Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

Vũ Thư Hiên: THÂN PHẬN TRÍ THỨC TRONG XÃ HỘI CỘNG SẢN (ÐỌC “TUỲ TƯỞNG LỤC” CỦA BA KIM)

Nguồn diendantheky

Vũ Thư Hiên

Nhà văn Vũ Thư Hiên
Thường khi gặp được một cuốn sách hay là tôi phải đọc một lèo. Có khi thức trắng đêm đọc cho bằng xong. Chưa xong thì trong người cứ anh ách, ngủ không yên. Lâu ngày thành cái tật, sửa không được.

Cuốn Tuỳ Tưởng Lục tôi đang có trong tay là của một bạn văn trong nước gửi cho. Thỉnh thoảng anh vẫn gửi cho tôi một thứ gì đó, đại loại như trà Tân Cương, cốm Vòng, hoặc tinh dầu cà cuống thứ thiệt, kèm theo một lời nhắn. Thư thì không, tuyệt nhiên. Anh không giấu giếm rằng anh nhát. Lần này có người tin cẩn anh lại gửi quà – một cuốn sách. Chúng tôi chơi với nhau đã nửa thế kỷ, người nọ thuộc tính người kia, tôi không giận anh. Anh cho quà là quý rồi. Anh biết chắc tôi sẽ thích món quà của anh. 

Mà thích thật. Trước hết, đó là cảm giác gần gụi của thân phận tác giả với thân phận người đọc, của sự đồng cảm. Cứ đọc xong một bài, có khi chỉ một đoạn, lại phải đặt sách xuống, thừ người ra mà ngẫm nghĩ. Có chỗ, ứa nước mắt. 

Thích thì thích, nhưng tôi đã không đọc nổi Tuỳ Tưởng Lục của Ba Kim một mạch. Chắc nó cũng có sức lôi cuốn tương tự với những ai từng sống trong xã hội cộng sản và có một chút trăn trở về xã hội ấy: nó thật sự là cái gì vậy? nó có xứng với ta, với con người, không? liệu nó còn tương lai không?

Tuỳ Tưởng Lục là lời tâm sự thật thà của một trí thức háo hức đi tìm chân trời mới rồi lớ ngớ thế nào lại thấy mình rơi tõm xuống địa ngục. Trong Tuỳ Tưởng Lục có đủ nỗi nhục nhằn tinh thần và những mất mát làm trái tim suốt đời rỉ máu, không kể đến những đớn đau thân xác.

Tuỳ Tưởng Lục, bản tiếng Việt (nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2002) là một tập những bài viết của Ba Kim trong tuổi trên 80, nghĩ gì viết nấy, không câu nệ thể loại, đề tài. Hai dịch giả danh tiếng - Trương Chính và Ông Văn Tùng – tự chọn các bài để dịch. Sự chọn lựa của hai ông rất khéo: vừa đủ để người đọc được biết về một thảm họa xảy ra ở nước láng giềng đã nhiều năm, nhưng vì bị bưng bít nên không ai biết vân mòng nó ra làm sao, đồng thời cũng tránh được cơn giận dữ ở các bậc quyền cao chức trọng dễ chạnh lòng. 

Tuỳ Tưởng Lục nguyên bản tiếng Hoa là một tác phẩm đồ sộ, gồm 5 tập, không rõ bao nhiêu trang, tập đầu in năm 1978, tập cuối in năm 1986. Những bài được chọn để dịch đều ít nhiều dính dáng tới cuộc "Ðại Cách mạng Văn hoá Vô sản" kéo dài mười năm - từ 1966 đến 1975 (1) . Người Việt nào từng chịu đựng cuộc Tiểu cách mạng văn hoá vô sản ở Việt Nam (nó không có tên gọi, kéo dài và âm thầm) sẽ tìm thấy trong Tuỳ Tưởng Lục (bản dịch) những lý giải cho câu hỏi: vì sao nên nỗi? 

Những nghiên cứu khoa học cho ta biết trong trí nhớ của con người có một bộ lọc kỳ diệu. Nó thường xuyên xóa đi giúp ta những hình ảnh xấu, những kỷ niệm buồn. Không có cái bộ lọc ấy thì cuộc sống con người khốn nạn lắm. Thật vậy, tôi cũng thường quên những điều tồi tệ, chỉ những kỷ niệm đẹp mới được ghi lại. Tác giả Tuỳ Tưởng Lục chắc cũng không khác. Không thế, không sống nổi. 

Vậy mà, với Tuỳ Tưởng Lục Ba Kim lại chống cái trí nhớ có lợi cho con người ấy. Trải qua những năm tháng bị dập vùi, ngẫm lại thân phận mình và thân phận đồng bào trong cái xã hội "không thể tưởng tượng nổi," ông kêu gọi mọi người không được quên cái Ác và tội của nó. Quên là chết. Nhớ thì đau đấy, khổ đấy, nhưng phải khắc cốt ghi xương, rằng nó đã có, cái Ác ấy, nó hằng có, lúc tiềm tàng, lúc hiện diện, cho nên phải luôn cảnh giác với nó, để mặc nó lộng hành thì con người không thể nào có được cuộc sống yên lành. Phải chặn đứng cái Ác khi còn chưa muộn, phải trói nó lại, cách ly nó khỏi đời sống, tìm mọi cách tiêu diệt nó. Không thể để lũ ác nhân cứ tự do hoành hành, tác yêu tác quái, rồi bất kể hậu quả là thế nào, chúng cứ nhơn nhơn lớn lối với bàn dân thiên hạ, coi như không có chuyện gì xảy ra, chỉ có mình chúng là duy nhất đúng đắn, là vô cùng sáng suốt: "Thành tích là căn bản, sai lầm là nhất thời." Ðối với lũ ác nhân đội lốt thiên thần dường như cứ đạt được một thành tích nào đó, dù chỉ trong tưởng tượng, thì cái gì cũng được phép. Ðánh người tuỳ thích. Giết người tha hồ. 

Gần ba chục năm đã trôi qua kể từ hạo kiếp của Ba Kim kết thúc. Nhưng ông lúc nào cũng bị dằn vặt bởi câu hỏi: lấy gì bảo đảm rằng vào một lúc nào đó, lại không có một tên nào đó, hoặc vài ba tên nào đó, hoặc cả một lũ một lĩ nào đó, sẽ lặp lại lần nữa, hoặc hơn một lần nữa, cái cuộc thiên hạ đại loạn từng đẩy ông, các bạn ông, và không biết bao nhiêu người Trung Quốc hiền lành vô tội khác, xuống địa ngục? 

Trong một bài nói chuyện với giới văn hoá ở Nhật (trong bài không ghi rõ ngày tháng, nhưng chắc chắn là phải sau 1975), Ba Kim cảnh báo: "Mười năm đại hoạ đó là sự việc lớn trong lịch sử loài người, chẳng những dính líu đến chúng tôi, mà còn dính líu đến tất cả loài người". Nếu Ðại cách mạng văn hoá vô sản không xảy ra ở Trung Quốc ắt phải xảy ra ở một nước nào khác, ông nói thế. 

Ba Kim đúng. Ðúng ở chỗ ông đã nói ra. Nhưng ông cũng sai. Sai ở chỗ ông biết mà không nói hết.

Ðúng là cuộc Ðại cách mạng văn hoá vô sản không phải chỉ là bài học cho một nước. Nó là bài học chung cho cả loài người. Chưa kể những nơi mà nó khơi dậy những tiểu cách mạng văn hoá vô sản như ở Việt Nam và Cambodia. Ở đó những di hoạ khủng khiếp của nó không biết đến bao giờ mới tiệt nọc. Cái họa này lớn hơn ta tưởng nhiều. Nó lớn ở chỗ người trong cuộc không nhận ra nó khủng khiếp tới mức nào, đừng nói gì người ngoài. Mà không phải chỉ ở những nơi nào nó diễn ra mới chịu hậu quả tai hại. Cứ xem châu Âu của truyền thống dân chủ và tự do trong thập niên 60 thế kỷ trước thì thấy. Hồi ấy đã có bao nhiêu trí thức châu Âu hoan hỉ chào mừng những cuộc "vận động" của những "mao-nhiều" Trung Quốc, cứ như thể dưới bóng lá cờ năm sao đang diễn ra một cuộc đổi đời thật sự, biến mọi sự xấu thành tốt. Ðã có bao nhiêu người ở khắp thế giới này hướng về Thiên An Môn với hi vọng được thấy một thế giới mới sẽ từ đó toả ra khắp năm châu bốn biển? Và cho tới hôm nay rải rác đâu đó vẫn còn những "mao ít" mang huy hiệu Mao Trạch Ðông trên ngực, miệng hô: "Cái thế giới này phải cải tạo bằng khẩu súng trường," (2) tay trói du khách đem đi giấu để đòi tiền chuộc. 

Ba Kim sai, ở chỗ nơi "Ðông phương hồng, mặt trời lên, Trung Hoa chúng ta có Mao Trạch Ðông" không phải chỉ có một cuộc Ðại cách mạng văn hoá vô sản. Trước nó đã có hết cuộc "vận động" này đến cuộc "vận động" khác, và như một quy luật, cuộc "vận động" nào cũng kết thúc bằng một địa ngục, không phải cho người này thì người kia. Ai theo dõi tình hình Trung Quốc cận đại cũng biết rằng trước cái đận Ba Kim và các trí thức đi theo đảng cộng sản bị hạ ngục, bị trấn áp, đã có biết bao nhiêu nạn nhân thuộc các thành phần khác: đảng viên Quốc dân đảng, viên chức chính quyền cũ, tư sản, địa chủ... và những người được gọi bằng cái tên chung "phản động." Số người bất hạnh ấy là bao nhiêu không ai biết. Ðảng cộng sản không thống kê. Chẳng ai được quyền thống kê hết. Nhưng không phải vì thế mà Ba Kim được quyền quên những người ấy. Hoặc tảng lờ như họ chưa từng sống trên đời. Họ cũng là người chứ. Chẳng lẽ ông, với tư cách nhà văn, chứng nhân của những gì xảy ra quanh mình, lại có thể phớt lờ một sự thật rành rành rằng ở Trung Quốc mọi cuộc "vận động" "xây" cái này, "chống" cái kia, bao giờ cũng đi kèm với trống rong cờ mở ban đầu và kết thúc thắng lợi với máu chảy, người chết. Lệ là thế. Không thế không phải là cách mạng. Theo đúng lý thuyết của họ Mao. 

Ba Kim được các nhà phê bình văn học bản địa coi là một trong bốn cây đại thụ của nền văn học Trung Quốc (ba người kia là Lỗ Tấn, Mao Thuẫn, Quách Mạt Nhược). Cách đánh giá của họ không có sự đồng thuận ở bên ngoài Trung Quốc. Nhưng đánh giá theo cách nào thì Ba Kim cũng là một nhà văn lớn. Ông tên thật là Lý Nghiêu Ðường, tự Phế Cam, người tỉnh Tứ Xuyên, con nhà giàu có, từng du học Pháp. Năm 23 tuổi, khi còn là học sinh trường trung học La Fontaine ở thị trấn Chateau-Thierry, ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Diệt Vong, được độc giả rất hoan nghênh. Từ năm 1930-1949 ông viết nhiều (Ái Tình Tam Bộ Khúc, Kịch Lưu Tam Bộ Khúc), dịch cũng nhiều. 

Sau năm 1949, sau khi lục địa Trung Hoa hoàn toàn bị nhuộm đỏ, Ba Kim cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ khác, đã đi theo đảng cộng sản. Tự nguyện hoàn toàn. Một lòng một dạ. Với tất cả tâm hồn hướng thiện nồng cháy. Tuy nhiên, Ba Kim viết ít hơn hẳn so với trước. Nhà trí thức Ba Kim không theo kịp (hay đã cố gắng mà không sực nổi) những khẩu hiệu "Quán triệt phương hướng phục vụ công nông binh, phục vụ chủ nghĩa xã hội," "thực hiện phương châm "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng," "Tiến hành phương pháp chủ nghĩa hiện thực cách mạng kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn cách mạng"... Nào có phải chỉ có những khẩu hiệu rổn rảng mà thôi. Theo sau chúng là những cuộc đấu tranh có máu. Nào "Phê phán phim Vũ Huấn" (1951), "Phê phán cuốn 'Nghiên cứu Hồng Lâu Mộng' của Du Bình Bá", "Phê phán quan điểm duy tâm của Hồ Thích" (1954), "Chống tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong" (1955), "Chống phái hữu trên mặt trận văn nghệ" (1957), "Chống "chủ nghĩa xét lại" (1959). Ðây là chỉ nói về các cuộc "vận động" nhằm nện cho trí thức nhừ tử. Chứ còn tư sản, địa chủ thì Mao chủ tịch và các đồng chí của ông ta đã quét sạch sành sanh. 

Tất cả sự tàn nhẫn của đảng cộng sản đối với trí thức, xét cho cùng, chỉ có mục đích bắt họ phải khuất phục đảng vô điều kiện. Nhưng chưa phải thế đã đủ, những cuộc "vận động" kia hoá ra mới chỉ là khúc nhạc dạo cho một cuộc "cách mạng" còn tàn bạo và gớm ghiếc gấp bội. 

Tên của nó là "Ðại cách mạng văn hoá vô sản."

Tháng 8 năm 1966, đùng một cái, Ba Kim rơi xuống địa ngục. 
Ông tả lại: "... Tôi thật giống như một du hồn bị đưa đến 'Thập điện Diêm Vương.' Mỗi chuyện tôi làm trong quá khứ đều bị nêu ra, từng cái một, để bỏ tôi vào vạc dầu mà tra tấn, mà thay xương đổi thịt! Mười bức vẽ đưa vong linh đi qua thập điện Diêm Vương, âm khí thê thảm, máu chảy đầm đìa, không biết mình là người hay là quỷ, là thú vật hay hồn ma, xuống âm ty hay đã xuống địa ngục rồi. Bấy giờ Tiêu San (3) còn sống, sáng dậy tôi mở mắt, nghe tiếng nàng, tôi gọi thì nàng nói: 'Không sống nổi nữa!'" (Tuỳ Tưởng Lục).

Nói đùng một cái, là vì Ba Kim đang sống yên lành, hơn nữa, còn hữu hảo lắm lắm với chính quyền cộng sản, vào thời điểm ấy ông còn là cán bộ cấp cao về văn nghệ nữa kia; ấy thế mà một hôm vừa mới đi tiễn các nhà văn Á-Phi ở sân bay về đến nhà thì gặp người của cách mạng ập tới, túm lấy, trói tay giải đi. Úm ba la, Ba Kim – nhà văn cộng sản chính tông - trở thành "đối tượng của chuyên chính vô sản." "Ðối tượng," chữ ấy thoạt nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, một khái niệm vô cảm, nhưng nghĩa của nó trong thực tiễn xã hội chủ nghĩa kinh khủng lắm, chỉ người trong cuộc mới hiểu. Nó có nghĩa nôm na là "kẻ thù." Không phải chỉ đơn giản là kẻ thù giai cấp được định nghĩa trong các tác phẩm kinh điển mác-xít, nhiều nhất là trong các trước tác của Stalin, Mao Trạch Ðông, không phải thế. Thứ kẻ thù này luôn được đặt trước câu hỏi thách thức "ai thắng ai?", để mà tiêu diệt không thương sót. Trong xã hội xã hội chủ nghĩa (viết hoa) ai cũng có thể trở thành "kẻ thù" hết. Mà đã là kẻ thù thì còn cái gì tốt đẹp, vui vẻ, chờ đợi họ trên con đường khổ ải đã trở thành quen thuộc đối với dân đen. Nhất là dân đen ở nước Trung Hoa đỏ. Ở nước này cũng biết mỗi khi có một cuộc "vận động cách mạng" (lần thứ n trong lịch sử) là y như rằng các "đối tượng" của cách mạng (hay của chuyên chính vô sản thì cũng rứa) sẽ được "xử lý" như thế nào.

Nhà văn Ba Kim hiền lành không dám chống lại đảng cộng sản thậm chí cả trong ý nghĩ, bất thình lình bị đảng ném vào cái đống lúc nhúc đủ mọi thứ "kẻ thù của cách mạng." Ông bị mang đi đấu khắp nơi, từ thấp đến cao, lúc "bồi đấu", lúc "dạo đấu," (4) lúc "chính đấu", đủ kiểu. Nhà ở của ông bị lục lọi khám xét lanh tanh bành, đồ đạc bị cướp thả cửa..., bản thân bị đưa đi học tập (Ba Kim gọi là làm "bò", lao động cải tạo ở "trường 7.5" (5) ). Bởi vì Ba Kim có tội, theo quan niệm của cách mạng, của đảng cộng sản, hay nói cho đúng hơn, của một số "ông bà" cách mạng (than ôi, chẳng bao lâu sau những ông bà cách mạng này lại bị các ông bà cách mạng khác vạch mặt chỉ tên rằng đó là một "bè lũ" những kẻ xấu). Tội của Ba Kim không hề được tòa án nào tuyên. Mấy ông bà cách mạng nắm Ðảng cộng sản lúc ấy bảo: Ba Kim là "tên đại phản cách mạng." Thế là đủ. Bói ra ma, quét nhà ra rác, trường hợp của ông cũng không khác gì của các nhà văn khác, những gì Ba Kim viết hôm trước được khen, hôm sau bị chửi, bị lên án "tiếp tay cho kẻ thù của cách mạng." 

Trong các văn kiện nói về cuộc trấn áp rùng rợn này, đảng cộng sản Trung Quốc ra một khẩu hiệu sắt máu: "Ðánh gục tại chỗ, lấy chân đạp xuống, suốt đời không cho ngóc đầu dậy!"

Ở miền Bắc Việt Nam hồi ấy chẳng ai biết "Ðại cách mạng văn hoá vô sản" là cái chi chi hết, trừ những bài ca ngợi nó, tít chữ to, in màu đỏ đậm, trên trang nhất tờ Nhân Dân. Trong những cuộc nói chuyện "nội bộ," các lãnh tụ lớn lãnh tụ bé ra sức ca ngợi cuộc "Ðại cách mạng văn hoá vô sản" do chính Mao chủ tịch vĩ đại đích thân chỉ đạo. Trong thời gian bắt đầu cuộc "Ðại cách mạng văn hoá vô sản," Mao chủ tịch phu nhân là Giang Thanh có lần bay sang Hà Nội với tư cách khách riêng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà khách hách dịch này nằng nặc đòi xem trước những bài xã luận báo Nhân Dân, tự mình sửa từng chữ từng câu, rồi mới gửi trả lại cho toà soạn đưa đi in. Cầm trong tay những số báo ca tụng "Ðại cách mạng văn hoá vô sản," người đọc giật mình thon thót, toát mồ hôi hột: liệu ở bên ta rồi có sẽ có cái "cách mạng" kiểu đó không? Mấy ông kễnh bên ta dám động cỡn lên làm một cái gì đó theo chân các Con Trời lắm. Nước Tàu ở gần ta quá, mà các ông kễnh của ta lại xính bắt chước. Cứ nghe các ông ấy nói thì cuộc "Ðại cách mạng văn hoá vô sản" ở bên Tàu hay lắm, rằng cuộc sống sẽ ngày một tốt đẹp hơn là nhờ vào nó đấy. Cứ như thể không có cách mạng thì người ta ăn cám cả. 

Ờ, người ta nói, tốt hơn thì... tốt thôi. Miễn đừng có khởi lên một cuộc "đấu tranh" long trời lở đất như cải cách ruộng đất. Kinh nghiệm sống trong quốc gia xã hội chủ nghĩa cho người ta biết phàm đã "đấu tranh" là y như rằng xã hội lộn tùng phèo, đầu chẳng phải phải tai, lành ít dữ nhiều, loạn xị bát nháo, kinh lắm. Các lãnh tụ quyền sinh quyền sát mà khởi lên cái sự "đấu tranh" thì họ có lợi, chứ dân đen chỉ có nước chết, biết "tránh đâu"? 

Nhưng những tin vỉa hè, bây giờ được dân gian gọi bằng một cái tên hiện đại, mà rất trúng, là Thông tấn xã nhân dân, cho biết ở bên Tàu chẳng có cách mạng cách miếc gì hết, mà đang có một cuộc "thiên hạ đại loạn" với những tiểu tướng Hồng vệ binh hung hăng đập phá, bắt bớ, và cả giết chóc nữa. 

Bắc Kinh mà đã báo mưa thì vua quan ở Hà Nội đi ô, bà con hãy cẩn thận! 

Nhưng than ôi, đã ở trong vòng kiềm toả của đảng cộng sản rồi thì có cẩn thận cũng bằng thừa. 

Thật vậy, chẳng bao lâu sau sự khởi đầu "Ðại cách mạng văn hoá vô sản," Lê Duẩn - hoàng đế tân triều ở nước ta, ngồi trên ngai vàng vẫn chưa quên việc bẻ ghi đường sắt, ra lệnh phát động ngay tắp lự một cuộc trấn áp bọn phản cách mạng, theo hình mẫu Trung Quốc, gọi là "bọn xét lại chống Ðảng." 

Thế là tôi vào tù. Cùng với vô số người khác. 

Trong cuộc sống trong xà lim kín như bưng kéo dài hơn bốn năm, tôi không biết việc gì đang xảy ra bên ngoài bốn bức tường, nói gì đến những việc xảy ra ở tận bên Tàu. Ðến lúc được đưa ra trại chung mới được nghe sơ sơ về cái cuộc cách mạng long trời lở đất ấy. Những người Trung Hoa từ đại lục chạy qua, bị bỏ tù bởi nước chư hầu của Thiên triều, tránh không kể kỹ. Không phải vì họ sợ, đã ở trong nhà tù Việt Nam rồi còn quái gì mà sợ, nhưng họ ngán nhắc tới những kỷ niệm hãi hùng. Còn tôi thì nghe cái sự kể sơ sơ ấy đã dựng tóc gáy. Còn khiếp hơn những chuyện kinh dị đọc trong sách nhiều. Mạng người như mạng ngoé, có khi còn rẻ hơn. Dân thường còn thế, chắc trí thức Trung Quốc khốn khổ lắm. 

Ðến những năm 1979-1980 khi cái răng Trung Quốc đùng đùng cắn môi Việt Nam một cái rõ đau, các nhà lãnh đạo Việt Nam coi Trung Quốc là kẻ thù số một số hai rồi, tôi mới được đọc lác đác vài cuốn sách bôi xấu những nhà lãnh đạo một thời của Thiên triều, đại loại như Hồng Ðô Nữ Hoàng (Giang Thanh), những chuyện thâm cung bí sử có liên quan tới Mao Trạch Ðông, Lưu Thiếu Kỳ, Bành Chân, Diệp Kiếm Anh, Hạ Long, Bành Ðức Hoài, Chu Ân Lai...

Nhưng mãi đến bây giờ, ba chục năm sau đó, qua Tuỳ Tưởng Lục tôi mới được biết cái ngày "hội cách mạng" ở Trung Quốc đã diễn ra với giới trí thức như thế nào? 

Tôi tin Ba Kim nói thật trong những gì ông viết về "Ðại cách mạng văn hoá vô sản." Tôi tin rằng ông không bịa thêm, như thường thấy trong những hồi ký tố khổ. Nhưng tôi cũng tin rằng ông đã nói ít hơn những điều ông biết và có thể kể lại. Có thể cảm thông với ông, ông không thể nói đủ, nói hết. Một phần là do sợ hãi (sợ hãi là một thành tố của tính người xã hội chủ nghĩa, không có nó không có con người xã hội chủ nghĩa). Phần khác do mặc cảm tội lỗi: xét cho cùng, Ba Kim đâu có hoàn toàn vô can trong những điều tồi tệ đã diễn ra? 

"Ðại cách mạng văn hoá vô sản," theo lời tả của Ba Kim, bắt đầu một cách ào ạt, rầm rộ, với trống rong cờ mở, thanh la não bạt; hào hùng lắm, khí thế lắm. Trong không khí sôi động ấy, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, hoạ sĩ... , nói tóm lại, tất tần tật các văn nghệ sĩ, các nhà trí thức, lần lượt bị phái "tạo phản" (một tên gọi phái cực tả hồi ấy) điểm mặt, lôi ra. Họ bị buộc đủ các thứ tội đối với cách mạng, từ khinh thị công nông, nói xấu Ðảng, nói xấu lãnh tụ, xuyên tạc chủ nghĩa Mác, bôi nhọ chế độ, đến phản cách mạng, bán nước... Họ là đều là "hoa dại," là "cỏ độc" hết, tuốt tuột. Phái "tạo phản" la hét đầu đường cuối phố: "Phải quét sạch, phải nhổ tận rễ mọi thứ hoa dại cỏ độc." Quần chúng, như đàn cừu Panurge, ào ào theo sau, xông vào nhà những người bị đấu, lôi họ ra đường, bắt họ đội "mũ cao" (một hình thức nhục mạ), nhổ bọt vào mặt họ, ném đá vào người họ, hô to những khẩu hiệu đòi tiêu diệt họ. Và xông vào nhà bọn hoa dại cỏ độc mà ăn cướp, ăn cướp thực sự, theo nghĩa đen. 

Ba Kim tả: "Tôi bỗng trở thành 'ác bá văn chương,' (6) thành 'yêu ma quỷ quái,' thường xuyên bị lôi ra phê đấu. Về sau do 'lũ bốn tên,' qua quyết định của sáu người có trách nhiệm ở Thượng Hải là Vương Hồng Văn, Mã Thiên Thuỷ, Từ Cảnh Hiền... đánh tôi thành 'tên phản cách mạng không đội mũ cao' đuổi tôi ra khỏi giới văn nghệ. Phái 'tạo phản' và tay chân của 'lũ bốn tên' dán lên mấy nghìn tờ báo chữ to (đại tự báo) về tôi, thậm chí còn dán biểu ngữ ngay trên đường cái nói tôi là 'quân bán nước,' 'phản cách mạng,' cho tôi là thối tha. Trương Xuân Kiều tuyên bố công khai không cho tôi sáng tác nữa." (Tôi Và Văn Học). "Nghĩ lại những ngày ấy... tôi vẫn rùng mình rởn gáy. Tôi cảm thấy rành rành rằng tấm lưới xung quanh tôi ngày càng thít lại, mỗi tuần lễ một ghê gớm hơn"..."Nực cười là tôi cũng cho nhân quyền là thứ của giai cấp tư sản, còn hạng 'yêu ma quỷ quái' như chúng tôi không có tư cách hưởng những thứ ấy. Lúc đó sống một ngày dài bằng cả năm, còn bụng dạ nào mà cười? (Về Nói Thật. Bài Thứ Ba). "Tôi không giấu là nhiều lần tôi bị phái 'tạo phản' lôi lên bục bắt 'ngồi máy bay phản lực'; tôi cúi đầu nhận tội, diễn đủ các trò hề! Có lần, tôi và một ông bạn nhà văn già phải quỳ trên sàn hội trường phân hội Liên hiệp các nhà văn để tiếp thu những lời phê phán 'phần tử cuồng loạn' của bọn học sinh "cách mạng." (Vô Ðề)

Không phải chỉ có Ba Kim bị hạ nhục. Vào thời kỳ đen tối ấy những công thần của cách mạng như Lưu Thiếu Kỳ, Trần Nghị, Ðặng Tiểu Bình, Chu Ðức, Bành Ðức Hoài, Trần Vân... cũng phải gục đầu quỳ gối trước các tiểu tướng Hồng vệ binh. 

Nhưng đó là những nhà chính trị. Họ có thể chịu nhục nhiều, và nhiều lần, hết ra lại vào Trung Nam Hải, miễn thực hiện được mục đích. Trí thức không giống họ. Trí thức là những người không có da dầy, rất mẫn cảm với mọi tác động từ bên ngoài. Cách mạng vô sản chưa kịp tiêu diệt họ thì nhiều người trong bọn họ đã tự diệt mình rồi. Ba Kim kể: "Dĩ Quần (7) là người thứ nhất. Nghe nói, anh nhảy lầu ngày mồng hai tháng tám, nhưng cho đến hôm nay (8) tôi vẫn chưa biết rõ anh bị bức phải nhảy lầu như thế nào. Tôi chỉ biết anh bị người ta bức tử với tội 'không cần có chứng cứ'... "Dĩ Quần chết một tuần rồi tôi mới hay tin, còn như Lão Xá 'vỡ ngọc' (9) thì một thời gian lâu sau khi ông tự sát." Những người tự sát chưa chắc đã là những người hèn nhát. Phó Lôi, một người bạn mà Ba Kim mến phục, giải thích cái chết của bạn bè, và của chính mình, bằng câu: "Kẻ sĩ, có thể giết, không thể làm nhục." Sau Dĩ Quần, Lão Xá, Ba Kim được tin Trần Ðồng Sinh, Kim Trọng Hoa... "họ ở rất gần nhà tôi, thế mà tôi không biết họ chết vào lúc nào. Kim Trọng Hoa lặng lẽ treo cổ trong phòng, bà mẹ tám mươi chỉ nghe tiếng ghế đổ... Trần Ðồng Sinh, thì nghe nói chết nằm vắt trên bếp ga, do đó người ta đoán anh tự tử. Nhưng anh đang ở trong thời kỳ 'cách ly kiểm tra' mà, làm sao có thể mở bếp ga được?" (10) (Hai Mươi Năm Trước). Cù Bạch Âm chỉ vì một bài "Tự bạch về đi tìm cái mới" mà "chịu đủ mọi nỗi giày vò như ở địa ngục," kết thúc bằng cái chết bi thảm (Tìm Tòi). 

Ba Kim viết: "Trong Văn Cách (11) , những trí thức bị chết oan đâu chỉ có hàng ngàn, hàng vạn. Họ nêu cao tấm gương phê phán cái triết lý 'hãy cứu lấy mạng sống.' Tôi nhớ thời chống phái hữu (12) , tôi có viết một bài báo bác lại luận điệu 'không thể làm nhục' để đập tan bộ mặt kiểu cách của các nhà trí thức. Viết bài đó kỳ thực là tôi 'cứu lấy mạng sống của tôi' " (13) (Hai Mươi Năm Trước). 

Những trí thức tìm đến cái chết nhiều phần vì không chịu bị làm nhục, bị dày vò quá sức chịu đựng về thể xác. Trong gia đình Ba Kim, chính ông bị bắt bắt quỳ hằng giờ trên sàn đấu, bắt "đi máy bay phản lực," (14) Tiêu San, vợ ông, bị bọn "tạo phản" quất dây da bịt đồng vào mặt, hành hạ bà đủ trò trước khi bà nhắm mắt vì bệnh ung thư (tháng 7.1972). Con cái Ba Kim bị đẩy đi công tác nông thôn, ở tít tắp những nơi gọi là vùng sâu vùng xa. Gia đình nào vướng vào vòng Ðại cách mạng văn hoá vô sản thì số phận cũng tương tự như vậy. "Tôi nghe người con dâu đồng chí Chu Tín Phương kể lại: bà Chu trước khi mất thường bị bọn đầu gấu lôi ra làm quả bóng xô đi đẩy lại, đến nỗi mình mẩy mềm nhũn. Có người khuyên bà trốn đi, bà nói: "Tôi mà trốn đi thì chúng nó lại hành hạ ông nhà tôi như thế thôi mà" (Thương Nhớ Tiêu San). Nhà văn nổi tiếng Lão Xá cũng bị đánh cho tơi tả, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, không hề nương nhẹ với kẻ chân yếu tay mềm. Vợ Lão Xá kể: "Tôi không thể nào quên được trong đêm khuya đã tự mình lấy bông thấm nước, lau từng chút một những vết máu trên đầu, trên mình người thân của tôi như thế nào, mà không rõ chuyện này ở đâu, tại sao lại ra nông nỗi ấy... " (Lão Xá).

Ðến như thân sinh nhà văn Giả Bình Ao (mới nổi tiếng sau này), chỉ là một thầy giáo làng (một trí thức cấp thôn xã) thôi, không biết cứng đầu thế nào mà cũng bị trấn áp, gia đình tan nát. Giả Bình Ao cho một nhân vật của ông kể về những ngày ấy: "Ba năm trước, nổi lên một cơn gió, phải học tập Tiểu Cận Trang, kéo hết người ở ngoài đồng về, suốt ngày môi đỏ răng trắng nói a, hát a. Anh nhà tôi cáu kỉnh nói trước hội nghị xã viên: 'Nông dân mình bới đất kiếm cơm, khua môi múa mép làm gì? Ăn ngũ cốc không tiêu được hay sao mà bày ra cái trò vớ vẩn ấy,' hôm sau liền bị bắt. Trong trại giam họ đánh đập anh ấy, đánh gãy cả chân, vết thương bị nhiễm trùng, rồi anh ấy chết." Trong chuyện, người vợ kiên trì minh oan cho chồng, rốt cuộc bị các quan cấp xã cấp huyện trù dập, bị xã trưởng hiếp, tự tử mà chết. 

Ðấy là cái mà cách mạng vô sản mang đến cho trí thức, lớn cũng như bé. Sau này, mọi tội do Ðảng cộng sản gây ra trong Ðại cách mạng văn hoá vô sản đều được vẫn cái đảng cộng sản ấy đổ tuốt tuột vào cái thùng rác tiện lợi là phái "tạo phản." 

Nhưng không phải mọi trí thức đều tuẫn tiết. Phần lớn trí thức không làm thế. Không phải họ không có dũng khí. Cũng không phải họ không biết chán chường. Một trong những lý do khiến họ phải cố gắng sống sót là họ đã ăn phải "cháo lú" (từ của Ba Kim).
Ba Kim tâm sự: "Những ngày ấy, cuộc sống ấy, quan hệ ấy giữa con người và con người, thật là đen tối quá chừng, giống như đang chịu tội giữa địa ngục vậy. Tôi lấy làm lạ, bấy giờ tôi đã ăn cháo lú gì mà có thể giơ hai tay lên, hô to đả đảo mình, cam lòng nhận tội, để cho kẻ khác tước đoạt quyền làm người của mình". "Không phải là tôi đang nói mê. Năm 1966 quả thực tôi đã làm thế. Cháo lú đã làm tôi mê suốt mười năm. Năm 1983, nó lại định đưa tôi vào cảnh mộng một lần nữa, nhưng cái phép quỷ quái quen thuộc đã mất tác dụng làm cho tôi lú lẫn lần nữa" (Hai Mươi Năm Trước). 

Sao mà giống những gì xảy ra ở Bắc Việt Nam đến thế! Hãy nhớ lại thời kỳ cải cách ruộng đất mà xem. Có phải là như thế không?

Nói cho đúng, sao mà Bắc Việt Nam giống Trung Quốc đến thế!

Ở Việt Nam, trong những cuộc chỉnh huấn bắt đầu từ năm 1950 (sau khi biên giới Việt Trung được khai thông) và kéo dài nhiều thập niên sau, cứ thỉnh thoảng lại nổi lên một đợt, hiện tượng ăn phải "cháo lú" cũng y hệt ở Trung Quốc. Người ta tự hành hạ mình bằng cách tự kiểm thảo, không phải là nhìn lại quá khứ để rút kinh nghiệm, mà là tự nói ra những khuyết điểm trước Ðảng, có nghĩa là trước cấp trên, theo cách biểu diễn, bằng một sự thành khẩn không thể tin được, tức là thổi phồng những khuyết điểm ấy càng lớn càng tốt, rồi tự xỉ vả bằng những lời lẽ xúc phạm nặng nề nhất, thậm chí bịa đặt ra những tội lỗi mình không hề có, tự mình đả đảo mình (cũng giống như Ba Kim ở Trung Quốc). Ði xem phim Bạch Mao Nữ (Cô Gái Tóc Trắng), người ta bắn lên màn ảnh khi thấy hình tên địa chủ xuất hiện. Ði xem kịch người ta ném đá vào diễn viên đóng vai cường hào. Tất cả những cái đó được nhập cảng ồ ạt từ Trung Quốc đỏ. Thứ "cháo lú" này tôi đã được thấy tác dụng của nó như thế nào. Khi một đám đông đã ăn phải "cháo lú" tức thì xuất hiện sự "lên đồng tập thể." Con người bỗng chốc mất hết tính người, tính thú nổi lên. Cuộc tổng đàn áp, tổng giết chóc, không cần tới tay những người cộng sản nữa, dân chúng tự giết lẫn nhau là đủ. 

Nhưng cũng lại phải nói cho công bằng, về đại thể, mức độ tàn bạo của những cuộc "vận động" cách mạng do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo quả có thấp hơn ở Trung Quốc nhiều, quy mô quả có hẹp hơn nhiều. Ðơn giản vì Bắc Việt Nam là nước nhỏ, cái gì ở đó cũng chỉ "tiểu" thôi, chứ không thể "đại" (ở Trung Quốc đã Nhảy Vọt rồi người ta cũng phải thêm Ðại vào cơ, cho nó oách). 

Khốn thay, số phận con người thì ai cũng như ai, cách mạng đại hay cách mạng tiểu thì cũng thế, mỗi con người chỉ có vỏn vẹn một cuộc đời để mà sống, người Trung Quốc cũng y như người Việt Nam, chẳng có gì khác nhau. Bi kịch cho một con người lớn chẳng kém bi kịch của số đông chút nào, có khi còn lớn hơn. Bởi một con người là cái cụ thể, cái thấy được, cái biết được, rõ ràng hơn bất kỳ con số thống kê nào. Có người sẽ bảo: dân Trung Quốc hơn một tỉ, Ðại cách mạng văn hoá vô sản có làm chết đến mươi triệu không mà rộn? Mà có chết mươi triệu hay hơn nữa thì cũng chưa tới một phần trăm cơ mà. Xin thưa: một con người ở trong con số một triệu, hay mười triệu, vẫn là một người như tôi với ông đây này, có vợ có con, có mẹ có cha, có bằng hữu, có thân thuộc, có niềm vui nỗi buồn, có đau thương, có hạnh phúc..., có tất cả những gì thuộc về con người "không xa lạ với tôi," nói theo cách của Mác. 

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét