Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Phan Thế Hải : Thêm một đ/c chống cộng

Nguồn Blog Phanthehai

Đọc tiêu đề này, có người bảo, ngày nay, bọn chống cộng nhiều như quân nguyên, thêm một thằng chống cộng khác nào rừng xanh thêm một chiếc lá, biển cả thêm một giọt nước, có gì đáng bàn. Dưng, điều mà Chủ tịch muốn đề cập đến, người chống cộng lần này là Trần tiên sinh, bạn vong niên, có 40 năm tuổi tiệc có dư.
Vốn nổi tiếng là tiệc viên ngoan hiền, kiên trung, bỗng dưng, cuối đời dở chứng chống cộng một cách chân thành như đồng chí Bin laden chống Mỹ.
Trần cùng quê với Chủ tịch, con gia đình bần nông cốt cán, học giỏi, ngoan hiền nên không phải đi bộ đội. Hết phổ thông, Trần được đi du học ở Xô Liên, sướng vãi. Rồi Trần về nước, được điều về không quân, rất oách. Khi cả nước còn đắm chìm trong biển lửa chiến tranh thì Trần đã được ngồi ở phòng có máy lạnh, kiểm soát không lưu, khiến bàn dân thiên hạ coi Trần chỉ kém thượng đế tý tẹo.
Cũng vì kiên trung, Trần được kết nạp vào Tiệc, rồi được cử đi nghiên cíu sinh ở Nga, làm tiến sỹ rồi được phong Viện sỹ, oách vô cùng. Trần về nước, vừa có học hàm, vừa có học vị, được bố trí ngay chức sắc, quân hàm cứ thế thăng tiến, thăng tiến như máy bay trực thăng.
Khi có chủ trương tách ngành hàng không dân dụng ra khỏi Bộ Quốc phòng, Trần bỏ đường sao gạch, chuyển sang ngạch dân sự, vừa nghiên cíu khoa học, vừa kinh doanh. Tiền bạc rủng rỉnh, đi công cán nước ngoài như các bà đi chợ quê. Mỗi khi họp đồng hương huyện hay tỉnh, tên của Trần được bà con nhắc đến với thái độ trân trọng, như là hình mẫu của sự thành đạt. Hồi đó, CT nhìn Trần chỉ dám "kính nhi viễn chi", đứng từ xa bày tỏ lòng ngưỡng mộ mà không dám lại gần.
Cách đây dăm năm, khi đang xúc tiến dự án ở Kinh Bắc, CT được làm việc với Trần, hay nói đúng hơn là mấy anh em nhờ văn phòng của Trần làm nơi họp các cổ đông. Trước khi vào họp chính thức, thằng Joan, bạn Chủ tịch vẫn miệt mài với đề tài cộng hay phi cộng. Thường thì thằng này có thói quen xấu là nhớ dai. Rằng Tàu cộng đã giết hại bao nhiêu đồng bào mình, rằng Nga cộng đã giết hại bao nhiêu…
Nghe đến đoạn í, Trần thường nghiêm mặt rằng, nhà nước nào cũng có đúng, có sai. Trong cải cách ruộng đất, Tiệc ta lỡ giết hại mấy trăm ngàn đồng bào mình, nhưng ông Cụ đã xin lỗi rồi. Dẫu sao, từ ngày có Tiệc, xứ Thiên đường ta mới được mở mặt, mở mày với thế giới. Bao nhiêu người dân Việt chịu ơn Tiệc, trong đó có Trần. Nếu không có Tiệc, làm sao Trần được đi nước ngoài du học, làm sao có chức sắc, có bổng lộc như bây giờ….
(Bận việc, hôm khác viết tiếp)

Đăng ngày: 11:34 14-07-2011
Khi phần đầu của bài viết được đưa lên, Chủ tịch bận về quê, vừa thăm phụ huynh, vừa đưa bọn trẻ du ngoạn ngoạn trong những ngày hè nóng bỏng. Khi đang tắm biển ở Cửa Lò thì nhận được tin nhắn của Tiên sinh, người mà CT đã đề cập ở phần đầu. Nội dung tin nhắn khá dài nhưng tịu chung, có hai ý:
Thứ nhất, Trần là tên hoạt động CM của tiên sinh, còn tên "cúng cơm" là Nguyễn. Giờ hết thời hoạt động rồi, gọi thế không tiện. Thứ hai, Trần là người chống cộng, chứ không chống chính quyền. Mà thực ra thì cũng chẳng phải chống cộng, mà là chống cái học thuyết của mấy ông nhiều râu đã du nhập vào VN gần thế kỷ nay.
CT hoàn toàn tán thành với ý của Tiên sinh và gọi đúng tên. Vấn đề cộng hay phi cộng, CT đã đề cập đến trong bài "Nền chính trị ngoại tình". Tiệc ta mang tên ấy, tôn thờ học thuyết ấy, nhưng trong Tiệc có bao nhiêu người thờ cộng, bao nhiêu người chống cộng vẫn là một ẩn số. Vì kế sinh nhai, đặc biệt là muốn đi theo con đường quan chức, phải vào Tiệc, còn có thừa nhận cái học thuyết cộng hay không lại là chuyện khác.
Trở lại câu chuyện của Tiên sinh, khi tranh luận với thằng Joan trong mấy năm trước, Nguyễn thường ra sức biện minh cho Tiệc, nhưng thằng Joan cũng không phải tay vừa, hắn cho rằng, nếu bất cứ một sai lầm nào cũng có thể lấp liếm bằng câu xin lỗi thì vô cùng nguy hiểm. Một số sai lầm do vô tình, hay sơ suất, gây hậu quả không nghiêm trọng có thể khắc phục bằng cách xin lỗi, còn nếu sai lầm mang tính hệ thống thì không.
Sai lầm của Tiệc thuộc trường hợp thứ hai. Không thể có chuyện lỡ tay giết con người ta rồi xin lỗi rồi cho qua. Tiệc ta tôn thờ đấu tranh giai cấp, phát động phong trào cải cách ruộng đất, có văn bản, có nghị quyết hẳn hoi. Công cuộc cải tạo tư sản cũng vậy. Với khẩu hiệu "Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ" nói lên tính hung bạo của một học thuyết mà Tiệc ta tôn thờ. Nay không thể lấy chuyện xin lỗi để lấp liếm tính hung bạo ấy.
Rồi, mỗi khi đọc bài viết của CT, cũng như khi nói chuyện về thằng Lê chí sỹ, tham gia biểu tình chống Tàu cộng, Trần thường gọi điện, bảo rằng, cần phải hỏi, mình đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay, mà đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta.
Tôi bảo Trần: Câu đó nó hát nhan nhản suốt ngày, bọn trẻ con mới đi nhà trẻ đã được học thuộc câu í rồi. Vấn đề là ở chỗ, người ta biết ơn Tổ Quốc không có nghĩa là phải ca tụng Tổ quốc, tâng bốc Tổ quốc, tâng bốc sự sáng suốt của Tiệc. Đồng nhất Tổ quốc với Tiệc là không đúng.
Các cụ xưa có câu: Thuốc đắng giã tật. Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Tiệc như một cơ thể đầy bệnh tật. Bắt mạch, thăm bệnh rồi cho một vài liều thuốc đắng, cần hơn là sự tâng bốc. Những người phản biện, làm cho xã hội khôn ngoan hơn cũng là một cách yêu nước. Mỗi người yêu nước theo một kiểu khác nhau.
Động lực phát triển xã hội là tri thức chứ không phải là những sự tâng bốc mù quáng. Chính sách ngu dân, bưng bít thông tin là sự chống lại Tổ quốc một cách đắc lực nhất mà không phải ai cũng biết. Tổ quốc ta bị tụt hậu, bị hèn đi vì những chính sách như thế.
Một điều nữa cũng cần suy ngẫm là "văn hoá kể công", và "văn hoá ân huệ" của Tiệc. Để bảo vệ ngôi báu của mình, không có cách nào khác là phải truyền bá những thứ ấy. Theo đó, Tiệc ta đầy công trạng, là người dẫn dắt, là người khai sáng. Nếu ai không thừa nhận điều ấy lập tức bị chụp mũ là "vô ơn", là chống Tiệc, là phản động…
Cứ theo như luận điểm ấy, các nước lân bang như Hongkong, Singapore, Đài, Hàn… có đời sống phồn vinh cũng là nhờ ơn Tiệc. Nếu không có ơn ấy, mù chữ cả lũ, nô lệ cả lũ. Ăn cám cũng không xong.
(Sory nha, lại có khách, lúc khác viết tiếp)
Đăng ngày: 08:49 15-07-2011
Thời gian qua đi, Nguyễn hết tuổi, bàn giao chức sắc, chuẩn bị hiu. Đó là lúc mà Nguyễn mới có dịp ngẫm lại những chặng đã qua của cuộc đời. Cái Tết năm đầu khi rời ghế là một kỷ niệm đáng nhớ. Thời gian dường như vô tận, khi ngày tháng trôi qua mà Nguyễn không phải tấp nập đón khách, không phải bận rộn nhận quà. Vợ Nguyễn không phải bận rộn mở phong bao, không phải thống kê xem năm nay gặt hái được bao nhiêu.
"Thớt có tanh tao ruồi mới đến/Gang không mật mỡ kiến bò chi". Lúc này Nguyễn mới thấy cụ Nguyễn Bĩnh Khiêm thâm thuý, thấu đời. Rồi Nguyễn nhận sổ hiu, mỗi tháng ngót năm chiệu. Quy thóc thấy to, ngót tấn chứ ít ỏi gì. Thế nhưng, hội này hội nọ, thi thoảng có người mời đám cưới, mừng nhà mới, giao liu này nọ….  
Lương hiu vợ lĩnh, khi cần chi tiêu lại ngửa tay xin vợ. Đầu tháng, xin tiền vợ đưa, gần cuối tháng, vợ kêu hết xiền. Nguyễn cáu: bà tiêu kiểu gì mà hết dững năm triệu của tôi. Biết không thể giải thích được, vợ Nguyễn đưa hẳn một bảng kê các khoản chi trong tháng. Chi tiết, rành rọt như một nhân viên thủ quỹ mẫn cán chính xác đến từng dấu phẩy.
Thời buổi lạm phát, giá cả tăng từng ngày tiêu tiền như mất cắp, trước đây, Nguyễn không để ý, nay thì không. Giá thịt, giá rau, giá xăng dầu, biến động từng ngày ra răng ra răng, Nguyễn nắm chắc và thuộc lòng không kém gì vợ. Người dân, trong đó có Nguyễn méo mặt vì bão giá, trong khi đó, trên TV, đương kim Tổng bí lại lạc quan ca ngợi thắng lợi vẻ vang của kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân. Vô duyên.
Hết tiền, Nguyễn giết thời gian bằng cách đọc sách. Đọc sách chán rồi đọc mạng. Đọc các trang quốc doanh chán rồi đọc các trang ngoài quốc doanh. Rồi đọc các tài liệu truyền tay nhau theo kiểu photocopy. Có thông tin đa chiêu, Nguyễn mới thấy thằng Joan có lý.
Rằng, thằng Hồng Kông mà Tiệc ta vẫn gọi là xứ thuộc địa nhưng ở đó có thằng nào ngu chạy sang xứ Thiên đường. Không những thế, ở bên đó còn có vô số những bà con xứ ta sang đó làm nghề móc cống, rửa bát, cọ toalet, kiếm tháng dăm bảy trăm đô, gấp đôi lương Nguyễn- viện sỹ. Nhục.
Rồi chị em xứ Thiên đường đang tuổi xuân phơi phới, muốn trốn chạy khỏi cái nghèo, không dám lấy chồng trong nước, đành tự biến mình thành món hàng cho mấy thằng Đài, thằng Hàn. Toàn thằng già cú đế, chân đi chấm phẩy, xấu vãi. Nếu nói ơn tiệc, chắc phải là mấy thằng đó, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Tiệc, con gái xứ Thiên đường mới trở thành món hàng rẻ đến thế.
Vài ba ngàn đô là có ngay một cô, mang về nước, vầy thoả thích. Thế nhưng, Tiệc ta lại chẳng giáo dục cho những thằng Hàn, thằng Đài biết ơn mà lại bảo là công dân xứ Thiên đường phải biết ơn Tiệc. Vô lý.
Rồi chuyện tập đoàn tàu biển thua lỗ cả tỷ đô, chuyện nhà máy lọc dầu lỗi kỹ thuật sai bung bét, thất thoát toàn tiền tỷ. Sờ vào công trình nào cũng thấy tham nhũng, thất thoát. Trong khi đó, mỗi việc tăng lương hiu có mấy chục bạc, quốc hội họp lên họp xuống, hứa ngược hứa xuôi. Ông nào đứng trước nghị trường cũng hứa, cũng rỏ nước mắt vì dân, nhưng tịu trung, nếu các ông ý không có phong bao có sống được không, có còn iêu nước không?
Tiệc ta hô tôn thờ Mạc Lê, kiên định đường lối Thiên đường, dưng đó toàn là khẩu hiệu. Những thằng có quyền, có chức có thằng nào vô sản đâu. Thằng nào cũng vơ vét, thằng nào cũng kiếm chác, thằng nào cũng khoe nhà to, xe đẹp, con cái du học Anh, Mỹ, Úc. Chẳng thằng nào gửi con sang nước Cu ba XHCN hay Bắc Hàn để nắm vững chuyên chính vô sản.
Rồi chuyện nước XHCN anh em Tàu cộng, vẫn xoen xoét bốn phương vô sản đều là anh em, nhưng lấn từng tấc đất nơi biên giới, chiếm từng mét biển, rồi còn doạ sẽ nói chuyện với nhau bằng súng đạn. Nguyễn chuyển sang xét lại CNXH. Nguyễn bảo, tôi phải viết một tập sách, nói lại thực tiễn mình đã trải qua để người ta thấy cái học thuyết mà ta đang theo đuổi là vô lý, là đưa dân tộc ta vào ngõ cụt.
Chủ tịch bảo: Bác đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi, ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Phan Thế Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét