Tác giả: Kent Ewing
Người dịch: Dương Lệ Chi
01-05-2012
HỒNG KÔNG – Khi đống đổ nát từ sự sụp đổ lạ lùng của ông Bạc Hy Lai, một người ngày càng được giới cánh tả yêu mến, bị quét sạch, thì các nhà cải cách chính trị Trung Quốc tìm thấy chỗ đứng cho chính họ trong sự rõ ràng, minh bạch.
Việc ông Bạc Hy Lai, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, bị mất chức hồi tháng trước, ít nhất là cho tới bây giờ, đã chứng minh rằng họ (các nhà cải cách) đã giành thắng lợi, và công bằng mà nói thì các nhà cải cách này không hy vọng nhận được nhiều [thắng lợi như vậy] kể từ cuộc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ do sinh viên dẫn đầu vào ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Ngày hôm đó, khi xe tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lăn xích vào quảng trường Thiên An Môn, hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn người, đã bị giết, cũng như đã giết chết bất kỳ cuộc đối thoại về dân chủ nào ở Trung Quốc.
Bây giờ cuộc đối thoại đó có thể được tiếp tục trở lại, nhưng đừng mong đợi sẽ có bất cứ sự thay đổi nào giống như kiểu dân chủ kiểu phương Tây có thể xảy ra. Không giống như năm 1989, cuộc tranh luận ở Trung Quốc về dân chủ năm 2012 có liên quan một cách nghiêm ngặt đến việc nâng cao trách nhiệm và tham gia vào các quyết sách bên trong Đảng Cộng sản, hoặc cái gọi là dân chủ "nội bộ".
Ngay cả khi các nhà cải cách giành chiến thắng, Trung Quốc vẫn sẽ là chính phủ độc đảng và, theo quan điểm của phương Tây, một chính phủ phi dân chủ. Nhưng chính phủ độc đảng đó có thể cởi mở và minh bạch hơn (và do đó tham nhũng ít hơn) so với các pho tượng cộng sản mà chúng ta thấy hiện nay.
Thật vậy, đây là loại thay đổi mà Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã chủ trương nhiều năm, nhưng không nhận được một phản ứng tích cực từ bất cứ người nào trong số phe nhóm cầm quyền ở Trung Quốc, kể cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Cả hai ông Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào đang chuẩn bị nghỉ hưu vào tháng 10 [năm nay] sau 10 năm nắm quyền, sự ra đi bất thường của ông Bạc đã mở đường cho cải cách chính trị để nhận được chỗ đứng nổi bật trong chương trình nghị sự Đại hội Đảng lần thứ 18, phiên họp vào mùa thu tới đây sẽ thông qua các vị lãnh đạo của thế hệ kế tiếp.
Sự kiện về nhà hoạt động pháp lý khiếm thị, ông Trần Quang Thành, đã tổ chức trốn thoát ngoạn mục hồi cuối tuần qua trong khi bị quản chế ở ngôi nhà của ông ở ngôi làng thuộc miền đông tỉnh Sơn Đông và tin tức cho biết ông đang ẩn náu tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, cũng cung cấp thêm đạn cho các nhà cải cách.
Ông Trần, một trong những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc nổi tiếng nhất thế giới, đã bị bắt giam năm 2006 sau khi ông cáo buộc các quan chức Sơn Đông đã ép buộc ít nhất 7.000 phụ nữ phải triệt sản hoặc phá thai ở giai đoạn cuối để tuân theo chính sách một con của Trung Quốc. Cuối cùng thì ông bị kết tội "tổ chức đám đông để làm gián đoạn giao thông" và "hủy hoại tài sản công cộng".
Ông Trần cho biết, ông và vợ ông đã bị các quan chức địa phương đánh đập trong năm qua, bị quản thúc tại ngôi nhà ở làng Dongshigu kể từ khi ông được thả khỏi tù hồi năm 2010. Sau khi trốn thoát, ông cho đăng tải một video trên mạng, trực tiếp thỉnh cầu thủ tướng Ôn Gia Bảo, một người kêu gọi cải cách đơn độc trong số các lãnh đạo hiện nay.
Video của ông Trần yêu cầu Thủ tướng ba điều, rằng các quan chức địa phương, những người bị cho là đã hành hung ông, phải bị truy tố, rằng sự an toàn của gia đình ông phải được bảo đảm, và rằng tham nhũng nói chung ở Trung Quốc phải được xử lý một cách trung thực và phải bị trừng phạt theo quy định của pháp luật.
Xấu hổ thay, tin tức nói rằng ông Trần hiện đang được [Đại sứ quán] Mỹ ở Bắc Kinh bảo vệ, điều này xảy ra khi Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton và ông Timothy Geithner, Bộ trưởng Tài chánh, lên lịch trình bay tới thủ đô Trung Quốc trong tuần này để hội đàm hàng năm, như là một phần của Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung – Mỹ sắp diễn ra.
Khó có thể tưởng tượng trường hợp của Trần không được đưa ra [thảo luận] khi bà Clinton và ông Geithner ngồi xuống nói chuyện với những người đồng nhiệm Trung Quốc. Và cũng khó có thể tưởng tượng nếu những người đang dẫn đầu cải cách chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc không làm hết sức mình để sử dụng sự kiện rắc rối này đẩy mạnh thêm nghị trình của họ.
Đây sẽ là cuộc đàm phán Trung – Mỹ cuối cùng với ban lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc.
Đến lúc này, nếu ngăn không để cho bất kỳ biến động chính trị nào xảy ra thêm nữa, thì dự kiến ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch hiện tại, sẽ đảm nhận chức chủ tịch trong năm tới và ông Lý Khắc Cường, Phó Thủ tướng, sẽ thay thế ông Ôn Gia Bảo. Đến giờ vẫn chưa rõ họ cảm thấy một đảng cởi mở hơn, minh bạch hơn như thế nào, nhưng rõ ràng là họ đã nắm được tầm quan trọng về cú ngã ngựa của Bạc Hy Lai từ ân sủng ở Trùng Khánh, thành phố mở rộng về phía tây nam với hơn 30 triệu người.
Cho đến khi bị loại bỏ khỏi chức vụ đứng đầu Trùng Khánh, và sau đó là bộ chính trị cầm quyền, ông Bạc 62 tuổi, nổi tiếng và có sức lôi cuốn, được xem như một ứng viên hàng đầu vào chức ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực, có chín người, tại Đại hội Đảng trong mùa thu tới.
Trong 5 năm lãnh đạo Trùng Khánh, ông Bạc đã thu hút sự chú ý quốc tế nhờ cuộc chiến cứng rắn và thành công lớn (các nhà phê bình nói đó sự tàn nhẫn và rõ ràng là đứng trên luật pháp) chống tội phạm ở một thành phố khét tiếng với Hội Tam Hoàng hùng mạnh và giới chức bị lệ thuộc vào tham nhũng.
Chủ nghĩa dân túy thuần túy của ông Bạc và sự hồi sinh ngôn từ cách mạng Mao-ít đã tạo thêm danh tiếng cho ông và liệu việc ông Bạc khai thác di sản của Mao Trạch Đông là một thủ đoạn xảo quyệt để đi lên nhờ sự ủng hộ đông đảo hay là ông thật sự đi theo lý tưởng cộng sản của Người Cầm lái Vĩ đại (tức Mao Trạch Đông), đã làm cho ông nhanh chóng trở thành người điển hình cho những người cánh tả trong đảng, những người đã bất bình vì mối tình 30 năm của Trung Quốc với chủ nghĩa tư bản, đã tạo ra một khoảng cách giàu nghèo rất lớn ở trong nước.
Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc nội của Trùng Khánh tăng trưởng 16,4%, được xếp vào loại tăng trưởng hàng đầu ở Trung Quốc trong năm 2011, làm tăng thêm tiếng tăm và tham vọng chính trị của ông Bạc. Hướng về năm 2012, "mô hình Trùng Khánh" đã được tổ chức như là một mô hình kiểu mẫu trên cả nước, và ông Bạc hy vọng cưỡi mô hình đó vào giới lãnh đạo bị mê hoặc của Trung Quốc.
Và rồi xe trật bánh
Và rồi mọi chuyện bắt đầu chao đảo khi ông Vương Lập Quân, cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh, cũng là cánh tay phải của ông Bạc trong cuộc chiến chống tội phạm, vào ngày 6 tháng 2 đã chạy vào Lãnh Sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, cách Trùng Khánh 338 km về phía tây bắc, rõ ràng là để xin tị nạn, một ví dụ lúng túng khác về sự dính líu của Mỹ tới các vấn đề của Trung Quốc.
Ông Bạc đã "thuyên chuyển" ông Vương qua chức giám sát giáo dục và môi trường, một tuần trước khi ông Vương xuất hiện tại lãnh sự quán, sau khi biết rằng ông Vương đã thu thập bằng chứng về sự liên can của bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc, trong vụ bà bị cáo buộc giết ông Neil Heywood, doanh nhân người Anh.
Ông Vương đã không được các quan chức Mỹ cho tị nạn và đã được các nhân viên an ninh của Trung Quốc đón sau khi rời khỏi lãnh sự quá Mỹ ở Thành Đô. Ông đã bị giam giữ kể từ đó.
Hiện ông Bạc bị buộc tội "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" tuy vẫn chưa rõ [ông sẽ bị kỷ luật như thế nào], trong khi bà Cốc Khai Lai đang bị điều tra về vụ giết ông Heywood, theo tin tức, người chịu trách nhiệm chuyển giao hàng trăm triệu nhân dân tệ vào tài khoản nước ngoài cho gia đình ông Bạc.
Số tiền này có thể giúp cho lối sống đầy tham vọng và nền giáo dục phương Tây thuộc hàng bậc nhất của con trai ông Bạc Hy Lai là Bạc Qua Qua, 24 tuổi, đã theo học tại trường Harrow và Đại học Oxford nổi tiếng ở Anh, và hiện đang là một sinh viên tại trường Đại học Harvard ở Mỹ.
Mức lương khiêm tốn của một bí thư thành ủy Trùng Khánh như ông Bạc chỉ khoảng 10.000 nhân dân tệ (1,586 đô la Mỹ) một tháng, nên tin tức cho biết việc chuyển một số tiền lớn này làm cho các nhà quan sát tin rằng, ông Bạc sẽ bị buộc tội tham nhũng. Hơn nữa, ông có thể bị cáo buộc là tòng phạm trong vụ giết người.
Dường như cũng bị dính đến một chiến dịch nghe trộm nhắm vào các quan chức, gồm cả chủ tịch Trung Quốc, theo tin tức gần đây của báo New York Times, trích dẫn các nguồn tin từ những người giấu tên, có mối quan hệ trong đảng.
Khi các tin tức, tin đồn và các cáo buộc liên quan đến ông Bạc và gia đình của ông tiếp tục tung ra và mô hình Trùng Khánh mang ý nghĩa mới, nham hiểm hơn rất nhiều, các nhà cải cách chụp lấy cơ hội này cho sự thay đổi chính trị. Thật vậy, cái cách mà đảng xử lý sự kiện ông Bạc đầy kịch tính, vụ bê bối chính trị tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, chỉ làm tăng thêm lập luận của họ về sự minh bạch và trách nhiệm [của đảng] lớn hơn.
Kể từ khi ông Bạc bị cách chức hôm 15 tháng 3, vẫn chưa có một cáo buộc chính thức nào đầy đủ và rõ ràng chống lại ông.
Có thể tiên đoán rằng, sự thiếu thông tin trong vụ việc chấn động như vậy đã dẫn đến việc suy đoán tràn lan, các tin đồn lan nhanh trên Internet (gồm một tin cảnh báo đặc biệt đáng lo ngại về một cuộc đảo chính quân sự sắp xảy ra) và rất nhiều tin nặc danh như câu chuyện gần đây của báo New York Times.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các vụ bê bối Bạc Hy Lai/ Vương Lập Quân được phép tăng nhanh trong gần ba tháng, trong khi các quan chức đảng lặng lẽ đứng sau cánh cửa đóng kín, tính toán phải làm gì. Việc xử lý vụng về vụ việc và phổ biến tin đồn gây ra do sự vụng về này, thật xấu hổ cho Bắc Kinh trong con mắt của thế giới và các câu hỏi đáng lo ngại đã được đặt ra về sự cầm quyền của đảng.
Đó là những câu hỏi mà các nhà cải cách hy vọng sẽ đề cập trước Đại hội Đảng cuối năm nay, và những lời kêu gọi thay đổi của họ, rõ ràng đã tạo ra tiếng vang. Ba cơ quan truyền thông hàng đầu của chính phủ gần đây đã công bố một loạt các bài bình luận, kêu gọi cải cách chính trị, là một dấu hiệu chắc chắn về điều đó và có lẽ cũng là một tín hiệu cho thấy, giới lãnh đạo, cả lãnh đạo sắp nghỉ hưu lẫn những người sắp nhậm chức, có thể đi đến một số đồng thuận về vấn đề này .
Tuy nhiên, đặc biệt là những bài bình luận này thuộc các cơ quan ngôn luận của đảng, tờ Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã và Thanh niên Trung Quốc Nhật báo, đã không đề cập đến dân chủ kiểu phương Tây. Thay vào đó, họ chỉ nói chung chung, rất khó để hiểu được những gì họ muốn nói, qua những lời yêu cầu của họ là "tái cơ cấu" hệ thống chính trị ở Trung Quốc.
Một bài báo trên tờ Nhân dân Nhật báo kêu gọi "bảo đảm người dân được làm chủ" về số phận chính trị của Trung Quốc nhưng không cung cấp thêm bất cứ đề nghị nào về việc làm sao để điều này xảy ra. Một bài bình luận khác trên tờ Nhân dân Nhật báo khoe khoang những lời nói nhạt nhẽo như thế này: "Cải cách chỉ có một mục đích duy nhất, đó là phục vụ lợi ích của nhân dân".
Thanh niên Trung Quốc Nhật báo thì dẫn lời cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln trong việc yêu cầu thay đổi chính trị, đó là "của dân, do dân và vì dân", bất cứ điều gì họ muốn nói ở Trung Quốc.
Một bài báo trên Tân Hoa xã sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn, thúc đẩy cải cách chính trị như là một cách "tấn công các vị trí kiên cố", nhưng, một lần nữa, không cung cấp một kế hoạch cụ thể hay một giải pháp nào.
Ai biết được những lời kêu gọi mơ hồ, nhưng những lời kêu gọi thay đổi nổi tiếng và đã được sự đồng ý chính thức này, sẽ dẫn tới đâu, hoặc có đi tới đâu hay không. Có lẽ đơn giản là những lời nói này chỉ để mua vui giới cải cách của đảng, trong đó, mùa thu tới đây, một lần nữa sẽ thấy nhu cầu về một cuộc đại tu đáng kể đối với cơ cấu chính trị của đảng trở nên vô nghĩa.
Trường hợp ông Trần nhấn mạnh sự thối nát sâu xa, tàn bạo ở cấp địa phương trong nội bộ đảng, và vụ bê bối của ông Bạc đặt ra các vấn đề lớn ở cấp lãnh đạo hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn còn thấy phe bảo thủ nắm quyền thống trị trong hàng ngũ lãnh đạo đảng, và họ chống lại bất kỳ sự thay đổi nào có thể làm cho quyền lực của họ bị suy yếu.
Nên nhớ rằng Hồ Cẩm Đào trở thành Tổng Bí thư Đảng năm 2002 và là chủ tịch một năm sau đó, trong lúc có những hy vọng lớn lao và nhiều dấu hiệu hứa hẹn rằng ông sẽ là một nhà cải cách rộng rãi.
Một thập kỷ sau, đã có sự thay đổi đôi chút.
Tác giả: Ông Kent Ewing là một giáo viên và là cây bút ở Hồng Kông. Có thể liên lạc với ông tại địa chỉ email: kewing56@gmail.com hoặc Twitter của ông: @ KentEwing1
Nguồn: Asia Times
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét