Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Nguyễn Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ: Lâu Lâu "Vỡ Nợ" Một Lần!

Nguồn dainamax

Nguyễn Xuân Nghĩa Ngày 20110729 


Định nghĩa về chính khách: dối trá hoặc quên trí nhớ! 

 Giám đốc báo chí Dan Pfeiffer đang họp với Tổng thống Obama



Tuần tới này, Hoa Kỳ có thể sẽ "vỡ nợ" – "default of payment" – nếu không được Quốc hội nâng định mức đi vay thêm một nấc, sau khi đã nâng một lần vào Tháng Hai năm nay. Chuyện ấy cả thế giới đều nói tới. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ nhắc nhở hầu như hàng ngày.

Nhân chuyện ấy, các nhà bình luận quán cóc đã nháo nhào nhảy vào để hùng hồn nói về những điều họ không biết. Nền dân chủ có sự kỳ diệu khi cho mọi người cái quyền phát biểu linh tinh. Nhưng cũng nền dân chủ đó lại cho phép chúng ta có quyền phê phán những chuyện linh tinh của chính trường.

Người viết xin dùng quyền này để nói về một kẻ có quyền mà không có trí nhớ, hoặc thiếu lương thiện. Đó là Giám đốc Báo chí của Toà Bạch Cung, tên là Dan Pfeiffer.


***


Trong chương trình truyền hình "John King USA" của hệ thống CNN ngày 26 vừa qua, Dan Pfeiffer nói với người chủ trì là Jessica Yellin, rằng "qua hơn 200 năm của xứ sở chúng ta, chưa khi nào mình gặp cảnh ngộ là không tôn trọng được nghĩa vụ trả nợ." Hàm ý của kẻ phát ngôn cho Hành pháp Hoa Kỳ là lần đầu tiên nước Mỹ bị nguy cơ vỡ nợ vì không thanh toán được nợ nần của mình.

Chúng ta có thể thông cảm với một người được tuyển dụng về cái tài miệng lưỡi. Chủ nào tớ nấy!

Nhưng ta có quyền hồ nghi về khả năng hay sự ngay tình của một người biết việc là Tổng trưởng Ngân khố Timothy Geithner khi ông nói rằng nếu Quốc hội không nâng định mức đi vay thì Hoa Kỳ có thể sẽ bị vỡ nợ vào Thứ Ba mùng hai tới. Khi thấy một rủi ro kinh hãi như vậy, trong khi Quốc hội cãi vã om xòm mà chưa thông qua bất cứ một đạo luật nào về chuyện ấy thì ai mà chẳng sợ? Thật ra, đây chỉ là đòn dọa dân khá cổ điển của chính trường.

Chứ cái chuyện "vỡ nợ" này chỉ là trò xưa. Bổn cũ soạn lại.

Mười năm về trước, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush đã ít ra ba lần lăn lóc trong cái cõi mấp mé ấy.

Thí dụ như Tháng 12  năm 2001, giữa vụ khủng bố 9-11 rồi chiến dịch A Phú Hãn, bộ Ngân khố của ông Bush và Tổng trưởng Paul O'Neill yêu cầu Quốc hội phải có biện pháp cực kỳ bất thường để tránh nguy cơ vỡ nợ: qua năm 2002, nước Mỹ chỉ còn trong tủ sắt chừng 15 triệu đô la là sẽ đụng trần, đụng vào giới hạn đi vay là năm ngàn 950 tỷ (5,950 ngàn tỷ).

Khi ấy, bộ Ngân khố đã có nhiều thủ thuật kế toán tài chánh để đẩy lui nguy cơ. Giảm bớt một số công trái liên bang và thay thế bằng loại vay tiền không lãi, bằng khí cụ tài chánh không thuộc diện "giấy nợ", v.v... hầu chính quyền liên bang vẫn có thể vay thêm tiền mà không đụng trần.

Sau đó, bộ ta hoan hỉ thông báo là đã đẩy lui nguy cơ vỡ nợ cho đến ngày 28 Tháng Sáu năm 2002!

Đến ngày 21 Tháng Sáu thì bộ Ngân khố lại đụng chân tường.

Tổng trưởng O'Neill khẩn khoản yêu cầu Quốc hội nâng mức đi vay vào Tháng Tư: "nếu không, quý vị nên tìm một Tổng trưởng khác vì tôi sẽ không chịu vào tù khi quý vị không hành động và tôi phải lấy một số quyết định vi hiến". Trì hoãn mãi, đến ngày 11 Tháng Sáu năm đó Quốc hội mới nâng định mức đi vay từ 5,95 lên 6,4 ngàn tỷ đô la. Và Hạ viện chỉ biểu quyết cái quyết định tầy trời ấy vào ngày 27 – hơn hai tuần sau - với đa số còm cõi là... một phiếu.

Cho Tổng thống Bush kịp thời bàn hành luật mới vào hôm sau.

Thời ấy, Quốc hội dụ dự và trì hoãn cũng vì một chuyện cổ lỗ: nâng mức đi vay tới cỡ nào mới đủ khi mà được phép đi vay là người ta lập tức tăng chi!

Nếu không bị bệnh tối dạ mà chóng quên, phát ngôn viên Dan Pfieffer đã có thể nhớ rằng cuộc tranh luận về định mức vay mượn này còn kéo dài trong hai năm sau và lại bùng nổ vào năm 2003. Năm đó, bộ Ngân khố cũng lại phải gạn lọc và du di một số dự chi khi mức chi chỉ cách trần có vài triệu đô la mà Quốc hội vẫn cãi tiếp, và được bộ này cảnh báo là Hoa Kỳ sắp vỡ nợ!

Cuối cùng thì Quốc hội nâng định mức đi vay lên tới bảy ngàn 384 tỷ (7,384 ngàn tỷ) cho ông Bush ban hành thành luật vào cuối Tháng Năm năm 2003, khi cuộc chiến Iraq đã tưng bừng khói súng và năm tháng sau khi bộ Ngân khố báo động!

Lần thứ ba là ngay năm sau, 2004, khi bộ Ngân khố lại la làng và về nhà gom bi gạn tiền để xứ sở khỏi vỡ nợ. Mãi đến ngày 18 Tháng 11 Quốc hội mới đạt thoả thuận về định mức công trái!

Đấy là dưới thời ông Bush, thủ phạm của mọi chuyện mà mấy nhà bình luận bá láp đều ghi tâm khắc cốt. Dưới thời ông Bill Clinton thì nước Mỹ cũng đã có những ngày nhức tim như vậy, nhưng thôi, chuyện cũ đã dài!

Từ 1940 đến nay, nước Mỹ đã có 80 lần nâng định mức đi vay. Hầu như dưới mọi triều đại tổng thống, trừ Harry Truman sau khi mức vay được nâng lên chín ngày trước khi ông nhậm chức vào Tháng 12 năm 1945. Riêng từ 1960 đến nay - một năm trước khi Barack Obama ra đời – thì đã có 78 lần dời cột mốc như vậy! Nước Mỹ đi vay với đà gia tốc.

Thành thử, chúng ta không phát minh ra cái gì cả, dù là phát minh ra lời báo động sảng....


***


Nhưng, hình như là trong nhiệt tình bảo vệ thượng cấp, Giám đốc Báo chí Dan Pfeiffer không học được gì mà chỉ nhắc lại hôm 26 mấy điều như ông Obama trong bài phát biểu tối 25 Tháng Bảy.

Khác với thuộc cấp, vì vậy mới làm Tổng thống, ông Obama có xác nhận rằng việc nâng định mức đi vay chỉ là thủ tục thông thường – routine – trong lịch sử. Nghĩa là có gì đâu mà bên Cộng Hoà cứ làm cho lớn chuyện. Điều ấy không sai, như chúng ta vừa nói ở trên.

Nhưng định mức đi vay hiện nay mới thật sự là lịch sử - vì cao chưa từng thấy. Đó là chi tiết mà Obama cố tình bỏ qua và lại nói về bọn doanh gia đi máy bay riêng và về các doanh nghiệp dầu khí. Bọn tài phiệt này được một số đặc miễn thuế khóa nên làm công quỹ thất thâu gần 40 tỷ đô la trong 10 năm. Gọt đầu những kẻ ác ôn đó là thể hiện công bằng xã hội.

Một lối mị dân nhuốm mùi đấu tranh giai cấp cố hữu - mà chưa thể quân bình sổ sách được! Vì cái lỗ hổng lịch sử. Một kỷ lục.

Khi nói là kỷ lục, ta phải so sánh và so sánh với những gì so sánh được.


***


Trong dự luật ngân sách cho tài khóa 2012, Chính quyền Obama dự trù sẽ nâng mức vay lên tới 2.400 tỷ (hai ngàn bốn trăm tỷ) vì khoản công trái năm 2012 sẽ vượt quá 16,6 ngàn tỷ, cao hơn mức trần hiện nay (14,2 ngàn tỷ) đến hai ngàn bốn trăm tỷ (2.400 tỷ). Kế hoạch của Thượng viện Dân Chủ cũng trù tính con số 2.400 này, chứ không phải là lời vu cáo vu vơ!

Khi so sánh với 80 đợt nâng trần vay mượn như vậy trong lịch sử - và gia trọng với ảnh hưởng của lạm phát – thì con số 2.400 tỷ này quả là mức kỷ lục lịch sử.

Sau Chiến tranh Việt Nam, Chính quyền Gerald Ford nâng mức công trái hai lần vào các năm 1978 và 1979 – 398 tỷ và 430 tỷ - tính theo hiện giá của đồng bạc thì tương đương với 1.400 và 1.300 tỷ, còn thấp hơn mức vay dưới thời ông Bush cha là 1.600 tỷ tính theo hiện giá. Đến ông Bush con đầy tội lỗi thì định mức công trái được nâng vào Tháng Năm năm 2003, như nói ở trên, là 1.200 tỷ theo hiện giá, bằng phân nửa con số ngày nay trong dự luật ngân sách 2012 của ông Obama.

Nếu nhớ lại như vậy thì chúng ta thấy rằng việc đi vay thật ra chẳng có gì hay ho. Rằng nguy cơ vỡ nợ chỉ là một thuật ngữ nói về tai họa của hệ thống tài chánh công quyền, nhưng nước Mỹ chưa đến nỗi phá sản.

Sự phá sản là khi các chính trị gia giỡn chơi với tiền thuế của dân, rồi sau đó lại dọa dân rằng nếu không được vay thêm thì quốc gia sẽ phá sản! 

Người viết đã nhiều lần trình bày tình trạng bội chi bùng phát từ cả chục năm nay, với trách nhiệm của cả Quốc hội lẫn Hành pháp, trong tay Dân Chủ hay Cộng Hoà. Nhưng vẫn phải nói thêm rằng sau khi tăng chi cho đã, các chính trị gia lưỡng đảng lại dọa dân là sắp bị vỡ nợ thì đấy là điều khó chấp nhận.

Mong rằng nhờ vậy mà chúng ta sẽ phát triển khả năng suy đoán khi thấy các chính trị gia lên truyền hình. Đã bị móc túi rồi còn bị dọa nạt để lại bị móc túi nữa thì mình phải có quyền xét lại!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét