Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Nhà văn Võ Thị Hảo : "Sửa Hiến pháp: cưỡng đoạt hay tái sinh?"

Nguồn BBC

Nhà văn Võ Thị Hảo

Như vậy là các vị trí lãnh đạo Quốc Hội, Nhà Nước, Đảng và Chính quyền Việt Nam đã được xác định cơ bản xong.

Quốc hội khóa 13 hiện nay mà người cầm cương là ông Nguyễn Sinh Hùng, tân Chủ tịch Quốc hội, sẽ có một nhiệm vụ quan trọng là sửa đổi bổ sung bản Hiến pháp được Đảng và Nhà nước dựa vào đó để lãnh đạo toàn thể đất nước và xã hội Việt Nam cho tới nay.

Bài viết này, đồng thời, là một thông điệp mở gửi tới các vị tân Chủ tịch nước, tân Tổng Bí thư, tân Thủ tướng cùng nội các Chính phủ và đặc biệt là tới vị tân Chủ tịch QH và toàn thể Đại biểu Quốc Hội khóa 13.

Như các vị biết, trong những ngày này, nhiều người đã phát hiện ra nguy cơ đất nước bị cưỡng đoạt từ biển, từ biên giới, từ đất, từ nền kinh tế và lên tiếng bảo vệ.

Nhưng có một nguy cơ khác, mà có thể nhiều người chưa quan tâm, là đất nước của toàn dân còn có nguy cơ bị cưỡng đoạt ngay từ sai lầm trong khâu thiết kế những luật gốc mang tính khế ước xã hội, như ở việc sửa đổi Hiến pháp.

Hiến pháp (HP) có thể buộc hệ thống lãnh đạo xã hội phải cân bằng quyền lực và giám sát giữa các lực lượng để đảm bảo các quyền cơ bản của mọi công dân. Bộ máy quyền lực muốn tồn tại thì chỉ có con đường duy nhất là phải phục vụ cho lợi ích toàn dân, không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo v.v…

Nhưng thực tế cũng cho thấy, HP có thể mở ra quyền lực vô biên cho một nhóm trong số người cầm quyền, để họ biến đất nước, biến các công dân khác trở thành nô lệ cho họ.

Sửa HP là một công việc rất hệ trọng. Cần phải hết sức cảnh giác. Đất nước có thể được hồi sinh nếu có một HP tốt. Đất nước cũng có thể bị cưỡng đoạt khỏi tay nhân dân, dìm nhân dân vào thảm họa nếu việc sửa đổi đó chỉ nhằm thể chế hóa quyền lợi của một nhóm lợi ích hay một tập đoàn đặc quyền, đặc lợi và các biến thể của chúng.

"Càng sửa càng rối"

Mấy năm nay, đã nhiều lần lãnh đạo Quốc hội (QH) VN mở những cuộc hội thảo bàn đến tính cấp bách của việc sửa đổi Hiến pháp.

Lãnh đạo VN (Reuters)

Ê-kíp lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước VN và Chính phủ VN lần này đều không phải là những khuôn mặt mới.

Và một thực tế là từ năm 1946 đến nay, HPVN đã sửa tới bốn lần, thế nhưng theo nhiều nhà chuyên môn, càng sửa, HP càng giống cương lĩnh hoặc một phần nghị quyết của Đảng CSVN hơn là một HP công bằng và khoa học dành cho toàn dân VN. Càng sửa thì lỗi hệ thống càng rối và tỏ ra càng nặng hơn, chứ không hề thuyên giảm.

Theo cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, trong bài trả lời phỏng vấn Tuần Vietnam ngày 24/6/2010, thì từ HP sửa đổi 1959, nhân dân mất quyền lập hiến đã được quy định trong HP 1946. Quyền lập hiến trực tiếp của dân bỗng dưng phải chuyển cho QH. Dân chưa có văn bản nào chuyển quyền lập hiến của dân cho QH cả, mà là do QH tự quyết định giao quyền lập hiến cho mình.

Như vậy, dân từ chỗ là người chủ trực tiếp của đất nước, thì lại bị tước đoạt mất quyền đó và chuyển sang làm chủ gián tiếp thông qua QH. Dân mất cả quyền phúc quyết HP và những vấn đề quan trọng của đất nước.

QH vừa lập hiến vừa lập pháp - vừa "đá bóng vừa thổi còi" –và ngày càng xa rời bản chất dân chủ của nhà nước, "chuyển từ dân chủ sang "quốc hội chủ". Với khoảng 90% đại biểu QH là đảng viên, "về hình thức thì QH quyết, nhưng thực chất là đảng quyết". Quyết định của QH chỉ là quyết định mở rộng trong nội bộ Đảng.

Chính nguyên Chủ tịch QH, ông Nguyễn Phú Trọng, nay đã là Tổng Bí thư Đảng CSVN, đã phát biểu trong cuộc họp UBTVQH ngày 18/4/2009 rằng đầu nhiệm kỳ QH, Đảng đoàn QH đã có tờ trình với Bộ Chính trị về sửa đổi HP.

"Với khoảng 90% đại biểu QH là đảng viên, "về hình thức thì QH quyết, nhưng thực chất là đảng quyết"."

Nhà văn Võ Thị Hảo

Trước đó, tháng 2 năm 2008, Bộ CT đã làm việc với Đảng đoàn QH và trả lời là phải chờ thông qua cương lĩnh mới. Sửa HP cái gì thì phải khớp với cương lĩnh, cho nên mới thôi không đặt vấn đề nữa…giờ có vấn đề gì cấp bách thì các cơ quan chủ trì các dự án luật nghiên cứu, đề xuất, trình xin… Quý vị có thể lật lại để tìm Báo Pháp luật TPHCM, bài "Sửa đổi HP- yêu cầu cấp bách" ngày 18/4/2009 để nhớ lại chi tiết này.

Tôi nghĩ rằng, nếu căn cứ quy định của HP hiện hành, thì QH chỉ được sửa đổi HP theo nguyện vọng của toàn dân, Đảng phải căn cứ các quy định của HP để thiết kế một cương lĩnh hoạt động phục vụ toàn dân chứ không thể buộc QH phải sửa HP theo cương lĩnh của Đảng.

Và ngay tại điều 4 của HP, trích dẫn tại đây, cũng đã ghi rõ: "mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ HP và pháp luật".

Rõ ràng, ít nhất, theo quy định này, Đảng không thể bắt buộc HP chạy theo cương lĩnh Đảng. "…văn kiện của Đảng là đặc quyền của một số người," như cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc trong bài "Đã đến lúc không thể né tránh những vấn đề cốt tử" - Tuần Vietnam- 2/9/2010 từng nói.

"Sửa là cần, nhưng…"

HP hiện nay, theo ông Nguyễn Văn An, là "theo khuôn mẫu của Cộng hòa Xô viết," khi ý kiến của ông được giới thiệu trên Tuần Vietnam , số ngày 24/6/2010.

Tượng lãnh tụ Cộng sản

Thể chế cộng sản ở Liên Xô đã sụp đổ và giải thể cách đây 20 năm sau khi không thể tiếp tục chế độ Đảng trị được mãi.

Theo nhận định của nhiều nguyên thủ quốc gia và giới sử học, như chúng ta đã biết, đó là một khuôn mẫu lạc hậu, gây ra nhiều dị dạng và tác hại cho nhân dân Liên Xô cũ, mà chính bản thân nước này đã tự từ bỏ thể chế này cách đây đã 20 năm.

Toàn hệ thống XHCN đã tự sụp đổ là do "lỗi hệ thống", mà người ta không thể dùng luận điệu đổ cho "diễn biến hòa bình" để che giấu lỗi hệ thống này.

Tại các nước trong hệ thống XHCN, Hiến pháp, thay vì là bản khế ước xã hội để đảm bảo các quyền đương nhiên và cơ bản của mọi công dân, thì lại bị một nhóm người có quyền lực coi đó chỉ là công cụ để thể chế hóa đường lối của Đảng CS mà thôi.

VN cần cảnh giác với "vệt bánh xe đổ" này. Cần ngăn chặn nguy cơ càng sửa, càng xa rời nền dân chủ, càng sửa càng là một sự cưỡng đoạt.

Trong nhiều cuộc góp ý sửa đổi HP, cựu Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc thừa nhận nguyên tắc tập trung dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghĩa là sự phân công nhiệm vụ của đảng cho ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Mỗi cơ quan đó đều có một đơn vị đảng và các đảng viên nắm giữ chủ chốt cơ quan đó. Điều này tạo nên sự chồng chéo quyền lực và trách nhiệm. Khi quyền lực không được kiểm soát, có thể tạo sự cấu kết giữa ba lực lượng trên vốn đã bị thâu tóm về một mối, gây hại cho xã hội.

Từ bản chất ấy, đã sinh ra một "lỗi hệ thống" trầm trọng. Hậu quả ngày càng rõ ràng và đe dọa sự tồn vong của đất nước. Sự tham nhũng, mất dân chủ và tác hại của các phe nhóm trục lợi dựa vào quyền lực ngày càng trầm trọng và không có giới hạn. Nền kinh tế bị tàn hại, nạn thất nghiệp tăng cao và nhiều người dân bị bần cùng hóa do lạm phát…

"VN cần cảnh giác với "vệt bánh xe đổ" này. Cần ngăn chặn nguy cơ càng sửa, càng xa rời nền dân chủ, càng sửa càng là một sự cưỡng đoạt."

Nhà văn Võ Thị Hảo

Tệ nạn côn đồ cướp bóc chém giết công khai ngày càng phát triển. Người thi hành công vụ ở nhiều nơi đã hung hãn tới mức giết chết dân lành ngay trước mặt nhiều người mà vẫn được cấp trên và đồng nghiệp che chắn bảo vệ.

Ngay cả lòng yêu nước và tinh thần bảo vệ Tổ quốc hoàn toàn chính đáng và không trái Hiến pháp, pháp luật, cũng đã bị công khai đàn áp theo xu hướng vi phạm pháp luật hoặc lạm quyền.

Như thế, sửa HP 1992 là cần thiết. Nhưng các Đại biểu QH và toàn dân cần hết sức đề phòng, ngăn chặn xu hướng cưỡng đoạt quyền tự do dân chủ của nhân dân trong khi sửa HP, mà như chính cựu lãnh đạo QH Nguyễn Văn An công nhận:

"…trên thực chất là tập thể chuyên chế. Đó là sự biến tướng, tiếm quyền. Tức là về mặt hình thức có thể là cộng hòa hay dân chủ cộng hòa, nhưng thực chất vẫn có thể là chuyên chế."

"Không thể tước đoạt"

Quốc hiệu của VN ghi rất rõ hai chữ "cộng hòa". Điều này quy định về thể chế chính trị. Người chủ đất nước không phải là Vua, hay một tập thể, đảng phái nào đó, mà thay vào đó, phải là dân – không phân biệt thành phần, giới tính, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo…

Quốc hội Việt Nam

Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục là công cụ pháp lý của riêng Đảng Cộng sản VN trong bao lâu nữa?

Để minh định vấn đề này, có thể hình dung qua một thí dụ khách quan.

Giả sử có một Đảng- tạm gọi là Đảng Ăn – tồn tại ở VN và đảng này hấp dẫn tới mức 99 % dân số VN đều là đảng viên của đảng Ăn - ai mà chẳng phải ăn cơ chứ - thì về nguyên tắc lập hiến và lập pháp, đảng này có quyền ghi vào Hiến pháp rằng: "Đảng Ăn là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" được không?

Đương nhiên là không! Đảng Ăn dù chiếm tới 99% dân số cả nước, nhưng vẫn còn 1% công dân không thuộc Đảng Ăn, họ chọn Đảng Uống chẳng hạn, hoặc không đứng trong Đảng nào.

Không ai có thể tước đoạt quyền làm chủ đất nước của 1% dân số đó bằng cách hợp hiến hóa, thể chế hóa quyền lợi của đảng Ăn. Thiên vị người này, nhóm người này, tức là tước đoạt quyền lợi của người khác.

Nếu quy định tại HP rằng đảng này hay đảng kia là lực lượng lãnh đạo xã hội, vô hình chung là bất công, lạm quyền, là đường ray đưa tới lạm dụng và bạo lực.

Để đảm bảo quyền tự do, quyền sống đương nhiên của mọi người, thì không một giai cấp, tầng lớp nào của đất nước lại được coi hoặc tự bầu chọn là nền tảng của thể chế chính trị của nước đó.

"Một đảng nào đó, dẫu có chiếm tới 99% dân số, nhưng đó chỉ là một tình trạng nhất thời của một đất nước, không thể đại diện lâu dài cho quyền lợi của toàn dân, cho cả nước được. Vì thế, hoàn toàn không có quyền ghi vào HP rằng họ là lực lượng lãnh đạo đất nước"

Nhà văn Võ Thị Hảo

Tương tự, cũng không ai được phép thể chế hóa sự ưu đãi cho một lực lượng nào đó bằng HP, vì như thế là đã dùng quyền lực mà triệt tiêu hoàn toàn sự lựa chọn của người dân trong mọi trường hợp và tạo ra một thể chế chính trị sớm muộn gì cũng đi tới sự độc tài và méo mó.

Một đảng nào đó, dẫu có chiếm tới 99% dân số, nhưng đó chỉ là một tình trạng nhất thời của một đất nước, không thể đại diện lâu dài cho quyền lợi của toàn dân, cho cả nước được. Vì thế, hoàn toàn không có quyền ghi vào HP rằng họ là lực lượng lãnh đạo đất nước.

Trong tương quan đó, có thể hiểu được ý kiến phản đối của nhiều nhà chuyên môn khi Đảng CS - hiện có khoảng 3 triệu đảng viên, chiếm chưa đầy 3% dân số VN, mà lại quy định trong HP rằng đó là lực lượng lãnh đạo xã hội.

Đảng Cộng sản có thể lãnh đạo xã hội, nhưng họ phải giành được điều đó bằng thông qua cạnh tranh công bằng, xác đáng và chứng tỏ uy tín, năng lực thực sự, qua các kỳ bầu cử tự do dân chủ không phải giả hiệu, và phải cạnh tranh sau mỗi nhiệm kỳ, không phải bằng sử dụng sức mạnh hay bạo lực để hợp hiến hóa quyền lợi và quyền lực.

"Những quyền đương nhiên"

Điều này đã được khẳng định trong Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc mà VN đã cam kết thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó quy định rõ:

Trấn áp biểu tình

Quốc hội không thể không có ý kiến trước các sai phạm vi hiến của Đảng và Chính quyền.

'Những quyền tự nhiên của con người không thể bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào. Những quyền này cũng không được xóa bỏ hay chuyển nhượng.

'Các chính phủ được thành lập không phải để ban phát quyền tự do cơ bản, mà CP được lập ra để bảo vệ các quyền tự do đó- các quyền mà mọi cá nhân hiển nhiên có do sự tồn tại của mình và được tạo hóa ban cho.

'Các quyền đó chỉ có được trong một nền dân chủ, không bị pháp luật bãi bỏ cũng như không phụ thuộc ý muốn nhất thời của đa số cử tri nào đó.'

Để bảo vệ những quyền đương nhiên này, HP sửa đổi tới đây cần đề ra những quy định nghiêm cấm QH hay bất kỳ ai thông qua các luật vi phạm tới các quyền tự do của người dân, như quyền phúc quyết HP, quyền tự do ngôn luận, tự do hội hop, tự do tôn giáo và bày tỏ chính kiến…

Phải quy định rõ, những quyền đương nhiên của người dân phải được đảm bảo trong mọi trường hợp và trong mọi thời đại và tất cả mọi quy định, hành xử trái HP dù của bất kỳ ai, cũng đều phải bị coi là phạm tội và bị pháp luật trừng trị.

Và cũng phải cảnh giác ngăn ngừa ngay cả sự giả hiệu hoặc ngầm ép buộc trong việc trưng cầu dân ý, việc phúc quyết HP và nhiều vấn đề khác. Bởi vì, trong hoàn cảnh quyền tự do căn bản của người dân chỉ mang tính hình thức, như chính các vị cựu lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, QH đã thừa nhận, thì nhiều khi kết quả trưng cầu dân ý thực chất chỉ là sự đánh lừa, sự hợp thức hóa cho một chế độ phi dân chủ.

"Cơ hội hay chết?"

Cần xác định rõ rằng, sửa HP là một thời cơ để trả lại quyền tự do và dân chủ, quyền lập hiến trực tiếp của toàn dân. Đây cũng là cơ hội để cứu nước, bảo vệ chủ quyền VN, lấy lại lòng tin của nhân dân.

Đây là cơ hội vàng cho thể chế chính trị của VN chuyển đổi một cách nhẹ nhàng, trong danh dự, sang một thể chế thích hợp hơn.

"Nếu nhà cầm quyền không muốn tự tay châm ngòi cho một cuộc "cách mạng hoa lài" hay "hoa sen" hay bất cứ thứ hoa gì nữa vốn được cho là tất yếu diễn ra tại VN, với nhiều trả giá xương máu cho cả hai bên, thì chớ bỏ qua thời cơ này"

Nhà văn Võ Thị Hảo

Thực ra, chưa bao giờ nhà cầm quyền VN lại được đứng trước một cơ hội chuyển đổi thuận lợi như bây giờ, để họ lấy lại được lòng tin của nhân dân, cải cách thể chế, bảo vệ chủ quyền đất nước mà vẫn giữ được quyền lợi to lớn của họ như hiện nay.

Thực ra, đó chỉ là nghệ thuật xử lý khủng hoảng, tỉnh táo nhận ra đâu là chỗ cần phải dừng vĩnh viễn bàn tay trấn áp lại, trước khi quá muộn để không đẩy nhân dân phẫn nộ thêm nữa khiến họ quyết liệt hơn bao giờ hết quay lưng lại với chính quyền.

Nếu nhà cầm quyền không muốn tự tay châm ngòi cho một cuộc "cách mạng hoa lài" hay "hoa sen" hay bất cứ thứ hoa gì nữa vốn được cho là tất yếu diễn ra tại VN, với nhiều trả giá xương máu cho cả hai bên, thì chớ bỏ qua thời cơ này.

Tái sinh hay cưỡng đoạt? Câu hỏi và cơ hội mở. Cây gậy phù phép đang nằm trong tay những nhà sửa đổi HP. Nhưng toàn dân cần giám sát và không thể thờ ơ, nếu không muốn đi tới "một cái chết được báo trước"./.

Bài viết thể hiện lối hành văn và quan điểm riêng của tác giả, nhà văn, nhà báo, họa sỹ Võ Thị Hảo, đang sinh sống tại Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét