Nhà thơ, Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (trái) biểu tình tuần hành phản đối TQ, ngày 12.6.2011 tại Hà Nội. Ảnh: Mai Kỳ |
VỀ CÁCH NHÌN BIỂU TÌNH CỦA ĐÔNG A
Đỗ Minh Tuấn
Hơn mười năm trước tôi đã từng tranh luận với Đông A với tinh thần tương kính trên diễn đàn VNSA và sau này khi không còn điều kiện tham gia các diễn đàn, tôi vẫn tìm đọc anh với nhiều tâm đắc, vì anh viết sâu sắc và uyên bác, lại hay viết về mảng văn hóa phương Đông mà tôi rất quan tâm. Nhưng đọc bài viết của Đông A về các cuộc biểu tình phản đối TQ gần đây với thái độ của kẻ ngoài cuộc và cách nhìn giễu cợt, gọi đó là những cuộc "biểu tình lai rai", tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì tâm cảm của một trí thức như anh trong bối cảnh đất nước lâm nguy lại thể hiện trong bài viết không như tôi nghĩ.
Thông điệp của biểu tình
Muốn nhìn ra thông điệp của một hành vi, một sự kiện, phải có cách nhìn, cách liên tưởng đúng đắn, ngang tầm. Nhiều khi, ta bị che mờ bởi những liên tưởng vô chính phủ, bất kham, vô trách nhiệm, nên không nhìn thấy những thông điệp hiển nhiên mà ai cũng thấy. Đó là trường hợp Đông A không nhìn thấy thông điệp của sự liên tục như làn sóng trong các cuộc biểu tình, vì anh bị giam trong liên tưởng về các cuộc nhậu lai rai.
Cách liên tưởng, cách ví von so sánh biểu bộ tầm nhìn, cách nhìn và tâm thế của người quan sát. Một tín đồ mộ đạo không bao giờ nhìn một vị sư ngồi thiền cả buổi như một người biểu tình ngồi. Nhưng một kẻ báng bổ, hay một kẻ mù thiêng, thiếu tri thức và cảm quan tôn giáo có thể viết về một bậc Đại sư đại loại như sau: "Cứ chiều đến là công dân đầu trọc ấy, người tù chung thân trong ngôi chùa ấy lại khoanh chân biểu tình ngồi. Ngày nào gã cũng tuyệt thực những món thịt động vật, kiên quyết chỉ ăn rau! Người ta hỏi: Thông điệp mỗi ngày của ông ta là gì? Chẳng lẽ vẫn chỉ là thông điệp bảo vệ động vật mà ai ai cũng biết!".
Tương tự vậy, người ta có thể nhìn những cuộc tử thủ trong chiến dịch Điện Biên Phủ như cách Đông A đã nhìn, rằng hôm kia còn cả một tiểu đội, hôm qua chỉ còn hai ba mống, hôm nay còn mỗi mống, vậy mà họ vẫn hăng say tiếp tục chiến đấu! Có thông điệp gì mới trong cuộc chiến đấu lai rai ấy? Hay sự tử thủ lai rai của họ chỉ làm cho thiên hạ thấy cuộc chiến đấu ngày càng giảm quy mô?.
Với cách nhìn thế tục hóa, tầm thường hóa của người ngoài cuộc vô cảm, chắc Đông A sẽ nhìn hình ảnh người thanh niên đứng giương biểu ngữ một mình trước của LSQTQ ở TP Hồ Chí Minh như một kẻ chiến đấu lai rai, khi tất cả đã say mèm rời bàn nhậu anh ta vẫn ngồi lỳ nhậu nhẹt một mình, nốc bia và nhai chân gà rau ráu! Kẻ khác có cách nhìn tương tự, sẽ thấy đó là một anh chàng tâm thần, hay một kẻ show hàng, hay một kiểu háo danh đang muốn lập kỷ lục Guiness để thành "sao biểu tình" trên hè phố. Nhưng, đa số nhân dân mang "lương năng bình dân" lại có cách nhìn khác. Người ta không chỉ cảm động vì sự kiên trì của một cá nhân trong hoàn cảnh khó khăn bất lợi, mà hình ảnh ấy còn thức dậy những suy nghĩ và âu lo sâu sắc hơn khi thấy sức sống, sức chiến đấu của một dân tộc giống như ngọn lửa thiêng lay lắt, không biết bảo vệ nó thì có thể nó sẽ bị tắt đi để nhấn chìm tất cả trong bóng tối.
Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam vừa qua nhằm gây áp lực đòi Trung Quốc bồi thường cho Việt Nam và chấm dứt các hành động tương tự. Khi Trung Quốc chưa chấm dứt hành vi gây hấn, xâm phạm chủ quyền và chưa bồi thường cho phía Việt Nam thì nhiệm vụ của các cuộc biểu tình chưa thể nói là kết thúc. Không thể tính thông điệp của biểu tình theo từng buổi như cách nghĩ của Đông A. Thông điệp của một cuộc đấu tranh có khi được kéo dài hàng tháng, hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ, cho đến khi mục đích đượ thực hiện. Ta có thể thấy những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và gây hấn vừa qua mang thông điệp rõ ràng xuyên suốt về lòng yêu nước vô bờ bến và vô điều kiện của người Việt Nam. Lòng yêu nước ấy có thể bùng lên trong bất cứ điều kiện nào, dù khắc nghiệt đến đâu, không cần đến sự tổ chức của một đảng phái nào, dù là đảng phái chính thông hay không chính thống. Nỗ lực hiện diện của lòng yêu nước ấy trong những thời khắc khó khăn éo le cả về đối nội và đối ngoại thể hiện một sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam mà những kẻ âm mưu xâm lược và nô dịch phải nhìn ra!
Trong trường hợp chính quyền nhân danh sự sáng suốt chính trị để ra công khai lệnh cấm biểu tình chống TQ hoặc ngấm ngầm dùng những biện pháp không chính danh để ngăn cản lòng yêu nước bộc trực của nhân dân thì có thể những cuộc biểu tình liên tục sẽ không thể diễn ra. Nhưng, người trí thức có lương tâm và trách nhiệm công dân vẫn phải thấy thông điệp ấy có quyền hiện diện và rất nên hiện diện. Còn như chính quyền không ra lệnh cấm mà đoán ý chính quyền để ngăn cản biểu tình bằng chữ nghĩa cao siêu bạc bẽo thì đó không phải là việc làm và cách làm của người trí thức.
Người trí thức và tâm cảm nhân dân
Cách nhìn của Đông A với cuộc biểu tình, với cách đưa ra khái niệm "biểu tình lai rai" không phải là sản phẩm đột xuất bộc lộ một thái độ cơ hội chính trị như có người quy chụp. Nó vẫn chỉ là sản phẩm ra đời tự nhiên từ tâm thế và cách nhìn quen thuộc của Đông A - anh luôn nhìn mọi sự việc từ trên nhìn xuống và luôn luôn trần tục hóa những cái thiêng liêng. Cách nhìn như thế nếu cứ lặp lại mãi có thể gọi là khinh đời, hay tầm thường hóa sự vật, hay mù thiêng, hay vô cảm với những giá trị tinh thần tinh tế, hay trần tục hóa tất cả mọi vấn đề. Với cách ấy nhìn ấy, anh đã nhìn hình ảnh Đức Phật Như Lai tọa lạc trên tòa sen và phát hiện ra Hoa sen chỉ là thứ lót đít. Một phát hiện có vẻ lật tẩy cơ chế trần gian của những cái cao siêu, nhưng chưa hẳn đã là thoát tôn giáo, vì sẽ có những tôn giáo khác sử dụng cách nhìn của anh như vũ khí cạnh tranh đức tin cùng Phật giáo. Vậy những phát hiện có vẻ như vô chính phủ, đầy tinh thần tự do trí thức của anh lại vô tình thực hiện một dấn thân tham dự vào đội ngũ của những tín đồ dị giáo hay những người chống việc chọn Quốc hoa. Trong khi đó, tôi hiểu anh muốn cao hơn thế, muốn đứng ngoài các phe phái tôn giáo, đứng ngoài các trường phái thực dụng và đứng ngoài sân chơi bổng lộc của các kiểu chính quyền để thực hiện phản biện của người trí thức.
Thật đáng tiếc khi những ứng xử văn hóa hồn nhiên trung thực của ta lại thực sự đã tiếp tay cho những kẻ ác, những kẻ hèn, những kẻ cướp nước và bán nước! Với tình cảm khinh miệt, ác cảm, người ta có thể nghĩ ra nhiều hình tượng cay độc để so sánh ví von. Nhưng giá mà những hình ảnh độc địa cay nghiệt ấy chĩa vào những kẻ thù của dân tộc, những tội đồ của nhân dân thì giá trị văn hóa nhân văn của nó tăng lên gấp bội!
Đông A thân mến! Để anh hiện diện đúng là anh với tư cách người trí thức có lương tâm, thiết nghĩ, anh hãy cảnh giác với sự bất kham của trí tuệ, đừng để nó sổng chuồng trở thành hàng mã trí tuệ trên ban thờ của các thầy cúng Trung Hoa.
Anh hãy lắng nghe tiếng nói thẳm sâu của lòng mình, để giữa những ồn ào láo nháo của bao nhiêu thứ tình cảm hỉ nộ ái ố khác nhau, nâng dậy những tình cảm cao quý thiêng liêng, giao cho nó cai quản, điều hành vốn tri thức uyên bác và trí tuệ sắc sảo của mình. Khi ấy, trong mắt anh, cái đầu của một người cha công kênh đứa con thơ đi biểu tình không phải là thứ "lót đít cho tuổi mẫu giáo", hay đẩy xa hơn có thể là "cái bô của nhà trẻ đựng lòng yêu nước của đám trẻ con" như những kẻ bị mù thiêng, hay bị những tình cảm nô lệ thấp hèn chi phối tâm trí có thể nghĩ. Trái lại, những tình cảm thiêng liêng thường trực trong tâm thế sẽ khiến anh cảm động rưng rưng trước hình ảnh người cha công kênh đứa con đi biểu tình. Anh sẽ thấy day dứt, sao đất nước Việt Nam, con người Việt Nam lại bất hạnh làm vậy? Sao để chống trả với cái bất hạnh ngàn đời ấy lại chỉ có một đám người nhỏ bé, mỗi ngày một ít đi thế kia? Sao những đứa bé tuổi mẫu giáo kia không được sống hồn nhiên ngây thơ trong hòa bình, độc lập, không đủ niềm tin để ngủ ngon trong lời hứa của các kiểu bảo mẫu, các thứ mẹ mìn, mà đã phải sớm cầm trong tay biểu ngữ để tự mình chiến đấu bảo vệ chính số phận mình, cho chính tương lai tự do độc lập của mình?
Càng nghĩ, ta càng thấy rưng rưng. Không giống như sau khi xem phim Ozu ta rưng rưng trước hình ảnh một cái lá vàng hay một chiếc cốc thủy tinh lửng lơ xuất hiện ở cuối phim, cái rưng rưng triết học trước hư vô, trước sự tan biến của bao nhiêu ý nghĩa. Cái rưng rưng của ta trước số phận ngư dân, trước vận mệnh dân tộc dâng lên từ mênh mông trời biển và thăm thẳm cõi đời. Những chiến sỹ Cảm tử quân ở Thủ đô Hà Nội năm xưa cũng chỉ từ chút rưng rưng như thế mà ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Chàng trai trẻ một mình đứng chôn chân giơ biểu ngữ cả buổi trước Lãnh sự quán TQ mà không sợ hãi những đàn ruồi trí tuệ vo ve với những liên tưởng cay độc cũng chỉ vì chút rưng rưng như thế. Vì em vững tin rằng hình ảnh của mình đã được bắt rễ vào những giá trị ngàn đời trong tâm cảm nhân dân.
Nếu người trí thức không cộng thông với tâm cảm của nhân dân thì những tri thức của anh ta và trí tuệ sắc sảo của anh ta rất dễ trở thành quỷ dữ.
Hà Nội, 2-7-2011.
*Bài viết do Nhà thơ, Đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn vừa gửi đến NXD-Blog cách đây ít phút. Xin trân trọng cảm ơn tác giả!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét