Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Nguyễn Ước - Hoàng Sa, Trường Sa và những người tranh đấu trước 1975

Nguồn danluan

Nguyễn Ước

Trong khi tại Hà Nội xuất hiện liên tục những cuộc biểu tình tự phát, cất tiếng dõng dạc đấu tranh cho chủ quyền biển đảo khiến chính quyền có vẻ như tạm chùn tay đàn áp thì Sài Gòn và các đô thị khác gần như im ắng.

Tại sao thế? Tôi không tìm lời đáp cho câu hỏi ấy ở phía chính quyền mà là ở phía những người tôi từng quen hoặc có biết trong các phong trào thanh niên sinh viên học sinh đấu tranh cho quyền tự quyết, độc lập dân tộc, tự do dân chủ ở Miền Nam trước đây, từ khoảng 1965 tới 1975. Họ là những kẻ thường được các cơ quan truyền thông của nhà nước xưng tụng là các trí thức thanh niên sinh viên học sinh "đấu tranh vô cùng anh dũng và trí tuệ, tổ chức biểu tình hội thảo liên tục, bất chấp bọn cảnh sát ác ôn ngụy quyền ném lựu đạn cay, bắt bớ, giam cầm, tra tấn..." Họ không những được nhắc tới trong sử sách chính thống, mà còn được vinh danh hằng năm trước các thế hệ trẻ, trong rạp hát hay hội trường, như những tấm gương làm nức lòng và khích lệ các em đi theo tiếng gọi của Đảng và nhà nước.

Ở Sàigòn như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi (Hà Thạch Hãn, Hoa Cỏ may, Lương Dân), Lữ Phương, Phong Sơn, Võ Như Lanh, Hoàng Thoại Châu, Kim Cúc (Vô Ưu), Võ Trường Chinh (Võ Ngàn Sông), Hoài Hương Nguyễn Hương, Hàng Chức Nguyên, Tôn Thất Lập, Kỳ Sơn, Kim Tuấn, Cao Quảng Văn, Nguyễn Trọng Văn, Trần Long Ẩn, Miên Đức Thắng, v.v...

Ở Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Văn Giàu, Ngô Văn Ban, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Gành (Sông Bồ), Lê Văn Thuyên, Trần Đình Sơn Cước, Trần Hoài, Trần Phá Nhạc, Huỳnh Ngọc Sơn, Đồng Tháp, Yên Thi, Lê Nhược Thủy, v.v...

Ở Nha Trang như Nguyễn Âu Hồng, Trần Hồng Quang, Nguyễn Hoàng Thu, Thế Vũ, v.v.

Ở Đà Lat như Tiêu Dao Bảo Cự, Trần Hữu Lục, v.v...

Ở Qui Nhơn như Lê Văn Ngăn, v.v...

Ở Đà Nẵng như Phan Duy Nhân, Đông Trình (Hồng Chi, Trần Hồng Giao), Vĩnh Linh, Nguyễn Phúc, Nguyễn Thiên Trung (Nguyễn Đông Nhật), Chinh Văn, Tần Hoài Dạ Vũ Nguyễn Văn Bổn, v.v...

Ở Kontum như Huỳnh Ngọc Sơn, Trần Duy Phiên, v.v...

Ở Quảng Ngãi như Trùng Hư Huỳnh Như Phương, v.v...

Ở Bảo Lộc như Trần Hồng Quang (Việt, Hồng Hữu), v.v...

Và còn nhiều nhiều người nữa tôi không thể nào biết hết hoặc kể hết.

Trong số họ, có một số người thuộc Nhóm Việt, một tờ báo được in và phát hành ở Huế, sau đó phụ trách trang văn nghệ của Đối Diện. Rất nhiều người viết cho các báo in công khai ở Miền Nam như Nghiên cứu Văn học, Đặc san Văn, Đối Diện, Đồng Dao, Đứng Dậy, Trình Bày, Tự Quyết, Văn Mới, Ý Thức, Điện Tín, Cơ sở xuất bản Hướng Dương. Tin Văn, Bách Khoa, Sinh viên Quảng Đà, Hướng Đi, Đỉnh Triều, Làm Dân, Tuổi Hoa, Đất Nước, Tin Tưởng, Thân Hữu, Hồn trẻ, Tin Sáng, Nghệ Thuật, Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Giữ Thơm Quê Mẹ, Tranh Đấu, Hải Triều Âm, các báo in ronéo quanh năm của SV các Viện Đại học, các phong trào, mặt trận, v.v...

Trong số họ, có nhiều người ở trong các tổ chức tuy ít thành viên nhưng danh xưng rất nổi như Nhóm Việt, Lực lương Bảo vệ Văn hoá Dân tộc, Mặt trận Văn hóa Dân tộc, Hội sinh viên sáng tác, Hội Hồng sơn, Phong trào Tự trị Đại học Miền Nam Việt Nam, Phong trào Tranh đấu Quyền Tự quyết, các Ban Đại diện Tổng hội Sinh viên và các BĐD Phân khoa thuộc các Viện Đại học ở Miền Nam, Các Phong trào hay Mặt trận Tranh thủ Hòa bình, v.v...

Trong số họ, rất nhiều người đã xuất bản các tác phẩm thơ văn chính thức, sau khi đã bị chính quyền Sài Gòn kiểm duyệt ít nhiều, hoặc in chui bằng ronéo nhưng phát hành rộng rãi, kể cả qua đường bưu điện, v.v...

Trong số họ, nhiều người bị bắt vào các nhà giam ở Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Qui Nhơn, v.v... hoặc đưa ra Côn đảo, Phú quốc.

Trong số họ, hầu hết sau thời kỳ tạm giam, được về nhà tiếp tục đi học, đi dạy học, làm báo, làm công chức, nhưng cũng có một số người "nhảy núi", hay được trao trả như tù binh, hay tới tháng 4.1975 mới được giải thoát.

Nói chung, họ được gọi theo tài liệu chính thức của chính quyền hiện nay là Phong trào báo chí Sài Gòn; Phong trào học sinh sinh viên đô thị; Phong trào sinh viên tranh đấu; Phong trào văn học, báo chí tiến bộ, yêu nước ở Sàigòn trước 1975; Các tổ chức cách mạng của giáo chức và SVHS; Phong trào đấu tranh của SVHS trong thời tạm chiếm, v.v...

Họ hầu hết từ ngày đất nước thống nhất, dù đa số không ở những vị trí chủ chốt trong chính quyền, nhưng cũng được hưởng "ơn nước, lộc nhân dân" như nhà cửa, chức vụ, ưu tiên cho vợ con trong sinh kế hoặc ăn học, v.v...

Nhiều người đang làm việc ở các tờ báo hay các cơ quan truyền thông, đồng thời mở nhà hàng, tiệm karaoke, tiệm buôn, v.v. Cũng có một số hiện nay là "Việt kiều", vượt biên hay đi theo chương trình HO của gia đình hay được bảo lãnh theo diện thân nhân.

Từ gần hai tháng qua, không thấy họ lên tiếng; nếu có vài người xuất hiện thì chỉ ở lần biểu tình thứ nhất tại Sài Gòn, trên tay không biểu ngữ cờ quạt; và có vẻ như để trình diện chụp hình rồi thôi! Tại sao? Không lẽ công an bảo vệ chính trị ngoài việc có thể chận cửa còn có khả năng khoá bàn phím, hoặc tịch thu máy vi tính hoặc cắt hết đường chuyền internet của họ? Không lẽ họ không biết tới các bản kiến nghị vừa mới hoặc đang lưu hành của nhiều trí thức và văn nghệ sĩ trong nước? Không lẽ việc sinh sống nơi xứ người làm họ quá bận rộn? Còn giả như họ sợ thì sợ cái gì, sợ cho ai? Sợ bị gì và sợ mất gì?

May mắn thay, gần đây, trên trang web vanchuongviet.org của Nguyễn Hoà, một người từng hoạt đông với nhóm Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan trước đây thường đăng những bài nói về chủ quyền biển đảo, lịch sử VN, đặc biệt những bài hoặc nghiên cứu hoặc tranh luận có tính cập nhật của Đinh Kim Phúc, dù trang web này đã nhiều lần bị đánh phá, không hiểu do "kẻ quen" hay "người lạ."

Ngày 24.7 vừa qua, Văn chương Việt có đăng bài Xuống đường của Võ Quê. Có lẽ đây là tiếng nói rất hiếm hoi trong số những người tham gia các phong trào đấu tranh trước đây.

Võ Quê sinh năm 1948 tại An Truyền, Thừa Thiên Huế. Học Đại học Văn khoa Huế. Tham gia phong trào sinh viên tranh đấu, phụ trách khối báo chí THSV Huế (1970) và là thành viên của nhóm Việt. Mùa hè năm 1972 anh bị bắt đày đi Côn Đảo.

Các bút danh khác của Võ Quê là: Quỳ Lê, Long Quân, Trực Vân. Các tác phẩm của anh xuất bản từ năm 1975 về trước có:

1. Giọt máu ta một biển hoà bình (Kịch thơ THSV Huế, 1970);
2. Nguồn mạch mới (Tập thơ – in chung với Thái Ngọc San – THSV Huế, 1970);
3. Ngày quật khởi (Tập thơ - In chung – THSV Huế, 1971);
4. Nhờ ơn cây lúa, lúa ơi (Tập thơ, Đối diện xuất bản, Sàigòn 1975).

Anh hiện là hội viên các Hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Sau một thời gian làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, anh sang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế.

Vì không liên lạc được với Võ Quê, chúng tôi xin mạn phép anh gởi tới Dân Luận bài thơ Xuống Đường của anh, và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự tự ý này. Hi vọng bài thơ này ngoài đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, còn có thể vuốt mặt phần nào cho bạn bè tranh đấu cũ.

Xuống đường!

Võ Quê

Xuống đường!
Xuống đường!
Hùng khí xuống đường từ thế kỷ 20
Đang
Hừng hực
Hừng hực
Chuyền lửa xuống đường sang thế kỷ 21
.
Cũng mái tóc xanh kề vai người đầu bạc
Cũng cờ, biểu ngữ dương cao ngời ngời son
Cũng hàng hàng bàn chân hăm hở hợp đoàn
Cũng lớp lớp cánh tay căng bền nắm đấm
Cũng khẳng khái hịch truyền
Cũng dõng dạc tiếng hô vang vỡ triều dậy sấm
Cũng kiên cường cùng đất nước tiến lên!
.
Xuống đường!
Xuống đường!
Không thể khác hơn
Biển đông đang cuồn cuộn sóng anh hồn
Hải đảo quê hương đang hồi quang khí phách
Hà Nội chợt bừng ngân giọng thơ Như Nguyệt
Từng con phố Thủ đô dũng khí sáng mắt người
Sài Gòn càng sục sôi mỗi sáng tinh khôi
Và hải ngoại cũng xuống đường hướng về Tổ quốc
Chiến lũy lòng dân dựng trên các ngã tư đường, công viên, trường học
Trong nhà máy, nơi bến cảng, giữa công trường… đồng tâm như nhất:
Việt Nam "định phận tại thiên thư"!
.
Xuống đường!
Xuống đường!
Hoàng Sa là của chúng ta!
Xuống đường!
Xuống đường!
Trường Sa là của chúng ta!
Xuống đường!
Xuống đường!
Đồng bào ơi!
Chủ quyền non nước Việt!
Xuống đường!
Xuống đường!
Đồng bào ơi!
Cuộc đấu tranh này quyết liệt!
Xuống đường!
Xuống đường!
Đồng bào ơi!
Tiền nhân cho ta nguồn nhiệt huyết
Xuống đường!
Xuống đường!
Đồng bào ơi!
Người biển đông
Đảo biển đông
Sóng biển đông
Gió biển đông
Hồn thiêng đất Việt!

Huế, 01 AM 24.7.2011.
_______________________________

*Ghi chú: Hầu hết nhân danh, địa danh, tên các tờ báo, tạp chí và phong trào trong bài này tôi lấy từ cuốn Nhìn lại một chặng đường văn học của GS Trần Hữu Tá, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2000, trong đó có in tiểu sử tóm tắt và trích văn thơ của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét