Văn Cầm Hải
45 năm về trước, tại cuộc hội đàm ngày 23/8/1966, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã tỏ ý quở trách lãnh đạo Việt Nam trong hoàn cảnh dựa vào Trung quốc để đánh Mỹ, lại cho báo chí xuất hiện những bài viết về sự xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc đối với Việt Nam. Hoàng Tùng, khi đó là tổng biên tập báo Nhân Dân tháp tùng thủ tướng Phạm Văn Đồng, trả lời rằng không phải báo chí tuyên truyền mà đó là các vấn đề thuộc phạm trù nghiên cứu lịch sử của các viện khoa hoc. Sự răn đe của Chu đã bộc lộ một tham vọng: Trung quốc muốn Việt Nam xóa bỏ những trang sử chống lại quân Hán xâm lược của người Việt Nam! Tham vọng diệt chủng lịch sử của Chu không thành. Những cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc gây ra ở quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 và hải chiến Trường Sa năm 1988 càng làm cho người Việt Nam xác định danh tính kẻ thù phương Bắc, khắc nghi công ơn cha ông mình đã đổ máu trên từng tấc núi tấc sông.
Nhưng trang sử đẩm máu và oanh liệt ấy đang bị đe dọa bởi những hành động đục bỏ, xuyên tạc quá khứ trên những vùng đất đáng kính của lòng yêu nước. Tấm bia khắc ghi bài thơ của lãnh tụ Hồ Chí Minh ngợi ca chiến công chống quân Tàu rất hiển hách của vua Quang Trung bị thay thế trên núi Dũng Quyết ở Nghệ An là một sự kiện choáng váng. Tại sao ngay trên chính quê hương của Hồ Chí Minh và là một trong những cái nôi cách mạng Việt Nam, những vần thơ dù mộc mạc nhưng mang tính giáo dục lòng yêu nước, ngợi ca chính sử của ông lại bị thay thế bởi một tấm bia có nội dung khác? Ở một đất nước mà từng con chữ được soi xét một cách cẩn trọng thì thật khó có thể hiểu khi người ta biện hộ việc thay thế thơ Hồ Chí Mình chỉ vì một chữ "kẻ" trong câu thơ Nguyễn Huệ là kẻ phi thường/ mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu. Nếu như vậy, có thể cần phải xem lại toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Hồ Chí Minh bởi có những câu thơ còn "tục và tầm thường" hơn thế, ví như: Ngồi trên hố xí đợi ngày mai! Cũng nên nhớ rằng, đoạn thơ "chống Tàu" này nằm trong tác phẩm " Lịch sử nước ta" ấn hành vào năm 1942- thời điểm Trung Quốc đang là chốn nương tựa của lực lược Việt Minh. Hồ Chí Minh, một nhà chính trị và ngoại giao lao luyện, đã rất sòng phẳng với lịch sử.
Câu hỏi đặt ra là việc thay thế thơ Hồ Chí Minh có phải là manh nha của một hành động hạ bệ thần tượng, hay là chỉ vì hình thức và nội dung ngợi ca tiền nhân trong công cuộc chống Tàu quá rõ ràng nên đến ngay cả thơ của lãnh tụ cao quý nhất của Đảng cũng bị kiểm duyệt, cắt bỏ không thương tiếc. Dư luận nghiêng vào giả thuyết thứ hai khi liên hệ đến một tấm bia ghi danh chiến thắng của quân đội Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược ở cầu Khánh Khê, Lạng Sơn bị đục bỏ nham nhở. Vốn được nhào nặn cuộc chiến 1979 là do Việt Nam xâm lược nên không khéo một mai người Trung Quốc lại dùng chính tâm bia này để minh chứng mấy chữ " trung quốc xâm lược" bị đục bỏ, những chữ còn lại trên tâm bia Sư đoàn 33 đã đánh bại và chặn đứng… xâm lược rất dễ bị xuyên tạc thành sư đoàn 33 đã bị đánh bại và chặn đứng… vì xâm lược.
Thật mỉa mai, trong khi ở Việt Nam những sử sách rất đáng tự hào với sinh mệnh của dân tộc như vậy bị đục bỏ thì ngược lại, ở Trung Quốc, chinh quyền lại ra sức cổ vũ, ngợi ca tinh thần các "cuộc chiến tự vệ" trong các trận hải chiến Hoàng Sa, Trường Sa và chiến tranh biên giới 1979 bằng sự ngụy tạo và khắc sâu trong lòng dân một cách có hệ thống. Trong lần từ Hồng Kông qua thuyết trình ở đại học Sơn Đông, tôi có ghé thăm Khúc Phụ, quê nhà của Khổng Tử. Một sinh viên đã hỏi tôi tại sao Việt Nam nhỏ thế mà lại dám đánh, dám lấn đất Trung Quốc kể cả trên đất liền lẫn ngoài biển? Nhân thấy một nông phu xách một con rắn từ phía núi Ni đi đến, tôi mĩm cười bảo, một con rắn chỉ giết con trăn bằng một cú cắn hiểm độc khi nó bị gây hấn nhưng có bao giờ bạn nghe một con rắn nhỏ lại nuốt một con trăn không? Người sinh viên ấy im lặng và sau đó hứa với tôi rằng sẽ tìm hiểu thêm cứ liệu lịch sử ngoài phạm vi những gì anh ta được dạy và học.
So sánh việc phế bỏ thơ Hồ Chí Minh và bia ghi công chống Tàu ở Lạng Sơn với câu chuyện ở Khúc Phụ, tôi cay đắng nhận ra một hệ quả: Trung Quốc, bằng chính sách tuyên truyền có hệ thống và đồng bộ, họ đã biến "lịch sử giả ngụy" thành " lịch sử có thật" trong lòng dân họ và đau đớn thay, có cả cơ quan nhà nước của Việt Nam. Từ năm 1995, nhà xuất bản Thanh Niên của Việt Nam đã "lọt lưới" khi công khai xuất bản tập sách dạy tiếng Hoa với hình ảnh bản đồ chủ quyền Trung Quốc bao gồm cả đường lưỡi bò nuốt trọn biển Đông đồng nghĩa với việc phủ nhận chủ quyền quốc gia lãnh thổ của Việt Nam trên vùng biển Đông. Tôi hỏi một người bạn ở Việt Nam tai sao có sự cố này. Bạn tôi trả lời là chắc do vô tình và chủ quan chứ không cố ý. Hơn nữa thời điểm sách ra đời là năm 1995, lúc đó tình hình biển Đông không căng thẳng nên không ai để ý bây giờ chuyện biển Đông nóng lên mọi người mới phát hiện! Bảo vệ giang san, giữ vững vận nước mà lúc để ý lúc không như vậy thì thật là nguy hiểm đối với Việt Nam trong cuộc đối phó với chủ nghia bành trướng trường kỳ của Trung Quốc. Rất khách quan, chúng ta không vơ đủa cả nắm, lấy những hiện tượng này để quy kết bản chất chính sách của một đất nước nhưng dù bất kỳ lý do gì, việc đục bỏ chiến sử, phủ nhận cả chủ quyền quốc gia chính là hành động "tự thiến lịch sử", chấp nhận một đời sống thiểu năng và nô lệ.
Lòng dân không bao giờ chấp nhận hành động vô ơn với lịch sử vì lịch sử là của dân nên sự trường tồn của nó luôn được chứng nhận và vượt qua mọi hệ lụy. Vào lúc hơn 10:30 sáng ngày 19/1/1974 tong trận hải chiến Hoàng Sa, thiếu tá hạm trưởng HQ-10 hải quân Việt Nam Cộng Hòa Ngụy Văn Thà và các đồng đội của anh không bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày sau hơn 35 năm cuộc chiến tàn lụi, tên tuổi các anh sánh bước cùng tên tuổi 64 người lính hải quân cộng sản tử chiến trong trận hải chiến Trường Sa 1988 trên đường phố Hà Nội trong sáng Chủ nhật 24/7/2011. Thiếu tá Ngụy Văn Thà càng không thể biết được rằng, có ngày vợ anh được mời đến tham dự lễ vinh danh, tưởng niệm linh hồn các tử sỹ đã ngã xuống vì biển Đông đúng vào ngày 27/7- ngày tưởng niệm và ghi công các thương binh liệt sỹ của chính quyền cộng sản. Nghĩa cử tri ân, vượt qua những rào cản chính trị này đã làm cho hàng triệu con tim Việt Nam trong và ngoài nước xúc động. Cựu tư lệnh hải quân vùng I, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại dâng trào với tôi, rằng ông xúc động và rất xúc động trước những hình ảnh tưởng niệm tử sỹ hai miền Nam Bắc, dù muộn nhưng sau cùng đã diễn ra ở Sài gòn và Hà Nội.
Một lần nữa, chúng ta đã thấy mọi chủ nghĩa ngoại lai đều thấp hơn lòng tự tôn dân tộc. Đây chính là nghị quyết của lòng dân Việt Nam trong vấn đề hòa giải dân tộc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Có được nghị quyết của lòng dân, không ai có thể đục bỏ được lịch sử vì có thể đục bỏ bia đá, đục bỏ cả thần tượng, nhưng không ai có thể đục bỏ được lòng dân.
VCH
Tác giả gửi cho Quê choa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét