Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Quy hoạch nghi kỵ và loại trừ tôn giáo

Nguồn chuacuuthe

Quy hoạch nghi kỵ và loại trừ tôn giáo

VRNs (12.07.2011) – Sài Gòn – Sáng thứ tư ngày 07.07.2011 cùng với một vài người bạn, chúng tôi qua Thủ Thiêm thăm thầy Thích Không Tánh tại chùa Liên Trì và linh mục Chính xứ nhà thờ Thủ Thiêm. Nhiều người sống ở khu vực quận 2 nói rằng hầu hết dân ở đây đều bị cưỡng chế di dời, chứ chẳng có ai muốn đi cả. Không có ai giúp họ nên họ nghĩ rằng có phản đối cũng chẳng làm gì được, thôi thì cắn răng đi cho xong. Họ ra đi nhưng lòng vẫn ấm ức, vì bỗng dưng nơi sinh sống hằng bao đời nay lại rơi vào tay những kẻ có tiền và có quyền. Người dân thấp cổ bé miệng như họ thì có kêu gào cũng không ai nghe thấy!

Chúng tôi lại nghe được thông tin "quái dị" rằng một viên công an TP, phụ trách về an ninh tôn giáo đã khẳng định xanh rờn: "Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ không có cơ sở tôn giáo". Thì ra họ quy hoạch khu dân cư mới không hề có nhà thờ, chùa, thánh thất,… Do đó họ tìm cách xóa sổ các cơ sở tôn giáo đã hiện hữu hàng trăm năm ở quận 2 như nhà thờ Thủ Thiêm, chùa Liên Trì, nữ Tu viện Mến Thánh Giá Thủ Thiêm,…

Điều này thật phi lý, vì Việt Nam là một đất nước mà giá trị tín ngưỡng tâm linh và tôn giáo đã trở thành giá trị của người Việt. Hầu hết người dân Việt Nam khi được hỏi về tôn giáo sẽ trả lời là theo đạo Phật (hơn 20%), khoảng 7% dân số sẽ trả lời theo đạo Công giáo, và khoảng 10% khác sẽ trả lời thuộc một trong các đạo Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, Hồi Giáo, … (tổng cộng khoảng 37% dân số). Trong khi đó nếu hỏi bạn có phải người vô thần không thì chỉ có 3 triệu người, chiếm 3,5% dân số trả lời là vô thần, nhưng trong 3 triệu người đó, vẫn có những người trả lời rằng "tôi không có đạo, nhưng có tín ngưỡng !"

Một chính sách được quyết định bởi quyền lợi của ai? Người dân tại vùng giải tỏa không được hưởng lợi gì, mà ngược lại mất quá nhiều. Mặt khác, dự báo, đô thị mới Thủ Thiêm sẽ tiếp nhận trên hàng trăm ngàn người, mà cứ 3 người thì có hơn 1 người có nhu cầu tâm linh, vậy mà từ nhà chùa, nhà thờ đến thánh thất, tu viện đều bị loại bỏ. Đến thế kỷ XXI rồi mà chính sách vẫn còn hoạch định theo kiểu "làm sai đâu sửa đó" hay sao?

Khu dân cư sang trọng Phú Mỹ Hưng trước đây đã là một sai lầm về quy hoạch. Cả khu vực rộng lớn như thế mà không hề có một nhà thờ hay chùa nào. Có một dòng tu nữ mua nhà, mở trường nuôi dạy trẻ, đã mở cửa nhà mình cho những người Công giáo sống xung quanh đến dự lễ Chúa Nhật thì cho đến nay vẫn còn bị chính quyền làm khó dễ… Những người Công giáo sống trong khu Phú Mỹ Hưng phải đi lễ Chúa Nhật khá xa như các nhà thờ Tắc Rỗi, Mẫu Tâm và Thuận Phát.

Chính sách xây dựng đô thị kiểu này không chỉ cố tình miệt thị và loại trừ tôn giáo mà thôi, nhưng còn bỏ quên yếu tố xây dựng cộng đồng, dẫn đến lối sống tương lai của dân cư vùng đó là "đèn nhà ai nấy tỏ", tạo ra ùn tắt giao thông, do dân cư của nhiều vùng không có các cơ sở thờ tự phải tập trung về nơi có nhà chùa, nhà thờ, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho ngày nghỉ, tiêu hao nhiều nguồn năng lượng cho việc di chuyển.

Những việc làm của nhà cầm quyền suốt 57 năm qua tại miền Bắc và 36 năm tại miền Nam, có chủ đích loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống con người?

Những ai thường đi qua đường 3 tháng 2, Sài Gòn, hẳn đã thấy, Nhà văn Hóa quận 10 được vị Kiến trúc sư thiết kế mặt tiền quay ra đường (dĩ nhiên) nhưng lưng lại quay về phía Việt Nam Quốc Tự. Một công trình văn hóa mà quay lưng lại với tâm linh thì hẳn còn văn hóa? Càng không thể văn hóa khi khu đất mà nhà văn hóa tọa lạc lại chính là đất của nhà Chùa! Kể cả đất mà nhà hát Kỳ Hòa đang sử dụng cũng của nhà Chùa! Xây dựng trên đất của tôn giáo mà còn quay lưng lại với tôn giáo thì không còn gì kém văn hóa hơn.

Đêm 16.02.2011 hàng ngàn người chen lấn, giẫm đạp lên nhau để giành giật ấn đền Trần tại Nam Định, để mong cho sự nghiệp của mình được thăng tiến! Làm "gương" cho việc này lại là một nhân vật cao cấp từ nhà cầm quyền: ngài phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Nhiều phụ nữ đã ngất xỉu. Nhìn những khuôn mặt hung dữ đang cố giành lấy lá ấn từ tay người đồng loại mà thấy thương thay cho một dân tộc đã đánh mất những giá trị tâm linh, chỉ còn là sự vá víu được chăng hay chớ, chẳng biết ý nghĩa việc mình làm.

Chiều ngày 02.07.2011 hàng ngàn sĩ tử đến Văn Miếu Quốc Tử Giám mong sờ đầu rùa để cầu vận may trước khi thi đại học.

Nhà chùa, nhà thờ, thánh thất, tu viện được quyền có mặt trong mọi quy hoạch về khu dân cư mới như các dịch vụ giáo dục, y tế và thương mại.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Quản lý Đô thị, ĐH KHXH & NV TP.HCM, thì: "Một không gian vật chất thường thì chỉ có 3 chiều (cao, rộng, sâu), nhưng khi có người ở thì trở thành không gian sống 5 chiều (3 chiều không gian, 1 chiều thời gian và 1 chiều tâm linh) (http://kientrucvietnam.org.vn/Web/Content.aspx?zoneid=238&distid=21888&lang=vi-VN ).

Cũng theo nhà trí thức này, không gian tâm linh là một khái niệm rất nghiêm túc. Phần không gian này nâng giá trị của một khu dân cư lên. Vì thế, bất cứ một khu đô thị nào cũng phải có các cơ sở tôn giáo để phục vụ nhu cầu tâm linh của những con người sống ở đó.

Không kể các phi trường trên đất Philippine, một đất nước đa số là người Công giáo, những phi trường gần chúng ta như Taipei, Hongkong, Bangkok… luôn luôn có những nhà cầu nguyện (prayer room) cho hành khách sử dụng trong những giờ chờ chuyến bay, nhu cầu tâm linh được tôn trọng thì đất nước mới thịnh vượng được.

Thế mà dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm không muốn có sự hiện diện của tôn giáo. Số phận của những cư dân ở đây sẽ ra sao? Mặt bằng đạo đức của xã hội tương lai sẽ như thế nào?

Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm từng bị chính báo nhà nước phanh phui về những khuất tất đằng sau từ năm 2007.

HIẾU MINH, VRNs


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét