Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Vì Sao Trung Quốc Đang Hạ Cánh Nặng Nề - Phần 1 (A. Gary Shilling Bloomberg - Thương Dăng chuyển ngữ)

Nguồn dainamax

Thương Dăng chuyển ngữ



Why China's Heading for a Hard Landing – Part 1
A. Gary Shilling Bloomberg 20110627



Hiếm có xứ nào lại ảnh hưởng mạnh tới kinh tế toàn cầu như Trung Quốc. Nhưng danh tiếng của tay khổng lồ không ai có thể cản này – như một quốc gia lớn có nguồn lao động vô tận với giá rẻ và có tiềm năng tăng trưởng vô hạn - lại che giấu là một số nan đề kinh tế nghiêm trọng và ngày càng trầm trọng hơn.

Lực lượng lao động của Trung Quốc đang bị lão hóa. Giới tiêu thụ của họ tiết kiệm quá nhiều mà lại chi tiêu quá ít. Công cụ chính sách kinh tế và chính trị của họ còn thô thiển. Bộ máy thư lại nhà nước thường giảm công chi mỗi khi xuất cảng sa sút và vì vậy bị rủi ro giảm phát [1]. Khi người tiêu dùng Hoa Kỳ thắt hầu bao, và bong bóng thương phẩm [2] toàn cầu bắt đầu vỡ, thì các nhược điểm cơ cấu này sẽ tương tác theo cái hướng đưa tới kết cục không tốt cho Trung Quốc - hoặc các nước còn lại trên thế giới.

Trước hết, trong tình huống suy trầm quốc tế, Trung Quốc có nhược điểm nặng hơn người ta thường hiểu. Vào cuối năm 2007, nghiên cứu của công ty chúng tôi [3] đã phát hiện là quá ít dân tại Trung Quốc có đủ sức tiêu thụ để nền kinh tế tự duy trì sinh hoạt ở bên trong. Kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy rằng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân cho một người [4] phải đạt tới khoảng 5.000 Mỹ kim một năm thì mới có sức mua đáng kể cho Trung Quốc [5].

Khoảng 110 triệu dân Trung Hoa đã đạt hoặc vượt tiêu chí ấy, nhưng họ chỉ chiếm 8% dân số và 35% GDP (theo số liệu năm 2009), trong khi giá trị hàng hóa xuất cảng chiếm đến 27%. Thậm chí sức mua của tầng lớp trung lưu cộng với thượng lưu của Trung Quốc cũng chỉ chiếm 6% sức mua của người dân Hoa Kỳ.


Tự tin phổ biến - Tại sao vậy


Với mức chi tiêu quốc nội hạn hẹp như vậy, cớ sao nhiều nhà phân tích cứ tiên đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển như vũ bão?

Lý do phần nào là do họ bị mê hoặc bởi thuyết phát triển tách biệt [6] - theo đó, thì ngay trong trường hợp kinh tế Hoa Kỳ đi xuống, các nước còn lại trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn tiếp tục phát đạt. Gần đây - sau chương trình kích thích kinh tế lớn lao tới 586 tỷ Mỹ kim; sau đợt ồ ạt nhập cảng vật liệu công nghiệp như đồng [7], quặng sắt; và xây hàng loạt dự án xi măng, thép, nhà máy điện, và những công trình công nghiệp khác, rồi kinh tế Trung Quốc quả nhiên có tăng trưởng - cái thuyết phát triển tách biệt đã lại thành thời thượng.

Thuyết này có điểm yếu vì một lý do đơn giản: Hầu hết mọi quốc gia đang phát triển đều cố xuất cảng để tăng trưởng. Sự thể này được khẳng định ở mức thặng dư mậu dịch liên tục và số xuất cảng lớn lao so với GDP của Á Châu. Đã thế, phần lớn xuất cảng của Châu Á đều, trực tiếp hoặc gián tiếp, trút vào Hoa Kỳ. Chúng ta đã thấy hiệu ứng này bắt đầu từ năm 2008: khi giới tiêu dùng Hoa Kỳ giảm bớt chi tiêu và tổng suy trầm lan rộng thì Trung Quốc và đa số các nước đang phát triển khác ở Châu Á đều bị thiệt hại nặng.

Sự tin tưởng thái quá vào khả năng duy trì sức bật kinh tế của Trung Quốc cũng phần nào mang sắc thái tâm lý. Điều này làm tôi nhớ đến sự ngưỡng mộ và ganh tỵ (thậm chí có cả sợ hãi) của nhiều người (Hoa Kỳ) dành cho Nhật Bản trong thời kinh tế bong bóng của xứ này vào thập niên 80. Khi các doanh nghiệp Nhật mua lại khu Pebble Beach [8] ở California, các nông trại ở Iowa và Trung Tâm Rockefeller [9] ở Nữu Ước, thì còn thứ gì mà người Nhật có thể tha với cả tỷ tỷ đồng của họ [10]? Nhưng sau đó các bong bóng bất động sản và chứng khoán của Nhật Bản bắt đầu bể [11], và rồi kinh tế Nhật rơi vào vũng xoáy suy thoái do giảm phát, cho đến vẫn chưa thoát ra được.


Từ thành công đến tự mãn


Thêm vào đó, những thành công gần đây của Trung Quốc được rêu rao ầm ĩ, khiến nhiều người kết luận rằng kinh tế xứ này là chiến binh vô địch [12]. Thực tế mà nói, thì người Trung Hoa cũng có điều đáng tự hào: Năm rồi, Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để thành nước có nền kinh tế quy mô hạng thứ hai thế giới. Quả là một thành tựu to lớn, nếu ta nhìn lại khởi điểm của Trung Quốc từ cuối thập niên 70 với một nền kinh tế tiền công nghiệp nhỏ xíu.

Nhưng có lẽ chính sự thành công này đã dẫn đến thái độ tự mãn. Tôi ngờ rằng, đợt tổng suy trầm năm 2007-2009, kết hợp với sự thay đổi chóng mặt của giới tiêu dùng Hoa Kỳ, những kẻ hời hợt vốn chuyên đi mượn tiền rồi chi tiêu bạt mạng trước đây nay bỗng nhiên lột xác thành đám dân keo kiệt bậc thầy [13], khiến lãnh đạo Trung Quốc bị hụt hẫng. Có lẽ họ đã lên kế hoạch khích lệ người tiêu dùng xài tiền và đẩy mạnh kinh tế dựa trên tiêu thụ nội địa, nhưng đó là chuyện sau này - thậm chí rất lâu sau này.


Guồng máy Tăng trưởng


Họ từng hào hứng vì có bộ máy tăng trưởng được tra dầu trơn tru. Việc xuất cảng ngày một nhiều, đặc biệt cho giới tiêu dùng Hoa Kỳ, đã kích thích đầu tư về tư bản để sản xuất nhiều hàng xuất cảng hơn nữa và tạo thêm công việc làm cho hàng triệu người Trung Hoa, vốn đang lũ lượt tràn từ nông thôn lên thành thị. Nhờ nguồn lao động dồi dào, lương bổng còn thấp cũng ghìm sức chi tiêu của người dân. Đồng thời, thói quen tiết kiệm rất cao cũng giảm mãi lực của họ. Và vì đa phần thường dân Trung Hoa không thể đầu tư ra hải ngoại, lượng tiết kiệm này của họ chủ yếu đi vào các ngân hàng quốc doanh mà chỉ để hưởng lãi suất thấp. Rồi khối tiền tệ ấy được đem tài trợ nhiều công ty quốc doanh kém hiệu quả, với lãi suất ưu đãi.

Ở một xứ mà sự ổn định được gần như sùng bái, thì lãnh đạo nào lại cản trở nền kinh tế đang chạy ngon lành như vầy?

Nhưng trước khi quý độc giả lo lắng về vị trí số 1 của Trung Quốc trong tương lai gần, hãy xem lại khoảng cách, vẫn tồn tại, về quy mô giữa kinh tế xứ này với kinh tế Hoa Kỳ. Năm 2009, GDP của Trung Quốc là 4,9 ngàn tỷ Mỹ kim, chỉ bằng 34% của Hoa Kỳ, lúc đó là 14,3 ngàn tỷ. Và vì Trung Quốc có đến 1,32 tỷ người, hay nói cách khác là dân Trung Hoa đông gấp 4,3 lần dân Mỹ, nên  khoảng cách về GDP cho một người lại càng giãn ra: phía Trung Quốc là 3.709 Mỹ kim, chỉ bằng 8% của mức 46.405 Mỹ kim phía Hoa Kỳ.


Khoảng cách giãn xa


Chỉ riêng với việc giữ cho khoảng cách này không mở thêm thì GDP Trung Quốc phải đạt mức tăng trưởng hai chữ số [từ 10% trở lên] liên tục trong bốn năm trước khi chững lại, hoặc tăng gấp sáu lần trong ba thập niên tới (giả dụ rằng thực giá GDP của Hoa Kỳ sẽ tăng trung bình 2% mỗi năm trong 30 năm tới, và dựa theo dự phóng dân số của chính phủ nước này). Để đuổi kịp mức GDP bình quân đầu người của Mỹ, thì trong ba thập niên tới, GDP Trung Quốc phải tăng 10% mỗi năm, hoặc tăng gấp 17,8 lần so với hiện nay.

Nếu kinh tế toàn cầu đình trệ, thì việc đạt mức tăng trưởng trên là điều vô vọng.

Nghe như câu đầu môi mà tay phát ngôn của đội bóng chầy Cleveland Indians [14] ưa dùng sau những trận đội này bị phe đối phương bỏ xa một cách vô vọng: "Thế mới xứng tài!"


==================================================

Chú thích của người dịch


[1] Nguyên văn: "deflation", chỉ tình trạng giảm phát kinh tế - ngược với lạm phát - khi mặt bằng giá cả chung bị hạ mà hàng bán vẫn không chạy, ở đây bắt nguồn từ việc hàng dư dôi do xuất cảng không hết, nhà nước thì muốn giảm chi tiêu công của chính phủ khiến dòng tiền lưu thông trên thị trường bị nghẽn, người dân cũng chẳng muốn bỏ tiền ra mua hàng mà lại ký thác vào nhà băng để phòng khi hữu sự, và để dành mua nhà đất, v.v...

[2] Nguyên văn: "global commodity bubble", chỉ hiện tượng đầu cơ đẩy giá thương phẩm toàn cầu lên quá thực giá. "Thương phẩm" hay "commodities" là các nguyên nhiên vật liệu và nông sản, được buôn bán dưới dạng để xá, thô sơ chưa biến chế.

[3] Tức A. Gary Shilling & Company, doanh nghiệp tư vấn về đầu tư kinh tế, của ông A. Gary Shilling, tác giả bài viết.

[4] Nguyên văn: "per-capita GDP", hiểu nôm na là thu nhập bình quân của mỗi người dân, tính bằng cách lấy tổng thu nhập quốc dân của một nước (GDP) chia cho dân số nước đó vào cùng thời điểm.

[5] Nguyên văn: "meaningful discretionary spending power", ý nói khả năng chi tiêu tự do cho hàng hóa thiết yếu ở mức độ khả dĩ tác động đáng kể đến nền sản xuất của quốc gia.

[6] Nguyên văn: "decoupling"- tách biệt: thuyết này là mốt thịnh hành trước vụ tổng suy trầm 2008 vì cho rằng kinh tế châu Á đã có sức tách rời khỏi các nước Tây phương nên không bị hiệu ứng suy trầm từ Hoa Kỳ và Âu Châu. Sau đó, thuyết này càng ăn khách từ vụ tổng suy trầm 2008 - 2009 khi thấy sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Châu Á cùng thị trường các nước trong khu vực như Thượng Hải, Hương Cảng và Tân Gia Ba với tốc độ tăng trưởng gần gấp đôi so với Mỹ và các nước khu vực Châu Âu.

[7] Riêng về vụ xuất nhập cảng kim loại đồng của Tàu, tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa đã có bài viết bàn về hiện trạng cũng như ảnh hưởng của vật liệu này cho kinh tế Tàu. Bài phân tích có tựa đề là "Kinh tế Trung Quốc: Đồng Nhập Thành Đồng Nát" ở trang mạnghttp://www.dainamax.org/2011/05/kinh-te-trung-quoc-ong-nhap-thanh-ong.html

[8] Pebble Beach là tên khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với sân golf, rộng tổng cộng 5.300 mẫu Anh (tầm 21,5 km vuông) với hơn 1.600 nhân viên, từng bị bán cho doanh gia Nhật là Minuro Isutani năm 1990 với giá ước tính là 850 triệu Mỹ kim. Sau đó, ông này bán lại cho một doanh nghiệp khác cũng của Nhật tên là The Lone Cypress hồi 992; đến năm 1999 thì khu này bị một nhóm các nhà đầu tư Hoa Kỳ mua lại, và họ quyết định không bao giờ cho đổi chủ nữa.

[9] Rockefeller Center (còn gọi là Rockefeller Plaza) là một khu phức hợp gồm 19 tòa thương xá, nằm trải rộng trên diện tích gần 22 mẫu Anh (89.000 m2) của thành phố Nữu Ước, do chính các tiền bối dòng họ Rockefeller khét tiếng xây dựng và khai trương năm 1939, được bán lại cho một công ty địa ốc Nhật trong tập đoàn Mitsubishi là Mitsubishi Estate năm 1989 với giá ước chừng 846 triệu Mỹ kim theo thời giá ngày đó.  

[10] Nguyên văn: "what was safe from their zillions", ý nói sự e ngại rằng từ nay hàng loạt công ty Nhật tiến vào với hàng đống tiền (zillions - chơi chữ từ millionsbillionsvà trillions) mua lại hay thâu tóm các công ty Hoa Kỳ, và de dọa an ninh kinh tế của Mỹ.

[11]  Trong thập niên 80, hệ số Giá/Lời hay P/E của chỉ số tổng hợp Nikkei 225 tăng gần 70 lần, còn giá bất động sản liên tục tăng đến nỗi có lúc ngân hàng Nhật cho vay thế chấp mua nhà (mortgage) với kỳ hạn kéo dài 100 năm để người dân Nhật mua có cơ hội mua nhà biệt lập hoặc căn hộ chung cư. Đến cuối năm 1989 thì bong bóng này bắt đầu xì hơi, từ thị trường bất động sản sau đó là lan sang thị trường chứng khoán. Chỉ hai năm sau, Nhật Bản chính thức bước vào suy thoái. Tính đến cuối năm 1998, hệ thống ngân hàng Nhật Bản ước tính rằng họ vẫn phải ôm 600 tỷ Mỹ kim nợ xấu, cùng với hơn 965 tỷ Mỹ kim tiền nợ khác có nguy cơ không thu hồi được, chủ yếu là tiền mượn đầu tư vào đất đai. Còn chỉ số P/E là một thước đo về triển vọng sinh lời khi chia trị giá cổ phiếu (Price) cho mức lời hay cổ tức (lợi tức của cổ phiếu, Earning). Số bình quân thông thường từ cả trăm năm nay của chỉ số P/E là 15 (giá cổ phiếu bằng 15 lần tiền lời do cổ phiếu này đem lại). Khi chỉ số P/E lên tới số 70 ở tại Nhật thì người nhậy bén phải thấy là có gì "ảo" – không thật nên không bền.

[12] Nguyên văn: "juggernaut".

[13] Nguyên văn: "Scrooge-like savers", ý nói đến Ebenezer Scrooge, một nhân vật hư cấu trong văn hóa Hoa Kỳ, nổi tiếng giàu có nhưng sống cô độc và vô cùng bủn xỉn, keo kiệt.

[14] Tên một đội bóng chày nổi tiếng ở Hoa Kỳ, từng đoạt giải vô địch thế giới hai lần vào năm 1920 & 1948. Chữ Cleveland Indians hiểu nôm na là Thổ Dân Da Đỏ miệt Cleveland, và đội này thường được gọi là The Tribe, tức Bộ Lạc. Trong các môn thể thao tập thể ngoài trời bên Hoa Kỳ, thì bóng chày & bóng bầu dục (football) thường được người ta ưa chuộng hơn là bóng đá (soccer).

[15] Nguyên văn: "They have their work cut out for them!", nghĩa đen là "còn phải phấn đấu vất vả mà thời gian lại không nhiều". Ở đây, tác giả có giọng mỉa mai là Trung Quốc phải vượt thắng trong gian nan.


Bình thường ra thì người dịch phải dùng chữ "đáp" cho động từ "landing" vì là từ thông dụng ngày xưa với binh chủng Không Quân trong Nam. Nhưng "hạ cánh" đã trở thành quen thuộc hơn nên người dịch xin dùng từ đó. Còn "hard landing" thì có thể hiểu như "hạ cánh nặng nề", sau khi chúng ta đọc tiếp bốn phần còn lại của A. Gary Shilling. Cả năm bài nguyên bản Anh ngữ đã được giới thiệu trên Dainamax ngày 20110706. Xin cám ơn bác NXN đã hiệu định cho bản dịch từ một người trẻ, ngoại đạo vì không chuyên về kinh tế, nhưng vẫn muốn dịch vì nhiều độc giả yêu cầu. TD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét