Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Vì Sao Trung Quốc Đang Hạ Cánh Nặng Nề - Phần 2 (A. Gary Shilling Bloomberg - Thương Dăng chuyển ngữ)

Nguồn dainamax



   Nền móng bấp bênh


Why China's Heading for a Hard Landing, Part 2 
By A. Gary Shilling - Bloomberg June 27, 2011 


Trung Quốc đã trở thành anh khổng lồ kinh tế nhờ có quá nhiều nhân công đang sản xuất một lượng hàng hóa nhất định. Tuy nhiên, xét từ hầu hết các góc độ, Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển với các khí cụ về chính sách kinh tế và chính trị thô sơ nếu so với tiêu chuẩn Tây phương. Những khí cụ này có thể khiến họ tăng trưởng [1] một cách đáng kể - nhưng cũng che giấu một số nhược điểm nằm sâu trong cấu trúc kinh tế.

Các nước đang phát triển có thể tăng trưởng tương đối dễ bằng cách bắt chước kỹ thuật của các nước tiên tiến hoặc, như trong trường hợp Trung Quốc, là buộc họ phải đổi kỹ thuật này lấy cơ hội làm ăn, hoặc đơn giản là ăn cắp [2].

Và các nền kinh tế bị kiểm soát chặt chẽ thường sớm đạt kết quả. Điều đó đã xảy ra với chương trình kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ Mỹ kim mà Trung Quốc đưa ra năm 2009 [3]. Từ 6% hồi đầu năm 2009, tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội nhảy lại lên mức hai số [từ 10% trở lên]. Ngân khoản này được bơm ra chủ yếu là qua các kênh ngân hàng quốc doanh do chính phủ kiểm soát, lúc đó có tổng mức cho vay đã lên đến 1,4 ngàn tỷ Mỹ kim, tăng 32%, trong suốt  năm 2009, sau giai đoạn phẳng lỳ kể từ đầu năm 2006. Khối tiền tệ lưu hành [4] cũng tăng 29%.

Những khoản vay này được bơm vào các khu vực địa ốc, dự án công cộng và hạ tầng nhà xưởng phục vụ sản xuất công nghiệp. Theo số liệu thống kê của chính phủ thì giá cả nhà đất tháng Giêng năm 2010 đã lên 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giới tư doanh ước tính con số thực tế cao hơn rất nhiều. Các hoạt động kinh tế này kéo theo việc gia tăng công ăn việc làm, và trong Quý ba năm 2009, cứ 100 người đi xin việc thì có đến 94 vị trí công việc cần người, tăng cao hơn tỷ số 85/100  thời suy trầm năm 2008, và gần với mức trung bình 97 thời kỳ tiền khủng hoảng.


Tăng trưởng không Bền vững


Đây là điều ta nên ghi nhớ: Cái kiểu phát triển này hoàn toàn không bền vững, và sẽ không thể mãi mãi phủ lấp những nhược điểm cơ cấu của Trung Quốc.

Ví dụ, sự lệ thuộc của Trung Quốc vào xuất cảng cùng việc kiềm giá đồng tiền để tăng trưởng sẽ sớm mất tác dụng nếu giới tiêu dùng Hoa Kỳ bắt đầu thi nhau tiết kiệm [4], như tôi tin là sẽ xảy ra. Tốc độ gia tăng xuất cảng hàng hóa Trung Quốc, vốn ở mức bình quân 21% hàng năm trong suốt thập niên qua, sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Nguồn nhân công giá rẻ tưởng chừng bất tận của xứ này dự kiến sẽ tới đỉnh vào năm 2014, phần nào do sự gò bó của chính sách một con [6]. Theo một số ước tính, thì nguồn nhân lực dồi dào đã đẩy chỉ số GDP tăng thêm 1,8% mỗi năm kể từ cuối thập niên 70. Nhưng sự sụt giảm dân số lao động sẽ khiến chỉ số này giảm một độ bách phân là 0,7% từ nay đến cuối năm 2030 [tức là tăng độ hàng năm là 1,8% nhờ dân số trước đây sẽ chỉ còn khoảng 1,1%].



Tuổi tác và Lương lậu


Mức lương trung bình đã được tăng, thậm chí các hãng sản xuất Trung Quốc đang dời cơ sở của họ sang Việt Nam và Pakistan, nơi mà mức lương công nhân chỉ bằng một phần ba. Một số nhân công trong hãng xưởng sản xuất còn được tăng lương từ 20% đến 30% đâu đó từ hồi năm trước, trong số này, công nhân của các hãng xưởng nước ngoài được tăng nhiều nhất. Đồng thời, điều kiện sinh sống khá hơn ở nhiều vùng nông thôn đã hãm lại dòng nhân công giá rẻ chảy vào các đô thị miền duyên hải.

Khi trong dân Trung Hoa ngày càng có nhiều người già, tỷ lệ người về hưu so với người ở tuổi lao động được ước tính là sẽ tăng từ mức 39% lên đến 46% vào năm 2025. [Tức là 54 người lao động sẽ phải cung ứng nhu cầu cho 46 người về hưu. Con số 46/100 này gọi là "tỷ số lệ thuộc".]

Điều này báo trước điềm gở cho mức tăng trưởng tương của Trung Quốc. Năm 1978, khi giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản quyết định chuyển nền kinh tế Trung Hoa từ chế độ hoàn toàn bao cấp - từ khi sinh ra cho đến ngày tạ thế - của một nhà nước vú em sang chế độ thị trường tiệm tiến, thì họ vẫn chưa thiết lập một hệ thống đáng kể nào về trợ cấp thất nghiệp, hưu bổng hay bảo dưỡng y tế cấp quốc gia. (Dù Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã phát biểu hồi tháng Mười vừa qua - 2010 - rằng Trung Quốc sẽ "thiết lập một mạng lưới an sinh xã hội để chu toàn tất cả các hệ thống này," và chính phủ Bắc Kinh vừa đặt ra mục tiêu là sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế căn bản cho mọi người dân vào năm 2020.)


Khả năng Tiết kiệm Dị thường


Và do vậy dân Trung Hoa hiện phải dành dụm rất nhiều để lo chi phí an sinh và hưu liễm. Đây là động lực tối thượng của sức tiết kiệm rất lớn của Trung Quốc, nhưng cũng giải thích sức mua rất thấp, và kéo theo hậu quả là làm cho xứ này phải phụ thuộc vào xuất cảng. Trung bình các hộ gia đình Trung Hoa để dành gần 30% số thu nhập [7], nhằm chi dùng cho nhu cầu y tế và dưỡng lão.

Thực tế là mức tiết kiệm của dân Trung Hoa sẽ giảm dần theo thời gian, do người già ở Trung Quốc tiếp tục chi tiêu mà không còn kiếm ra tiền nữa, cũng tương tự như trường hợp dân Nhật. Tuy nhiên, trước mắt thì việc người dân Trung Hoa bớt tiết kiệm và tăng tiêu dùng sẽ không thay thế được lực xuất cảng đang đuối sức. Số tiền mà giới thiêu thụ Trung Hoa bỏ ra mua hàng hóa chỉ bằng 1/10 số tiền của giới tiêu dùng Châu Âu và Hoa Kỳ cộng lại. Và trong khi khu vực đồng Euro đang gặp khó khăn, dư luận Anh cắt giảm các khoản kích cầu [8] và giới tiêu dùng Hoa Kỳ tiếp tục thắt hầu bao, thì việc giảm mức tiết kiệm của dân Trung Hoa khó chống đỡ nổi tác động tiêu cực do tình hình xuất cảng hàng hóa sụt giảm này gây ra.


Lạm phát âm u


Cuối cùng, quả bóng kinh tế trong tầm bơm của nhà nước Trung Quốc có thể sớm dẫn đến tình trạng quặt qoẹo vì lạm phát. Vào tháng Hai năm 2010, giám đốc Cục Thống Kê Quốc Gia nước này cho biết "giá tài sản đầu tư gia tăng [9] đã thách đố chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta."

Quả bóng thị trường gia cư đã đẩy giá lên đến mức mà chỉ có 20% những người có thu nhập cao nhất là có khả năng mua được chung cư ở Bắc Kinh – giá các căn hộ ở đây cao gấp 22 lần lợi  tức bình quân (giá một căn nhà bình thường ở Hoa Kỳ cao nhất cũng chỉ gấp sáu lần thu nhập bình quân). Một mét vuông bất động sản ở Trung Quốc có giá ước tính cao gấp 164 lần so với thu nhập bình quân đầu người, trong khi ở xứ láng giềng đắt đỏ là Nhật Bản, tỷ số này chỉ tới mức 33 lần.

Chương trình kích thích kinh tế năm 2009 cũng đã đẩy tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng [10] thường niên lên 5,5% hồi tháng Năm rồi. Giá thực phẩm vốn rất nhạy với quyết sách chính trị, vì có rất nhiều người Trung Hoa có mức thu nhập vừa đủ sống, và hồi tháng Năm này chúng đã tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước [riêng giá thịt lợn thì tăng 59% theo con số mới nhất!]

Giới lãnh đạo Trung Quốc không vui, và đang nghiêm ngặt tiến hành các biện pháp khống chế. Nhưng vì trong tay chỉ có các công cụ kinh tế thô bạo [blunt-force], liệu họ có năng lực lèo lái con tàu kinh tế vào vũng xoáy suy trầm một cách êm xuôi mà tránh gây thống khổ hay không [11].


************

Chú Thích

Ngoài những đoạn ngắn ghi trong ngoặc vuông [...] người dịch xin có thêm vài giải thích về bối cảnh để chúng ta dễ tiếp nhận nội dung bài viết khá cô đọng trong khoảng 800 chữ:

[1] Người dịch xin chọn chữ "tăng trưởng", có thể dùng như danh từ hay động từ, để diễn tả chữ "growth", là một khái niệm về lượng. Chữ "development" có hàm ý đa diện vì bao gồm cả phẩm chất của sự tăng trưởng như giáo dục, y tế, xã hội, v.v....  thì xin dịch là "phát triển". Trung Quốc có tăng trưởng ở số lượng hàng hóa sản xuất ra, nhưng chưa phát triển vì môi sinh và phẩm chất của cuộc sống người dân vẫn còn quá tệ.

[2] Có lẽ một trong những vụ ồn ào nhất thuộc dạng này khi công ty Kawasaki Heavy Industries (KHI) của Nhật cáo buộc công ty Qingdao Sifang, trực thuộc tập đoàn hỏa xa quốc doanh CSR Sifang của Trung Hoa, đã đánh cắp công nghệ chế tạo hỏa xa của dòng hỏa xa siêu tốc CRH2 mà họ đã cùng hợp tác sản xuất năm 2004 để cho ra dòng hỏa xa siêu tốc có mã hiệu CRH380A của riêng Trung Quốc. Trong một bài báo của tờ Thời Báo Tài Chính (Financial Times xuất bản tại Anh) có tựa là "Japan Inc. shoots itself in foot on bullet train", ra ngày 08 tháng Bảy năm 2010, Luo Bin, phó kỹ sư trưởng Trung Tâm Phát Triển Kỹ Nghệ của công ty Sifang, khẳng định là họ "đã tiêu hóa trọn" (digested) các kỹ nghệ cần thiết để sản xuất sau hai năm hợp tác với KHI. Và dòng hỏa xa CRH3 là sản phẩm hoàn toàn của Trung Quốc, và vượt trội chiếc Shinkansen của người Nhật về tốc độ lẫn trang trí nội thất.

[3] Thực chất đợt bơm tiền này của Trung Hoa là để cứu hệ thống ngân hàng và góp phần hạ nhiệt kinh tế Tứ Xuyên nhằm ổn định tình hình chính trị xã hội trong nước hơn là vì mục tiêu vực dậy nền kinh tế. Ngoài ra, còn phải kể thêm các khoản tín dụng lớn lao của hệ thống ngân hàng quốc doanh chưa biết là lên tới bao nhiêu cho các địa phương. Xin xem thêm bài "Vấn Đề Trung Quốc... của Bắc Kinh" ở trang mạnghttp://www.vnfa.com/an09q2/0905_192.html & bài "Vịt Tứ Xuyên" ở trang mạnghttp://www.dainamax.org/2011/03/vit-tu-xuyen.html của tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa. Một chi tiết khác cần chú ý là kích thước rất lớn của gói kích thích kinh tế trị giá 586 tỷ đô la so với GDP của xứ này vào năm đó trị giá khoảng 4.500 tỷ đô la theo thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tức là khoảng 13%. Trong khi gói kích thích kinh tế của Mỹ vào năm 2009 chưa lên tới 800 tỷ, chỉ ở khoảng 5,6% sản lượng xứ này là hơn 14.300 tỷ.

[3] Tức là lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế.

[5] Nguyên văn: "chronic saving spree", có lẽ ý tác giả muốn nói đến chỉ số PSAVERT (Personal Savings Rate). Tỷ lệ bách phân tiền tiết kiệm trên thu nhập cá nhân có xu hướng gia tăng trở lại, đặc biệt là từ năm 2007 đến năm 2009, có lúc đã lên tới mức trên 7% như hồi đầu thập niên 90.

[6] Theo cuốn "Death by China" của hai tác giả Peter Navarro và Greg Autry, thì "di sản" của  chính sách một con là hơn 100 triệu nam nhân Trung Hoa không thể kiếm được vợ. Nước Việt Nam đứng hàng thứ 14 trên thế giới về số dân mà cũng chỉ có tầm 90 triệu dân.

[7] So với tỷ lệ 5% thu nhập của người Mỹ theo số liệu thống kê tháng 05 năm 2011 (Cục Phân Tích Kinh Tế, thuộc Phòng Thương Mại Hoa Kỳ).

[8] Hiện chính phủ Anh Quốc vẫn đang cân nhắc việc chi thêm 50 tỷ BảngAnh (hay Anh kim)  cho chương trình nới lỏng có định lượng (quantitative easing) trị giá 200 tỷ bảng đã tiến hành hồi tháng Mười năm 2010.

[9] Nguyên văn: "asset price", tức trị giá đầu tư các loại tài sản tài chính và bất động sản, ví dụ như giá vàng, giá cổ phiếu, giá nhà đất, v.v....

[10] Nguyên văn: "consumer price inflation", tức tỷ lệ thay đổi của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo thời gian. Hiểu cho dễ thì khoảng sai biệt ấy là tỷ lệ lạm phát.

[11] Nguyên văn: "it's not clear that they'll be capable of managing a controlled slowdown without significant pain" - một câu rất súc tích và khó dịch cho gọn được!

Như mọi khi, xin cám ơn bác Nguyễn Xuân Nghĩa đã hiệu đính và giải thích thêm một số từ chuyên môn và cũng xin cảm tạ quý độc giả đã có lời bình và chỉ dẫn. TD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét