phố. Có lẽ cả hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay dị ứng với hai từ biểu tình. Tuy vậy ý tưởng của ông Vũ Mão, người từng là bí thư Trung ương Đoàn cho thấy là khá cởi mở và nếu có thể tiến thêm một bước nữa thì sẽ là hình thức 'công viên biểu tình' như ở một số nước dân chủ trên thế giới.
"Biểu tình" hay "tụ tập"?
Thái độ gay gắt của chính quyền mà ông Vũ Mão đề cập, làm liên tưởng tới hình ảnh anh Nguyễn Chí Đức người bị 4 nhân viên công an khiêng ngửa bằng cách nắm hết tứ chi để quăng lên xe buýt, còn người thứ năm là sĩ quan an ninh đã chờ sẵn để đạp túi bụi lên mặt lên cổ anh Đức. Khi chúng tôi trao đổi với anh Nguyễn Chí Đức qua điện thoại vào tối 28/11 để hỏi anh có nhận định gì về ý tưởng của ông Vũ Mão. Người thanh niên khiêm tốn Nguyễn Chí Đức lập tức nói ngay là anh không muốn trở lại 'cú đạp lịch sử', anh bày tỏ sự tán thành luật hóa biểu tình và sẵn sàng hưởng ứng, tuy nhiên anh Đức hết sức bực bội với hai từ 'tụ tập' mà Nhà nước cố ý dùng.
Trong lịch sử đã thấy khi nào thuận lòng dân thì giữ vững chống lại được quân thù
Nguyễn Chỉ Đức
"Không nên dùng chữ tụ tập bởi vì từ này xúc phạm đến những người yêu nước chân thành, biểu tình hay tuần hành hay gọi là mít tinh cũng được cho bớt nặng nề. Mấy năm qua bọn em cứ bị mang tiếng tụ tập, nó không đúng ý nghĩa bản chất, bọn em đi biểu tình là thể hiện lòng yêu nước là cũng muốn cảnh báo cho người dân biết là đất nước đang bị nguy cơ.
Lãnh đạo các cấp cũng phải nhìn thấy lòng dân như thế, tại vì muốn chiến thắng được quân thù giặc phương Bắc từ xưa đến nay ông cha ta đều phải đoàn kết từ triều đình cho tới nhân dân thì mới chiến thắng được mới giữ được nước. Bây giờ trong lúc khó khăn phức tạp này mà từ dân và Nhà nước có những bất đồng là điều cần phải tránh.
Người dân cũng phải tự biết là "vừa phải" còn chính quyền cũng phải biết không phải ngẫu nhiên mà ngừơi dân đi biểu tình như thế. Đừng nói đừng đổ cho thế lực này thế lực kia cho tiền, nói thế rất là xúc phạm bọn em, bọn em đã âm thầm đi như thế này bao năm nay, đâu có phải tự nhiên em đi…chẳng qua vì cú đạp kia mà người ta biết em, chứ xưa nay em vẫn đi rồi mà."
Anh Nguyễn Chí Đức thêm rằng chính phủ có thể vận dụng lòng yêu nước của người dân và học lại bài học của lịch sử. Người thanh niên có lòng yêu nước mãnh liệt từng là sĩ quan dự bị tiếp lời:
"Không phải tự nhiên có đột ngột biểu tình mà kéo dài hàng tháng trời là phải có lý do. Trong lịch sử đã thấy khi nào thuận lòng dân thì giữ vững chống lại được quân thù.
Cho nên mình phải có hình thức nào để dân thể hiện thái độ, đây cũng chính là cơ hội để cho Nhà nứơc thấy được ý kiến của nhân dân. Mặc dù số lượng người đi biểu tình rất ít, nhưng những người quan sát theo dõi lại rất là nhiều, kể cả những người bình dân, thợ thuyền, người nghèo họ cũng nghe ngóng…xóm em cũng thế người bình dân có thông tin biểu tình mỗi sáng Chủ nhật trước Đại sứ quán Trung Quốc."
Sắc lệnh về quyền biểu tình
Theo báo Tiền Phong Online , ý kiến của ông Vũ Mão được sự tán đồng của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Không những thế nhà sử học Dương Trung Quốc còn trưng dẫn cho nhà báo xem một Sắc lệnh của ông Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 13 tháng 9 năm 1945 liên quan tới quyền biểu tình của dân chúng. Chúng tôi xin trích đọc một phần nội dung:
"Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hòa. Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những bất trắc có thể ảnh hưởng đáng tiếc đến nội trị ngoại giao. Điều thứ nhất. Những cuộc biểu tình phải khai trình trứơc hai mươi bốn giờ với các Ủy ban Nhân dân sở tại..."
Nhà sử học Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói với Tiền Phong Online là hơn 60 năm qua chưa có một văn bản đạo luật nào phủ định Sắc lệnh vừa nêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
cả chuyện chưa đoàn kết được, chưa hòa hợp hòa giải dân tộc được trọn vẹn cũng là một cái giá phải trả
nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu
Chúng tôi nêu câu hỏi với cụ Nguyễn Đình Đầu nhà nghiên cứu lịch sử địa lý từng dẫn đầu cuộc biểu tình ngày 5/6 ở TP.HCM về ý tưởng của ông Vũ Mão, theo đó nên vận dụng lòng yêu nước của quần chúng và hướng dẫn người bày tỏ chính kiến trên đường phố đến những địa điểm thích hợp. Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đáp lời:
"Tôi nghĩ là dần dần chúng ta sẽ đi theo hướng có thể có được một xã hội dân sự, nhưng mà không phải là một sớm một chiều. Cuộc chiến tranh của chúng ta kéo dài quá lâu đưa đến tình thế là những người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phải theo một ý thức hệ để có sự yểm trợ…dần dần cuộc kháng chiến chống ngoại quốc phần nào trở thành một cuộc nội chiến.
Vì ít thời gian tôi không thể nói hết ý của mình được, nhưng vì những sự khó khăn như thế và nên nhớ là chuyện gọi là thắng thế để Việt Nam có thể hoàn toàn độc lập thì chúng ta đã phải trả cái giá khá đắt về cả hai phương diện vật chất và tinh thần. Ngay cả chuyện chưa đoàn kết được, chưa hòa hợp hòa giải dân tộc được trọn vẹn cũng là một cái giá phải trả."
Cần được luật hóa
Tôi nghĩ rằng, trong thời gian không xa luật biểu tình chắc chắn sẽ được Quốc hội Việt Nam thông quangười biểu tình, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc
Trong khi đó nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, người cũng từng tham gia cuộc biểu tình phản kháng Trung Quốc vào ngày 5/6 ở TP.HCM, lại tin tưởng là không bao lâu nữa người
dân Việt Nam sẽ có thể thực hiện quyền biểu tình và được pháp luật bảo vệ.
"Theo tôi biểu tình là quyền chính đáng của mọi công dân đã được hiến pháp ghi nhận, nhưng sau đó không được triển khai một cách cụ thể. Với sự tiến bộ và ngày càng đổi mới của Nhà nước Việt Nam, tôi nghĩ rằng Nhà nước sẽ nhanh chóng cụ thể hóa quyền biểu tình, một trong những quyền cơ bản của người công dân trong một quốc gia tự do dân chủ.
Tôi nghĩ rằng, trong thời gian không xa luật biểu tình chắc chắn sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua.".
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, LS Nguyễn Văn Hậu trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM cho rằng quyền biểu tình không được ghi trong hiến pháp và như thế người muốn bày tỏ chính kiến phải tuân theo pháp luật hiện hành.
"Sắp tới đây Quốc hội khóa 13 sẽ sửa đổi bổ sung Hiến pháp trong đó có nhiều vấn đề, tôi nghĩ vấn đề này cần được luật hóa, chứ hiện giờ chưa có việc này. Khi tụ tập biểu tình thì luật pháp chưa có qui định cho nên mình phải chấp hành các qui định của pháp luật hiện hành. Sửa đổi Hiến pháp sắp tới sẽ đưa ra toàn dân góp ý, các đại biểu Quốc hội cũng phải xem xét trên nhiều mặt cho phù hợp với Việt Nam cũng như với thế giới."
Câu chuyện về ông Vũ Mão, về Nhà sử học Dương Trung Quốc Đại biểu Quốc hội và quyền "bày tỏ ý kiến trên đường phố" của người dân là một trong những thông tin rất ít thấy trên báo chí Việt Nam. Nhưng tại sao lại chỉ có một tờ báo với ít dòng lồng trong bài phóng sự dài, trong khi suốt 8 tuần qua mỗi sáng Chủ nhật thủ đô Hà Nội đều có biểu tình phản kháng Trung Quốc?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét