Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC CUỘC GẶP VỚI BỘ NGOẠI GIAO – NHÂN SĨ TRÍ THỨC TIẾP TỤC BIỂU TÌNH

Nguồn CHHV


CHƯA THỰC HIỆN ĐƯỢC CUỘC GẶP VỚI BỘ NGOẠI GIAO

Thưa chư vị,

Từ 07h30 sáng nay thứ Tư (13.07.2011), các vị nhân sĩ trí thức có bản Kiến nghị "Yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc"(soạn thảo và ký ngày 2.7.2011, gửi đến Bộ Ngoại giao ngày 04.07.2011) có cuộc gặp mặt đầu tiên với nhau tại Cafe 36b Điện Biên Phủ (đối diện trụ sở Bộ Ngoại giao, 01 Tôn Thất Đàm, Hà Nội, cách một mặt đường).

Cuộc gặp mặt có các vị: GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Huệ Chi, GS Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Quang A, Nhà văn Trần Nhương, Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, TS Nguyễn Xuân Diện, Luật sư Trần Vũ Hải, anh Nguyễn Quang Thạch, anh  Nguyễn Văn Phương.

Các vị vắng mặt gồm: GS Chu Hảo (đi công tác), Ông Lê Hiếu Đằng, Nhà văn Nguyên Ngọc đều ở xa chưa nhận được Giấy mời nên không có mặt, GS Ngô Đức Thọ, Nhà nghiên cứu Trần Kim Anh, Bà Cao Thị Vũ Hương, TS Hoàng Hồng Cẩm bận việc riêng không đến được.

Riêng Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã được mời (qua điện thoại từ hôm qua), và vào lúc 8h30, Bộ Ngoại giao đã cho xe đến đón lên Bộ. 8h55, cụ đã có mặt tại Phòng Khách của Bộ Ngoại giao.
8h50: TS Nguyễn Quang A, Luật sư Trần Vũ Hải và trợ lý đi sang trụ sở Bộ Ngoại giao. Ít phút sau, TS Nguyễn Quang A trở lại quán cafe và nói hiện nay đã có 03 cán bộ của Bộ Ngoại giao đứng chờ ở cửa (phụ) để đón các nhân sĩ trí thức vào họp. Các giáo sư liên hệ với Luật sư Trần Vũ Hải cho biết nếu Bộ Ngoại giao cử cán bộ sang đây (Cafe 36b, Điện Biên Phủ) mời thì chúng tôi sang. Nếu không sang mời thì các nhân sĩ trí thức không sang Bộ, mặc dù chỉ cách nơi họ ngồi một mặt đường. Nhưng Bộ Ngoại giao trả lời họ không vào quán cafe.

Các giáo sư hội ý và cử Nguyễn Xuân Diện sang cửa (phụ) để gặp những người này. Tôi sang và hỏi: Hôm nay, ai tiếp các nhân sĩ trí thức? Trả lời: Ông Trần Duy Hải.

Tôi nói với cô Loan là người đón tiếp ở cổng rằng: "Tôi nhờ chị thông báo với ông Trần Duy Hải như sau:

1- Các nhân sĩ trí thức đang ngồi bên kia không sang Bộ vì họ không nhận được Giấy mời.

2- Họ và tôi đến đây để gặp ông Hồ Xuân Sơn, hoặc một thứ trưởng, chứ không gặp ông Trần Duy Hải.

3- Nếu Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời bằng văn bản thì các nhân sĩ trí thức sẽ có cách để hỏi được 03 điều thắc mắc nêu trong kiến nghị.

4- PV các hãng thông tấn, báo chí quốc tế đang chuẩn bị các nội dung phỏng vấn với các nhân sĩ trí thức.

Chừng 15 phút sau, cô Loan gọi điện cho tôi, nói rằng: Hiện cửa chính của Bộ Ngoại giao đã mở để đón các nhân sĩ trí thức vào họp mặt. Tôi trả lời là: Các nhân sĩ trí thức đã ra về cả rồi.

Trước khi ra về, các nhân sĩ trí thức quyết định tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối nhà cầm quyền TQ liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông vào sáng Chủ nhật tới đây (17.07.2011) vào lúc 08h30 tại khu vực Vườn hoa Lenin.

HÌNH ẢNH CÁC NHÂN SĨ TRÍ THỨC GẶP MẶT TẠI CAFE 36b ĐIỆN BIÊN PHỦ

11h30: Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh gọi Nguyễn Xuân Diện đến để kể lại diễn biến trong cuộc gặp của cụ với các cán bộ của Bộ Ngoại giao.

1150: Hãng tin RFA điện thoại cho Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh để hỏi về cuộc gặp. Cụ nói: Cuộc gặp giữa các nhân sĩ trí thức ký kiến nghị với Bộ Ngoại giao là cuộc gặp không thành. Bộ Ngoại giao cũng chưa thông báo tiếp theo sẽ như thế nào.

Dưới đây là lời thuật của Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh:
…cập nhật…

Theo Nguỹenuandien

*****

BBC – Cuộc gặp với Bộ Ngoại giao 'bất thành'

Cuộc gặp giữa nhóm nhân sỹ trí thức yêu cầu cung cấp thông tin về quan hệ với Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam, dự tính diễn ra vào lúc 9 giờ sáng thứ Tư 13/07, đã không thành.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một trong số 18 nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam ký tên trong kiến nghị yêu cầu 'cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc', nói với BBC từ Hà Nội rằng chỉ có một mình ông có mặt trong cuộc gặp, "nên tôi không nghe và ra về".

Đáp lại kiến nghị của các nhân sỹ trí thức về thông tin cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và đồng nhiệm Trung Quốc hôm 25/06, Bộ Ngoại giao đã sắp xếp cuộc gặp vào sáng thứ Tư.

Tuy nhiên, chỉ có ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh, là nhận được lời mờii qua điện thoại và được Bộ Ngoại giao điều xe tới nhà riêng đón vào lúc 8:30 sáng.

Những người còn lại được chuyển lời hẹn gặp qua đại diện nhóm là luật sư Trần Vũ Hải.

Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho hay ông cùng 7-8 người khác đã có mặt tại một quán cà phê đối diện Bộ Ngoại Giao trên phố Tôn Thất Đàm từ đầu giờ sáng để chờ lời mời sang làm việc.

"Thế nhưng họ không mời một cách đàng hoàng, nên tất cả đã quyết định bỏ về."

Trong số các nhân sỹ chờ đợi trong quán cà phê, ngoài Luật sư Hải và Tiến sỹ Quang A, có Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Giáo sư Phạm Duy Hiển, Nhà văn Trần Nhương, Nhà văn Phạm Xuân Nguyên và Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện.

'Công dân có quyền chất vấn'

Kiến nghị yêu cầu cung cấp thông tin của các nhân sỹ trí thức được ký ngày 02/07 và được chuyển tới Bộ Ngoại giao hôm 04/07.

Cũng những người này một tuần trước đó đã ký tên vào bản Tuyên cáo về 'các hành động gây hấn của Trung Quốc' ở Biển Đông, hiện được hàng nghìn người hưởng ứng.

Nói về cuộc gặp bất thành sáng 13/07, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh giải thích: "Tôi ra về, vì không thể nghe thay cho cả 17 vị kia được".

Ý nguyện của các vị nhân sỹ trí thức là được tiếp xúc với bản thân Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, người đã có tiếp xúc và hội đàm trong tư cách đặc phái viên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân về vấn đề Biển Đông tại Bắc Kinh.

Nhưng người được Bộ Ngoại giao phân công tiếp họ vào sáng thứ Tư là ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới.

Tướng Vĩnh cho hay yêu cầu của các nhân sỹ ký tên trong kiến nghị rất đơn giản: "Thứ nhất là họ có thể trả lời bằng văn bản".

"Thứ hai, nếu họ muốn mời gặp, thì mời tất cả chúng tôi. Còn thứ ba, họ có thể không trả lời."

Theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh, công dân hoàn toàn "có quyền chất vấn chính quyền, có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước", bởi vậy yêu cầu của các nhân sỹ trí thức là "chuyện hoàn toàn bình thường".

Hiện chưa rõ nhóm nhân sỹ trí thức có tiếp tục theo đuổi kiến nghị của mình hay không.

Công khai minh bạch

Hôm 25/06, trong cuộc gặp với phía Trung Quốc của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, hai bên đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết "Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Kiến nghị của các trí thức viết "theo các thông tin báo chí, chúng tôi được biết" về các cuộc gặp trên, cũng như tường thuật của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) về hai cuộc gặp.

"Những thông tin trên chúng tôi không thấy đăng trên báo chí của Việt Nam."

Họ yêu cầu Bộ Ngoại giao xác nhận tính chính xác của thông tin mà Tân Hoa Xã đưa ra, nếu không đúng "yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi".

Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông.

Bản kiến nghị còn yêu cầu cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc" hôm 25/06.

Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét