Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Sỹ Nhàn - Chờ ai, ai chờ? (vận nước hôm nay)

Nguồn danluan

Sỹ Nhàn

Dù tất bật lo chuyện áo cơm, hắn vẫn tranh thủ thời gian dõi theo thế sự. Vận nước gian nan, là con dân ai chẳng chạnh lòng. Hắn là kẻ làm thuê, tự biết phận hèn, nên bao năm vẫn cố chờ những bậc thức giả, cùng hào kiệt bốn phương, vì hắn rất tin Nguyễn Trãi.

Thời gian vẫn lặng lờ trôi, giật mình nhẩm lại, hắn đã chờ đợi 30 năm ròng! Một cuộc chờ thật xót xa, gậm nhấm bao nỗi nhục, và hắn chợt nhớ về Nguyễn Trường Tộ!

Tiên sinh đã dâng lên triều đình biết bao bản điều trần về việc canh tân đất nước từ năm 1863, trước cuộc Cải Cách của Minh Trị Thiên Hoàng 5 năm, nhưng "triều đình lơ láo", nên vận nước mãi gian nan. Trọng tội ấy dĩ nhiên thuộc về triều đình Tự Đức, nhưng là kẻ sĩ mà không vận dụng được kiến thức nhằm canh tân đất nước, tránh sao khỏi thẹn lòng!

Như ngày nay, còn mấy ai không biết về chủ thuyết Cộng Sản, như lời của Mác: "Người Cộng sản có thể tóm gọn lý thuyết của mình trong câu nói duy nhất: Bãi bỏ quyền tư hữu'', và còn ai có thể tin vào điều ấy, vậy mà!!!

Chính quyền ngày nay cũng như triều đình Tự Đức ư, và vì sao?

Hắn lại nhớ đến câu nói của Nguyễn Trường Tộ: "Biết mà không nói là bất nhân, nói mà không nói hết là bất nghĩa", cùng câu thơ khi sắp từ giã cõi đời ở tuổi 43: "Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận". Thật đáng tiếc khi tiên sinh đã phải lìa đời quá sớm, vì hắn tin, nếu còn thời gian, chắc tiên sinh sẽ nghiệm ra rằng: Với một triều đình như thế, chỉ nói không thôi là không đủ!

Rồi hắn càng xót xa cho cuộc chờ của hắn. Một thoáng vui khi mấy chủ nhật liền dân ta được biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn, đã vội tan khi chính quyền trấn áp những người xuống đường vì yêu nước, với lời can ngăn: Việc này để Đảng và Chính phủ lo! Hắn lại ngậm ngùi nhớ lại bản công hàm năm 1958, ngay thời chói lọi của tấm gương Hồ Chí Minh! Vậy mà Đảng vẫn ngông nghênh đòi độc quyền mọi việc, cướp đoạt dân quyền!

Đảng và chính quyền dám hành xử như vậy, bởi vì dân khí đã bị tiêu ma! Một sự thật nhục nhã như thế phải được nói ra, phải vạch mặt những kẻ xu thời, tha hóa dân tộc bằng thói khôn vặt: Đánh đồng chữ sợ với chữ khôn! Vậy là một món nợ từ thế kỷ 18 vẫn chưa trả được: "Chấn dân khí"! Và đây, Đảng vẫn khinh dân với nhận định dân trí ta còn thấp! Than ôi, một nhận định từ xa xưa vẫn được lặp lại, và nếu vậy, thì Đảng trả lời sao đây, khi việc học luôn chiếm phần lớn túi tiền của người dân Việt, rồi món nợ "Khai dân trí" bao giờ mới được thanh toán? Mà như thế, còn nói chi đến chuyện "Hậu dân sinh"!

Nhiều bậc thức giả đã can đảm lên tiếng, nhưng số phận của họ còn thê thảm hơn Nguyễn Trường Tộ! Triều đình Tự Đức chỉ không lắng nghe, chứ chưa đến nỗi bịt miệng và trấn áp những người muốn góp lời nhằm canh tân đất nước, bảo vệ quốc gia. Vậy thì, sĩ phu ngày nay còn gian nan hơn, mục đích càng phải cao hơn, phải đưa bằng được kiến thức của mỗi người vào việc nước- việc của muôn dân, đừng trông chờ ai cả.

Người dân Việt không thiếu tiết tháo, không lẽ không làm được như người dân châu Phi đã làm. Với kỷ thuật thông tin ngày nay, mỗi người đều có thể nói lên tiếng nói của mình, kêu gọi nhau, bàn với nhau về lẽ thiệt hơn, thống nhất với nhau trong hành động nhằm nhân quyền được tôn trọng, dân chủ được thưc thi, dân tộc không ngừng tiến bộ. Nếu hắn chờ, anh chờ, ai cũng chờ, thì thế kỷ sau cháu chắt chúng ta càng phải xót xa cho vận nước gian nan.
Sỹ Nhàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét