Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

RFA. Việt Nam Tuần Qua

Nguồn RFA

Tình hình Biển Đông đã lắng dịu hay chưa?

Kami's blog

Người biểu tình giương cao các khẩu hiệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Câu trả lời là, có thể trên bề mặt, Biển Đông đang tạm yên tĩnh; nhưng đâu đó những cơn sóng ngầm vẫn đang chờ chực, và chỉ cần một tác động nhỏ cũng có thể biến thành cuồng phong….

Tuần này, tiếp sau hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức tại Washington, trong lúc các bên liên quan trong cuộc tranh chấp này cùng với Hoa Kỳ đang tiếp tục tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề, thì Trung Quốc lại gia tăng đe dọa Việt Nam.

Cụ thể là giới lãnh đạo tại Bắc Kinh đăng đàn đưa ra những tuyên bố hết sức trịch thượng như: "Trung Quốc cần phải dạy cho Việt Nam một bài học", "Chính phủ Việt Nam cần phải hướng dẫn dư luận trên vấn đề Biển Đông", v.v…

danluan-200.jpg
Thư Ngoại giao ngày 14/9/1958 có đóng dấu ký tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Thêm vào đó, các cơ quan ngôn luận của Trung Quốc cũng cho đăng tải nhiều bài viết cho rằng cách đây 50 năm Hà Nội đã có những thỏa thuận với Bắc Kinh về chủ quyền Hoàng Sa Trường Sa, và nay Việt Nam phải thực hiện theo những đồng thuận này.

Tân Hoa Xã nhắc lại là từ năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gởi công hàm cho Thủ tướng Chu Ân Lai đồng thuận Hoàng Sa Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, nhà sử học Dương Trung Quốc Đại biểu Quốc hội khóa 12 nhận định là phía Trung Quốc cố ý lợi dụng và xuyên tạc bức thư, vốn chỉ thể hiện ý kiến riêng của ông Phạm Văn Đồng vào thời điểm cách đây hơn 50 năm vào thời điểm có xung đột ở eo biển Đài Loan. Sử gia Dương Trung Quốc nhấn mạnh:

Như thế tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa về nguyên tắc mà nói thì chủ quyền và tuyên bố có giá trị pháp lý là không phải của Hà Nội mà là của Saigon.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

"Hơn nữa về mặt pháp lý quốc tế thì cách đây hơn 50 năm theo tinh thần hiệp định Geneve thì ở phía Nam vĩ tuyến 17 là thuộc chủ quyền của chính phủ VNCH, cho dù lúc đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa đang xung đột đi chăng nữa. Như thế không gian liên quan đến Hoàng Sa Trường Sa nằm trong không gian thuộc chủ quyền VNCH. Như thế tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa về nguyên tắc mà nói thì chủ quyền và tuyên bố có giá trị pháp lý là không phải của Hà Nội mà là của Saigon."

Tuy nhiên, về mặt chính thức, chính phủ Việt Nam cho đến nay vẫn chưa lên tiếng công khai về những điều mà Trung Quốc cho là đã "đồng thuận" với họ.

Tuyên cáo chống Trung Quốc

anti-china-statement-250.jpg
Tuyên cáo đặc biệt của giới nhân sĩ trí thức Việt Nam. Courtesy chhvblog.
Vậy còn về phía người dân thì sao? Người Việt Nam đã ngưng biểu tình chống Trung Quốc hay chưa?

Câu trả lời là mọi chuyện còn tùy thuộc vào thái độ của Bắc Kinh và cách ứng xử của chính phủ Việt Nam.

Có thể hiện nay công an đã rất thành công trong việc ngăn chận các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhưng những nỗ lực này chỉ mang tính tạm thời. Vì đơn giản: lịch sử đã minh chứng rằng không ai có thể ngăn cản được lòng yêu nước của người Việt Nam.

Ngoài việc cùng nhau xuống đường tố cáo chính sách bành trướng bá quyền của Bắc Kinh, người Việt Nam, mà cụ thể là giới nhân sĩ trí thức còn đưa ra các tuyên bố, thỉnh nguyện thư khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Đầu tuần này, trên một số diễn đàn internet đã xuất hiện"Bản Tuyên cáo về tình hình Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam", do một số nhân sĩ, trí thức khởi xướng, và đã được hàng trăm người Việt Nam cả trong và ngoài nước ký tên hưởng ứng.

Việc nhà cầm quyền Trung Quốc xâm hại lãnh hải của Việt Nam, phá hoại công ăn việc làm của ngư dân, đe dọa tính mạng ngư dân và thậm chí phá hoại các hoạt động thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam… đã làm cho người dân hết sức phẫn nộ.

GS TS Nguyễn Minh Thuyết

Phát biểu với Đài Á Châu Tự Do, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - một trong những người ký tên đầu tiên vào bản tuyên bố này cho biết:

"Việc nhà cầm quyền Trung Quốc xâm hại lãnh hải của Việt Nam, phá hoại công ăn việc làm của ngư dân, đe dọa tính mạng ngư dân và thậm chí phá hoại các hoạt động thăm dò dầu khí của tàu Việt Nam… đã làm cho người dân hết sức phẫn nộ. Cho nên tôi cho rằng việc chúng tôi ký tên vào bản thông cáo chung ấy là một việc làm bình thường."

Bản thông cáo chung đưa ra những nhận định về hành động xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam điển hình qua các cuộc chiến năm 1974, 1979, 1988. Đồng thời, tố cáo những hành động gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông cũng như vi phạm Luật biển và Công ước về Luật biển năm 1982.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy được trả tự do

tktt250.jpg
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy (trái) cùng con gái sau khi đến California hôm 24-06-2011. RFA photo.
Và cuối cùng, Việt Nam Tuần Qua ghi nhận sự kiện chính phủ Việt Nam trả tự do và trục xuất nhà văn bất đồng chính kiến Trần Khải Thanh Thủy.

Nữ nhà văn từng được quốc tế vinh danh nhưng phải sống trong cảnh tù tội tại Việt Nam trong nhiều năm qua, đã được công an áp giải từ trại giam ra thẳng phi trường Nội Bài để lên máy bay sang Mỹ.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do sau khi đến California, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy bày tỏ:

"Điều đầu tiên là tôi muốn được sống theo đúng ý mình, vì nước Mỹ vẫn là nước có nền tự do sớm nhất thế giới. Sang đây tôi sẽ tiếp tục cầm bút để giáng thẳng vào đầu Cộng Sản, những cái mà nó làm cho đời tôi điêu đứng, cũng như là những cái mà tước đoạt vận mạng dân tộc mình.

Nếu được phép thì tôi sẽ nói là xin mọi người hãy tiếp tục đứng lên, hãy tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ, độc lập và hạnh phúc, chứ không phải là thứ tự do giả hiệu.

Nếu được phép thì tôi sẽ nói là xin mọi người hãy tiếp tục đứng lên, hãy tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ, độc lập và hạnh phúc, chứ không phải là thứ tự do giả hiệu.

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy

Đường đi của những nhà tranh đấu, những nhà dân chủ là đường đi muôn vàn khó khăn, bởi vì những người đi tiên phong bao giờ cũng gặp kiếp nạn. Người ta gặp kiếp nạn vì những cái xấu, cái ác của xã hội do cái đảng này lãnh đạo vẫn còn quá là nhiều, quá là mạnh.

Nếu được phép thì tôi sẽ nói là xin mọi người hãy tiếp tục đứng lên, hãy tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam thật sự tự do, dân chủ, độc lập và hạnh phúc, chứ không phải là thứ tự do giả hiệu.

Nhưng sự hy sinh của cái mới non trẻ không bao giờ là vô ích, cụ thể như là cá nhân tôi. Sự hy sinh của cái mới nó sẽ thổi bùng lên ngọn lửa khát khao về tự do, về độc lập, về nhân quyền.

Việt Nam bây giờ không còn là ốc đảo nữa, Việt Nam bây giờ đã hội nhập toàn cầu, sự tàn khốc của Cộng Sản đối với những người đấu tranh nhân quyền thì cả thế giới sẽ biết tới và sẽ có cả một hàng rào nhân ái của bà con vây bọc, để cho đảng Cộng Sản phải biết dừng lại và phải biết xấu hổ về việc làm của họ. Không việc gì phải sợ hãi cả."

Tuy bản thân đã thoát được cảnh tù tội và định cư tại Hoa Kỳ, nhưng bà Trần Khải Thanh Thủy vẫn còn có người chồng đang bị kẹt lại ở Hà Nội.

Và cũng giống như mọi người phụ nữ Việt Nam khác, nỗi mong đoàn tụ gia đình vẫn canh cánh bên lòng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét